Uncategorized

Cái chết trong bí tích rửa tội trao ban sự sống mới cho con người

Trong chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô đã dùng một loạt các ý niệm thần học phản đề để trình bày hai cuộc sống của tín hữu: cuộc sống khi chưa biết và tin nhận Chúa Kitô và cuộc sống sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

 

Trong chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô đã dùng một loạt các ý niệm thần học phản đề để trình bày hai cuộc sống của tín hữu: cuộc sống khi chưa biết và tin nhận Chúa Kitô và cuộc sống sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

 

Cuộc sống qúa khứ là cuộc sống nô lệ Tội Lỗi, dâm ô và gian ác dẫn đưa con người tới cái chết. Cuộc sống mới là cuộc sống công chính, thánh thiện tuân phục Thiên Chúa dẫn đưa tới sự sống vĩnh cửu.

 

Cuộc sống mới ấy tín hữu nhận được qua cái chết trong bí tích Rửa Tội. Trong câu 7 thánh Phaolô giải thích ý nghĩa cái chết giải thoát con người, khi khẳng định rằng người đã chết thì thoát khỏi quyền lực của Tội Lỗi. Có lẽ thánh nhân dựa trên tư tưởng luật pháp do thái tuyên bố người đã chết được giải thoát khỏi mọi thứ luật buộc. Cũng thế, ai đã sống kinh nghiệm được dìm mình trong bí tích Rửa Tội, chết đi trong nước rửa tội, thì được giải thoát khỏi ách thống trị của Tội Lỗi, bởi vì họ thuộc về Chúa Kitô. Bí tích Rửa Tội hữu hiệu, vì khiến cho con người từ chỗ nô lệ Tội Lỗi bước sang cuộc sống tùy thuộc vào Chúa Kitô và cuộc sống mới của ơn thánh cứu độ.

Các câu 8-10 song song với các câu 5-7 của chương 6. Trước hết, thánh Phaolô lập lại cho chúng ta biết rằng kinh nghiệm cái chết qua sự hiệp thông với Đức Kitô tử nạn gắn liền với viễn tượng do đức tin mở ra cho tín hữu. Đó là tương lai của cuộc sống tham dự vào cuộc sống của Đức Kitô phục sinh vinh hiển. Tiếp đến là đề tài biến cố vượt qua vĩnh viễn của Đức Kitô: sự sống lại của Người là chiến thắng vĩnh cửu trên Cái Chết. Lý do là vì qua cái chết bị đóng đanh trên thập giá, Đức Kitô được giải thoát một lần cho tất cả khỏi quyền lực của Tội Lỗi, nên từ nay Người sống cuộc sống vĩnh cửu tận hiến cho Thiên Chúa. Sự kiện thánh Phaolô trao ban cho cái chết của Đức Kitô ý nghĩa được giải thoát khỏi quyền lực của Tội Lỗi có thể gây ngạc nhiên. Tuy Đức Kitô đã không bao giờ là nô lệ của Tội Lỗi, Người vẫn là thành phần của nhân loại tội lỗi và trên Núi Sọ, Người đã mang lấy gánh nặng của lời chúc dữ. Trong chương 8,3 thánh Phaolô giải thích ý nghĩa cái chết của Đức Kitô như sau: ”… khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi của chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình”. Thật ra, đây cũng là điều thánh Phaolô đã trình bầy trong các thư trước đó, chẳng hạn trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô chương 5,21: ”Đấng chẳng hề biết tội là gì, Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người”. Còn trong chương 3,13 thư gửi giáo đoàn Galát, thánh nhân viết: ”Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi bị nguyền rủa bởi Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị chúc dữ, vì có lời chép: ”Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!”. Nhưng Đức Kitô đã chiến thắng các quyền lực hủy hoại con người dựa trên sự liên đới này.

