Uncategorized

“Hôn nhân là một cuộc cử hành – một cử hành Kitô giáo, chứ không phải là một cử hành thế tục”

1- Tâu Đức Thánh Cha, rất nhiều người ngày nay nghĩ rằng việc hứa quyết trung thành trọn đời là những gì quá khó thực hiện; nhiều người cảm thấy rằng cuộc thách đố phải sống vĩnh viễn với nhau thì tuyệt vời, hấp dẫn nhưng lại quá gay go, hầu như bất khả. Chúng con xin Đức Thánh Cha những lời lẽ soi dẫn chúng con về vấn đề này

 

1- Tâu Đức Thánh Cha, rất nhiều người ngày nay nghĩ rằng việc hứa quyết trung thành trọn đời là những gì quá khó thực hiện; nhiều người cảm thấy rằng cuộc thách đố phải sống vĩnh viễn với nhau thì tuyệt vời, hấp dẫn nhưng lại quá gay go, hầu như bất khả. Chúng con xin Đức Thánh Cha những lời lẽ soi dẫn chúng con về vấn đề này

 

Tôi cám ơn về chứng từ cũng như về câu hỏi ấy. Tôi sẽ giải thích: các bạn biết rằng chúng đã được gửi đến cho tôi trước… Bởi thế tôi đã có thể suy tư và nghĩ đến một câu trả lời vững chắc hơn một cách nào đó.

 

Vấn đề quan trọng là các bạn tự hỏi mình xem các bạn có thể yêu nhau "vĩnh viễn" hay chăng. Đó là một vấn đề cần phải được đặt ra: có thể nào yêu nhau "vĩnh viễn" được chăng? Ngày nay nhiều người sợ thực hiện những quyết định vĩnh viễn. Có một em trai thưa cùng vị Giám Mục của em rằng: "Con muốn làm linh mục, nhưng chỉ 10 năm thôi". Em đã tỏ ra lo sợ một chọn lựa vĩnh viễn. Thế nhưng đó là một nỗi sợ hãi chung hợp với văn hóa của chúng ta. Việc chọn lựa cho cuộc sống dường như là những gì bất khả. Ngày nay, mọi sự đều mau chóng đổi thay; chẳng có gì là kéo dài được lâu… Cái tâm thức này dẫn rất nhiều người đang sửa soạn hôn nhân nói rằng: "chúng ta ở với nhau bao lâu còn yêu nhau" và sau đó? Anh đi đường anh tôi đường tôi… tình nghĩa đôi ta có thế thôi (xin dịch theo kiểu văn vẻ Việt Nam câu tiếng Anh: "Greetings and good-bye… And so marriage ends").

 

Thế nhưng, vấn đề ở đây là chúng ta hiểu sao về "tình yêu" chứ? Phải chăng nó chỉ là một thứ cảm giác, một tình trạng tâm thể lý (a psycho-physical state)? Dĩ nhiên là nếu nó là thế thì con người ta không thể nào xây dựng trên một điều gì đó vững chắc. Trái lại, nếu tình yêu là một mối liên hệ, thì nó là một thực tại gia tăng, và chúng ta cũng có thể nói, chẳng hạn, nó như là việc xây một ngôi nhà. Ngôi nhà này được cùng nhau xây lên, chứ không phải một mình ai! Ở đây, việc xây dựng có nghĩa là nuôi dưỡng và làm cho nó gia tăng phát triển. Các đôi bạn đính hôn thân mến, các bạn đang dọn mình để cùng nhau  gia tăng phát triển, để xây dựng ngôi nhà này, để cùng nhau vĩnh viễn chung sống. Các bạn không muốn xây dựng nó trên thứ cát của cảm tình nông nổi mau qua, mà là trên tảng đá tình yêu chân thực, tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa. Gia đình được hạ sinh từ dự án yêu thương muốn gia tăng phát triển này, như một ngôi nhà dựng xây để làm thành một nơi của cảm thức, của giúp đáp, của hy vọng, của đỡ nâng. Như tình yêu của Thiên Chúa vững bền và vĩnh viễn thế nào thì chúng ta cũng muốn tình yêu làm nên gia đình này được bền vững và vĩnh tồn. Xin chúng ta đừng để mình bị chế ngự bởi thứ "văn hóa nhất thời – culture of the provision"! Thứ văn hóa này đang xâm chiếm mọi người ngày nay, thứ văn hóa nhất thời này không phải là đường đi nước bước!

