Tháng 8 năm 1995, Liên Hiệp Bệnh Viện Phong Quốc Tế (International Leprosy Union) của Ấn Độ bầu chọn Bác Sĩ Trần Hữu Ngoạn lãnh giải thưởng quốc Tế Ghandi. Bộ Trưởng Y Tế liền lệnh cho Bác Sĩ và các cơ quan nhanh chóng làm hồ sơ để kịp đi. Bác Sĩ Ngoạn trả lời trong một bức thư đề ngày 9 tháng 10 năm 1995: “Tôi công tác phục vụ bệnh nhân phong đã lâu, thấy người bệnh đang còn bao nỗi khổ mà bản thân mình vì nhiều lý do cũng chưa phục vụ họ được nhiều lắm. Từ nay đến cuối đời, tôi sẽ để tâm trí phục vụ họ nhiều hơn nữa. Khi nào thấy mình xứng đáng với giải thưởng lấy tên là Gandhi, lúc đó được Bộ cho phép làm hồ sơ nhận giải thưởng thì tôi vô cùng sung sướng và thanh thản.” Sau đó qua các cơ quan y tế và Vụ Hợp Tác Quốc Tế, Bác Sĩ Bộ Trưởng gởi kèm ít chữ sau đây cho Bác Sĩ Ngoạn: “Rất thông cảm với sự khiêm tốn của anh. Đề nghị anh làm hồ sơ để nhận vì vinh dự của đất nước, ngành và cá nhân. Sau này anh dùng số tiền đó cho cá nhân hoặc cho sự nghiệp đều có lợi cả. Nên làm sớm cho kịp.” Với bức thư này, Bác Sĩ đã rất ưu tư, tìm đến gặp tôi mong được soi sáng. Tôi chân thành góp ý nên đi, để nhiều bệnh nhân được nhờ. Bác Sĩ bèn nổi nóng, cho tôi biết: “Quỳnh Giao có biết Bộ Trưởng nói gì với tôi không? Anh nhận đi, một phần dành cho anh và phần còn lại cho Bộ.” (Giải thưởng là 30.000 USD). Tôi buộc phải trả lời: “Người đáng nhận giải thưởng này nhất, là các Nữ Tu Phan Sinh và các bệnh nhân của họ.” Và Bác Sĩ đã không làm hồ sơ nhận giải thưởng trên. Nhiều nhà báo sau đó đến phỏng vấn Bác Sĩ và muốn biết vì lý do gì mà Bác Sĩ không nhận. Bác Sĩ trả lời: “Nhiều năm sống và làm việc bên cạnh những người tu hành của dòng tu này mới biết họ có một lẽ sống đặc biệt. Họ chấp nhận cuộc sống khổ hạnh, tự nguyện làm những việc thiện một cách âm thầm để phục vụ những người bất hạnh. Họ không muốn những lời ca tụng. Cuộc sống của họ tuân theo một nguyên tắc thật đơn giản: “bàn tay trái không được biết việc làm của bàn tay phải và ngược lại.” Nhiều tấm gương của dòng tu này đã được nhiều bệnh nhân truyền tụng. Họ kể về soeur Charles Antoine, nguyên là giám đốc trại, có lần đến thăm nơi ăn ở của bệnh nhân, thấy một hố xí bị tắc mà không ai dám dọn, Bà liền thọc tay xuống và moi từ dưới lên những mảnh giẻ mà họ đã vô ý vứt xuống. (Trần Thị Quỳnh Giao – FMM, Một con người, một bác sĩ, một tín hữu)
Trích đoạn trên thuật lại thời gian Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn bỏ tương lai, bỏ phố xá, bỏ cả gia đình, vợ con, để chuyên tâm phục vụ trại phung xa xôi, hẻo lánh. Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Marcô tường thuật một ngày trong đời rao giảng của Đức Giêsu. Vừa chữa xong nhạc mẫu ông Phêrô khỏi cơn sốt rét, Người còn tiếp tục chữa nhiều bệnh nhân và trừ quỷ. Sáng sớm hôm sau, Người đã ra nơi thanh vắng cầu nguyện. Rồi mời gọi các môn đệ tiếp tục lên đường rao giảng Tin Mừng.