Thật vậy, điều thánh Phaolô muốn khẳng định ở đây đó là sự tham dự liên đới của tín hữu vào số phận của Đức Kitô. Vì thế thánh nhân viết trong câu 11: ”Anh chị em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu”. Nghĩa là thánh nhân mời gọi tín hữu tự chấp nhận họ như họ là. Đức Giêsu Kitô đã chết và đã phục sinh là mẫu gương cuộc sống mới của họ: Ngài như thế nào, thì họ cũng như thế. Đây không chỉ là sự so sánh đơn sơ thuần túy, nhưng là một thực tại. Bởi vì chính trong tình trạng thuộc về Đức Kitô Giêsu mà tín hữu đã chết cho Tội Lỗi và không sống cho chính họ nữa, nhưng sống cho Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa kiểu nói ”trong Đức Kitô Giêsu”. Thật ra, câu 11 kết thúc với phần trình bầy các lý do thánh Phaolô dùng để phủ nhận lập luận chống đối cuộc sống mới của kitô hữu. Lập luận này bỏ quên thực tại thuộc hai chiều kích trong cuộc sống của kitô hữu. Thứ nhất, kitô hữu không phải là lãnh vực thống trị của Tội Lỗi nữa, bởi vì họ đã chết rồi. Thứ hai, kitô hữu đang sống một cuộc sống mới tận hiến cho Thiên Chúa trong tình trạng liên đới với số phận cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Nghĩa là như kết qủa của một biến cố giải thoát do ơn thánh Chúa ban trong bí tích Rửa Tội được lãnh nhận nhờ sức mạnh của đức tin (x.c.17).

Các câu 12-14 đánh dấu một sự thay đổi trong diễn văn của thánh Phaolô. Cho tới nay, tức trong 11 câu đầu của chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh nhân nhấn mạnh trên cuộc sống mới của kitô hữu. Nó trái nghịch với lập luận sai lầm cho rằng tín hữu nên tiếp tục sống trong Tội Lỗi để cho ân sủng của Chúa lan tràn trong đời họ. Từ câu 12-14 thánh Phaolô rút tỉa ra các hệ lụy của cuộc sống mới đó. Chúng là bổn phận dấn thân phát xuất từ tinh thần trách nhiệm của kitô hữu đối với đức tin của họ. Do đó, từ giọng văn ở thể biểu thị ”indicativo”, thánh nhân đổi sang giọng văn ở thể sai khiến ”imperativo”. Ở đây phải ghi nhận hai điều. Thứ nhất, thể sai khiến tùy thuộc thể biểu thị và dựa trên nó. Kiểu nói ”Vì vậy” mở đầu câu 12 vừa kết luận những gì đã nói cho tới đó, vừa mở đầu những gì sắp được trình bầy tiếp theo, và lý do của thể sai khiến được nói lên qua thể biểu thị. Trong câu 12 thánh Phaolô viết: ”Vì vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác”. Và trong câu 14 ngài nêu lý do: ”Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng”. Điều thứ hai cần ghi nhận đó là thể sai khiến chỉ lập lại các động từ đã dùng trong thể biểu thị. Chẳng hạn phần đầu câu 12 và phần đầu câu 13: ”Tội lỗi đừng có thống trị thân xác của anh em nữa… Anh em đừng để cho Tội Lỗi sử dụng chi thể của anh em như dụng cụ nữa” và ”Chúng đã chết cho Tội Lỗi rồi”; hay hai vế trong phần hai câu 13: ”Trái lại anh em hãy để cho Thiên Chúa sử dụng anh em” và ”hãy sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu”. Cả hai thể sai khiến và biểu thị đều có cùng một đối tượng.