 

Vậy thì làm thế nào để chữa trị nỗi sợ hãi về tính chất "vĩnh viễn" này? Nó được chữa trị ngày này qua ngày khác bằng việc phó mình cho Chúa Giêsu bằng một đời sống trở thành cuộc hành trình thiêng liêng hằng ngày, một cuộc hành trình được làm nên bởi các bước đi – những bước đi nho nhỏ, những bước đi cùng nhau gia tăng phát triển – được làm nên bởi việc dấn thân trở nên những con người nam nữ trưởng thành về đức tin. Bởi vì, các bạn đính hôn thân mến, tính chất "vĩnh viễn" không phải chỉ là một vấn đề kéo dài! Một cuộc hôn nhân không thành công chỉ vì nó lâu bền – phẩm chất của nó mới là điều quan trọng. Thách đố của các đôi phối ngẫu Kitô giáo ở với nhau và có thể yêu thương nhau vĩnh viễn. Hãy nhớ phép lạ bánh hóa ra nhiều: đối với cả các bạn nữa, Chúa cũng có thể tăng bội tình yêu và ban nó cho các bạn một cách tươi mới và tốt đẹp hằng ngày. Người có cả một kho muôn vàn tiếp liệu! Người ban cho các bạn thứ tình yêu là nền tảng cho mối hiệp nhất của các bạn và Người canh tân nó hằng ngày, Người củng cố nó. Người thậm chí làm cho nó lớn lao cao cả hơn nữa khi gia đình gia tăng phát triển với con cái. Trong cuộc hành trình này, việc cầu nguyện bao giờ cũng là những gì hệ trọng và cần thiết. Anh cầu nguyện cho em và em cầu nguyện cho anh cũng như cho tất cả và cả hai cùng cầu nguyện. Các bạn hãy xin Chúa Giêsu tăng bội tình yêu của các bạn. Trong kinh Lạy Cha chúng ta nguyện rằng: "Xin cho chúng con lương thực hằng ngày". Thành phần phối ngẫu cũng có thể học cầu nguyện như thế: "Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu nhau hằng ngày", vì tình yêu hằng ngày của các đôi phối ngẫu là một thứ bánh, thứ bánh thực sự của linh hồn, thứ bánh bảo trì họ trong việc tiến bước. Và lời cầu nguyện này: chúng ta có thể thực hiện một thử nghiệm xem chúng ta có thể nguyện hay chăng? "Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu nhau hằng ngày – Lord, give us today our daily love". Nào tất cả cùng đọc! [Các bạn đính hôn: "Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu nhau hằng ngày"] Một lần nữa! [Các bạn đính hôn: "Lạy Chúa, xin cho chúng con yêu nhau hằng ngày"]. Đó là lời nguyện của các bạn đính hôn cũng như của các đôi phối ngẫu. Xin hãy dạy chúng con yêu thương nhau, dạy chúng con muốn cho nhau những gì là thiện hảo! Các bạn càng ký thác mình cho Người thì tình yêu của các bạn sẽ càng "vĩnh viễn", tình yêu của các bạn có thể được đổi mới và sẽ thắng vượt hết mọi khó khăn. Đó là những gì tôi suy nghĩ để nói cùng các bạn, đáp lại vấn nạn của các bạn. Xin cám ơn các bạn!

 

2- Tâu Đức Thánh Cha, việc sống với nhau hằng ngày là điều tuyệt vời, nó mang lại niềm vui và sự nâng đỡ. Tuy nhiên, nó lại là một thách đố cần phải đối diện. Chúng con tin rằng chúng con cần phải học yêu thương nhau. Có một "lối" sống vợ chồng này, một linh đạo hằng ngày nào chúng con có thể học biết hay chăng? Tâu Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có thể giúp chúng con về vấn đề này được chăng?  

