Áp dụng vào thực tế, khi một cặp vợ chồng gặp khủng hoảng, đang trong tình trạng hôn nhân đổ vỡ, nếu muốn hàn gắn trở lại, họ phải có thời giờ cho việc hàn gắn. Phải chấp nhận mình cần được giúp đỡ.
– D (mẫu tự đầu của chữ debate): Có nghĩa là bàn cãi hay tranh luận về một vấn đề. Ðể làm sáng tỏ tính chất khách quan của niềm tin hay thái độ sống của hai vợ chồng, điều cần thiết là phải trình bày những lý do tiềm ẩn đang thôi thúc hoặc tác động trong mỗi người.
Trong thực tế, nhiều người chồng hoặc vợ cứ lầm lầm, lỳ lỳ giận dỗi, và khó chịu nhau vì cho rằng vợ hay chồng không hiểu mình, nhưng lại không nói một câu nào về mình và để cho người khác hiểu. Họ thầm nghĩ và kỳ vọng ở sự hiểu biết hay đoán ý của nhau. Quan niệm sống này không có tính cách thực tế và thông cảm. Ðể hiểu người và để người hiểu mình, cách tốt nhất vẫn là lắng nghe người đó trình bày về họ, hoặc nói cho họ biết những gì mình đang suy nghĩ. Không trao đổi, không lắng nghe, không bàn thảo sẽ không có sự hiểu biết và thông cảm, dù là giữa hai vợ chồng.
Ứng dụng trường hợp nồi cá kho mặn, bức tranh treo cao hay thấp, hoặc trường hợp của nhà văn Vũ Thanh Thủy, hành động thông cảm chính là nói cho nhau nghe quan điểm của mình về nồi cá bị mặn. Hoặc lý do tại sao bức tranh không được treo thấp hay treo cao hơn một chút nữa. Cũng như tại sao hôm đó đi chợ về mà không mua thuốc. Như vậy, người nghe sẽ có cơ hội phản ảnh tư tưởng của họ về nồi cá, về vị thế bức tranh, và về thói quen cũng như ảnh hưởng của thuốc lá.
– E (mẫu tự đầu của chữ effect): Có nghĩa là kết quả thu nhặt được từ những trao đổi và thông cảm. Bàn luận trao đổi để rút ưu và khuyết điểm, để tìm ra những phương hướng mới nhằm canh tân hoặc bổ túc cho vấn đề. Rồi lại tiếp tục trao đổi, để nhằm thăng hoa những kết quả của thông cảm và hiểu biết.
– F (mẫu tự đầu của chữ follow-up): Có nghĩa là theo dõi và tiếp tục hành động. Theo dõi ở đây không mang ý nghĩa vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, rình rập, hoặc lén lút nhòm ngó. Thực tế đã có nhiều người chồng thuê thám tử theo dõi vợ. Một cách tương tự, nhiều người vợ lén thu âm những cuộc nói chuyện của chồng như những cảnh bố ráp và rượt đuổi của các thám tử trong xinê, vì họ tình nghi vợ hoặc chồng họ không trung thành với họ.
Theo dõi là việc làm sau cùng của hai tiến trình bàn thảo và kết quả trên, với mục đích kiếm tìm những giải pháp tốt hơn để tiếp tục duy trì sự hiểu biết và thông cảm với nhau trong những khác biệt về tư tưởng và hành động.
Áp dụng vào thực tế, khi một cặp vợ chồng gặp khủng hoảng, đang trong tình trạng hôn nhân đổ vỡ, nếu muốn hàn gắn trở lại, họ phải có thời giờ bình tâm suy nghĩ và chấp nhận mình là những nạn nhân của các vấn đề xã hội và tâm lý. Họ phải tự ý thức rằng những tư tưởng, ngôn ngữ, và hành động của mình trong thời gian đó là do kết quả của hệ thống tin tưởng thiếu chính xác, lệch lạc, và đôi khi bệnh hoạn. Ðồng thời, chấp nhận họ cần được giúp đỡ.
BÌNH TĨNH
Ðiểm khó khăn nhất trong việc hàn gắn những khủng hoảng của đời sống hôn nhân, là người trong cuộc phải bình tĩnh để đón nhận sự giúp đỡ, và sửa chữa. Bình tĩnh xét lại những gì mình vẫn luôn tin tưởng, những gì là tập quán trong cuộc sống của mình. Bình tĩnh chấp nhận nguyên tắc khách quan để dám nghi ngời rằng có thể mình cũng có những tư tưởng, ước muốn, và hành động sai trái ít ra là ở một góc cạnh nào đó, hay ở một phương diện nào đó.