Tuy nhiên, không nên hời hợt coi đó như là một sự đối chọi, làm như thể thánh Phaolô muốn giao cho tín hữu nhiệm vụ xây dựng những gì họ đã có được nhờ ơn thánh. Thật ra, vấn đề sẽ sáng sủa và dễ hiểu hơn, nếu chúng ta nghĩ tới quan niệm năng động của thánh nhân về ơn cứu rỗi, được hiểu như là sự thay đổi môi trường sống: từ môi trường ô nhiễm tử khí, dưới ách thống trị của Tôi Lỗi, tín hữu bước sang môi trường tràn đầy ân sủng lành mạnh dưới quyền cai quản của Chúa Kitô. Được rửa tội trong Chúa Kitô (eis autôn), họ thuộc về Người. Ở đây chúng ta phải chú ý điều này: thánh Phaolô nói kitô hữu đã chết cho Tội Lỗi, chứ không nói Tội Lỗi đã chết. Nghĩa là Tội Lỗi vẫn còn đó như là một quyền lực luôn luôn đe dọa tín hữu và đáng sợ. Kitô hữu có thể tái rơi vào ách thống trị của Tội Lỗi, nếu để cho nó tái chiếm tâm trí và thân xác của mình. Tội Lỗi bị lật nhào khỏi ngai báu, nhưng nó hoạt động để lên ngôi. Và thánh Phaolô dùng các từ rất cụ thể để diễn tả thực tại này: ”Vì vậy đừng để cho Tội Lỗi thống trị nữa” (c.12); ”Thật vậy, Tội Lỗi sẽ không thể thực hiện ách thống trị trên anh em” (c. 14). Đàng khác, sự giải thoát khỏi ách nô lệ của Tội Lỗi không có nghĩa là không thể nào phạm tội được nữa (non posse peccare), nhưng có nghĩa là có thể không phạm tội (posse non peccare). Nói cách khác, Thiên Chúa giải thoát con người khỏi ách thống trị của Tội Lỗi, nhưng con người vẫn hoàn toàn tự do. Thiên Chúa không hủy hoại sự tự do của con người. Con người chỉ là người vì có sự tự do. Nhưng cũng chính sự tự do khiến cho con người có trách nhiệm. Chính vì được giải thoát rồi nhưng vẫn có thể phạm tội trở lại và rơi vào ách thống trị của Tỗi Lỗi, kitô hữu phải ý thức sống như những người có trách nhiệm, nghĩa là phải cố gắng làm sao để đừng rơi trở lại vào kiếp sống nô lệ Tội Lỗi. Toàn nỗ lực sống đức Tin, đức Cậy, đức Mến cũng nhằm mục đích giúp kitô hữu duy trì cuộc sống mới của ơn thánh, mà Chúa Giêsu Kitô đã trao ban cho họ qua bí tích Rửa Tội.

Một cách cụ thể hơn, thánh Phaolô đề cập tới các thèm muốn (epithymíai) các dục vọng hiện diện và hoạt động trong tâm trí tín hữu. Các thèm muốn, các dục vọng ấy là các khuynh hướng tìm kiếm chính mình. Các thèm muốn ”epithymíai”, mà thánh Phaolô nói tới ở đây, không chỉ liên quan tới cuộc sống tính dục, mà liên quan tới mọi lãnh vực cuộc sống tâm sinh vật thể lý của con người, trong đó tính dục chỉ là một phần, chỉ là một lãnh vực có thể có các đòi hỏi mạnh mẽ hơn các lãnh vực khác. Nhưng bản chất các thèm muốn ấy thay đổi tùy từng loại người, tùy theo các sở thích, tùy theo tâm lý, tỳ tạng, cơ cấu kiến trúc của thân xác, khung cảnh sống và nền giáo dục trong gia đình, nơi học đường, những hiểu biết có được, hay mức sống luân lý đạo đức, hoặc sức mạnh tinh thần và chiều sâu cuộc sống thiêng liêng của từng người. Nhưng ít nhiều, ai cũng có những thèm muốn trong nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc sống, và chúng không nhất thiết phải là một sức mạnh không thể chống trả được, nhưng chúng vẫn hoạt động. Chúng chỉ ngưng hiện diện và hoạt động trong cuộc sống sau khi con người chết đi. Do đó, vấn đề ở đây là tín hữu phải chống trả lại chúng, không chấp nhận để cho chúng thống trị tâm trí và cuộc đời mình, không tìm kiếm chúng, không để cho mình bị kích thích, mời mọc, đặc biệt qua các phương tiện truyền thông đang được xử dụng tối đa cho việc quảng cáo phổ biến mọi thứ thèm muốn trong cuộc sống con người thời nay. Và chúng ta hiểu tại sao thánh Phaolô hay so sánh cuộc sống đức tin của kitô hữu với các trận đấu hoặc tranh tài thể thao thể dục. Các tham dự viên sẽ không bao giờ đoạt giải, nếu không biết đêm ngày rèn luyện, ép mình vào kỷ luật, kỹ thuật, cũng như có cung cách sống lành mạnh thích hợp với mục đích họ theo đuổi là đoạt giải trong các cuộc tranh tài tại vận động trường. Kitô hữu sẽ thua cuộc, nếu không biết chống trả lại các thèm muốn thường xuyên mời mọc và cám dỗ họ xa rời con đường Tin Cậy Mến.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.