Buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Tòan Quốc (The National Prayer Breakfast) là biến cố hàng năm được tổ chức ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào thứ năm đầu tiên của tháng Hai. Vốn khởi đầu từ năm 1953, nhưng từ thập niên 1980, nó mới được tổ chức hàng năm tại khách sạn Washington Hilton, thường gồm 3,500 khách mời, trong đó, nhiều khách mời đến từ 100 quốc gia khác nhau.
Buổi Điểm Tâm đặt dưới sự chủ tọa của các thành viên quốc hội Hoa Kỳ và do The Fellowship Foundation, một tổ chức lấy Chúa Kitô làm tâm điểm, đứng ra tổ chức. Trước 1970, nó được gọi là Buổi Điểm Tâm Cầu Nguyện Với Tổng Thống (the Presidential Prayer Breakfast).
Xem thế, đủ biết Buổi Điểm Tâm này chú trọng tới các TT Hoa Kỳ như thế nào. Thực vậy, mọi tổng thống Hoa Kỳ từ thời Dwight D. Eisenhower đều được mời tham dự và là một trong hai diễn giả chính. Lẽ dĩ nhiên, TT Obama được mời và ông đã đọc một bài diễn văn trong đó ông lên án tội ác của ISIS vì đã nhân danh tôn giáo làm điều ác.
Nguyên cái tiền đề trên cũng đủ nói lên khuynh hướng không muốn đánh ISIS của TT Obama, bởi nếu đánh nó thì cũng phải đánh cả mấy ông Thập Tự Quân Kitô Giáo thời Trung Cổ nữa. Mà mấy ông Thập Tự Quân Trung Cổ còn đâu để mà đánh thì đánh mấy anh ISIS này quả là bất công!
Câu chuyện không nực cười như thế, nhưng suy cho cùng, quả đó là “thâm ý” của Ông Obama: ông không chịu chỉ nói tới ISIS mà thôi, ông phải lôi cho bằng được cái gian ác của Kitô Giáo ra để mà nói cho nó cân bằng. Nhưng, như Ben Carson nhận xét trên băng tần Fox News, mang hai cái thực tại này ra so sánh, chẳng ăn nhập vào đâu cả, một thực tại thì đang sờ sờ trước mắt, một thực tại thì đã đi vào lịch sử cả gần một nghìn năm nay. Ông ta có đang mơ ngủ không đây?
Obama nói gì
Thomas L. McDonald cho rằng đối với TT Obama, chọc giận người khác là một chuyện không khó. Sáu năm làm tổng thống, ông có biệt tài làm giới đối lập tức giận. Đôi lúc ông được biện minh, đôi lúc không.
Lúc không ấy chính là tại Buổi Điểm Tâm vừa kể. Vì sau khi lên án ISIS, ông đánh câu: “Nhân loại vốn vật lộn với những câu hỏi này suốt trong lịch sử của họ. Và để ta đừng lên lưng ngựa cao mà cho rằng việc này chỉ xẩy ra tại một số nơi nào khác, ta hãy nhớ rằng trong các thời Thập Tự Chinh và Tòa Trừng Giới (Inquisition), người ta đã phạm những việc khủng khiếp nhân danh Chúa Kitô”.
Thực ra, ông Obama không tôn trọng cả nguyên tắc cân bằng. Khi nói tới ISIS, ông không dám đụng tới Hồi Giáo hay Muhammad. Nhưng khi nói tới Thập Tự Chinh, ông không ngại chỉ đích danh Chúa Kitô.
Ký giả vừa kể nhận định rằng các sự kiện bề ngoài thì không ai chối cãi. Thời Thập Tự Chinh và Tòa Trừng Giới, một số người quả đã làm những điều kinh khủng mà không một Kitô hữu nào nên làm hay bênh đỡ. Nhưng họ cũng đã làm những điều vĩ đại nhân danh Chúa Kitô cũng chính vào thời gian đó.
