Một linh mục Ba Lan, Cha Wieslaw Przyczyna, đồng tác giả cuốn “cưỡng đoạt hay không cưỡng đoạt” cho biết các linh mục trẻ thường sử dụng internet để sao chép ý lời các bài giảng Thánh Lễ.
Ngài nói : “Nếu một linh mục lấy bài viết của người khác và trình bày nó như là của riêng mình từ toà giảng, không nói rõ ra Ngài có được nó từ đâu, đó là không đúng nguyên tắc xử thế và chống lại luật bảo vệ quyền tác giả. Thật không may thay, việc làm nầy đã thành quen thuộc ở nơi đây”. Ngài cho biết Ngài bị lên án là đã quấy rối các linh mục và phơi bày điểm yếu của họ, bằng việc lôi kéo chú ý về vấn đề đạo văn. Tuy thế Ngài nói thêm rằng ngày càng có nhiều tín hữu Công giáo Ba-lan phàn nàn về các linh mục đọc các bài giảng đã chép lại từ Internet. (CNS 27.02.2008)
TẠI SAO MỘT SỐ LINH MỤC TRẺ PHẢI “ĐẠO VĂN”?
Câu trả lời thứ nhất: vì muốn chọn “món ngon” cho giáo dân. Câu đáp khác: vì chọn sự dễ dãi, lười biếng!
LỜI BÀN
Trong bối cảnh “ngành ngành mở trang web, nhà nhà mở trang web, người người mở trang web”, thì việc tìm một bài giảng hay một bài chia sẻ Tin Mừng có ý nghĩa, không phải là chuyện khó. Mâm bàn bày sẵn, được dọn từ tươm tất tới thịnh soạn, rất dễ cám dỗ một số linh mục, đặc biệt là nhiều linh mục trẻ, “khiêm nhường” sao lại để dùng. Một công đôi việc, vừa đỡ tốn thời giờ soạn bài giảng, mà ý tưởng và ngôn từ ngày càng trùng lặp,vừa có được bài giảng “sâu sắc và ý nghĩa” phục vụ lợi ích tinh thần và đạo đức cho con chiên. Nếu như động tác “copy” nầy chỉ thi thoảng xảy ra…Nếu như chỉ vì lợi ích đạo đức của cộng đoàn..!
Điều dễ nhận thấy là các linh mục – đặc biệt các linh mục trẻ – không mặn mà (chứ không nói là say mê) đọc sách, sách in hoặc e-books (sách báo trên internet). Và càng hiếm số linh mục đọc (và ghi chép hoặc dịch những bài viết dài về các đề tài Giáo Hội, Kinh Thánh,Thần Học. Các đề tài về xã hội cũng bị bỏ qua, trong đó biết bao vấn đề được đem ra mổ xẻ. Rất mau chóng là các hệ luỵ:
1. Sự lười biếng tinh thần:
Không thể để tâm đọc và suy tư Kinh Thánh hằng ngày, như thức ăn nuôi sống và làm tăng triển đời sống và thừa tác vụ linh mục. Các công tác từ điều hành, giảng dạy, mục vụ,…sẽ trở thành máy móc, thụ động. Và cám dỗ đến như một hệ quả! “Nhàn cư vi bất thiện”. Trong cuộc chiến một mất một còn với Satan và các thế lực xấu xa, cũng như với bản thân (mà thường gọi nôm na là “ba thù”), linh mục phải là thuyền trưởng vững mạnh, dũng cảm và đáng tin, để mọi người an tâm vững dạ và chiến thắng tội lỗi và sự dữ. Làm sao được, khi linh mục thiếu ý chí, không vượt lên được chính mình, ươn ái và chỉ bằng lòng với vốn liếng căn bản nhận được từ “sách giáo khoa” chủng viện? Nhiều linh mục thích các hoạt động chân tay, xây dựng, thể thao, trồng trọt,v ăn nghệ, vv… Các hoạt động ấy rất tốt, nếu nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong thời khoá biểu của linh mục, vì đơn giản chức năng và bổn phận của linh mục không bao giờ để làm những việc nầy. Ngay cả những linh mục chuyên ngành như tuyên uý (đoàn thể, bệnh viện, quân đội) cũng không phải để thi hành các công việc đặc thù đó. Vì thế, linh mục luôn phải thăng hoa, nâng cao để nên người hướng đạo cho môi người. Không có gì hơn là trau dồi kiến thức, nhất là Kinh Thánh,Thần Học.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” và “sống nghề thác nghề”. “Đã mang lấy nghiệp vào thân” (Kiều, Nguyễn Du”, linh mục không thể ươn ái hoặc làm qua loa, chiếu lệ việc trau dồi kiến thức, trong đó đặc biệt là những kiến thức chuyên môn, giúp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Chúa và Giáo Hội tín thác. Chỉ cần bỏ bế, tự an ủi mình vì một vài lần lười biếng, thì thói quen bê trễ và tìm cớ để bỏ qua việc trau dồi sẽ chíng đến. Biết bao linh mục đánh mất nhiệt tình và ý thức ấy, để rồi sau đó hàng tháng, hàng năm và có khi cả đời không còn can đảm cầm lên một cuốn sách “khó”, đọc một bài viết chuyên môn rất ít hấp dẫn. “Ngọc bất trác bất thành khí”. Linh mục tự loại mình ra khỏi đấu trường,chỉ còn lai cái bóng lượn lờ, dù vì ảo tưởng, vì cô chấp, vì kiêu căng và cả vi lười biếng tư duy, ngài không muốn công nhận.
