Uncategorized

Tâm tình mẹ gửi con gái nhân ngày cưới

Con gái yêu quý! Như vậy là diễn tiến đám cưới con đã hoàn tất tốt đẹp.

Con gái yêu quý! Như vậy là diễn tiến đám cưới con đã hoàn tất tốt đẹp.

Mẹ tưởng sau một ngày bận rộn từ sáng với đủ mọi nghi lễ từ việc đưa dâu bên nhà gái, đón dâu bên nhà trai, rồi lễ cưới ở nhà thờ, tiệc cưới tối ở nhà hàng, mẹ sẽ có một giấc ngủ “thẳng băng” tới sáng! Nhưng khuya về sau khi thiếp đi vài giờ vì quá mệt, mẹ lại thức giấc ? Đêm hôm trước ngày cưới con, mẹ cũng chỉ ngủ được nửa giấc có thể vì xao xuyến trong lòng, nhưng đêm nay sau ngày cưới tốt đẹp của con lại cũng làm mẹ không ngủ được ?. Mẹ cảm nhận hình như ngày cưới của con tác động tâm hồn mẹ sâu xa và mạnh mẽ hơn là ngày cưới của chính mẹ năm xưa! Mẹ bồi hồi nhớ lại lúc con còn bé, mỗi lần ngồi cho con bú mẹ, mẹ vẫn thường say mê ngắm con gái rồi tự nhủ thầm: “Bao giờ con dứt sữa, bao giờ con đi học, con thành đạt, con đi làm rồi con lấy chồng ? và mẹ không còn ở với con nữa !” Vậy mà thời gian thắm thoát thoi đưa, bây giờ những câu hỏi ấy đều đã được trả lời, mẹ thấy trong lòng dâng lên một niềm cảm xúc sâu xa không rõ buồn hay vui? Hạnh phúc hay khổ đau?

“Không nhìn thấy trái tim
Vì trái tim nằm trong ngực…
Khổ đau hay hạnh phúc?…
Ôi trái tim bé nhỏ
Có ai nhìn thấy đâu!” ( Ph Đ)

Để làm loãng niềm cảm xúc ấy, mẹ đưa tay bấm nút radio …đang có chương trình radio Mẹ Hằng cứu giúp và cha đang nói chuyện về đề tài hôn phối! Ôi một sự trùng hợp diệu kỳ! Cha nói rằng hôn phối nhằm bảo vệ người phụ nữ để chống lại sự thiếu chung thủy của đa số người chồng, người cha. Cha cho rằng không phải hễ cứ là Công Giáo là sống chung thủy, không phản bội lời thề hôn nhân và biết tôn trọng vợ. Ôi! may cha là phái nam, chứ nếu không sẽ bị kết tội là nữ nói xấu nam! Cha cho rằng hôn phối như là một ngôi nhà gia bảo, không thể bán hay sang nhượng hoặc bỏ chạy được, nên ngôi nhà hư hỏng ở đâu, phải lo sửa chữa ngay để gìn giữ và bảo vệ nó bền vững! Mẹ vui mừng khi nhìn lại thấy Bảo là người thật thà tử tế nên mẹ yên tâm chắc là Bảo sẽ không gian dối lăng nhăng phản bội con gái mẹ sau này. Tạ ơn Chúa! Mẹ hy vọng ngôi nhà Hạnh Phúc của hai con sẽ được trường tồn với thời gian.