Ta hãy xét một trường hợp cụ thể. Năm 1096, người Do Thái vùng Rhineland, vì sợ đám đông bài Do Thái đang cuồng nộ, đã khẩn khoản thỉnh cầu Hoàng Đế Henry IV của Thánh Đế Quốc Rôma và Godfrey, Vua vùng Bouillon, che chở. Hoàng Đế Henry ra lệnh không ai được đụng tới người Do Thái hay tài sản của họ. Tuy nhiên, một đạo quân lớn của Thập Tự Quân do Emicho, Bá Tước vùng Leiningen, chỉ huy, tràn vào Rhineland và bắt đầu chém giết người Do Thái, dù trước đó, đã nhận khoản tiền chuộc rất lớn họ bằng lòng trả để mua lấy an toàn. Các giám mục của Worms, Speyer và Mainz cố gắng chặn đứng cuộc chém giết và dấu người Do Thái trong các lâu đài và nhà thờ chính tòa của các ngài, nhưng vô hiệu. Sau khi giết ít nhất 1,000 người ở Mainz, nhét đầy túi, Emicho tiến về Đất Thánh, nhưng đạo quân của ông ta tan rã trước khi tới đích và ông ta trở về trong thất sủng.
Các truyện kể về các cuộc tàn sát ở Rhineland dĩ nhiên là ghê rợn và đáng xấu hổ. Nhưng trong đó, có cả người anh hùng lẫn quân vô lại, các động lực cũng lẫn lộn. Các Thập Tự Quân núp dưới lòng đạo đức để hành động, nhưng sự thực, họ nợ người Do Thái vùng Rhineland rất nặng và rất thèm thuồng vàng bạc của họ. Tuy nhiên, Giáo Hội lúc nào cũng vẫn nhất quán trong việc ra lệnh phải bảo vệ mạng sống Do Thái và tài sản của họ.
Lịch sử là như thế: phức tạp đến không thể rút gọn vào những công thức đơn giản. Thực vậy, bạo lực tôn giáo thực ra rất hiếm ở Tây Phương. Hầu như mọi cuộc chiến tranh và bạo lực có tổ chức đều là vì quyền lực và tiền bạc. Tôn giáo và ý thức hệ chỉ là nước sơn cung cấp biện minh mà thôi. Những kẻ có quyền có thể sử dụng chúng để thuyết phục quần chúng hành động theo một cung cách nào đó, nhưng nguyên nhân phía dưới thì gần như không bao giờ là một cuộc tranh luận thần học cả.
Thực ra Thập Tự Chinh bị khiêu khích bởi sự gây hấn của người Hồi Giáo, và ý muốn giải phóng Giêrusalem lúc ấy đã rơi vào tay Hồi Giáo. Nó là đáp ứng của một Âu Châu đang cãi cọ nhau và chia năm xẻ bẩy đối với các ý đồ đế quốc hoàn cầu của một Hồi Giáo khổng lồ và vẫn còn đang đi lên. Nói cho đúng, các đạo quân của Âu Châu đang thảm bại so sánh với sự hùng mạnh của người Thổ. Và điều chủ yếu cần nhớ là Âu Châu đã thua cuộc.
Nhưng rồi, trong các thế kỷ tiếp theo, thực tại Thập Tự Chinh đã liên tiếp bị làm ra méo mó. Trước nhất, qua bàn tay của biên niên sử và thi ca bình dân, nó trở thành chủ đề của những lý tưởng Kitô Giáo và đức hạnh nam nhi cao thượng, với những người anh hùng sáng chói và những tên vô lại đen đúa. Hình ảnh này đã bị Phong Trào Cải Cách tiêu hủy khi họ coi Thập Tự Chinh như hành động của những tên duy giáo hoàng gian dối, đầy tham lam và khát máu, muốn khuất phục dân chúng vô tội của Đông Phương phải sống dưới các ý đồ đế quốc của họ.