2. Sự tụt hậu:
“Nhân bất học bất tri lý”. Trong bất cứ lãnh vực nào, tinh thần hoặc vật chất, hễ không tiến là lùi, chứ không chỉ đơn thuần là ngừng. Số vốn liếng nhận được từ chương trình đào tạo chủng viện, chỉ là nền tảng tương đối, để tiếp tục phát triển,nâng cao và cập nhật liên tục. Tất cả đều phục vụ đời sống tâm linh và công tác mục vụ của linh mục. Thật khó chấp nhận một linh mục lười đọc sách, làm biếng nghiên cứu những gì liên quan và cần thiết cho đời sống và thừa tác vụ của mình. Những bài giảng lập đi lập lại, sáo mòn, trống rỗng, đạo văn,…những kiến thức xưa cũ trong thời đại bùng nổ thông tin, kỹ thuật, cộng với vẻ tự mãn và thái độ “toàn tri” (omniscient), sẽ khiến linh mục bị đào thải, mà có khi vẫn mơ màng cho mình là “thần tượng”. Ở một xã hội mà dòng chảy cuồn cuộn, luôn đổi mới, luôn “đói” thông tin, thì việc một linh mục tự biến mình thành ao tù nước đọng, là không thể chấp nhận được.
Thay vì những khoá huấn luyện, tu học, hội thảo, các hữu trách Giáo phận nên nghĩ tới việc làm cho các linh mục “động não”, bằng hình thức giao đề tài nghiên cứu cho cá nhân Và nhóm (đơn vị Hạt, chẳng hạn). Mỗi linh mục nhận đề bài riêng và nộp về Toà Giám Mục trong thời hạn 3 tháng. Mỗi nhóm nhận chủ để,tổ chức họp bàn, đúc kết và cử một vài linh mục trẻ văn hay chữ tốt viết lại. Hạt trưởng (hoặc trưởng nhóm) sẽ nộp về Toà Giám Mục trước dịp thường huấn một tháng. Ban “giám khảo” đương nhiên là ban giám đốc và ban giảng dạy của đại chủng viện. Ở các giáo phận không có đại chủng viện, thì một ban phụ trách sẽ do Giám Mục đặt ra, có sự tham vấn của những linh mục có học vị cao và chuyên môn trong giáo phận.
Một “biểu hiện” tụt hậu của các linh mục Việt Nam nói riêng và của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói chung, là sự vắng mặt ở gần như tất cả các ban ngành thuộc Giáo Triều, đặc biệt dưới triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI. Sự việc nầy đáng để suy nghĩ, khi mà sau biến cố chính trị 1975 – và nhất là sau khi Việt Nam mở cửa, cho phép gửi người đi du học ở nước ngoài, đặc biệt ở Roma (điều kiện sine qua non để làm Giám Mục?) – đã có hàng ngàn chủng sinh thuộc các giáo phận và Dòng Tu trên cả nước được “cử” đi học tập, nghiên cứu (gấp nhiều lần con số ấy, là những linh mục, tu sĩ nam nữ “đi công tác” nước ngoài, để thăm thân, để quyên góp để chữa bệnh và cả để làm mới cái nhìn và cách nhìn!). Giáo phận đặt nhiều tin tưởng và kỳ vọng nơi họ. Giáo Hội Việt Nam hy vọng rất lớn vào thế hệ linh mục, tu sĩ tài năng nầy. Nhưng họ đã làm được gì đáng kể cho Giáo Hội – hoàn vũ và Việt Nam? Lại cũng là sự tự mãn, và lười biếng. Vốn liếng hay đúng hơn, tài sản của họ – sau khi tiêu tốn bao nhiêu thời giờ và tiề bạc vủa Giáo phận, của Nhà Dòng, là một tấm bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ (mà ai cũmg biết là hễ đã học thì chắc chắn sẽ có!). Trở về Giáo phận hoặc Nhà Dòng, họ thường được giao nhiệm vụ chuyên môn, giảng dạy và trở thành “tiếng nói” có trọng lượng nhất định trong Giáo phận và luôn có khả năng (và tiêu chuẩn) được chọn làm giám mục, bề trên.