 

Nó là một nghệ thuật để sống với nhau, một cuộc hành trình nhẫn nại, mỹ miều và hấp dẫn. Nó không chấm dứt khi các bạn được lòng nhau. Trái lại, bấy giờ nó mới thực sự bắt đầu! Cuộc hành trình hằng ngày này có các qui luật có thể tòm gọn thành ba cụm từ mà các bạn đã nói, những cụm từ tôi đã lập lại rất nhiều lần với các gia đình đó là: xin nhau – tức là như thể các bạn nói rằng 'xin anh / xin em – may I' – cám ơn anh / cám ơn em – thank you, và xin lỗi anh / xin lỗi em – excuse me.

 

"Xin anh / xin em – xin nhau?" Nó là một lời yêu cầu lịch sự để có thể tiền vào đời sống của nhau một cách kính trọng và trân trọng. Cần phải biết hỏi: anh/em có thể làm điều này điều kia được không? Anh/em có vui lòng hay chăng nếu chúng ta làm điều này điều nọ như thế kia? Đó có phải là những gì chúng ta cần khởi động hay chăng, đó có phải là những gì chúng ta giáo dục con cái chúng ta như vậy chăng? Anh/em có muốn chúng mình ra ngoài tối hôm nay không? Tóm lại, việc hỏi xin nhau nghĩa là lịch sự tiến vào đời sống của người khác. Thế nhưng, các bạn hãy nghe cho kỹ đây: để lịch sự tiến vào cuộc sống của người khác, nó không phải là điều dễ, không dễ dàng đâu nhé. Trái lại, đôi khi lại sử dụng những cách thức nặng nề như thể một ngọn núi giáng xuống vậy! Tình yêu chân thực không áp đặt một cách thô lỗ và hung hãn. Trong cuốn Những Cánh Hoa Nho Nhỏ của Thánh Phanxicô, người ta đọc thấy lời này: Hãy biết rằng lịch sự là một trong những đặc tính của Thiên Chúa… và lịch sự là chị em của đức bác ái, những gì dập tắt đi hận thù và bảo trì tình yêu" (Chương 37). Phải, lịch sự là những gì bảo trì tinh yêu. Và hôm nay trong gia đình của chúng ta, trong thế giới của chúng ta, thường xẩy ra bạo động và ngạo mạn thì càng cần phải lịch sự hơn nữa. Điều này có thể bắt đầu trong gia đình.

 

"Cám ơn anh / cám ơn em". Dường như nói điều này là việc dễ dàng đấy, thế nhưng chúng ta biết nó lại không phải như thế… Tuy nhiên, nó là một điều quan trọng! Chúng ta dạy cho con cái chúng ta điều ấy! Việc tri ân cảm tạ là một tình cảm quan trọng! Có lần, ở Buenos Aires, một nữ lão thành đã nói cùng tôi rằng: "việc tri ân cảm tạ là một bông hoa nở ra ở mặt đất cao quí". Tính chất cao quí của linh hồn là những gì cần thiết cho bông hoa này nở ra. Các bạn có nhớ Phúc Âm Thánh Luca hay chăng? Chúa Giêsu chữa lành cho 10 người phong cùi nhưng sau đó chỉ có duy một người quay trở lại để cảm tạ Chúa Giêsu. Nên Chúa nói rằng: "còn chín người kia đâu rồi? Điều này cũng đúng với chúng ta nữa: chúng ta có cám ơn hay chăng? Trong mối liên hệ của các bạn, và mai này trong đời sống hôn nhân của các bạn, cần phải làm sao luôn ý thức rằng người khác là một tặng ân của Thiên Chúa, và người ta phải cảm ơn về tặng ân Thiên Chúa ban cho! Và trong thái độ nội tại này đó là lời cám ơn nhau về tất cả mọi sự. Nó không phải là một lời lẽ tử tế được sử dụng để nói với những ai xa lạ, một lời nói cầu ký kiểu cách. Các bạn cần phải làm sao có thể cám ơn nhau, làm sao có thể cùng nhau tiến bước trong đời sống hôn nhân của các bạn.

