Thông cáo HĐGM Việt Nam về việc tôn kính Tổ Tiên được soạn thảo trong khóa họp của các Giám Mục Miền Nam Việt Nam tại Đà Lạt từ ngày 12 đến ngày 14 tháng Sáu năm 1965. Huấn thị Plane compertum est (Đức Thánh Cha Piô XII công bố ngày 08/12/1939) được HĐGM áp dụng cụ thể vào việc tôn kính Tổ Tiên đối với người Công Giáo tại Việt Nam. Tòa Thánh chính thức chấp thuận ngày 20 tháng 10 năm 1964.
Thông cáo tôn kính Tổ Tiên vừa hợp với tâm nguyện của tín hữu tại Việt Nam vừa hợp với đường hướng của Công Đồng Vaticanô II là muốn khẳng định vai trò tích cực của “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” qua việc “đối thoại với các nền văn hóa nhân loại cũng như với các tôn giáo ngoài Kitô giáo”.
Các Giám Mục Việt Nam với tư cách thầy dạy đức tin đã đi tiên phong trong việc áp dụng giới răn yêu người và thảo kính cha mẹ vào hoàn cảnh cụ thể tại Việt Nam.
Gần một thập niên sau đó, nền móng này được củng cố thêm nhờ vào văn thư của các Đấng Bản Quyền tại Miền Nam Việt Nam đề ngày 14/11/1974, quy định thực hành một số việc cụ thể để tôn kính Tổ Tiên, như : cho phép lập bàn thờ Ông Bà được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình; thắp hương và vái trước di ảnh Tổ Tiên; tổ chức ngày giỗ; cho phép con dâu và con rể trong hôn lễ được làm lễ Gia Tiên; chấp thuận việc thắp hương và cúi mình trước thi hài người quá cố để tỏ lòng kính cẩn; ngoài ra còn cho phép “được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng”. Trải qua quãng thời gian gần 30 năm, Giáo Hội Việt Nam mới có được kết quả mỹ mãn. Ngày 07 tháng 01 năm 1994, Tòa Thánh chấp nhận tạm thời bản văn Tiếng Việt các thánh lễ riêng tại Việt Nam, như : Thánh lễ Tất Niên và Tân Niên âm lịch, Thánh lễ dịp Tết Trung Thu cho thiếu nhi và Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. (x.Tìm hiểu thông cáo HĐGM Việt Nam về việc tôn kính Tổ Tiên, Lm Giuse Vũ Tiến Tặng).
Thông cáo tôn kính Tổ Tiên xác định 6 điểm quan trọng:
– Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình miễn là trên bàn thờ không bày biện gì mê tín dị đoan như hồn bạch.
– Việc đốt hương nhang đèn nến trên bàn thờ gia tiên và bái lạy trước bàn thờ gia tiên là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính được phép làm.
– Ngày giỗ được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ mê tín dị đoan.
– Trong hôn lễ, dâu rễ được làm lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn hiếu kính trình diện với ông bà.
– Trong tang lễ được vái lạy, đốt nến xông hương trước thi hài người quá cố để tỏ lòng tôn kính người đã khuất.
– Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thần hoàng để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị có công với dân tộc, ân nhân của dân làng.
Các nhà nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam đều nhất trí cho rằng người Việt Nam, ngoài Kitô giáo, còn có một tôn giáo tổng hợp ba đạo: Đạo Lão, Đạo Khổng và Đạo Phật. Đó là tam giáo hoà đồng. Một cách giản lược có thể nói rằng :
– Về phương diện đạo lý người ta theo Phật giáo mà tiêu biểu nhất là tin vào thuyết nhân quả và hệ luỵ của nó là thuyết luân hồi hay gọi chung là thuyết luân hồi nghiệp báo.
– Về phương diện đạo đức, người ta theo Khổng giáo lấy tam cương ngũ thường cho căn bản đời sống xã hội.
-Trong thực hành tôn giáo cũng như những tục lệ, người ta chịu ảnh hưởng của Lão giáo.
Ngoài những yếu tố tam giáo, mỗi người Việt Nam còn có một cái đạo rất gần gũi và cơ bản nhất: đó là Đạo Ông Bà. Nói tới Đạo Ông Bà trước tiên là nghĩ ngay đến bàn thờ tổ tiên, tới cúng giỗ và tất cả những thực hành diễn ra ngay trong nơi sinh sống hàng ngày tại gia đình chứ không phải trong đình chùa hay thánh thất. Điều người ta lo lắng là phải có kẻ nối dõi tông đường, lo việc cúng giỗ. Điều mà người ta lo sợ khi nhắm mắt lìa đời là gặp cảnh hương khói vắng lạnh “triệu người thân có mấy người quen? khi lìa trần có mấy người đưa?” (Vũ Thành An).