Vậy mà trong hàng trăm, hàng ngàn tiến sĩ, thạc sĩ ấy, không tìm đâu ra một Vị “vừa ý” để các bộ ngành Giáo triều La Mã có thể tiến cử, trình xin các Đức Thánh Cha bổ nhiệm. Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn-Văn-Thuận là trường hợp ngoại lệ và duy nhất cho đến nay. 10 năm trôi qua, 8 năm triều đại giáo hoàng của Đức Biển-Đức XVI, Vị Giáo Hoàng đặc biệt dành nhiều thời giờ công đức để cải tổ bộ máy hành chính của Toà Thánh và Vatican, với hàng ngàn cuộc bổ nhiệm vào đủ loại cấp bậc, chức vụ trong các Thánh Bộ, các Hội Đồng Giáo Hoàng, các ủy ban, vv…có đợt đếm được hàng chục : vẫn luôn vắng bóng hàng giáo sĩ và giáo phẩm Việt Nam! Cái “đức” – đạo đức, trung thành – tối cần cho một thành viên các bộ ngành thuộc Giáo Triều La Mã là yếu tố khỏi cần bàn, nhưng yếu tố quyết định lại là hiểu biết chuyên môn nổi trội, qua hành động và qua hiểu biết (thể hiện qua các công trình nghiên cứu chuyên môn, các bài viết, các sách in). Tóm lại, sự tiến cử luôn dựa vào tri thức, kiến thức và chuyên môn. Tri thức, kiến thức và chuyên môn không bao giờ tự đến, luôn được nâng cấp và cập nhật qua sách vở, nghiên cứu, học hỏi và ghi chép. Một vị tiến sĩ mà không đều đặn đưa ra nỗi những công trình nghiên cứu về lãnh vực chuyên môn của mình, không đủ khả năng để viết những bài viết, những luận văn (không dám nói là tác giả những cuốn sách), thì đang tự đào mồ chôn mình. Học mà không hành, là vậy.
Mong sao tinh thần “Nguyễn Văn Thuận” – trong thời gian Giáo Hội cứu xét hồ sơ phong Chân Phước cho Ngài – sẽ là tấm gương cho các linh mục Việt Nam, đặc biệt các linh mục trẻ, về HAM THÍCH ĐỌC – HỌC – SUY TƯ – VIẾT và HÀNH. Đọc các tác phẩm của Ngài, điều đập vào con mắt không chỉ là kiên thức mênh mông, không chỉ là chiều sâu tư duy, mà chính là sự mới mẻ, chứng tỏ sự tìm tòi và cập nhật không ngừng nghỉ. Đừng quên Ngài đã mất hẳn 13 năm gần như cách biệt mọi thông tin, mọi diễn biến và cả mọi tiền bộ cấp số nhân trong mọi ngành nhân văn và tự nhiên trên thế giới.
3. Khả năng phán đoán:
Mỗi ngày, trên các phương tiện truyền thông,có hàng tỷ tin tức, bài vở, tranh ảnh được tung ra. Trong số đó, con số những bài vở, tin tức và hình ảnh liên quan đến Giáo Hội cũng không hề nhỏ. Chúng có thể trái chiều nhau. Chúng có thể chính xác, trung thực, song cũng có thể bị xuyên tạc, bóp méo và phục vụ mưu đồ của những cá nhân, nhóm, tổ chức chống đối Giáo Hội. Xin lưu ý : chúng ta đang nói về các nhật báo, đặc san, nguyệt san Công Giáo hoặc được ghi là “Catholic” (Công giáo), “Christian” (Kitô giao). Có thể nói là chúng ta đang “bơi” trong đại dương tin, bài và nêu không tỉnh táo, đúng ra nếu không có bản lĩnh tư duy cùng với sự nhanh nhậy trong nhận định, phân tích và tổng hợp, thì sẽ là thảm hoạ, sẽ chỉ là “con rối” trong tay chi phối của người khác. Nhưng có một điều còn tệ hại hơn : phán đoán sai lầm (faux jugement)!