Rồi tới lúc đỉnh cao quyền lực Hồi Giáo đến hồi kết thúc, thế giới Hồi Giáo bước vào thời kỳ lịch sử cận đại, được xác định bằng một chủ nghĩa thực dân đắng đót. Và điều này, một lần nữa, đã tái lên khuôn các ý niệm của người ta về Thập Tự Chinh. Trung Đông được đánh dấu bằng một sự va chạm lạ lùng giữa nhiều thực tại: những quá lạm lộ liễu được đồng tiền dầu lửa kích thích, các tranh chấp nội bộ, chủ nghĩa bài Do Thái phổ biến, tranh chấp không ngừng trong nội bộ các tôn giáo, chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo và việc xuất cảng chủ nghĩa khủng bố. Thế là vào thế kỷ trước, khi Hồi Giáo hậu Ottoman rơi vào chế độ cai trị hoặc của ngoại nhân hoặc của mấy lãnh tụ Hồi Giáo hay hỗn loạn, thì Thập Tự Chinh và người Do Thái trở thành những ông ba bị thật thuận tiện trong đầu óc người Hồi Giáo. Thập Tự Chinh bị người Hồi Giáo phóng chiếu chế độ thực dân lúc ấy của họ lên màn ảnh quá khứ dù giữa hai thực tại này, chẳng có mấy chút liên hệ. Người Do Thái thì đơn thuần vì là người Do Thái, vì vi khuẩn bài Do Thái vốn chưa bao giờ chịu rời bỏ huyết quản của nhân loại từ rất lâu.
Vấn đề là TT Obama không nắm vững thực tại: Những tên cuồng tín Hồi Giáo thiêu sống người ta. Những người da trắng kỳ thị chủng tộc cũng từng thiêu sống người ta, như thời Jim Crow (1877 đến giữa thập niên 1960). Nhưng thực tại là người Hồi Giáo tiếp tục làm thế, trong khi sẽ không bao giờ có nguy cơ nước Mỹ trở về với thời kỳ Jim Crow và Âu Châu phục hồi Thập Tự Chinh và Tòa Trừng Giới.
Cách nhìn của Obama chỉ đổ thêm dầu vào những ảo tưởng của thế giới Hồi Giáo vốn có những hình ảnh không đúng thực tại về Thập Tự Chinh. Họ cố tình tự tái đúc khuôn thành những nạn nhân vô tội từng bị bách hại gần suốt cả một ngàn năm bởi Tây Phương đế quốc mà quên rằng có lúc họ đã là những điều hiện họ đang thù ghét.
Phản ứng
Theo Juliet Eilperin, một số đảng viên Đảng Cộng Hòa rất bất bình khi nghe bài diễn văn của TT Obama. Cựu thống đốc Virginia, Jim Gilmore (Cộng Hòa), phát biểu: “các nhận định của tổng thống sáng nay tại buổi điểm tâm cầu nguyện là những nhận định xúc phạm nhất tôi chưa từng nghe một tổng thống nào trong đời tôi nói. Ông xúc phạm mọi Kitô Hữu sùng đạo tại Hoa Kỳ. Điều này thậm chí còn đi xa hơn nữa: Ông Obama không tin tưởng gì Hoa Kỳ hay các giá trị mà tất cả chúng ta đang chia sẻ”.
Nhiều nhà bình luận khác tin rằng ông Obama nên chú tâm nhiều hơn vào các kẻ thù của Hoa Kỳ. Russell Moore, chủ tịch Ủy Ban Đạo Đức và Tự Do Tôn Giáo Baptsit Miền Nam, gọi nhận định của ông Obama là “mưu toan bất hạnh muốn so sánh sai lạc về luân lý”.
Ông cho hay: điều cần là “chính phủ phải đưa ra một khuôn khổ luân lý và một chiến lược rõ ràng để đánh bại ISIS”.
Động cơ
Điều đáng nói: trước khi đọc bài diễn văn trên một ngày, ông Obama có gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hồi Giáo trong một biến cố mà chính người tham dự xác nhận đây là lần tham dự hội nghị bàn tròn đầu tiên của ông với một nhóm toàn là người Hồi Giáo kể từ ngày nhậm chức. Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo cho rằng cộng đồng của họ bị theo dõi một cách không hợp lẽ, theo sau các vụ tấn công của khủng bố ở ngoại quốc. Dù Tòa Bạch Ốc chỉ công bố những nét đại cương của hội nghị này, nhưng những người tham dự hội nghị cho hay: nó giúp họ cơ hội bày tỏ trực tiếp với tổng thống các ưu tư của họ.
