Thụy Vi: Thưa Thầy cộng đồng Việt Nam mình thì có rất nhiều người làm bậy, nhưng vô tình cũng không biết mình đang làm bậy. Cho nên đã vướng vào con đường tù tội.
Đây là một điều thật nguy hiểm và đáng tiếc đúng không Thầy? Thụy Vi cũng đã đọc qua cuốn tìm hiểu Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng, do Thầy đã bỏ công ra viết, trong đó có nhiều tiểu đề tài với những câu chuyện có thật xảy ra, để làm thí dụ cho cộng đồng chúng ta biết.
Một số trường hợp đồng hương vì không am tường pháp luật nơi xứ người nên đã phải vào tù, và bây giờ Thụy Vi xin được phép hỏi, theo ý kiến riêng của Thầy, thì gia đình và cộng đồng có thể làm gì để giúp cho con em hay các gia đình Việt Nam có thể tránh, hoặc giảm bớt việc vào tù vì lý do mà Thụy Vi vừa mới nêu ra trên đây không ạ?
Thầy San: Vấn đề thứ nhất này là: Trong tôn giáo nói chung, Phật giáo cũng như là Công giáo, khi mà các vị lãnh đạo tinh thần thuyết giảng trong Chùa hay trong Nhà Thờ, thì nên lấy những tin tức viết trên báo chí, trên đài phát thanh hay trên đài truyền hình, đưa ra làm những ví dụ cụ thể để nói cho giáo dân biết những chuyện đó. Vì đó là những vấn đề cho các vị lãnh đạo tinh thần cần nên hướng dẫn quần chúng. Mặt khác những người trong gia đình, như là Cha Mẹ đối với con cái, cần phải làm gương cho con cái, nếu mà nói về vấn đề làm bậy, thì thường thường những đứa con ở tuổi dưới vị thành niên từ 13 cho đến 17, thường thì con cái bị ảnh hưởng nhiều nhất về cách đối xử của Cha Mẹ đối với con cái và cách đối xử giữa Cha Mẹ với nhau. Vậy Cha Mẹ là tấm gương trước tiên cho chúng noi theo. Vì trước tiên các em nhỏ được dạy dỗ trực tiếp từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội, chứ không phải từ ngoài xã hội vào trong gia đình.
Có nhiều người lầm tưởng là tại vì cộng đồng mình, không thông tin đầy đủ những tin tức mang tính cách giáo dục chung cho quần chúng hoặc thiếu sự hướng dẫn đối với giới trẻ về các vấn đề có liên quan tới pháp luật, nên ngày nay có những người làm bậy, kể cả người lớn tuổi cũng như những người trẻ tuổi mà không biết mình làm bậy, càng ngày càng tạo ra các tệ nạn xấu sa trong xã hội.
Tóm lại, Thầy nói một cách cụ thể là có những trẻ em nói rằng, Cha Mẹ em đi Chùa hay đi Nhà Thờ rất đều đặn, nhưng khi về tới nhà, bất đồng với nhau một điều gì thì cãi nhau như mổ bò. Bản chất của người Việt Nam thì rất là kín đáo đối với người ngoài, cho nên cách thức giao tế với người bên ngoài, luôn luôn được giữ phép lịch sự, để tỏ ra mình là một người đàng hoàng tử tế, nhưng khi về tới nhà, trước mặt con cái, có những trường hợp, họ không cần phải giữ phép lịch sự trước mặt con cái nữa, mà họ cư xử với nhau giống như là chó với mèo, dog and cat.