Khi đọc một tin tức hoặc một bài viết về Giáo Hội hoặc về hàng giáo phẩm, hay có liên quan đến Giáo Hội, linh mục phải nắm bắt ngay được bối cảnh của tin, bài nầy và dụng ý của tờ báo hoặc/và của các tác giả. Thường thường các tin, bài được kèm theo những ví dụ,những bằng chứng có vẻ thuyết phục hoặc có khả năng thuyết phục, rất lợi khẩu. Nếu không vững vàng trong lập trường (khác với ngang bướng,cố chấp), nếu không có một nền tảng kiến thức đúng đắn, được củng cố bằng lòng yêu mến,trung thành và hiệp nhất, thì dần dà nhận thức và phán đoán sẽ bị lệch lạc, sai lầm. Ở đây, ngoài hiểu biết về Kinh Thánh và Thần Học, thì những kiến thức về Giáo Luật là vô cùng quan trọng, khi chúng làm thành một cái khung, một “garde-fous” (rào cản người lạc trí) để không bị vô tình hay hữu ý vượt ra ngoài “suy tư chính thống”. Bên cạnh đó, các văn bản của Huấn Quyền Giáo Hội, của các Giáo Phụ, của các Công Đồng, đều hữu ích và cần thiết để co một phán đoán chính xác, đúng đắn và như ý Giao Hội muốn. Thử hỏi với ngần ấy “hành trang” của một đời linh mục, nếu thực hiện vừa đủ – chứ chưa nói đến chuyên nghiệp, nghiên cứu – thì linh mục còn đâu thời giờ để nghĩ về các điều khác vô ích, vô bổ và còn làm hại cho đời sống tận hiến, phục vụ, với những nhiệm vụ “dạy dỗ, tha thứ, yên ủi, tế lễ và kết hợp mối tình yêu mên ràng buộc lòng Chúa với loài người” (kinh cầu nguyện cho các linh mục). Châm ngôn Pháp có câu : “Un saint triste est un triste saint” (một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn). Một linh mục đáng buồn, khi ngài không có gì để cho, không muốn có gì để cho. Ánh sáng của Ngài bị mờ dần, chập chờn và có thể tắt bất cứ lúc nào,vì không được nạp năng lượng. Muối của ngài nhạt dần rồi mất đi hết chất mặn (mà tha nhân cần),”chẳng có gì ướp nó mặn lại được và chỉ đáng vứt bỏ cho người ta chà đạp lên”(x. Mt 5,13-16).Và sẽ thế nào khi ngọn hải đăng, thay vì rọi đường cho tàu thuyền an toàn kể cả trong mưa gió bão bùng, lại chỉ dẫn sai lạc? Biết bao giáo xứ, các tín hữu Công giáo sống hết sức lỗi đức công bằng, trộm cắp, quỵt nợ, lừa đảo,…chỉ vì linh mục quản xứ chẳng những lơ là với việc giảng dạy về công bằng bác ái, mà còn đưa ra những lời sai trái, vô hình chung bênh vực cho những suy nghĩ và hành vi ngược với công bằng. Từ đó, đủ thứ tệ nạn xảy ra.
