Uncategorized

Phỏng vấn Thầy Nguyễn Mạnh San về Pháp Luật Thực Dụng (4 và hết)

LTS: Nhà tù và hệ thống nhà tù tại Mỹ là một bí mật cho rất nhiều người kể cả các linh mục, những người thiện nguyện thường xuyên thăm viếng các tù nhân. Hệ thống xử án, nhà tù và các tòa án Liên Bang tại Hoa Kỳ chỉ được biết đến do những người đã được huấn luyện và chuyên về những lãnh vực này.

LTS: Nhà tù và hệ thống nhà tù tại Mỹ là một bí mật cho rất nhiều người kể cả các linh mục, những người thiện nguyện thường xuyên thăm viếng các tù nhân. Hệ thống xử án, nhà tù và các tòa án Liên Bang tại Hoa Kỳ chỉ được biết đến do những người đã được huấn luyện và chuyên về những lãnh vực này. Phó tế Nguyễn Mạnh San là một trong những người Việt Nam đã được huấn luyện đầy đủ để làm công tác tuyên úy cho các tù nhân với 32 năm kinh nghiệm. Sau đây là một loạt bài phỏng vấn với chủ đề Pháp Luật Thực Dụng, được trích trong chương trình Tuổi Thu Hồng Xuân trên đài VNHN. Vì chương trình phỏng vấn dài, nên Nazareth sẽ chia nội dung chương trình thành 4 phần. Mời quí độc giả và thân hữu Nazareth tiếp tục tham khảo tài liệu quí báu này.

 

Nazareth

Thụy Vi: Dạ thưa chào Thầy Phó tế Nguyễn Mạnh San ạ !

 

Thầy San: Xin chào Thụy Vi và xin chào Khán Thính Giả của Đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại tại Washington DC !

 

Thụy Vi: Dạ, thưa Thầy, được biết Thầy có kinh nghiệm 32 năm phục vụ tại tòa án Liên Bang Hoa Kỳ và từ năm 2003 đến nay, Thầy đã chính thức đảm trách chức vụ Tuyên úy trại tù, được quyền thăm viếng tất cả các trại tù liên bang trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Đây là một kinh nghiệm, rất quý và hiếm có cho 1 người Việt Nam tị nạn. Thưa Thầy, Thầy có thể cho Quý Thính Giả biết toàn thể nước Mỹ, có bao nhiêu Tuyên Úy trại tù được quyền thăm viếng tất cả các trại tù liên bang trên nước Mỹ nói chung, và nói riêng có bao nhiêu người Việt Nam được tuyển chọn làm Tuyên Úy trại tù giống như Thầy?

 

Thầy San: Vâng, để trả lời câu hỏi rằng có bao nhiêu Tuyên úy trại tù được quyền viếng thăm các trại tù liên bang trên nước Mỹ nói chung và nói riêng là có bao nhiêu người Việt Nam được tuyển chọn làm Tuyên Úy trại tù như Thầy, thì Thầy không có con số chính xác nào về vấn đề này. Tuy nhiên Thầy có thể cho Thụy Vi biết, là phỏng chừng mỗi một tiểu bang thường có ít nhất từ 3 cho đến 5 trại tù của tiểu bang, còn từ 1 cho đến 2 trại tù của liên bang. Và mỗi một trại tù của liên bang thì ít nhất phải có 1 vị Tuyên Úy chính thức và vị Tuyên Úy đó không nhất thiết phải là công giáo hay là tin lành, hay bất cứ đạo nào khác, mà tất cả các vị Tuyên Úy đó thì 99% đã được thụ phong Linh Mục, Mục Sư hay Phó Tế Vĩnh Viễn (Permanet Deacon). Ví dụ: Vị mục sư Tin Lành thì phải được thụ phong chức mục sư bởi Hội Thánh Tin Lành thuộc giáo phái riêng của mình, còn về phía các linh mục, các phó tế như Thầy, cũng phải được thụ phong bởi Hội Thánh Công Giáo hoàn vũ, thì mới được tuyển chọn vào làm Tuyên Úy trại tù. Mỗi một trại tù như vậy thì có 1 Tuyên Úy chính thức và Tuyên Úy chính thức đó làm việc full time trong trại tù, được hưởng đầy đủ các quyền lợi cá nhân y như một nhân viên công thức ở ngoài đời, gồm có bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn thương tích, bảo hiểm tuổi thọ sau khi qua đời v.v.. và khi về hưu cũng lãnh tiền hưu trí của trại tù, cộng thêm với tiền an ninh xã hội hàng tháng như mọi công dân đã làm việc đủ 10 năm trở lên.

