Uncategorized

Tính Điềm Đạm

Bạn rất thân mến,

Hình như chúng ta luôn bị vướng động trong cuộc sống lúc nào cũng phải chạy theo cơn sốt tất bật. Cơn sốt lao xao. Cơn sốt rộn rịp… giữa thế kỷ gọi là văn minh hiện đại hôm nay?? Từ đó, nếu không khéo chúng ta sẽ tự đánh mất chính chúng ta, vốn là đoàn con thiện lành của Thiên Chúa.

Bạn rất thân mến,

Hình như chúng ta luôn bị vướng động trong cuộc sống lúc nào cũng phải chạy theo cơn sốt tất bật. Cơn sốt lao xao. Cơn sốt rộn rịp… giữa thế kỷ gọi là văn minh hiện đại hôm nay?? Từ đó, nếu không khéo chúng ta sẽ tự đánh mất chính chúng ta, vốn là đoàn con thiện lành của Thiên Chúa.

Như, chúng ta rất dễ sinh lòng ganh ghét nhau. Rất dễ chia rẽ nhau. Rất dễ ngấm ngầm sự hận thù nhau. Nhất là rất dễ bị xúc động trước mọi biến đổi của vạn vật xung quanh, và sự quyến rũ mê hồn trận của sắc đẹp cùng xe hơi nhà lầu lộng lẫy. Do vậy, bản tâm chúng ta như không bao giờ được bình yên. Hạnh phúc viên mãn lại là điều càng rất xa vời… Thân kính mời hết thảy chúng ta thử suy gẫm về Tính điềm đạm. Và, nội dung sách “Học làm người” của tác giả Nguyễn Duy Cần có đoạn kể với đại ý rằng:

-Theo thần thoại Phù Tang, các vị thần trên cõi trời tranh nhau làm bá chủ thế gian. Có một vị bước ra trước, lớn tiếng ra oai:

-Các ngài hãy xem sức mạnh phi thường của tôi đây!

Tiếng sấm nổ ầm vang! Làm rung động không gian. Các vị thần kia đều kinh khiếp. Nhưng vị thần Bão tố không cho phép mình bị thua, liền quát lớn:

-Sức mạnh của tôi còn dữ dội hơn nữa. Tất cả hãy xem đây!

Và kìa, mặt nước biển bỗng dâng càng lúc càng cao. Gió thổi càng lúc càng mạnh. Bão tố đến rồi. Nước biển có khả năng tràn vào bờ và dâng lên ngập cả đỉnh núi. Các vị thần sợ quá nên đành van xin…Thế là sóng lặn. Gío êm. Nước rút. Theo sau đó có một giọng nói nghiêm và rền vang:

-Sức mạnh không phải ở nơi tự phô trương sức bạo tàn, vì nó chỉ có phá hoại mà không tạo lập được. Sức mạnh ở cái thuật khuất phục con người và giữ gìn họ trong sự khuất phục bằng ý muốn của họ. Người ta cảm vì sự dịu dàng mà chịu khuất phục chớ không phải vì bị khủng khiếp
mà chịu khuất phục!

Nói xong, vị thần Âm Nhạc lấy ống tiêu ra thổi…Tiếng tiêu du dương trầm bỗng làm mê hồn các vị thần khác. Họ ngất ngây đến như bị tiếng tiêu thôi miên họ vào giấc ngủ say.

Cuối cùng còn sót lại một vị thần tâm luôn bất động. Gương mặt luôn bình an, khi ngài chứng kiến cảnh sấm sét, cảnh bão tố, và tiếng tiêu có sức thu hút lạ lùng.Vị thần làm trọng tài cuộc tranh đua, ngạc nhiên hỏi:

-Ngài có bị mù và bị điếc không vậy?

-Không. Tôi đã thấy, và tôi cũng đã nghe.

-Thế tại sao ngài trơ ra như đá, khi các vị thần khác thì bị xôn xao lên trước những thay đổi bất thường ấy?

-Xin lỗi! Ngài đã lầm. Tâm hồn tôi vẫn xao động. Trái tim tôi vẫn đang đập.

-Nhưng tại sao gương mặt ngài không lộ vẻ lo sợ hay vui sướng gì cả vậy?

-Tôi là Điềm Đạm. Tôi đã huấn luyện được tôi, và tôi làm chủ được mọi cảm giác của tôi. Còn các ngài, các ngài hãy còn làm ‘nô lệ’ của cảm giác. Các ngài để cho cảm giác sai khiến các ngài.
Nghe vị thần Điềm Đạm nói vậy, các vị thần khác cúi mặt thinh lặng. Vị thần làm trọng tài ra quyết định:

-Quyền bá chủ được giao cho vị thần Điềm Đạm này đây. Vì sức mạnh nơi thần này mới là vĩ đại! Vị này không phô trương, không bị xao động. Vị này đã khéo lợi dụng tất cả mọi tình huống xảy ra, và bắt chúng phải làm ‘tôi mọi’ lại cho bản thân mình. Tôi xin tuyên bố: Vị thần Điềm Đạm mới là vị thần làm chủ của tất cả chúng ta.