 

"Xin lỗi anh / xin lỗi em". Chúng ta vấp phạm rất nhiều lầm lỗi, rất nhiều sai lầm trong đời sống. Có lẽ ai đó ở đây không bao giờ mắc phải sai lầm? Nếu có ai ở đây thì xin giơ tay lên nào, giờ tay lên coi: một con người nào đó không bao giờ lầm lỗi đâu? Tất cả chúng ta đều lầm lỗi! Tất cả mọi người! Có lễ không có ngày nào mà chúng ta không gây ra một lỗi lầm nào đó. Thánh kinh nói rằng người công chính vấp phạm 7 lần một ngày. Chúng ta cũng phạm lỗi lầm như vậy…. Thế nên cần phải sử dụng lời lẽ chân thành đơn sơ này: "xin lỗi". Nói chúng từng người chúng ta mau mắn tố lỗi người khác và biện minh cho mình. Việc này được bắt đầu từ người cha Adong của chúng ta, khi Thiên Chúa hỏi ông: "Adong tại sao ngươi lại ăn trái đó chứ?" "Tôi à? Không phải! Bà ta là người đã đưa nó cho tôi đó!" Chúng ta đổ lỗi cho người khác để khỏi phải "xin lỗi – sorry" , "xin tha – pardon". Đó là chuyện cũ! Nó là một khuynh hướng ngay từ ban đầu đã gây ra quá nhiều thảm họa. Chúng ta hãy biết nhìn nhận lầm lỗi của chúng ta và xin tha thứ. "Anh / em xin lỗi nếu anh / em hôm nay chẳng may đã lên giọng"; "anh / em xin lỗi đã đi ngang qua anh / em mà không chào anh / em"… Có nhiều thứ "xin lỗi" chúng ta có thể nói với nhau mỗi ngày.

 

Một gia đình Kitô hữu cũng gia tăng phát triển như thế. Tất cả chúng ta đều biết rằng không có gia đình nào là toàn hảo hết, hay không có người chồng nào là vẹn toàn hoặc người vợ nào toàn vẹn. Chúng ta không nói về người mẹ chồng trọn hảo nữa… Chúng ta là thành phần tội nhân hiệu hữu. Chúa Giêsu, Đấng quá biết chúng ta, dạy chúng ta một bí mật đó là đừng bao giờ kết thúc một ngày sống mà không xin nhau thứ tha cho mình, mà không làm hòa với nhau. Việc cãi nhau giữa vợ chồng là thường tình thế nhưng bao giờ cũng có một điều gì đó khiến chúng ta cải cọ… Có lẽ vì các bạn đã giận dữ, có lẽ vì một cái đĩa bay, thế nhưng xin hãy nhớ rằng đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa nhé! Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ! Đó là một bí mật, một bí mật bảo trì tình yêu và tạo an bình. Không cần phải sử dụng lời lẽ văn hoa. Đôi khi là một cử chỉ như thế này và … thế là bình an. Đừng bao giờ kết thúc… vì nếu các bạn kết thúc ngày sống mà không làm hòa với nhau, thì cái ở trong các bạn vào hôm sau trở thành lạnh lùng và khô cứng, càng khó làm hòa. Các bạn hãy nhớ kỹ: đừng bao giờ chấm dứt ngày sống mà không làm hòa nghe! Nếu chúng ta biết xin lỗi nhau và thứ tha cho nhau thì hôn nhân sẽ bền bỉ, nó sẽ tiến triển. Khi có những cặp vợ chồng lão thành, cử hành kỷ niệm 50 năm, đến với những buổi triều kiến hay đến dự Lễ ở Nhà Thánh Matta này, tôi đặt vấn đề là: Ai chịu đựng ai nào? Thật là tuyệt vời! Cả hai người trong họ nhìn nhau, họ nhìn tôi, rồi họ nói cùng tôi rằng: "Cả hai!". Tuyệt vời. Đó là một chứng từ tuyệt vời!

 

3- Tâu Đức Thánh Cha, trong những tháng ngày này chúng con tham dự rất nhiều thứ sửa soạn cho đám cưới của chúng con. Đức Thánh Cha có thể cho chúng một lời khuyên nào đó để cử hành hôn phối của chúng con một cách tốt đẹp chăng?