Farhana Khera, giám đốc điều hành nhóm nhân quyền Muslim Advocates, một trong 13 nhóm tham dự hội nghị, cho biết: hội nghị này giúp Obama cơ hội chú tâm vào các người Hoa Kỳ Hồi Giáo cùng một cách như ông đã làm với các cử tri khác của ông như người Hoa Kỳ gốc Phi Châu và các nhóm Do Thái Giáo.
Khera cho hay: “tôi bắt đầu bằng cách nói: mối lo âu lớn nhất tôi nghe được từ các cha mẹ Hồi Giáo là nỗi sợ của họ rằng con cái họ sẽ cảm thấy xấu hổ khi phải làm người Hồi Giáo” vì bị kỳ thị. “Chúng tôi yêu cầu ông (Obama) sử dụng bài thuyết giáo về bắt nạt để có một hội nghị thượng đỉnh tại Toà Bạch Ốc về tội các kỳ thị chống các nhóm thiểu số tôn giáo, giống hội nghị thượng đỉnh về bắt nạt nhằm tái lập cuộc đối thoại về các thanh thiếu niên đồng tính luyến ái (LGBT).
Aaron Blake thì nhắc lại sự kiện này: trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Obama cố gắng tách biệt giữa một bên là Hồi Giáo và bên kia những tên khủng bố gây kinh hoàng nhân danh Hồi Giáo. Đơn cử trường hợp tháng Chín vừa qua, giữa lúc các đe dọa của ISIS dâng cao, thì Obama không những cho rằng các tên khủng bố không những làm ô danh tôn giáo của họ, mà chúng còn không phải là người Hồi Giáo nữa.
Ông nói: “không tôn giáo nào dung thứ việc sát hại người vô tội, và đại đa số nạn nhân (của ISIS) là người Hồi Giáo”.
Suy nghĩ như thế, ông Obama dường như không biết gì tới tâm thức người dân Hoa Kỳ. Thực vậy, cuộc thăm dò của Pew hồi tháng Chín vừa qua cho thấy lần đầu tiên, 50 phần trăm người dân Hoa Kỳ coi Hồi Giáo có khuynh hướng cổ vũ bạo lực hơn các tôn giáo khác.
Obama giết nhiều người hơn Toà Trừng Giới Tây Ban Nha
Patrick Poole thì chỉ trích ông Obama ở một khía cạnh khác. Ký giả này cho rằng ông Obama bảo người Kitô hữu đừng cưỡi cao trên lưng ngựa để chỉ nhìn thấy lỗi của người ta (Hồi Giáo) mà quên lỗi của mình (Kitô Giáo). Thực ra lời khuyên này đáng lý ra ông nên ngỏ với chính ông trước nhất, vì theo số lượng thống kê mới nhất, chiến dịch sử dụng máy bay không người lái (drones) của ông trong 6 năm qua đã giết nhiều người hơn Tòa Truừng Giới Tây Ban Nha trong 350 lịch sử của nó!
Thực vậy, ít nhất 2,464 người đã bị drones sát hại trong 6 năm cầm quyền của ông Obama ở bên ngoài vùng được Mỹ chính thức tuyên chiến là Iraq và Afghanistan. Trong số nạn nhân này, có 314 người là thường dân. Tài liệu thống kê này cũng cho hay, dưới thời Obama, những cuộc tấn công kiểu này đã gia tăng gấp 9 lần so với người tiền nhiệm là G.W. Bush. Chỉ 3 ngày sau khi tuyên thệ lần đầu, Obama đã ra lệnh cho drones tấn công rồi.
Còn Tòa Trừng Giới? Một thập niên trước đây, Vatican có công bố kết quả cuộc nghiên cứu trong 6 năm về Tòa này. Phúc trình 800 trang, được BBC tường thuật, cho hay tại Tây Ban Nha, trong suốt 350 năm lịch sử, Tòa Trừng Giới chỉ xử tử 1.8% trong số 125.000 vụ nghi ngờ là lạc giáo, nghĩa là 2.250 người tất cả. Dù vậy, Đức Gioan Phaolô II đã chính thức lên tiếng xin lỗi. Có bao giờ Obama xin lỗi hơn 3 trăm nạn nhân thường dân của máy bay không người lái?
Views: 0