♦♦♦

Sách này còn cho mọi người chúng ta một bài học khác:

-Khổng Tử bị thất trận và bị vây hãm ở đất Khuông, xem như hết phương cách để trốn thoát. Nên ngài lấy đàn ra ngồi đàn và cất tiếng ca. Tử Lộ hỏi tại sao, Khổng Tử từ tốn trả lời:

-Ta đã toàn tâm toàn lực để làm hết sức ta mà vẫn không được, thì đó không phải là do tại ta, mà tại ông Trời. Xưa kia Nghêu, Thuấn không bị tình trạng khốn khổ như chúng ta, không phải vì các ông ấy tài giỏi hơn ta, mà do cái bổn mạng của các ông ấy không giống như bổn mạng của ta. Rồi Kiệt, Trụ bị hại cũng đâu phải do ít tài hơn Nghêu, Thuấn, mà cũng chỉ tại cái bổn mạng của họ kém may mắn hơn thôi. Ngừng giây lát, Khổng Tử nói tiếp:

-Người thợ lặn, lặn xuống biển sâu mà không biết sợ giao long, đó là cái DŨNG của người làm nghề chài lưới. Đi vào rừng sâu mà không biết sợ cọp dữ, đó là cái DŨNG của người làm nghề thợ săn. Nhìn thấy gươm giáo sáng ngời bén ngót mà không hề bị nhũn chí sờn lòng, đó là cái DŨNG của người chiến sĩ. Biết được sự cùng tắt của thiên thời địa lợi và bổn mạng chính mình mà không hề biết run sợ, đó là cái DŨNG của Thánh nhân!

Ngoài ra, như chúng ta đã biết: -Phật thì bàn về ‘Tâm vô quái ngại’. Lão thì chuyên sâu ‘vô vi điềm tĩnh’. Nho thì luận về ‘hạo nhiên chi khí’. Tất cả đều qui về đức tính Điềm Đạm, như đã nói bên trên.

Tóm lại, theo tác giả Nguyễn Duy Cần, Điềm Đạm là tính “thản nhiên bĩnh tĩnh- và như như bất động”. Và như chúng ta từng biết, người có tính Điềm Đạm không bao giờ để cho mọi sự vật thâm nhập vào bản tâm. Hay nói cách khác, người đã có tính Điềm Đạm rồi thì tuyệt đối không sống trong cảnh “bị động”. Cho dù đó là tình dục, một loại thú khoái mê hồn của thể xác.

Bạn quý mến,

‘Học làm người’ là loại sách không thể thiếu trong gia đình quý vị làm công tác giáo dục, và quý phụ huynh quan tâm sâu sắc đến vấn đề huấn dạy con cháu của mình. Tuy nhiên chiến thắng với chính mình thì lại vô cùng khó khăn. Như mình, người viết bài này, đã có nhiều khi mình không giữ được đức tính Điềm Đạm vốn là điều rất quý báu của tất cả chúng ta.

Mình hay cuống cuồng lên trước mọi nguy hiểm. Mình hay chơi vơi khi nghe tiếng nhạc lời ca. Mình hay nhớ nhung vô bổ một bóng hình ở xa xăm nào đó. Mình hay tìm cách tránh né những ai không phù hợp với mình. Một ánh trăng khuya cũng có thể làm trái tim mình bị xao xuyến. Một trận mưa rơi tí tách bên ngoài khung cửa sổ cũng khiến lòng mình bị co rúm trong nỗi cô đơn. Nhất là mình vẫn còn hay giận hay hờn, đôi khi rất là vô cớ vô lý vậy mà mình vẫn hờn vẫn giận người ta….v…v…và …v…v……

Nhìn chung, mình thật là ‘dở ẹc’ trong vấn đề ‘tâm vô quái ngại’. Và nếu mình cứ để cho mình bị ‘tâm hằng quái ngại’ hoài thì còn chỗ nào trống trơn để mình đón Chúa vào ở với tâm hồn mình ? Đây mới là vấn đề quan trọng, và chưa bao giờ mình cảm thấy mình cần sửa chữa mình ngay như lúc này! Mình phải dứt khoát loại trừ nhiều thứ lung tung lộn xộn râu ria bên ngoài, để dành chỗ bình yên cho tính Điềm Đạm trong mình được viên mãn.

Có được đức tính Điềm Đạm rồi, chúng ta sẽ không bị mù quáng trong lúc lựa chọn cần phải học hỏi thêm nhiều điều Tốt; và cần phải đẩy xa ra mọi thứ Xấu. Có được đức tính Điềm Đạm, cũng là điều diễm phúc, để chúng ta dễ nhận ra ai là người yêu thương chúng ta vô vàn, và trọn đời chúng ta luôn có Người bên cạnh. Người như người mẹ hiền luôn ủ ấp và hết lòng yêu thương con thơ. Người ấy chính là Thiên Chúa của chúng ta.

Chính Người mới là ‘vị Thần Linh’ làm Chúa Tể muôn loài. Người dựng nên trời đất, muôn thú, cỏ cây hoa lá, và dựng nên ông Adong và bà Eva, tổ phụ của loài người, mang hình ảnh giống như Người. Người có Quyền lực trên tất cả mọi quyền lực ở trên trời và dưới đất. Người là Người tạo tác nên tôi, rồi Người đi qua đời tôi, và Người cũng mãi dừng lại trên bến đời tôi, để ủi an và chỉ dạy cho tôi. Người cũng hằng ban cho tôi một thứ Hạnh Phúc thật, và sự Bình An vĩnh hằng.

Đức tính Điềm Đạm cũng là bước khởi đầu để chúng ta đi vào chiều sâu tâm linh. Nơi đó, chúng ta sẽ được vỡ lẽ ra mọi hạnh phúc và mọi quyền uy cùng danh vọng ở trần gian này, nếu có cũng không thể thoát ra ngoài qui luật vô thường: Hôm nay thì có đó. Coi chừng ngay ngày mai lại là một con số không!

Và, bài viết hôm nay mình xin kết thúc:

“Cái DŨNG của Thánh nhân, tức là ở chỗ cùng cực của tính Điềm Đạm.”

M. T. BTN

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.