Buổi sáng lúc đưa dâu mẹ thích nhất là được nghe tiếng pháo nổ ròn rả vui tai trước khi nhà trai đến đón dâu. Trong những dịp vui hay tết mẹ luôn thích nghe tiếng pháo nổ tưng bừng khiến lòng mình dường như mở hội. Do đó năm rồi, khi đi chợ Tết ở khu Phước Lộc Thọ mẹ đã mua pháo để dành đốt mừng ngày con gái lấy chồng! Mẹ cũng đã bỏ công trang trí hình ảnh và những hàng chữ về ngày cưới trên tường sao cho thật ý nghĩa, thật đẹp, thật nghệ thuật, mà mẹ đã “đặt hàng” từ Saigon rồi “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” để đem hàng về tới Mỹ an toàn, lành lặn vì hàng rất nhẹ và dễ bể! Đúng là “của một đồng, công một nén”. Ai nhìn thấy cũng khen “tấm tắc”! làm mẹ rất hài lòng, xứng đáng với công sức và tâm tình mẹ đã bỏ vô đó! Chỉ có một điều mẹ không hài lòng là việc mẹ nghĩ đương nhiên mẹ sẽ “vinh dự” được dẫn con gái yêu ra trình diện với nhà trai, như cách đây vài tháng đám cưới anh trai con, mẹ thấy mẹ cô dâu cũng dẫn con gái ra trình diện với nhà trai, nhưng giờ chót bố không đồng ý và muốn giao việc này cho cô T, em của bố với lập luận: “làm như vậy là bà bán con gái” ?? Mẹ thấy điều này không hợp tình hợp lý chút nào! Nhưng thôi, mẹ đành chấp nhận “nhẫn nhịn” vì mẹ rành tính bố, nếu không “nghe lời” thì bố sẽ bất mãn, bực dọc mất vui ngày cưới của con. Đó là điều mẹ không muốn chút nào! Vì con mẹ đã từng sẳn sàng chấp nhận hy sinh những việc lớn lao hơn, huống hồ gì là việc nhỏ này!

“Giá mà ta được làm sông
Biết ra tới biển là không còn mình
Bất cần, ngàn sóng coi khinh
Mặn mòi đã thấu, tan mình xá chi” (L.T.M.Dạ)

Trong phần tâm tình nhắn gửi con gái trước khi lấy chồng, tim mẹ bỗng bị xáo trộn, đập nhanh. Từ lâu mẹ đã tự tập cho mình “bình thản” trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống, nhưng lúc này mẹ thật bối rối, mẹ phải cố gắng kiềm chế xúc động để có thể nói với con những lời chân tình phát xuất từ trái tim của mẹ, từ những kinh nghiệm cuộc sống của mẹ:

“…Mẹ muốn nhắc nhở hai con dù yêu nhau, nhưng mỗi con người đều là một cá thể với nhiều khác biệt nên hãy:

“Chấp nhận nhau dù khác biệt nhau…
Sống cần nhau và sống vì nhau…”

Đó là lời một bài hát của giới trẻ Công Giáo Saigon mà mẹ rất thích vì nó mang một ý nghĩa sâu xa! Mẹ cám ơn Chúa đã ban cho mẹ một cô con gái xinh đẹp, giỏi giang trên nhiều lảnh vực, nay Chúa lại ban cho mẹ một cậu con trai mới như Bảo đây: hiền lành, thật thà, hiếu thảo…Mẹ hy vọng từ nay Bảo sẽ là đứa con hiếu thảo của cả bố mẹ đôi bên, phải không Bảo? ( mẹ thấy Bảo gật đầu!) Hai con thân yêu, dù hai con có nhiều ưu điểm đáng khen như vậy, nhưng trong đời sống hôn nhân hai con phải luôn tâm niệm: “sống cần nhau” như trong một câu hát nổi tiếng Trịnh Công Sơn từng nhắn nhủ mà mẹ đã post lên tường kia : “Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau”, huống hồ gì là vợ chồng phải không hai con ?

Mẹ cám ơn Bảo đã yêu thương chăm sóc Phượng, con gái cưng của mẹ, mẹ mong rằng Bảo sẽ tiếp tục yêu thương, tôn trọng, chăm sóc Phượng để những ngày Phượng sống bên con sẽ là những ngày Phượng luôn có nụ cười ở trên môi. Bảo có thể hứa với mẹ điều này được không? (Mẹ cám ơn Bảo, vì Bảo đã gật đầu hứa với mẹ rồi).

Hai con thương yêu!