 

Thế thì, đấy là vấn đề khái quát về các trại tù liên bang cũng như là tiểu bang. Còn nếu hỏi rằng  có bao nhiêu vị Tuyên Úy Việt Nam được quyền thăm viếng trại tù liên bang và tiểu bang, thì như Thầy đã giải thích ở phần trên đây, là mỗi một tiểu bang đều có nhiều các vị Tuyên úy phục vụ trong các trại tù, nhưng mà nói riêng về phía Công Giáo, thì cứ nhà thờ nào ở gần trại tù đó, thì Linh Mục Chánh Xứ ở Nhà Thờ đó sẽ phải kiêm nhiệm vai trò như là một Tuyên Úy trại tù, nhưng mà không nhất thiết là phải giống như là những vị Tuyên Úy trại tù chuyên nghiệp. Hiện tại các trại tù liên bang trên đất Mỹ này, theo Thầy biết, thì chỉ có 2 người Việt Nam duy nhất được huấn luyện và tốt nghiệp làm Tuyên Úy trại tù liên bang, đó là linh mục Bùi Phong ở tiểu bang Louisiana và Thầy ở tiểu bang Oklahoma, hai người đều tốt nghiệp cùng Khóa Đào Tạo Tân Tuyên Úy Trại Tù Liên Bang và một khi đã là Tuyên Úy trại tù liên bang rồi, thì rất dễ dàng được phép đi thăm viếng các trại tù tiểu bang. Tuy nhiên nếu là Tuyên Úy trại tù tiểu bang, muốn đi thăm trại tù liên bang thì cũng dễ dàng, nhưng cần phải nạp đơn xin phép đặc biệt trước và đó là những dữ kiện để trả lời câu hỏi thứ nhất của Thụy Vi hỏi Thầy.

 

Thụy Vi: Như vậy,  theo như Thầy nói toàn thể nước Mỹ chỉ có 2 vị Tuyên Úy Việt Nam, được quyền tiếp xúc với tù nhân trong các trại tù tiểu bang cũng như các trại tù liên bang, thì điều này quả thật là một vinh hạnh cho cộng đồng người Việt chúng ta và đây cũng là một điều rất an ủi cho những can phạm Việt Nam, vì có được 2 vị Tuyên Úy có cùng ngôn ngữ, để họ có thể giải bày những niềm uẩn khúc khó khăn hoặc hối hận về những hành động vi phạm pháp luật của họ, thì quả là một điều quý báu phải không Thầy?

 

Thầy San: Đúng vậy, cũng cần phải giải thích thêm cho Thụy Vi biết rằng, tuy nhiên trong 2  vị Tuyên Úy là Cha Bùi Phong và Thầy, nhưng có sự khác biệt giữa Cha và Thầy, mặc dầu cả 2 người đều tốt nghiệp khóa đào tạo Tuyên Úy trại tù liên bang cùng chung một một khóa học, và được chính thức trở thành Tuyên Úy Trại Tù Liên Bang (Federal Prison Chaplains), nhưng Cha Bùi Phong làm việc full time trong trại tù và lãnh lương của chính phủ liên bang, được hưởng tất cả các quyền lợi (all benefits) như những công chức liên bang và ngài không còn liên hệ trực tiếp với Nhà Thờ hay Giáo Phận trước kia của Ngài, Ngài chỉ cử hành Thánh Lễ, giải tội cho những tù nhân và giúp đỡ tinh thần cho tù nhân. Trái lại, Thầy vẫn phải làm công việc tại Tòa Án Liên Bang Hoa Kỳ, nhưng cũng được hưởng tất cả các quyền lợi của một công chức lien bang nhu Cha Bùi Phong. Còn Thầy nhận lãnh chức vụ Tuyên Úy trại tù liên bang và tiểu bang, là hoàn toàn tình nguyện, không lãnh lương và Thầy chỉ vào thăm tù nhân vào những ngày cuối tuần, Thứ Bẩy và Chủ Nhật, thay vì nếu muốn lãnh lương fulltime của trại tù, thì Thầy phải làm việc 8 tiếng mỗi ngày như Cha Bùi Phong đang làm.