Những trẻ em đó đã tâm sự với Thầy, là các em chứng kiến cảnh Cha Mẹ có đôi lúc cãi nhau như thế, làm các em sợ quá, vì các em tưởng như là Cha chúng nó sắp sửa giết nhau, nhưng thực ra chỉ là những cử chỉ tức giận với những lời nói đe dọa nhau, mà chúng nó đã nghe quen và nhìn thấy cảnh này nhiều lần rồi, thành ra vô tình Cha Mẹ đã có những lời nói, cử chỉ làm gương mù cho các con. Do đó, nếu vì lý do gì mà Cha Mẹ phải cãi lộn nhau, thì nên tránh cãi lộn nhau trước mặt con cái, cho dù con cái còn rất nhỏ tuổi, nhưng chúng nhìn thấy cảnh cãi lộn nhau như thế này, làm cho chúng sẽ nhập tâm và khi chúng lớn lên, chúng nhìn đời một cách bi quan (negative), như thế sẽ làm nguy hại đến cuộc sống tương lai tốt đẹp của chúng sau này.
Thì đấy là những vấn đề nan giải nói riêng cho cộng đồng người Việt Nam của mình trên đất Hoa Kỳ, Cha Mẹ luôn luôn nên là nhưng tấm gương sáng cho con cái noi theo trong gia đình. Còn nếu mà chờ đợi ở trường học hay ở ngoài xã hội, để có những bài học về công dân giáo dục như hồi còn ở Việt Nam trước năm 1975, thì không bao giờ có được hết, vì xứ Mỹ này họ chỉ biết tôn trọng quyền tự do dân chủ đối với mọi lứa tuổi, cho nên riêng đối với giới trẻ còn cắp sách đến trường, các em không bao giờ có thể học được những bài học luân lý công dân giáo dục, vì trường học không hề dạy môn học này, mà theo cá nhân Thầy nghĩ, duy nhất chỉ có thể học môn học này từ trong gia đình mà ra.
Thụy Vi: Dạ vâng, có một câu hỏi này tự nhiên Thụy Vi nghĩ tới, dạ xin phép hỏi Thầy là hồi đó đến giờ Thầy có bao giờ làm tuyên úy cho một người Việt Nam mang tội giết người hay không ạ ?
Thầy San: Có, Thụy Vi hỏi câu đó rất là hay. Có một vụ người Việt Nam giết người, là hai người kết nghĩa với nhau như là anh em, trong thời gian hai người còn ở trong cùng một trại tỵ nạn tại quốc ngoại, rồi khi sang tới Hoa Kỳ, chỉ vì vấn đề tiền bạc làm ăn chung với nhau, không thanh toán sằng phẳng với nhau, nên đã gây ra cuộc đổ máu, người em kết nghĩa đã lỡ tay cầm dao đâm chết người anh kết nghĩa với mình. Kể từ ngày đầu tiên khi người em này bị tống giam vào trại tù là hơn 10 năm và cho tới ngày anh bị hành quyết theo bản án tử hình, thì Thầy là người thăm nom anh thường xuyên và theo lời yêu cầu của anh, là muốn Thầy chứng kiến tận mắt những giây phút bị hành quyết cuối cùng của cuộc đời anh. Cũng nhờ hơn 10 năm liên tục thăm nom anh tù nhân người Việt này, mà cá nhân Thầy nhận thấy anh này nằm trong trường hợp có thể được coi là tình ngay mà lý gian, vì anh cho biết là anh cầm dao đâm chết người anh kết nghĩa này trong tư thế tự vệ, chứ hoàn toàn không có ý định giết người. Lẽ dĩ nhiên trường hợp tình ngay mà lý gian xẩy ra rất hiếm và theo Thầy nghĩ, đáng lý anh này chỉ nên bị buộc vào tội ngộ sát mới đúng, chứ bị buộc vào tội cố sát thì quá nặng, nhưng đứng trước trước pháp lý, hành động đâm chết người của anh bị coi là hành động cố sát, nên anh đã lãnh bản án tử hình.