 

Hãy làm cho nó trở thành một cuộc cử hành thực sự – vì hôn nhân là một cuộc cử hành – một cử hành Kitô giáo, chứ không phải là một cử hành thế tục. Động lực sâu xa nhấg để hân hoan vui mừng vào ngày ấy đã được nói đến trong Phúc Âm Thánh Gioan: các bạn có nhớ phép lạ ở tiệc cưới Cana không? Vao một lúc nào đó họ hết mất rượu uống và cuộc cử hành dường như trở thành vở mặt. Hãy tượng tượng xem chấm dứt bữa tiệc bằng việc uống trà thì con ra làm sao nữa! Không, không thể nào lại như thể được! Không có vấn đề cử hành mà lại thiếu rượu uống! Theo gợi ý của Mẹ Maria, bấy giờ Chúa Giêsu đã tỏ mình ra lần đầu tiên bằng một dấu hiệu, đó là Người đã biến nước thành rượu, và làm như thế, Người cứu được cuộc cử hành tiệc cưới này. Những gì đã xẩy ra ở Cana hai ngàn năm trước thực sự cũng xẩy ra ở hết mọi cuộc cử hành hôn phối, ở chỗ, điều sẽ làm cho cuộc đời hôn nhân của các bạn tròn vẹn và thực sự sâu xa sẽ là sự hiện diện của Chúa, Đấng tỏ mình ra và ban cho cúng ta ân sủng của Người. Chính sự hiện diện của Người cống hiến cho chúng ta thứ "rượu ngon", Người là bí mật của niềm hân hoan tròn đầy, niềm vui thực sự làm ấm lên cõi lòng. Chính sự hiện diện của Chúa Giêsu ở nơi cuộc cử hành ấy. Chớ gì nó là một cử hành tuyệt vời, thế nhưng với Chúa Giêsu! Chứ không phải với tinh thần thế tục, không! Các bạn sẽ cảm thấy như vậy khi Chúa hiện diện ở đó.

 

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của các bạn đồng thời cũng cần phải được cảm thức rõ và đề cao những gì thật sự quan trọng. Một số lưu ý hơn đến các thứ dấu hiệu bề ngoài, đến bữa tiệc, đến hình ảnh, đến quần áo và các thứ hoa cảnh. Chúng là những điều quan trọng ở một cuộc cử hành, thế nhưng nếu chúng làm sao có thể bày tỏ động lực thực sự từ niềm hân hoan của các bạn, đó là tình yêu của các bạn được Chúa chúc phúc. Hãy làm cho các dấu hiệu bề ngoài ấy của việc các bạn cử hành, như rượu ở Cana, cho thấy sự hiện diện của Chúa và nhắc nhở các bạn cũng như mọi người về nguồn mạch và lý do về niềm hân hoan của các bạn.

 

Thế nhưng, có một điều gì đó các bạn nói rằng tôi muốn nắm bắt, vì tôi muốn để nó qua đi. Hôn nhân cũng là một công việc hằng ngày; tôi có thể nói rằng nó là một thứ tiểu công nghệ, một việc làm của người thợ kim hoàn, vì người chồng có phận sự làm cho vợ mình trợ thành nữ giới hơn và người vợ có bổn phận làm cho chồng mình thành nam giới hơn. Cũng để gia tăng về nhân tính, là nam nhân và là nữ nhân. Và điều này được thực hiện giữa các bạn. Nó được gọi là cùng nhau gia tăng phát triển. Nó không từ trời rơi xuống! Chúa chúc phúc cho nó, nhưng nó đến từ bàn tay của các bạn, từ thái độ của các bạn, từ lối sống của các bạn, từ cách yêu nhau của các bạn. Hãy làm cho mình gia tăng phát triển! Bao giờ cũng tác hành để làm sao cho người khác gia tăng phát triển. Hãy thực hiện như thế. Bởi thế, không biết được, tôi nghĩ đến các bạn là thành phần một ngày kia sẽ đi trên một con đường nào đó ở xứ sở các bạn và dân cúng ta sẽ nói rằng: "Kìa nhìn cô ta mà xem, một phụ nữ duyên dáng biết bao, cô nàng mạnh mẽ là chừng nào!…. Người ta có thể biết được điều ấy ở nơi một người chồng như vậy!" Và cũng cho cả các anh nữa: "Hãy nh2n xem chàng ta kìa!" Người ta có thể thấy được điều ấy nơi người vợ của chàng ta!" Như vậy đó, để tiến đến chỗ làm cho nhau cùng gia tăng phát triển. Và con cái sẽ có được cái di sản này về một người cha và người mẹ cùng nhau gia tăng phát triển, mỗi người làm cho nhau trở thành nam nhân và nữ nhân hơn!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyên dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/francis-dialogue-with-engaged-couples

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.