 

Thụy Vi: Dạ vâng ! Còn như Thầy chỉ là 1 người tình nguyện, nhưng mà những thời gian tình nguyện của Thầy vào Thứ Bẩy và Chủ Nhật cũng khá nhiều đó Thầy !

 

Thầy San: Khá nhiều thì cũng đúng, thế nhưng mà Thầy nhận được nhiều niềm an ủi tinh thần từ các tù nhân rất quý mến Thầy. Do đó đã thúc đẩy Thầy hăng say trong các công tác mục vụ tù nhân, từ cấp liên bang xuống tới cấp tiểu bang, lien tục từ hơn 18 năm qua cho đến nay đã gần 19 năm rồi.

 

Thụy Vi: Dạ, chắc chắn thì nó phải có cái động lực nào đó, để Thầy có thể bỏ ra nhiều thời gian mà không thấy mệt mỏi và với những kinh nghiệm mục vụ tù nhân của Thầy, một chút nữa đây, Thụy Vi sẽ xin được phép đi sâu vào vấn đề này. Dạ thưa Thầy, hầu hết có lẽ là người Việt Nam chúng ta cũng không có rành, không có biết nhiều về cái hệ thống tổ chức trại giam của Hoa Kỳ nó như thế nào? Thầy đã có nhiều  kinh nghiệm trong vấn đề này, Thầy có thể cho Quý thính giả biết sơ qua khái niệm tổng quát về trại tù, đã được tổ chức như thế nào không ạ ?

 

Thầy San: Dạ vâng, thứ nhất là trại tù liên bang thì hơi khác với trại tù tiểu bang một chút, trại tù liên bang chỉ có từ cấp an ninh trung bình (Medium security) lên đến cấp an ninh tối đa (maximum security), còn tiểu bang có tới 3 cấp an ninh: Cấp an ninh tối thiểu (minimum security), cấp an ninh trung bình (medium security) và cấp an ninh tối đa (maximum security), cấp an ninh tối đa này là họ giam những người lãnh án chung thân và những người lãnh án tử hình. Nói tóm lại trong hệ thống tổ chức các trại tù có 3 cấp: Cấp an ninh tối thiểu, cấp an ninh trung bình và cấp an ninh tối đa và hầu hết  các tiểu bang đều có hệ thống tổ chức trại tù tương tự giống nhau. Thành phố nào cũng có trại tạm giam gọi là Jail, nhưng người Việt Nam vẫn quen gọi là trại tù (prison). Người Mỹ phân biệt trại tạm giam là nơi giam giữ những người chờ ngày ra tòa án xét xử, sau khi tòa tuyên án rồi, lúc đó tội nhân mới được giải giao đến trại tù, gọi là prison, theo thứ tự từng cấp an ninh như vừa nói trên đây. Vậy  nói tóm lại là những người mà bị bắt vào trong tù, đầu tiên thì bị nhốt trong các trại tạm giam của thành phố ((City jail), nếu can phạm có bằng chứng (Evidence) phạm tội, thì sẽ được chuyển đến trại tạm giam của quân hạt (County jail) để chờ đợi ngày ra tòa xét xử; còn nếu không có chứng cớ để buộc tội nghi can (Suspect), thì đương sự chỉ bị giam giữ lâu tối đa tới 3 ngày ở trong trại tạm giam thành phố, hoặc tại trạm tạm giam quận hạt, là phải trả lại sự do cho đương sự. Trong trường hợp trại tạm giam thành phố không còn chỗ trống, thì nghi can sẽ được giam giữ ở trại tạm giam quận hạt.

 

Thụy Vi: Dạ, vâng cám ơn Thầy đã cắt nghĩa rất là rõ ràng. Thông thường trong suốt thời gian pham nhân bị giam giữ ở trong trại tạm giam, thì khi nào các thân nhân có quyền vào thăm đương sự hoặc khi nào người luật sư riêng của phạm nhân có quyền được vào thăm đương sự? Và riêng đối với những vị Tuyên Úy trại tù cũng vào thăm phạm nhân, nhưng mà giữa sự thăm viếng của thân nhân, của luật sư và của Tuyên Úy có khác biệt nhau hay không? Nếu có, thì sẽ khác biệt nhau như thế nào hở Thầy?