Mỗi gia đình dù nghèo khổ đến đâu cũng dành một chỗ riêng, thường là chỗ trang trọng nhất làm bàn thờ tổ tiên ông bà. Cái linh thiêng như vậy rất gần gũi, thân thương “đạo bất viễn nhân”. Một tấm lòng thành kính và tâm tình biết ơn những bậc sinh thành. Đạo Ông Bà tiếp nối Đạo Hiếu. Tổ tiên ông bà cha mẹ không chết nhưng là khuất núi, là khuất bóng, là sang bên kia thế giới, là xuống suối vàng, là quy tiên chầu trời. Vì tổ tiên ông bà không mất hoàn toàn hiện hữu nhưng vẫn còn hiện diện đâu đó nên phải lo sao cho trọn đạo với các ngài. "Sự tử như sự sinh", phải đối xử với các ngài như khi các ngài còn sống hay nói đúng hơn như các ngài vẫn sống. Bởi thế mà có việc cúng bái "Sống Tết chết giỗ". Giỗ đây là một cách tết ông bà tổ tiên. Bởi đó người Việt Nam bao giờ cũng đi thăm mồ mả ông bà cha mẹ vào dịp giỗ, dịp Tết Nguyên Đán. Bao người đi xa cũng về với gia đình. Con cháu đi mừng thọ, dâng lễ vật cho ông bà cha mẹ.
Người Việt Nam cho rằng con người chỉ thực sự hạnh phúc khi cùng chia sẻ hạnh phúc đó với những người thân yêu nhất của mình. Bởi vì kinh nghiệm ở đời này cho thấy con người chỉ được hạnh phúc trong một gia đình hoà thuận đầm ấm. Quan niệm "Đa tử đa tôn đa phú quý" một gia đình đông con nhiều cháu là phúc lộc trời ban cho, đó là một truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam chúng ta.
Người Việt Nam cũng nặng tình với nơi chôn nhau cắt rốn, "Sống chết có nhau". Vì thế kẻ sống người chết tuy có khuất hình khuất bóng nhưng không xa cách mà vẫn hiện diện bên nhau trong yêu thương tưởng nhớ và trong những hành vi tôn kính cụ thể. Đặt một bức ảnh trên bàn thờ, sắp một đĩa trái cây, thắp một nén nhang, những cử chỉ đó chưa phải là đã có tính cách tôn giáo theo quan niệm của Tây phương nhưng đó lại là bước đầu của tôn giáo. Niềm tin và cử chỉ ấy đặt con ngưởi vào trong tương quan với cái bên kia của cuộc đời.
Nền tảng của Đức Hiếu Thảo là " Muôn vật gốc ở Trời, con người gốc ở Tổ " , " Hiếu là cái gốc của Đức". Người ta có một trăm nết nhưng hàng đầu là hiếu. Chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất trung, cũng như chưa từng có người hiếu thảo nào lại bất nhân.
Cốt tuỷ của Hiếu là phải bắt đầu bằng: Tôn kính cha mẹ lúc còn sống.Thờ phụng cha mẹ khi các ngài qua đời. Biết ơn cha mẹ phải được nói lên bằng đạo hạnh, bằng thờ cúng tổ tiên. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng, là phẩm chất tối cao của con người. Càng có địa vị cao càng phải Đại Hiếu. Người lãnh đạo mà bất hiếu thì làm sao có ân nghĩa với ai !
Khởi đi từ tâm thức Đạo Hiếu của người Việt Nam, các nhà truyền giáo đã hội nhập văn hoá, mang Tin mừng của Chúa thấm nhập vào cuộc sống. Đạo Hiếu gần gũi với Đạo Chúa biết bao.
Người Kitô hữu càng phải sống Đạo Hiếu hơn vì điều răn thứ bốn đã dạy: Hãy thảo kính cha mẹ. Chính Chúa Giêsu đã hai lần trưng dẫn và xác nhận điều răn này.Thảo kính cha mẹ là do mầu nhiệm sự sống.Cha mẹ là người cộng tác với Thiên Chúa trong mầu nhiệm này và cha mẹ có trách nhiệm quan trọng về con cái trước mặt Chúa.