Hoài nghi mình trong trường hợp này, là hành động tự xét, tự vấn, và chấp nhận sửa đổi. Sau khi ý thức và nhận ra mình thực sự có vấn đề, lúc đó sự giúp đỡ của bên ngoài mới có tác dụng tích cực. Trong thực tế, không mấy người, nhất là trong những trường hợp cãi vã, tranh tụng, hoặc chửi bới nhau, lại nhận mình có lỗi, có vấn đề cần được sửa sai và hướng dẫn.
Lịch sử triết học có nhắc lại câu chuyện của thầy trò Socrate. Hai thầy trò tranh biện với nhau suốt một ngày nhưng vẫn không ai nhường nhịn ai. Thầy thì cho là trò ngu. Ngược lại, trò cũng cho rằng thầy là người ngu. Cả hai đều cho mình là người khôn ngoan, và đối phương là người dốt và ngu. Nhưng sau cùng, Socrate đã nhượng bộ người học trò của mình bằng một câu nói để đời như sau: “Ừ! thì tao ngu mà mày cũng ngu. Nhưng ít nữa là tao còn khá hơn mày, vì tao biết là tao ngu”.
Ðời sống hằng ngày của nhiều cặp vợ chồng cũng vẫn thường diễn lại trò chơi lý thú này. Vợ cho là chồng ngu, còn mình thì giỏi. Trái lại, chồng lại cho là vợ ngu và mình là giỏi. Rốt cuộc cả hai đều cùng ngu như nhau, vì là những người không biết cái ngu của mình.
Những cặp vợ chồng nào mà một trong hai người sớm nhận ra được cái ngu của mình, hoặc của người, thì sẽ đỡ lục đục, tranh cãi, và bầu khí hạnh phúc mới thấy xuất hiện.
THỜI GIAN, KHÔNG GIAN
VÀ NGƯỜI TRUNG GIAN
Trong công việc làm ăn, buôn bán, hoặc những sinh hoạt xã hội người Việt Nam thường hay nói: “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Người ta tin rằng để thành công một việc gì dù to hay nhỏ, những yếu tố thuận lợi từ phía Trời đến phía người đều là những điểm rất quan trọng.
Một người dù tính toán giỏi mà công việc không khởi công đúng nơi, đúng lúc; nhất là không được sự giúp đỡ của những người ủng hộ, và Trời cao thì thất bại chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay.
Ðời sống hôn nhân cũng vậy, để đạt được hạnh phúc là sự thành công, vợ chồng cũng cần phải khéo léo tùy thời, tùy hoàn cảnh, và tùy lúc cư xử và hành động với nhau một cách tế nhị và hòa thuận.
– Thời gian:
Không phải lúc nào người vợ hoặc người chồng cũng đòi hỏi, cũng kèo nhèo, cũng lớn tiếng bắt chồng hay vợ mình phải sửa sai, phải bỏ tính xấu này, tật xấu khác đều là những khởi điểm tốt.
Có những lúc khi nêu lên lời đề nghị trên không làm cho người nghe từ chối, nhưng cũng có những lúc mà ý kiến của ta vừa nêu lên đã bị từ chối. Thí dụ, sau một ngày làm việc mệt nhọc, người vợ hoặc người chồng vừa về đến nhà chưa kịp bước ra khỏi xe, chưa kịp cởi đôi giầy hay đôi guốc đã bị nghe vợ hay chồng nói ra, nói vào về một vấn đề nào đó. Những lúc như thế không phải là thời cơ thuận lợi để nói và để nghe những lời than thở, phàn nàn, hoặc bẳn gắt.
Thời gian tốt nhất để vợ chồng trao đổi tâm sự với nhau là lúc hai người một mình ngồi lại sau bữa ăn chiều, hoặc những buổi tối khi con cái đã lên giường ngủ. Những lúc đó, những gì chồng nói với vợ, và những gì vợ muốn nói với chồng sẽ dễ dàng được lắng nghe hơn.