 

Thầy San: Vâng, thứ nhất là thân nhân muốn vào thăm tù nhân ở trong trại tạm giam, thì thân nhân chỉ được trông  thấy mặt nhau qua cửa kính,  rồi hai bên nói chuyện với nhau qua ống điện thoại và chỉ được quyền nói chuyện với nhau 15 phút hoặc tối đa 30 phút, nhưng thông thường chỉ được phép nói chuyện 15 phút thôi, và mỗi tuần lễ thân nhân chỉ được phép thăm viếng tù nhân 1 lần. Còn nếu mà tù nhân bị giam ở trong các trại tù bình thường sau khi đã lãnh án tù ở rồi, thì thân nhân được quyền gặp trực tiếp giáp mặt nhau, nhưng mà đấy là những trại tù thuộc loại an ninh tối thiểu (Minimum security) hoặc an ninh trung bình (Medium security) thôi và được phép đem đồ ăn vào cho tù nhân, rồi có khi được phép ở cả ngày ngồi nói chuyện với nhau. Thế còn trại tù thuộc loại an ninh tối đa (Maximum security) thì thân nhân thăm viếng không được quyền gặp mặt tù nhân trực tiếp, mà chỉ trông thấy mặt nhau qua cửa kính hoặc trông thấy nhau trên màn ảnh truyền hình và vẫn nghe được tiếng nói chuyện của nhau, mà không cần phải cầm ống điện thoại. Còn luật sư muốn vào gặp tù nhân là thân chủ của mình vào ngày nào hay giờ nào cũng được, nhưng có 2 cách gặp tù nhân tùy theo ý muốn của luật sư : Một là họ không muốn gặp mặt tù nhân trực tiếp (face to face), thì họ vẫn có thể nói chuyện với thân chủ của họ qua cửa kính, còn nếu nhận thấy tội nhân không có gì nguy hiểm cho họ, thì họ vẫn có quyền gặp giáp mặt,  để họ nói chuyện trực tiếp với thân chủ của họ; thế còn các vị Tuyên Úy của trại tù thì cũng vậy, muốn gặp tù nhân lúc nào cũng được và gặp trực tiếp (face to face). Nhưng có một điều khác biệt, nếu mà ở trại tạm giam, thì vị Tuyên Úy chỉ được quyền gặp mặt từng tù nhân một, chứ không được gặp nhiều tù nhân cùng một lúc, nhưng mà nếu ở trong trại tù thuộc loại an ninh tối thiểu hay an ninh trung bình, thì vị Tuyên Úy có thể gặp nhiều nhiều tù nhân cùng một lúc, từ 1 chục, lên đến 2 hay 3 chục người, có khi hàng trăm người vào trong  một Nhà Nguyện (Chapel) của trại tù, để nói chuyện và giảng thuyết Kinh Thánh cho tù nhân nghe, tùy theo tôn giáo của các tù nhân và nếu họ là tín đồ Công Giáo, thì đôi khi có cử hành Thánh Lễ trong Nhà Nguyện, nhưng không nhất thiết đòi hỏi họ phải xưng tội trước đã mới được rước Mình Thánh Chúa (Holy Communion), mà trong tình trạng  bị tù tội như thế này, dù cho họ có phạm tội trọng đi chăng nữa, họ vẫn được phép rước Mình Thánh Chúa, rồi chờ khi nào có thời gian thuận tiện họ sẽ xưng tội sau. Đó là những sự khác biệt giữa những người thân nhân, luật sư và các vị Tuyên úy đến thăm viếng tù nhân, để trả lời câu hỏi trên đây của Thụy Vi.

 

Thụy Vi: Thưa Thầy, giống như Thầy nói hồi nãy là Tuyên Úy thì có đặc quyền có thể gặp một nhóm người, khoảng vài ba chục người cũng có thể được, nhưng mà thưa Thầy như vậy người ta không sợ khi mà gặp đông người như vậy, các tội nhân có thể làm loạn gây hỗn loạn trong trại tù thì sao?

