Trong chương 6 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô đã dùng một loạt các ý niệm thần học phản đề để trình bày hai cuộc sống của tín hữu:
Cuộc sống khi chưa biết và tin nhận Chúa Kitô và cuộc sống sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Cuộc sống qúa khứ là cuộc sống nô lệ Tội Lỗi, dâm ô và gian ác dẫn đưa con người tới cái chết. Cuộc sống mới là cuộc sống công chính, thánh thiện, tuân phục Thiên Chúa dẫn đưa tới sự sống vĩnh cửu.
Khi đào sâu các ý niệm đối kháng thánh Phaolô dùng để diễn tả hai thực tại trái nghịch đó trong cuộc đời kitô hữu, chúng ta nhận thấy ảnh hưởng quan điểm nhân chủng học lộ hiện trong ý niệm về thân xác, ”sôma”. Con người là một bản vị có các liên hệ. Cơ cấu nền tảng trong con người là tương quan: tương quan giữa các chi thể và cơ phận với nhau, tương quan giữa con người và Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới. Con người tự xây dựng mình hay tự hủy hoại mình tùy theo các liên hệ đích thực hay tha hóa mà nó có đối với thế giới chung quanh. Tiêu chuẩn bất biến giúp định đoạt hai thực tại: đó là nguyên tắc rộng mở cho tình yêu thương hay tôn thờ cái tôi của chính mình. Càng biết rộng mở cho tình yêu thương con người càng có cơ may phát triển và xây dựng chính mình. Càng ích kỷ đóng kín trong chính mình và tôn thờ cái tôi của mình con người càng nghèo nàn, èo ọt và tự hủy hoại mình.
Khi duyệt xét chi tiết văn bản, điểm đầu tiên cần giải thích đó là câu hỏi nêu lên ghi vấn ngay đầu chương: ”Vậy phải nói sao? Chúng ta cứ ở mãi trong tội lỗi, để ân sủng càng lan tràn ư?”. Thể thức của nó nhắc tới điều thánh Phaolô đã nói trong chương 5,20: ”Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội”. Thật ra, vấn nạn hàm chứa một vấn đề thời sự trong cộng đoàn Kitô tiên khởi, đặc biệt tại Côrintô. Đó là chủ trương duy linh của một số tín hữu tự cho rằng họ ”mạnh mẽ”, cấp tiến, vì thông hiểu đạo lý hơn các anh em khác. Họ theo chủ trương sống đạo theo khuynh hướng hứng khởi, cấp tiến, tự do. Họ cho rằng Chúa Kitô phục sinh đã giải thoát họ khỏi mọi ràng buộc của luật lệ và ban cho họ khả năng không còn tùy thuộc những hạn hẹp của thân xác hay cuộc sống đời này nữa. Do đó, họ hoàn toàn tự do, muốn sống thế nào cũng được, mà không sợ bị tiêm nhiễm sự dữ. Từ đó họ tự do ăn đồ cùng cho các thần linh, tham dự các lễ nghi cúng bái, và tự do tính dục. Chủ thuyết duy linh khiến cho họ trở thành những kẻ sống vô luân. Thật ra, tư tưởng thần học của thánh Phaolô cũng dễ đưa tới chỗ hiểu lầm đó, khi tuyên bố rằng kitô hữu hoàn toàn tự do không bị Luật Lệ Môshê ràng buộc. Giải thích theo khuynh hướng tự do thì điều đó có nghĩa là muốn sống thế nào cũng được. Đây là bối cảnh của vấn nạn nêu lên ở đầu chương 6. ”Vậy phải nói sao? Chúng cứ ở mãi trong tội lỗi để ân sủng lan tràn ư?”