– Không gian:
Cũng như yếu tố thời gian, yêu tố không gian cũng chiếm phần quan trọng trong việc làm thức tỉnh lương tâm hay ý thức của một người. Có những nơi chốn khi nêu lên lời đề nghị sửa sai không làm va chạm tự ái người nghe, ngược lại, cũng có những nơi chốn dù vô tình hay hữu ý những đòi hỏi đó được nhắc tới, lập tức người nghe bị va chạm tự ái. Thí dụ, người vợ chê bai chồng mình trước đám đông bạn bè.
Giữa đám đông người qua lại mà hò hét chồng, hoặc cau có vợ là hành động thiếu tế nhị và không khôn ngoan. Phản ứng tâm lý chung của con người trong những trường hợp đó luôn luôn là một phản ứng tự vệ tiêu cực, muốn tự bảo vệ mình trước. Ngoài ra, ảnh hưởng của đám đông quần chúng sẽ tạo thành một chất kích thích, có khả năng làm bùng nổ ý nghĩ tự vệ thành những hành động đôi khi vượt quá sự kiểm soát của lý trí. Trong trường hợp này, những ngôn ngữ được dùng trao đổi với nhau thường mang tính cách thách thức, tuyên chiến, tạo sự căng thẳng, hơn là những lời giải thích hoặc đề nghị.
– Người trung gian:
Sau cùng vai trò người hướng dẫn cũng rất quan trọng. Nhiều người có tư tưởng chấp nhận sửa sai nhưng không được chỉ bảo một cách hợp tình, hợp lý. Hoặc không gặp được người tin tưởng, hiểu biết để tâm sự. Ngược lại, có những người sẵn sàng đi cùng đường với những hành động và tư tưởng mà họ biết là xấu nếu tự ái bị va chạm, hoặc gặp phải sự hướng dẫn sai lầm.
Ðối với phong tục và tập quán của người Việt Nam, những người đóng vai trò trung gian thường là ông bà, cha mẹ, cô chú, hoặc bạn hữu hai bên. Nếu những trường hợp giải quyết của gia đình không đạt được kết quả, nhiều người thường đến với các vị lãnh đạo tinh thần thuộc các tôn giáo.
Những lời khuyên bảo của ông bà, cha mẹ và họ hàng thân thuộc, thường hay bị chi phối bởi thành kiến, bởi kinh nghiệm riêng tư, hoặc nặng nề về lễ giáo và truyền thống. Những lời khuyên bảo của các vị lãnh đạo tinh thần, tuy có những nét thanh cao hơn có thể làm thanh thỏa sự dồn nén của lương tâm, hoặc trả lời được một số những khắc khoải của tinh thần, nhưng thiếu tính chất thực tế của cuộc sống. Trước những quan niệm mới mẻ về hôn nhân, và trước những phức tạp của đời sống hôn nhân, một vai trò trung gian và hòa giải mới ngày càng được chú ý là các nhà tâm lý học và cố vấn gia đình.
Tại các văn phòng tâm lý, những khó khăn và uẩn khúc của đời sống hôn nhân sẽ được phân tích và hướng dẫn bằng tính cách chuyên nghiệp, theo những nguyên tắc khách quan, và với sự khảo cứu, học hỏi chuyên môn. Những hướng dẫn này không dựa vào những phán đoán chủ quan, kinh nghiệm cá nhân, hoặc theo một truyền thống gò bó, nhưng là tổng hợp những nghiên cứu mới mẻ và ứng dụng thực hành của ngành tâm lý học. Ngoài khả năng chuyên môn và những ràng buộc liên quan đến luật pháp, đến những nguyên tắc hành động, những kết quả của các văn phòng này còn thường xuyên được nghiên cứu và phân tích một cách kỹ lưỡng.
Tóm lại, khi hôn nhân gặp phải những khủng hoảng và rạn nứt, hoặc trong lúc hạnh phúc hôn nhân bị đe dọa, sự cố vấn và những lời khuyên bảo của những người trung gian là một điều cần thiết. Tuy nhiên, việc chọn lựa và xử dụng vai trò người hướng dẫn cũng rất quan trọng, tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh, và mỗi cá nhân. Nếu không cẩn thận, sự chọn lựa này sẽ đưa đến những hậu quả tai hại, thay vì tạo điều kiện để được hạnh phúc.
(Còn tiếp).
(Trích trong “Bí Quyết Hạnh Phúc của Hôn Nhân: Ứng Dụng Theo Thuyết Hữu Lý Tình Cảm” của tác giả.) Muốn mua sách, xin liên lạc về tmduyet@sbcglobal.net
Views: 0