Hai con đã chọn ngày cưới 8/12 là ngày lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, thật là một điều kỳ diệu, đáng quý!. Vây hai con hãy tôn vinh Đức Mẹ làm bổn mạng của gia đình mình và dâng tình yêu của hai con lên Đức Mẹ :

“Thành tâm dâng bài ca yêu mến lên mẹ trên trời
Mẹ ơi, cho đời con vui sống bên Mẹ muôn đời”.

Mẹ tin rằng với sự phù hộ giúp đở của Đức Mẹ hai con sẽ luôn sống vui vẻ hạnh phúc và đặc biệt là biết sống trung thành với nhau trong đời sống hôn nhân, để cùng nhau “song hành” trên đường đời như lời trong bài thơ “Đôi Dép”:

“Cùng chia xẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục, không đi cùng người khác
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời”( NTK)

Cuối cùng mẹ thương chúc hai con mỗi ngày trong đời sống hôn nhân đều là “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” vì niềm vui của con cũng chính là niềm vui của mẹ, nhưng mẹ hy vọng không phải chỉ là “một niềm vui” mà là thật, thật nhiều niềm vui, phải không hai con ? Đó là ước nguyện và cũng là lời cầu chúc tha thiết của mẹ gửi đến hai con.

Mẹ cám ơn hai con đã lắng nghe tâm tình của mẹ!

Những tràng pháo tay vang lên giữa chừng và khi mẹ kết thúc lời tâm tình không làm mẹ vui hay cảm động bằng những lời chia xẽ, khen ngợi của các phù dâu, phù rễ bạn con sau đó:

– Cô ơi, con đi nhiều đám cưới rồi, nhưng không ai nói hay và cảm động bằng cô !

– Cô nói với Phượng mà con nghe cũng thấy cảm động quá cô ơi!…

Đặc biệt có một phù rễ cứ mỗi lần gặp mặt mẹ sau đó ( khi ở nhà gái, rồi sang nhà trai, tới lúc ra nhà thờ..) đều cứ tấm tắc : “Cô nói hay và cảm động quá, con bị ấn tượng…”

Mẹ ngạc nhiên trả lời:

– Cô cứ tưởng thế hệ trẻ tụi con quên hết tiếng Việt rồi, toàn xài tiếng Anh, nên làm sao hiểu thấu những lời cô nói.

– Đâu có cô! tụi con vẫn là người Việt Nam nên hay là tụi con nghe và hiểu hết !

Mẹ cảm động không phải vì những lời khen ngợi mà vì mẹ thấy “thế hệ trẻ” bạn con cũng có thể cảm thông với tâm tình của các bậc cha mẹ. Mẹ cứ tưởng rằng chỉ có những người cùng thế hệ già với nhau mới cảm thông lẫn nhau thôi ! Mẹ hy vọng hai con cũng đã hiểu thấu tâm tình của mẹ như các bạn con.

Con ơi ! Tâm tình mẹ nói ra từ trái tim, đã được lắng nghe, được đón nhận và được hiểu thấu thì làm sao mẹ không cảm động được hả con? Mẹ nhớ lại lời một bài viết, mẹ đã đọc trên báo nói về trái tim:

“Tình yêu cha mẹ ban cho con cái, lúc nào cũng to lớn, vĩ đại hơn là tình con đáp trả. Vì thế trong trái tim của các bậc cha mẹ luôn luôn có một lổ hỗng lớn. Khi yêu ai ta cắt và cho đi một mảng của trái tim mình. Người nhận có thể đáp trả bằng một mảnh tim của họ, nhỏ bé, khiêm tốn hơn hoặc chỉ nhận mà không trả lại…Những lỗ hỗng là những tình yêu đem cho mà không được đáp lại…Có khi cho đi mà người nhận không quý trọng, đem ra vùi dập, khiến cho trái tim trở thành thâm tím, bầm dập…” (BBP)

Mẹ hy vọng trái tim mẹ sẽ tràn đầy tình thương yêu đáp trả của các con và không có lỗ hỗng nào ! phải không con ? Cám ơn các con thật nhiều!