Thật đau lòng khi đọc tin nơi nầy nơi nọ, những linh mục lạm dụng tùnh dục, những tột ác ấu dâm, dần dà bị phơi ra ánh sáng, gây hại không kể xiết cho Nước Chúa. Nhưng tín hữu Công giáo và những người ngoài Công giáo rồi cũng hiểu ra rằng đó là những “con sâu làm rầu nồi canh”, tuy không ít, nhưng không phải là số nhiều. Hành vi bất xứng của họ làm cho bộ mặt Giáo Hội ra u ám, bị “bôi tro trét trấu” (và rất nhiều tín hữu Công giáo xấu hổ ngượng ngùng, chưa kể rất đông người rời bỏ Giáo Hội mà lòng day dứt đau khổ). Nhưng mặt khác, những hành vi đó, những con gười (giáo sĩ) đó tương phản hoàn toàn với bản tính thánh thiện của Giáo Hội. Hình ảnh những lối sống và hành vi vô đạo, gương mù gương xấu của họ sở dĩ không thể chấp nhận được, vì chúng hiện ra như một mảng tối giữa ánh sáng huy hoàng, rực rỡ là sự tinh tuyền, thánh thiện của Giáo Hội. Một vết bẩn trên nền chất liệu tầm thườnh hoặc dơ bẩ, sẽ khó nhận ra hoặc bị chê trách; nhưng nếu xuất hiện trên nền một chất liệu quy, tinh sạch đẹp đẽ, thì sẽ đánh động, la ó phản đối. Một cách nào đó, có thể nói những chỉ trích nặng nề thời gian qua với Giao Hội Công giáo, cũng chính là công nhận sự thánh thiện, tinh tuyền của Giáo Hội, nơi những tội ác nầy không đáng có, không thể xảy ra.
Nhưng đau đớn nhất ấy là khi đọc thấy nơi nầy nơi nọ, những linh mục, tu sĩ chống đối Giáo Hội, một số do hiểu sai, nhưng tất cả đều vì kiêu căng tự phụ. Những linh mục người Áo kêu gọi “bất tuân”; những nữ tu Hoa Kỳ chống đối đến cùng và không tuân phục mệnh lệnh Giáo Hội; Hội duy truyền thống Piô X (SSPX); Hội Đức Giáo hoàng Lêô XIII; những linh mục như Bourgeois ủng hộ kết hợp đồng tính và việc truyền chức linh mục cho nữ giới; vv…Họ không chỉ mù quáng, mà còn dẫn những người khác sa hố sâu mất đức tin. Những linh mục như Hans Kung vỗ ngực tự phụ, nghĩ rằng ngài không hề kém cạnh Đức Biển-Đức đương kim hiển trị về tuổi tác, về học lực, về cả việc tham dự Công Đồng Vatican II. Có người coi đó như là sự so sánh giữa Tổng lãnh thiên thần Micael và nguyên Tổng lãnh thiên thần Luxifer: càng ngày sự cách biệt về nhân đức, đạo đức, uy tín và phục vụ càng khác biệt và cách xa nhau vời vợi và LM Hans Kung chỉ chực chờ để phê phán Giáo Hội và ganh ghét nhỏ nhen với Đừc Giáo Tông. Vô số chuyện như thế trong Giáo Hội. Hàng trăm Giám Mục bị đề nghị từ chức (trước hạn tuổi quy định theo Giáo luật) hoặc bị cách chức. Đó là chưa kể các giám mục, linh mục trong các quốc gia cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, sẵn sàng phản bội Giáo Hội, bán rẻ lương tâm cho quỷ dữ và bất tuân Đức Thánh Cha, để được hưởng những ân huệ vật chất và sống thoải mái, với những quyền hành mà những bù nhìn vẫn được ban. Những linh mục ghi vào lý lịch và được in vào thẻ chứng nhận công tác, là : không tôn giáo! Những linh mục “thần học giải phóng” xem chủ nghĩa Marx đáng tôn thờ hơn cả giáo lý Công Giáo.