Thật là một điều hết sức xui xẻo cho anh, vì ngay từ đầu sự việc xẩy ra, anh đã không có đủ khả năng tài chánh để thuê mướn một vị luật sư chuyên môn về án tử hình, để bênh vực cho anh trước tòa án, thành ra cuối cùng thời gian chỉ còn lại 1 năm nữa trước khi bản án tử hình được thi hành, thì lúc đó anh ta mới có một vị luật sư tình nguyện đứng ra bênh vực cho anh trước tòa và vị luật sư này chuyên môn về các vụ giết người, nhưng mà lúc đó thời gian đã quá trễ, không thể cứu vãn được tình thế, nên anh đã bị hành quyết theo y án tử hình. 24 giờ trước khi bị chích thuốc cho chết, một giới chức coi tù nhờ Thầy hỏi xem là anh thích ăn món gì cho bữa ăn cuối cùng của anh (Last Supper), để họ sẽ order nhà hàng mang đến cho anh ăn. Thầy liền đưa ý kiến với anh là anh nên chọn món phở là món anh ưa thích nhất, như anh đã từng nói với Thầy câu đó. Vốn sẵn mang trong giòng máu hài hước, anh trả lời ngay với tôi là: Thầy nói rất đúng, con bị ở tù trên mười mấy năm nay như Thầy biết và con rất thèm ăn phở, nhưng con chẳng bao giờ có phở để ăn ở trong tù, nên bây giờ trước khi vĩnh viễn lìa đời, con mới được quyền chọn món ăn, nếu con chọn món phở, thì con chỉ được ăn có một món phở mà thôi, nhưng nếu con chọn ăn cơm Tầu (Chinese meal), thì trong đó có nhiều món ăn, con có thể chọn ăn bốn năm món khác nhau. Vậy dại gì con không chọn ăn cơm Tầu, phải không Thầy? Đằng nào cũng phải chết, mà ăn một món phở thì uổng quá, nên phải ăn nhiều món cho đã cái miệng, trước khi con về chầu Chúa và con tin Ngài sẽ tha tội cho con, vì Ngài biết con không chủ ý giết người, mà đây chỉ là hành động tự vệ của con, vô tình làm chết người. Thoạt đầu nghe anh nói như vậy, với giọng nói cay đắng mỉa mai của anh, làm Thầy cứ tưởng rằng anh nói chuyện khôi hài với Thầy, nhưng liền sau đó, anh nghiêm giọng, yêu cầu Thầy hãy order cho anh ta ăn cơm Tầu và Thầy đã làm theo lời yêu cầu này của anh. Trước giờ phút anh được trích thuốc để từ biệt cõi đời phù du này, anh đã yêu cầu sự có mặt ở bên cạnh anh là Linh Mục Phùng Chí và Thầy.
Thụy Vi: Dạ, câu chuyện Thầy mới vừa kể thì nghe có vẻ hài hước, nhưng thật ra rất thương tâm và đáng buồn phải không Thầy?
Thầy: Đúng thế! Một điều Thụy Vi nên biết nữa, anh này là người tử tội Việt Nam thứ hai bị hành quyết ở tiểu bang Oklahoma, còn anh tử tội thứ nhất thì Thầy không nhớ tên, cũng ở cùng một tiểu bang này. Nhưng mà anh đó thì không thuộc thẩm quyền của Thầy, còn anh thứ hai này thuộc thẩm quyền của Thầy. Như trên Thầy đã nói, muốn giải quyết một vấn đề gì cũng vậy, cần phải có nhiều thời gian để suy tính, như Thụy Vi biết, kiếm một luật sư chuyên môn, có kinh nghiệm về những vụ án tử hình, thì không phải là chuyện dễ đâu, nghĩa là tiền nào của đó, mình phải có tiền nhiều, thì mình mới có thể thuê mướn một luật sư chuyên môn về các vụ án đại hình (Felony) để bênh vực và bào chữa cho thân chủ trước tòa. Nhất là khi ra tòa để bào chữa cho tội trạng giết người như vậy, thì phải có sự hợp tác của những vị bác sĩ chuyên khoa về môn pháp lý tâm thần, để khám nghiệm cho tội nhân và chỉ khoảng một tuần lễ trước ngày bị hành quyết, anh tử tội này cũng được khám nghiệm bởi một vị bác sĩ Việt Nam chuyên biệt về pháp lý tâm thần (forensic doctor) ở California, đó là bác sĩ Lê Đình Phước. Nhưng rất tiếc ông bác sĩ này được luật sư của tội nhân mời đến khám nghiệm cho đương sự quá trễ, nên không còn đủ ngày giờ để hoàn tất các thủ tục chứng nghiệm về pháp lý tâm thần trước tòa, để may ra có thể cứu vãn được mạng sống của đương sự. Ông bác sĩ này cũng là người sẵn lòng giúp đỡ cho đương sự và ông cũng từng là Mục Sư khi còn ở Việt Nam. Qua tình bằng hữu thân thiết trong nhiều năm qua với vị bác sĩ này, Thầy được nhiều người trong giới luật sư Hoa Kỳ cho Thầy biết, bác sĩ pháp lý tâm thần Lê Đình Phước, người Mỹ gọi ông là Doctor Lee, là một bác sĩ người Việt đầu tiên chuyên biệt về ngành pháp lý tâm thần tại Hoa Kỳ và ông cũng thường xuyên tình nguyện đi thăm các tù nhân như Thầy.