Nhân nói đến thế hệ trẻ, mẹ cũng muốn cám ơn thế hệ học trò của mẹ, dù đã học với mẹ ở Saigon cách đây mấy chục năm, nhưng vẫn còn giữ mối dây ân tình ! Khi biết tin đám cưới con gái yêu của mẹ (dù mẹ không mời, vì mẹ không muốn làm phiền các em) nhưng các em cũng đã gửi lời chúc mừng, có em còn gửi quà mừng, thậm chí như vợ chồng Mỹ Hiền đã thu xếp xin nghỉ làm để bay từ Texas qua đây dự đám cưới con, làm mẹ rất cảm động vì vẫn “Còn tìm thấy quanh đây tình người”!

Khi đưa dâu ra xe về nhà chồng, ai cũng khen cô dâu xinh đẹp, duyên dáng trong tà áo dài tha thướt (lại có đuôi xòe phía sau) với khăn đóng có đính kim tuyến, tất cả đều design đặc biệt riêng theo ý con. Chú rễ thì trịnh trọng trong bộ áo dài, khăn đóng bằng gấm đỏ trông thật ngộ nghĩnh! Các cô phù dâu và quý bà ở cả hai họ cũng đều mặc những chiếc áo dài đẹp nhất, rực rỡ nhất “mỗi người mỗi vẽ mười phân vẹn mười”. Những hình ảnh này nhắc nhỡ mọi người nhớ về cội nguồn Việt Nam của mình dù là đang ở xứ người. Đúng là một đám cưới theo đúng truyền thống Việt Nam 100%, chỉ khác có một điều là thay vì “lên xe hoa “ thì lên xe Limousine trắng sang trọng. Xe thật dài có thể chứa rất nhiều người nên ngoài cô dâu chú rễ, toàn bộ phù dâu, phù rễ và cả bố mẹ đôi bên mà vẫn còn dư chỗ. Ngồi rộng rãi thoải mái lại có nước uống phục vụ trên xe, nên trên đường tới nhà trai “đám trẻ” ngồi trên xe vẫn cười đùa thật thoải mái! Ước gì chuyến xe cuộc đời của hai con lúc nào cũng được vui vẻ thoải mái như vậy!

Đến nhà trai, cô dâu chú rễ được đón vào làm lễ gia tiên thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Chúa. Sau phần nghi lễ đọc kinh, tặng quà, chụp hình, mọi người được mời nhập tiệc Buffet Việt Nam với hơn 20 món ăn đặc sắc khác nhau cho mọi người tha hồ tự lựa chọn. Trưa đói bụng nên ai cũng nhiệt tình ăn uống vui vẻ thoải mái vì món nào cũng ngon quá!

******

Hơn hai giờ chiều mọi người đều có mặt đầy đủ ở nhà thờ để chuẩn bị tham dự thánh lễ hôn phối của hai con. Một cổng hoa được dựng lên ngay lối đi giữa nhà thờ trông thật xinh xắn để đón chào “phái đoàn” do cha chủ tế hướng dẫn sẽ lần lượt tiến vào cung thánh : Cha mẹ đôi bên, cặp Flowers “nhí” trông thật dễ thương, rồi các cặp phù dâu, phù rễ xinh đẹp. Cuối cùng là cô dâu duyên dáng trong bộ soirre trắng tinh sánh đôi với chú rễ trang trọng trong bộ veste đen cùng hân hoan bước tới bàn thờ Chúa giữa sự đón chào vui mùng của bà con hai họ và thân hữu. May mắn hai con đã chọn ngày cưới 8/12 là ngày lễ Đức Mẹ, nên trên cung thánh phía bàn thờ Đức Mẹ là một “vườn hoa Hồng” bát ngát với đủ loại sắc hương khiến cho lễ cưới hai con, nhà thờ tràn ngập nhiều hoa tươi thơm ngát. Đó cũng có thể là dấu chỉ Hạnh Phúc của hai con sau này sẽ được Đức Mẹ phù trì, cũng sẽ đầy những hương hoa thơm ngát như vậy!

