VRNs (11.11.2014) – Theo CNA/EWTN – Khi Hồng Y Walter Kasper chuẩn bị nhận một giải thưởng và diễn thuyết tại Đại học Công Giáo ở Washington thì một cơn bão chỉ trích kéo đến.
Những chỉ trích nhắm đến việc ngài và các Giám mục Đức cho phép những người đang trong tình trạng bất thường về hôn nhân, tức là những người ly dị và tái hôn, được phép rước Mình Thánh Chúa. Trong khi các ngài lại cấm đoán những người không đóng thuế nhà thờ đón nhận các bí tích, kể cả bí tích hòa giải.
Theo CNA, cả 2 cách ứng xử này của Giáo hội ở Đức được cho là đang đi ngược lại với giáo huấn của Giáo hội.
Trên trang blog cá nhân ở tờ báo L’Espresso, ông Sandro Magister đã viết rằng các giám mục Đức “rõ ràng rất nhân từ trong việc cho phép những người ly dị và tái hôn rước Mình Thánh Chúa, nhưng cùng lúc lại là rất nhẫn tâm trong việc ra vạ tuyệt thông đối với những ai từ chối đóng thuế nhà thờ.”
Thuế nhà thờ đem lại nguồn thu nhập cho Giáo hội ở Đức hơn 7 tỉ Mỹ kim trong năm 2012 và 2013.
Ông Magister giải thích rằng: “Ở Đức thuế nhà thờ là bắt buộc, vì thế để tránh trả thuế, người ta phải tuyên bố rời bỏ Giáo hội bất kể là Công giáo hay Tin lành, bằng một hành vi công khai trước các chức trách địa phương.”
Khi những công dân Đức khai là Công giáo, Tin lành, hay Do thái giáo trong các đơn thuế, thì chính phủ tự động thu một khoản thuế thu nhập từ họ khoảng 8 hay 9% của tổng thuế thu nhập, hay 3-4% lương của họ.
“Thuế nhà thờ” được trao cho các cộng đoàn tôn giáo, và giáo hội dùng quỹ này để giúp điều hành các giáo xứ, trường học, bệnh viện, và các dự án phúc lợi.
Trong những năm gần đây nhiều công dân Đức đã xin “bỏ đạo” để tránh phải trả thêm thuế. Ông Magister lưu ý rằng số người tuyên bố bỏ đạo là rất đáng kể – năm 2010, con số là hơn 180.000.
Nhiều người dù đã rút tên khỏi Giáo hội trong các mẫu đơn thuế của chính phủ nhưng vẫn tiếp tục thực hành đức tin.
Để đối phó với sự gia tăng con số xin rút tên khỏi Giáo hội, các giám mục Đức đã ra một sắc lệnh vào tháng 9.2012 gọi việc bỏ đạo như thế là một sự sa ngã nghiêm trọng và liệt kê một số cách thức mà họ bị ngăn trở tham gia vào đời sống của Giáo hội.
Sắc lệnh định rõ rằng những ai không trả thuế nhà thờ thì không thể đón nhận các bí tích như xưng tội, rước lễ, thêm sức, hoặc xức dầu bệnh nhân, trừ khi họ đang thập tử nhất sinh; không được nắm giữ các chức vị trong Giáo hội hay thực hiện những chức năng trong Giáo hội; không được đỡ đầu hay bảo trợ; không được tham gia vào hội đồng giáo xứ hay giáo phận; và không được tham gia vào các hội đoàn của Giáo hội.
Nếu những người đã rút tên không thể hiện một dấu chỉ về sự hối cải trước khi chết, họ có thể bị từ chối làm nghi thức an táng.
Trong khi những hình phạt này được diễn giải như là việc “dứt phép thông công, thì vào ngày 13.3.2006 Hội đồng Giáo hoàng về giải thích văn bản giáo luật đã viết một văn bản nói rằng việc không đóng thuế trong một tình huống dân sự thì không giống như việc chối bỏ đức tin, và vì thế vạ tuyệt thông không áp dụng cho những người đó.
Nhóm Hiệp nhất các Hiệp hội trung thành với Giáo hoàng đã nói rằng thật là mỉa mai rằng một người có thể từ chối giáo huấn của Giáo hội trong bất cứ vấn đề nào, bao gồm tính bất khả phân ly của hôn nhân, và vẫn có thể được xem là Công giáo – miễn là họ đóng thuế nhà thờ.
Nhóm cũng đã lên án rằng việc “mua bán các bí tích” thông qua hệ thống thuế còn thậm chí tệ hơn những lạm dụng mà Martin Luther đã chống đối ngay từ khai sinh của cuộc cải cách Tin Lành.
Pv. VRNs
Views: 0