Và càng tệ hại hơn nữa, khi nhiều linh mục,tu sĩ – nhất là những linh mục trẻ – đọc mà không thể thấy đâu là thiện đâu là ác; đâu là đúng và đâu là sai, đúng sai chỗ nào! Phán đoán sai sẽ mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho những kẻ được giao phó cho linh mục coi sóc, dạy dỗ và cho nhiều thế hệ. Tất cả đều xuất phát từ sự thiếu ước muốn và ý chí rèn luyện kiến thức, chuyên môn theo đòi hỏi của cuộc sống và chức vụ. Rất nhiều tấm gương học tập như thế trong Giáo Hội Việt Nam. Xin đơn cử cố linh mục JB Trần Thanh Ngoạn, giáo phận Banmêthuột:
Ngài là một linh mục thánh thiện, khiêm tốn. Tuy cao niên và là bậc thầy của nhiều thế hệ linh mục, ngài vẫn xưng “con” với người đối thoại. Ngài sống rất khó nghèo, đạm bạc… Đơn sơ trong y phục và sử dụng các phương tiện. Những dịp tĩnh tâm hạt, hoặc tĩnh tâm thường niên của các linh mục giáo phận, ngài thường lưu ý: Phải đọc Thần vụ thong thả để có thể nếm được cái ý vị ngọt ngào và phong phú của Thánh Vịnh. Ngài dâng lễ sốt sắng, khoan thai. Các bài giảng của ngài phải nói được là những bài giáo lý mẫu (Keryma) rất hấp dẫn, cụ thể, được minh họa bằng những câu chuyện sinh động, trí thức kính nể, bình dân hiểu rõ. Các giáo xứ đến phiên chầu lượt, đều muốn mời cha già Ngoạn đến giảng về Bí tích Thánh Thể. Nổi tiếng là thông thái, ngài cũng từng được mời giảng trong thánh lễ riêng của vị đứng đầu chính phủ VNCH thời đó. Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sau khi tiếp xúc với cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn, thấy được kiến thức uyên bác của ngài, đã nói: “Ban Mê Thuột có một cuốn từ điển bách khoa sống”. Đức Cố Giám mục Paul Seitz (Đức cha Kim) đã dùng cha Ngoạn làm cố vấn thần học. Một linh mục học trò của ngài kể lại: Khi còn là giáo sư Đại chủng viện Xã Đoài, giáo phận Vinh, mỗi dịp đi nghỉ hè, ngài thường đưa một số đại chủng sinh đi theo, đến một xứ nào đó, để trình bày về một vấn đề thần học, hoặc triết học. Cách trình bày rất bình dân, dễ hiểu, ai cũng có thể tiếp thu.
Về sự nghiệp văn hóa: cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn là một “học giả thầm lặng. Có thể gọi ngài là nhà thần học uyên thâm của Giáo Hội Việt Nam” (lời Đức cha Phêrô Trần Xuân Hạp) Bẩm sinh thông minh, hiếu học, say mê đọc sách. Thích nghiên cứu, sưu tầm đủ loại vấn đề, ghi chép thành “fiches” (phiếu). Các học trò của ngài đều được khuyến khích viết fiches. Ngài có một bộ phiếu khổng lồ mà Ngài gọi là “silva rerum”, nghĩa là như một khu rừng tài liệu văn hóa. Rất tiếc là kho tàng quý báu này đã bị tiêu tán mất 2 lần, vào năm 1955 (di cư vào Nam) và 1975 (thống nhất đất nước).
Chính ngài đã tâm sự thế này: “Trong đời linh mục của tôi đến nay (1975) đã trên 40 năm. Tôi thích đọc sách, nghiên cứu, sưu tầm, rồi lập danh mục, viết những phiếu ghi chép … Có loại phiếu đánh số thứ tự, loại ghi theo chuyên đề… Có khi viết ra thành tập như tập “Thế giới vô cùng lớn”, “Thế giới vô cùng nhỏ”, “Khoa học có thể tạo nên vật sống được không, theo phương diện tín lý”? “Đức tin và Tín ngưỡng”, “Đức tin và luân lý”, Đức tin và Tôn giáo”, “Suy luận về định nghĩa Đức tin theo thần học cổ điển”, “Thần học cổ điển và Thần học Thánh Kinh”, “Cho được sống mầu nhiệm Đức tin”…
(Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn, Website : HĐGM Việt Nam)
VÀ MỘT ĐỀ NGHỊ CẤP BÁCH:
….IN CORPORE SANO.
Ai cũng rõ : anima sana in corpore sano. Không thể hoạt động hiệu quả, khi sức khoẻ èo uột hoặc không bảo đảm và mang lắm bệnh tật. Linh mục, tu sĩ phải có sức khoẻ thì mới thực hiện được tốt đẹp đời sống cầu nguyện, học tập nghiên cứu và làm việc tông đồ. Nhiệt tình ban đầu, khi mới ra trường, khi mới thụ phong linh mục, cùng với bao kế hoạch đầy hứa hẹn, đều bị ngưng trệ, sụp đổ khi bệnh tật sớm xuất hiện. Linh mỵc có thể âm thầm chịu đựng không kêu ca phàn nàn, nhưng muốn làm việc gì đòi hỏi cố gắng, cũng thấy “lực bất tòng tâm”. Vì thế việc tập luyện thể dục là cần thiết và không được bỏ bê ngày nào trong cuộc sống, nếu còn tha thiết sống hữu ích cho việc tông đồ và thừa tác vụ tư tế. Không gian chật hẹp không đủ chỗ xây dựng sân bãi thể thao và thời khoá biểu dày kín đã khiến các chủng viện ngày nay không giúp được nhiều cho việc rèn luyện thân thể và sức khoẻ của các chủng sinh. Rất nhiều chủng sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường và không ít các linh mục trẻ đã “phát tướng”, vòng bụng quá lớn, làm sao có thể đủ sức khoẻ cho 30,40,50 năm làm việc với cường độ cao? Chưa tính đến sự lo lắng, tốn phí chăm sóc điều trị của bản thân, gia đình và giáo phận. Cho nên, bên cạnh Đức Dục, Trí Dục, thì không thể lơ là Thể Dục được. Trồng người như trồng cây ăn trái : khó chấp nhận trái bắt đẩu chín,thì đã có dấu hiệu thối rữa!