Cầu nguyện
Suốt cuộc đời Đức Giêsu luôn kết hiệp mật thiết, gặp gỡ Thiên Chúa Cha, luôn lắng nghe Thánh Ý qua những giờ cầu nguyện hằng ngày. Để chuẩn bị cho sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã vào hoang mạc trọn 40 ngày đêm chay tịnh và cầu nguyện (Mt 4, 2). Bước vào cuộc đời công khai rao giảng, Người cũng thường xuyên sớm tối cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” (Mc 1, 35)
Người còn sốt sắng cầu nguyện nhiều đêm liền trước khi quyết định chọn các Tông Đồ: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông, gọi là Tông Đồ.” (Lc 6, 12-13)
Sau khi làm phép hóa năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người đàn ông no nê, “lập tức, Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia, về phía thành Betsaiđa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.” (Mt 6, 45-46) Vì thế, Người luôn làm đẹp lòng Chúa Cha: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1, 11) Đức Giêsu hiệp nhất với Chúa Cha đến nỗi Người đã phán: "Bất kỳ ai thấy Ta là thấy Cha Ta" (Ga 14, 9).
“Con hãy cầu nguyện luôn, bất cứ ở đâu. Chúa Giêsu đã nói: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.” (Đường Hy Vọng, số 123)
Yêu thương & khiêm tốn phục vụ
Đức Giêsu không chỉ ân cần giảng dạy, mà còn thương yêu, gần gũi, chữa trị, phục vụ những ai đau yếu, bệnh hoạn tìm đến, hoặc chính Người tìm thấy: “Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.” (Mc 1, 30-31) Không cần lời van xin, không chần chừ e ngại đụng chạm, cứu nhân như cứu hỏa, Đức Giêsu hành động ngay, bằng một cử chỉ thân thương, gần gũi, nhân ái, giải thoát bà nhạc mẫu của ông Phêrô khỏi cơn sốt rét. Người cũng giải thoát mọi người khỏi ma quỷ ám hại, khỏi sự dữ, khỏi tội lỗi và sự chết: "Này con, con đã được tha tội rồi." Người đã phán khi chữa lành người bất toại ở Capharnaum. (Mc 2, 5)
Hoàn toàn xả kỷ, vị tha, hy sinh, hiến mình cho tha nhân, Người chẳng nề hà liên tục chữa bệnh, trừ quỷ cho tất cả bệnh nhân nào tìm đến cả suốt buổi chiều cho đến tận tối khuya: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” (Mc 1, 31-34) Khiêm tốn ẩn mình đằng sau những phép lạ, Đức Giêsu tránh khoa trương tự mãn theo thói đời. Cũng như không muốn các môn đệ nhiễm thói kiêu căng, tự phụ, tự đắc, Người bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia, ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều.
“Con đừng nghĩ dấn thân là lao mình vào những hoạt động hăng say náo nhiệt. Con hãy hiểu dấn thân sâu hơn: “Theo gương Chúa, yêu thương đến mức độ quên mình hoàn toàn vì người khác, hiến mình hoàn toàn, hiến mình nhưng không, để hiệp nhất với kẻ khác, hầu họ được phong phú và công việc Chúa nơi họ được thành công.” (Đường Hy Vọng, số 605)
Quảng đại đi gieo
Ơn cứu độ vốn phổ quát cho mọi người, Không dành riêng độc quyền cho ai hay nhóm nào, cộng đoàn nào, hoặc dân tộc nào, Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ nhanh chóng tiếp tục lên đường đến các cánh đồng mới. “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ. (Mc 1, 38-39)
Ơn gọi truyền giáo là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn thể Dân Chúa. Hồng ân nhận biết Chúa được lãnh nhận nhưng không, thì cũng phải cho đi nhưng không.“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,” (Mt 28, 19)
“Chúa bảo con: “Hãy đi rao giảng Phúc Âm.” Chúa không ra thời khóa biểu, không vạch kế hoạch, Chúa để con sáng kiến thực hiện, niễn là con mang Phúc Âm.” (Đường HY Vọng, số 74)
Lạy Chúa Giêsu, xin cứu chữa bệnh tật chúng con, xin giải thoát chúng con khỏi tội lỗi, xin dạy chúng con cầu nguyện liên lỷ và xin ban chúng con can đảm rao giảng Tin Mừng đến với mọi người, mọi nơi và mọi lúc.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu bầu chúng con biết ăn năn, sám hối, canh tân cuộc đời. Xin Mẹ nhắc nhở chúng con siêng năng cầu nguyện, để luôn được sống bên Chúa, cũng như được trở nên ngọn đuốc giữa thế gian đen tối. Amen.
AM Trần Bình An
Views: 0