Trên bình diện cụ thể, ở đây thánh Phaolô đang nói với những tín hữu nêu lên vấn nạn hay thánh nhân đang tự đặt vấn nạn cho chính mình? Xem ra thánh nhân không nhắm tới tình hình của giáo đoàn Roma, là giáo đoàn không do ngài thành lập và cho tới lúc đó ngài chưa quen biết. Như vậy có thể giả thiết là thánh Phaolô đang tiếp tục cuộc tranh luận với thế giới do thái và các kitô hữu gốc Do thái, như đã xảy ra trong suốt cuộc đời ngài kể từ khi bị Đức Kitô phục sinh đánh ngã trên đường đến thành Damasco và trở thành tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Vấn nạn thánh Phaolô nêu lên ở đây là một xác định cần thiết cho giáo thuyết ngài đã rao giảng liên quan tới sự công chính hóa chỉ nhờ đức tin (x. 1,16-17). Sự công chính hóa của kẻ tội lỗi không có nghĩa là công chính hóa tội lỗi. Ơn thánh đâu có qúa rẻ như thế, nếu nó phát xuất từ từng giọt máu tử nạn của Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn vô tội nhưng đã phải chết như tội nhân. Tin Mừng mà thánh Phaolô rao giảng khẳng định rằng Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô đã can thiệp một cách nhưng không và hữu hiệu đến độ thay đổi bộ mặt cuộc sống của con người. Sự can thiệp ấy thánh nhân gọi là ơn công chính hóa, hay ơn tha tội trao ban ơn cứu độ cho người tội lỗi. Nhưng nó không có nghĩa là Thiên Chúa chấp nhận tội lỗi và coi tội lỗi là điều công chính. Tha tội cho một người không có nghĩa là tán đồng tội lỗi của người đó.
Câu trả lời cho vấn nạn của thánh nhân có giọng giận dữ: ”Không đời nào như thế”. Lý do thánh Phaolô đưa ra là một sự kiện không thể đánh đổ được: đó là các kitô hữu đã ”chết cho Tội Lỗi”. Kiểu nói ám tỷ này diễn tả sự xa lạ hoàn toàn của tín hữu đối với địa bàn hoạt động của Tội Lỗi. Ở đây chúng ta phải để ý điều này: thánh Phaolô không khẳng định sự kiện không thể phạm tội trong cuộc sống của kitô hữu. Đối với thánh nhân Tội Lỗi (= hê hamartía) một cách nòng cốt không phải là một hiện tượng luân lý thời sự, mà ám chỉ quyền lực lôi cuốn của sự dữ được nhân cách hóa. Có thể định nghĩa Tội Lỗi như là một năng lực chiếm hữu con người và các lựa chọn của con người, chúng đè nặng trên con người và điều kiện hóa toàn cuộc sống con người. Do đó, khi nói các tín hữu đã chết cho Tội Lỗi, thánh Phaolô khẳng định rằng họ không còn bị Tội Lỗi thống trị và áp bức nữa. Vì thế nên phải loại bỏ mọi kiểu sống nô lệ cho Tội Lỗi: ”Làm sao chúng ta còn sống mãi trong Tội Lỗi được nữa?”. Muốn tiếp tục sống dưới ách thống trị của Tội Lỗi là mâu thuẫn với cuộc đời kitô. Tuy nhiên, thánh Phaolô không chỉ bằng lòng với lý chứng kể trên là sự kiện kitô hữu đã ”chết cho Tội Lỗi”. Ngài còn muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng cái chết đó là kết qủa của bí tích Rửa Tội, mà các tín hữu Roma cũng đã biết tới và nhận lãnh. Bí tích Rửa Tội cũng như hậu qủa đổi đời của nó trong cái chết của Đức Giêsu Kitô chắc chắn là yếu tố nòng cốt trong truyền thống của Kitô giáo thời tiên khởi. Ở đây thánh Phaolô nhấn mạnh trên kết qủa của bí tích Rửa Tội như là sự hiệp thông triệt để với Chúa Kitô và hoàn toàn tùy thuộc về Ngài. Tiền trí từ ”eis”, có nghĩa là ”trong” dùng với danh từ ở thể accusativo diễn tả sự di động. Nghĩa là bí tích rửa tội đưa người