Thánh lễ diễn ra với cung đàn tiếng hát tuyệt vời của các bạn ca viên trong Ca đoàn Tam Biên 4 PM của hai con. Hát cho đám cưới bạn mình nên ai cũng hát hết lòng và hát thật hay! Điều làm mẹ bất ngờ nhất là trước khi thánh Lễ kết thúc, ca đoàn hát bài nhớ công ơn cha mẹ. Bỗng nhiên mẹ thấy con gái và Bảo quay xuống chạy lại ôm hôn mẹ và bố để nói lời cám ơn …và tặng hoa cho cả hai bà mẹ. Ôm bó hoa to đẹp trong tay mà mẹ thấy lòng rưng rưng xúc động vì bất ngờ quá, không còn nghe được ca đoàn hát những lời gì nữa! với cử chỉ tình nghĩa cao quý này thì bao nhiêu lời hát dù hay đến đâu, mẹ thấy cũng không còn cần thiết nữa. Hai con ơi! mẹ cám ơn hai con thật nhiều! Sau đó mẹ đã ôm bó hoa “tình nghĩa” lên đứng ở bàn thờ Đức Mẹ chụp một tấm hình để ghi lại một kỷ niệm đáng nhớ trong đời, có người trông thấy đã đùa :

– Người đẹp, mặc áo dài đẹp, ôm bó hoa đẹp, trông cứ như là “cô dâu”!

Mẹ cười đùa lại :

– Thì đúng là “cô dâu” rồi, nhưng nhớ thêm chữ Mẹ phía trước : “Mẹ cô dâu”.

****

Bữa tiệc tối ở nhà hàng, ai nhìn hình trong cuốn Album cưới để ở bàn cho các vị khách mời ghi lời lưu niệm, cũng đều khen cô dâu xinh đẹp hơn người mẫu, làm mẹ cũng hãnh diện vì con, nhưng con gái ơi! nên nhớ vẽ đẹp bên ngoài rồi sẽ tàn phai theo năm tháng, chỉ có vẽ đẹp tâm hồn mới trường tồn với thời gian. Vậy hãy nhớ chăm sóc vẽ đẹp tâm hồn, như chăm sóc dung nhan con mỗi ngày. Thấy bất cứ một việc nhỏ nào tốt cho người khác, tốt cho đời sống tâm linh thì chớ có bỏ qua con nhé ! Đừng như vẽ đẹp màu sắc rực rỡ trong ánh đèn điện của các ông già Noel “phỗng phao” cùng với tuần xa trông thật đẹp (khi hơi được bơm vào) để trang trí trước sân lúc đêm tối. Ban ngày khi ánh đèn tắt đi, nguồn điện bên trong không còn thì trở thành những cái xác nằm “xẹp lép” thảm thương trên các bãi cỏ trước sân nhà.

Đám cưới con thật là vui nhộn vì giới trẻ chiếm đa số, con là thành viên nòng cốt của văn phòng giới trẻ Công Giáo, rồi ca đoàn nên các bạn tới tham dự thật đông, có đầy đủ cả các cha nữa! Các bạn trẻ tha hồ ca hát rồi bày ra những game, những trò chơi thật tai quái để bắt cô dâu chú rễ phải thi hành.Trong trò chơi cuối cùng, mẹ thấy các bạn trẻ bu lại thật đông kín cả sàn nhảy, nên mẹ cũng tò mò chen lên xem các con chơi trò gì ? Mẹ thấy cô dâu ngồi trên ghế, còn chú rễ thì bị các bạn lấy khăn bịt mắt đang bò dưới đất chui vào gầm ghế dưới chân cô dâu, cúi mặt để rà tìm cái gì ở phía dưới ? Ôi trong ngày cưới, giữa đông người mà chú rễ phải “làm trò” như thế, trông thật tội nghiệp! nhưng mẹ lại thấy các con rất hào hứng vui vẻ để chơi! Đúng là thế hệ trẻ thời đại ngày nay đã vứt các tư tưởng phong kiến của văn hóa Tàu : “Trọng nam, khinh nữ” , “Chồng chúa vợ tôi” “Xuất giá tòng phu” rồi “phu xướng phụ tùy” vào thùng rác rồi! Ngẫm lại thế hệ phụ nữ Việt Nam thời trước mà thấy “đau xót”: Lấy chồng, nếu chồng nghèo, sa cơ thất thế, bị tù tội thì người phụ nữ phải đơn độc, ngược xuôi tần tảo để nuôi chồng nuôi con. Nhưng nếu chồng thành đạt làm ra tiền thì lại tỏ uy quyền “gia trưởng”, rồi lăng nhăng ngoại tình “5 thê, 7 thiếp”. Đằng nào người phụ nữ cũng khổ cả! nhưng cứ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Hèn gì Nguyễn Du đã từng than thân dùm cho phụ nữ:

“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Đau đớn vì người phụ nữ với những phẩm hạnh cao quý đã không được biết ơn và trân trọng! Mẹ mừng cho con gái đã thoát ra khỏi thời đại đầy bất công với phụ nữ. Ngày nay người phụ nữ được yêu thương, được tôn trọng, được ghi nhận công ơn chứ không phải như thời xưa:

“Phục vụ là bổn phận “bắt buộc” của đàn bà
Hưởng thụ là nhiệm vụ “cao cả” của đàn ông”.

Như trong lần tái đắc cử mới đây, được tivi trực tiếp truyền trên cả nước Mỹ, khi Tổng thống Obama lên sân khấu để được vinh danh thắng cử vẻ vang, người đầu tiên được Tổng thống ca ngợi và ghi nhận công ơn chính là bà Michelle, vợ của ông. Thật là một hình ảnh đẹp và lịch sự biểu hiện Văn hóa tôn trọng phụ nữ! Mẹ nhớ trong một bài viết Tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt cũng đã cho rằng : “Tôn trọng vợ cũng là tôn trọng mình. Tôn trọng sự lựa chọn của mình. Và tôn trọng món quà mà Thiên Chúa đã ban cho mình”. Sở dĩ tác giả nhấn mạnh như vậy, có lẽ vì hiện tượng “gia trưởng” và muốn vợ “vâng phục” còn khá phổ biến trong các gia đình Việt Nam dù là ở Mỹ. Đó cũng là nguyên nhân làm tan vỡ bao nhiêu hạnh phúc gia đình, dù các ông vẫn tự cho mình đã yêu thương và bảo bọc vợ con, nhưng “chiếm hữu và áp chế không phải là yêu thương”.

Mẹ mừng cho con gái đã không “sinh nhầm thế kỷ” như thế hệ phụ nữ Việt Nam trước đây, nhưng nói như thế không có nghĩa là lạm dụng “lady first” rồi lấn lướt chồng, nhưng cả hai phải biết yêu thương chia xẻ với nhau trong mọi việc:

“Niềm riêng chia sớt cùng nhau
Chắp hai làm một cho cành đơm hoa”.

Lời nhắn nhủ cuối cùng của mẹ là : Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng toàn là hoa Hồng, nên “Nếu đời sống đem đến cho con một tình trạng con không thể giải quyết : Đừng có cố gắng giải quyết. Hãy bỏ nó vào hộp thư “Để đó Chúa lo”…một khi đã bỏ vào hộp thư đó rồi thì đừng cố lưu giữ nó để lo âu. Nhưng hãy chú tâm đến những gì tốt đẹp con đang có hiện nay trong đời”, để cuộc sống của hai con mỗi ngày luôn biết : “chọn những bông hoa và những nụ cười” và luôn tin tưởng:

“Tình Chúa mãi mãi theo con,
Cho tâm hồn dù trong mưa gió,
Mãi mãi bình yên, mãi mãi bình yên”.

Mẹ của hai con
Phượng Vũ

12 / 2012

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.