Thụy Vi : Vâng, nói chung thì ở đâu cũng vậy, nếu mình biết đường mình chạy hoặc mình có thế lực một chút thì nó cũng đỡ hơn . Nhưng tốt hơn hết, mình nên tránh để khỏi đi vào con đường tù tội, thì vẫn là điều tốt nhất phải không Thầy?
Dạ thưa Thầy, theo Thụy Vi nghĩ thì dù sao những người tù nhân được giam ở những trại tù của Mỹ vẫn may mắn, vẫn có phước hơn là những tù nhân ở các trại giam bên Việt Nam, dưới chế độ cộng sản, Thầy nghĩ như thế nào ?
Thầy San : Chắc chắn rồi ! Bởi vì bên này chính quyền tôn trọng quyền tự do và nhân phẩm của con người. Như Thầy vừa nói, là những vụ án gọi là tình ngay mà lý gian xẩy ra ít, không đáng kể, vì không có một ai được coi là người toàn thiện (perfect) trên thế gian này, nhưng vấn đề đối xử tình người với người, tôn trọng quyền tự do cá nhân và nhân phẩm của con người, thì riêng Thầy nhận thấy Hoa Kỳ là một quốc gia đứng số 1 về vấn đề đối xử nhân đạo đối với tất cả các tù nhân. Thầy không thấy có một quốc gia nào trên thế giới, lại có một hệ thống (System) đối xử nhân đạo đối với tù nhân như nước Hoa Kỳ này.
Thụy Vi: Dạ vâng, dù sao cũng đối xử giống như một con người cho một con người phải không Thầy?
Thầy San: Đúng, Hoa Kỳ rất tôn trọng điều đó.
Thụy Vi: Thụy Vi cũng đã đọc và tìm hiểu qua cuốn sách về Pháp Luật Hoa Kỳ Thực Dụng, do Thầy đã bỏ công lao ra viết, trong đó có nhiều tiểu đề tài, với những câu chuyện có thực xảy ra, để làm ví dụ cho cộng đồng chúng ta biết một số trường hợp, vì không am tường pháp luật nơi xứ người, nên phải vào tù. Do đó Thụy Vi mong Thầy sẽ trở lại với chương trình Tuổi Thu Hồng Xuân, để tiếp tục nói về những vấn đề này trong mộ ngày rất gần đây. Và một lần nữa, Thụy Vi rất cám ơn Thầy đã bỏ thời gian quý báu, đã đến với chương trình Tuổi Thu Hồng Xuân trong ngày hôm nay.
Thầy San: Xin cám ơn Thụy Vi và cám ơn Quý Thính Giả đã nghe chúng tôi trình bày và nói chuyện về những tù nhân tại Hoa Kỳ nói chung và những tù nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng. Xin một lần chót cám ơn Quý thính giả của Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại.
Thụy Vi: Dạ Vâng, cảm ơn Thầy, xin phép chào Thầy ạ.
Thầy San: Xin chào Thụy Vi.
(Còn tiếp)
Views: 0