tín hữu bước vào sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô và hoàn toàn tùy thuộc Chúa Kitô, chia sẻ mọi sự với Ngài cả trong số phận phải chết nữa. Câu 4 vừa là lời kết luận vừa rộng mở viễn tượng cuộc sống mà bí tích Rửa tội đem lại cho người tín hữu. Mai táng là dấu chỉ của cái chết hoàn toàn. Bí tích Rửa tội khiến cho tín hữu cùng được mai táng (= synetáphêmen), cùng bị chôn vùi với Chúa Kitô. Nhưng đó mới chỉ là một mặt của bí tích Rửa Tội. Mặt kia là cuộc sống mới mà Thiên Chúa Cha trao ban cho tín hữu. Nó giống cuộc sống phục sinh của Chúa Kitô. Nhưng ở đây thánh Phaolô không khẳng định rằng tín hữu đã được phục sinh như Chúa Kitô, bởi vì đó là thực tại còn nằm trong viễn tượng tương lai. Giờ đây họ có được cuộc sống mới, nghĩa là có khả năng sống một cuộc đời với tất cả phẩm chất, khác với cuộc sống thuộc thế giới cũ, dưới ách thống trị của Tội Lỗi. Sự mới mẻ này (= kainótês) là một ý niệm diễn tả thực tại thế giới của những người đã sống lại, được trình bầy trước trong lịch sử. Như thế bí tích Rửa Tội rộng mở cho tín hữu con đường của cuộc đời tự do. Hai khía cạnh tham dự vào số phận của Chúa Kitô như kể trên đây được lập lại trong câu 5 là câu khia triển đề tài sự sống mới. Phần đầu của câu 5 lập lại hầu như hoàn toàn câu 3, với hai từ mới gây tranh luận trong giới chú giải Kinh Thánh. Thứ nhất là từ ”symphytoi” có nghĩa là kết hiệp rất mật thiết với Chúa Kitô. Thứ hai là từ ”homóiôma” giống như Chúa Kitô: ”với một cái chết giống nh cái chết của Người”. Xem ra có thể nói rằng ở đây thánh Phaolô muốn phân biệt cái chết lịch sử của Đức Kitô, là biến cố đã xảy ra một lần trong qúa khứ và không lập lại được nữa, với cái chết của tín hữu trong bí tích Rửa tội giống cái chết của Đức Kitô. Do đó lập trường của học giả O. Casel giải thích bí tích rửa tội như là nghi thức diễn lại cái chết trên núi Sọ của Chúa Kitô là điều không đúng đắn. Dầu sao đi nữa thánh Phaolô cũng muốn khẳng định rằng sự phục sinh tương lai của các người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội chắc chắn giống sự phục sinh của Chúa Kitô. Sự kết hiệp của tín hữu với Chúa Kitô cũng cho phép họ được thông chia vào số phận phục sinh của Người, giơ đây dưới hình thức cuộc sống mới, và mai sau trong biến cố phục sinh.
Câu 6 xác định bản chất của cái chết qua bí tích Rửa tội đã được nhắc tới trong các câu 3,4,5. Thứ nhất là “con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đanh vào thập giá với Đức Kitô”. Nghĩa là tín hữu không còn sống trong tình trạng bị Tội Lỗi thống trị và thuộc thế giới cũ nữa. Mục đích của hình ảnh ám tỷ bị đóng đanh đó là ”hủy hoại, tiêu diệt thân xác của Tội Lỗi”. Trong ngôn ngữ thần học của thánh Phaolô ”thân xác” không ám chỉ phần vật chất của con người, mà diễn tả sự hiệp nhất vật thể lý của con người được nhìn trong chiều kích xác thể hay trần tục của nó. Hơn nữa cái thân xác đó lại là cái thân xác của Tội Lỗi, tức tùy thuộc quyền lực của qủy dữ. Một cách cụ thể hơn, bị đóng đanh trên thập giá và bị hủy diệt ở đây có nghĩa là thoát khỏi ách nô lệ Tội Lỗi. Và Không còn nô lệ Tội Lỗi nữa có nghữa là tự do. Bí tích Rửa tội giải thoát con người khỏi ách thống trị của Tội Lỗi, sự Dữ và Cái Chết.
LINH TIẾN KHẢI
Views: 0