 

Thầy San: Đúng như vậy, như Thầy đã nói lúc đầu, trại tù đã được phân chia ra làm 3 loại: Loại an ninh tối thiểu (Minimum security), an ninh trung bình (Medium security) và an ninh tối đa (Maximum security). Nếu muốn tập họp nhiều người cùng một lúc, thì chỉ được phép làm ở những trại tù loại an ninh tối thiểu và an ninh trung bình mà thôi, vì những tù nhân này được đánh giá là không thuộc hạng người chống đối hay không  gây nguy hại cho vấn đề an ninh trại tù. Trái lại không được phép tập trung tù nhân ở nhưng trại tù an ninh tối đa, đúng như Thụy Vi lo sợ là tù nhân có thể lợi dụng tình thế có đông người, rồi thừa cơ hội nổi loạn.

 

Thụy Vi: Dạ vâng, như vậy Thầy nói rất là rõ, hồi nãy Thụy Vi cũng đang lo Thầy gặp đông quá không biết có sao không ?

 

Thầy San: Đúng rồi, có thể tù nhân bắt mình làm con tin không chừng, thành ra tù nhân được phân chia ra làm 3 loại khác nhau, loại cấp an ninh tối thiểu, an ninh trung cấp, an ninh tối đa, để nhận định xem loại tù nhân nào ít nguy hiểm hơn, loại tù nhân nào nguy hiểm nhiều hơn và loại tù nhân nào nhiều nguy hiểm nhất, để khi hữu sự, những nhân viên giữ an ninh trong trại tù sẽ biết cách đối phó khi có cuộc nổi loạn xẩy ra.

 

Thụy Vi: Dạ thưa Thầy, một câu hỏi kế tiếp, xin hỏi Thầy là thành phần tội phạm qua kinh nghiệm giao tiếp của Thầy với tù nhân,  thì Thầy nhận biết hầu hết các tù nhân thuộc những thành phần nào trong xã hội? Ở lứa tuổi nào? Và tù nhân thuộc chủng tộc nào nhiều nhất?

 

Thầy San:  Để trả lời câu hỏi này của Thụy Vi, không nói riêng về tù nhân Việt Nam, nói chung tù nhân Mỹ cùng với tất cả các tù nhân của một số các quốc gia khác, thì thành phần tù nhân ở mọi lứa tuổi và gồm đủ loại tội phạm, nhưng mà riêng người Á Châu thì chúng ta nên biết tội phạm nào hay xảy ra nhất. Đa số những tội nhân ở tuổi trung bình là từ 60 trở xuống cho đến 40 tuổi, thì chiếm khoảng 30%,  còn từ dưới 40 xuống cho đến 18 tuổi thì chiếm khoảng 70%. Nên biết những thanh thiếu niên dưới 18 tuổi phạm tội, thì được giam giữ riêng biệt nơi khác, gọi là trại giam thanh thiếu niên (Juvenile Detention Center), chứ không bị giam chung với các tù nhân trong trại tù bình thường này. Vậy tội phạm thanh thiếu niên không nằm trong 30% và 70%  như vừa đề cập trên đây và đó là tỷ lệ phần trăm được phỏng đoán nói chung về tuổi tác và các tội phạm. Nhưng nói riêng về tội nhân từ 18 tuổi trở lên cho đến 40, thì chiếm khoảng 60%, từ trên 40 tuổi trở lên đến 60 tuổi chiếm 30%, số còn lại trên 60 tuổi trở lên là 10% . Những thành phần tội nhân thì phỏng chừng là như vậy, còn nói về các loại tội phạm, thì nào là hiếp dâm, giết người, biển thủ v.v…Tất cả cái tội phạm này đều xẩy ra ở những trường hợp khác nhau, mục đích khác nhau, cũng như các tội khác cũng thế, ngoại trừ những tội như là say rượu lái xe (DUI), lái xe không có bằng lái hoặc bằng lái bị tịch thu nhưng vẫn cứ lái xe. Những loại tội phạm này, Thầy không có tính vào đây, mà Thầy chỉ tính những tội hình sự (Criminal) hoặc tội đại hình (Felony) mà thôi.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.