Tinh thần kính trọng bên trong cần phải được diễn tả qua những cử chỉ bên ngoài.Nhiều người con tỏ ra xấu hổ về cha mẹ mình, phủ nhận cha mẹ mình chỉ vì họ nghèo hèn. Có khi còn dùng lời lẽ xúc phạm để nói với cha mẹ, đối xử với cha mẹ cách khinh miệt như đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để rảnh nợ tang bồng. Chống lại cha mẹ đó là tội bất hiếu. Nuôi dưỡng cha mẹ mới chỉ là yêu cầu tối thiểu của đạo làm con. Vậy mà đã có nhiều gia đình nạnh nhau hoặc suy bì thiệt hơn với nhau. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có một gia đình có bốn anh em trai đều đã yên bề gia thất, người cha già vẫn còn sống. Vì nạnh nhau nên chẳng có người con nào chịu nuôi cha. Cuối cùng họ thống nhất là mỗi người nuôi cha trong ba tháng và trước khi chuyển giao cho người kế tiếp phải đem cha ra cân, nếu sụt cân thì người sau sẽ không nhận. Có một anh do nuôi cha một cách thơ bơ thất bất nên biết khi chuyển giao sẽ thiếu cân nên anh ta đã giở trò ma giáo là ấy miếng chì giấu vào mình cha cho đủ cân. Hoặc chuyện mỗi đứa con nuôi cha mẹ trong một tháng, nhưng ngặt nỗi tháng có 30, tháng có 31 ngày nên tháng có ngày thứ 31 cha mẹ phải ra đứng ngoài đường. Dân gian thường nói “cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”; “ Một mẹ nuôi nổi chín, mười con, chín mười con không nuôi nổi một mẹ”. Sách Đức Huấn Ca đề cao đức hiếu thảo: “ Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình sẽ được vui mừng trong con cái. Khi cầu xin người ấy được nhậm lời. Ai thảo kính cha mẹ sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha sẽ làm vui lòng mẹ. Hỡi kẻ làm con hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người, khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng chớ đành khinh dễ người. Vì của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng, của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi và xây dựng đức công chính của ngươi”. Thánh Phaolô nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).
Lời Tiền Tụng lễ Mồng Hai Tết, thật cảm động, nói đến công ơn các bậc sinh thành : “Khi ngắm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên : chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng nhờ ơn Cha mạc khải chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng ban cho các ngài ân huệ dư đầy, để chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng sự Cha”.
Ngày Mồng Hai Tết, Giáo hội mời gọi con cái mình kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ, sống Đạo Hiếu.Tình yêu của con cháu đối với ông bà cha mẹ phải là một tình yêu mang sắc thái của lòng biết ơn. Mỗi người con trong gia đình sống vâng phục, yêu mến, biết ơn cha mẹ sẽ tạo nên sự ấm êm cũng như nâng cao thanh danh của gia đình. Các giáo xứ tổ chức tặng quà chúc thọ các cụ ông, cụ bà trong thánh lễ Mồng Hai Tết, điều này thật ý nghĩa, có giá trị giáo dục con cháu sống hiếu thảo.Thánh lễ cũng được cử hành nơi nghĩa trang giáo xứ ngày Mồng Hai Tết. Người sống, kẻ chết gặp nhau trong yêu thương tưởng nhớ trong mầu nhiệm hiệp thông của Giáo hội. Thế giới của người sống và người chết không còn ngăn cách nữa nhưng trở nên gần gũi, được nối kết với nhau trong cõi linh thiêng. Như thế “người chết nối linh thiêng vào đời và nụ cười nở trên môi”. Qua chính những nghĩa cử này, hình ảnh của người thân sống lại, người còn sống nói chuyện với người đã khuất như là hai người còn sống đang nói chuyện với nhau.
Chính từ cha mẹ tổ tiên ông bà mà người Việt Nam có thể và đi xa hơn, lên cao hơn tới chốn trời cao siêu nhiên huyền bí của cõi linh thiêng của thần thánh. Từ đó tìm đến với Đấng là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất.
Đạo Ông Bà, Đạo Hiếu không những chẳng đối nghịch, chẳng cản trở đối với Đạo Thiên Chúa mà còn là một điểm tựa, một bước khởi đầu thuận lợi, một lối đi dễ dàng và gần gũi nhất có thể đưa con người đi vào Đạo Thiên Chúa.
Tình yêu và lòng yêu mến biết ơn đối với ông bà cha mẹ càng làm cho người tín hữu hướng về Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Views: 0