Nhưng tập cái gì và và làm sao để bất cứ nơi nào, lúc nào cũng có thể tập luyên bảo vệ và tăng cường sức khoẻ, mà không đòi hỏi công phu, thời gian, không gian?
Có một số chủng viện, nhất là trước đây, ngoài các môn như bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền, còn khuyến khích trau dồi các môn võ thuật, như: Nhu đạo (judo), hiệp khí đạo (Aikido); thái cực đạo (Teakwondo) hay không thủ đạo (Karatedo). Tất cả đều tốt cho sức khoẻ, giúp tự tin và có lợi khi hữu sự phải tự vệ, song rõ ràng là không hợp với một linh mục, tu sĩ khu phải múa may và ra đòn thế. Khi có tuổi, thì việc ôn luyện các thế võ là không khả thi. Sau 1975, hình như không có chủng viện nào tổ chức huấn luyện các môn võ !
Có hai phương pháp tập luyện phù hợp với linh mục, tu sĩ: YOGA và THÁI CỰC QUYỀN. Để tránh mất thời giờ, xin bỏ ngay không bàn tới YOGA, không phải vì có nhiều người cho rằng Yoga “không đúng tinh thần và giáo lý Ki-tô giáo” (việc nầy còn nhiều bàn thảo trái chiều), mà do nhiều tư thế vừa khó lại không thích hợp với địa vị một linh mục,tu sĩ. Yoga thưởng không đòi hỏi nhiều không gian, nhưng lại mất khá nhiều thời gian và không thích hợp với người cao tuổi. Xin đề cập và giới thiệu ngay THÁI CỰC QUYỀN:
Ngày nay, Thái Cực Quyền (TCQ) được phổ biến khá rộng rãi và công hiệu của nó trong việc tăng cường sức khoẻ cho mọi lứa tuổi, thì không còn gì để bàn nữa. Với các chủng sinh, linh mục, tu dĩ, xin giới thiệu THÁI CỰC QUYỀN DƯỠNG SINH 24 THỨC(thế) GIẢN LƯỢC. Xin giới thiệu một số links video huớng dẫn cách luyện TCQ Giản Lược 24 thế:
Ban giám đốc chủng viện có thể cử môt chủng sinh đi học một khoá TCQ (có nhiều nơi) và về “truyền lại” cho các cho các chủng sinh khác. Như thế, sẽ luôn có huấn luyện viên TCQ mà không cần phải thuê mướn người ngoài (khá bất tiện và tốn kém). Việc tập luyện phải đều đặn hằng ngày, đúng giờ, bất kể thời tiết : mục đích để rèn ý chí và quyết tâm của các chủng sinh, để về sau,trong đời sống linh mục,tu hành, KHÔNG VÌ LÝ DO NÀO MÀ BỎ TẬP LUYỆN DÙ CHỈ MỘT NGÀY! TCQ phù hợp cho NAM lẫn NỮ, cho TRẺ lẫn CAO TUỔI, giúp duy trì và tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật.
Hình ảnh Giám Mục, một linh mục hoặc một tu sĩ nam/nữ với bộ y phục bằng lụa hay gấm, mỗi sáng sớm tinh mơ đi bài quyền TCQ thật không còn gì đẹp hơn.Quan trọng là nó sẽ tạo sưc khoẻ thể lý,sự sảng khoái tinh thần, sự minh mẫn trí não, xoá bỏ áp lực công việc (stress). Thiết tưởng không còn gì hữu ích, hiệu quả và dễ dàng thực hiện hơn.
Trong Chúa Kitô và để sáng Danh Thiên Chúa
Hoa Kỳ, Mùa Giáng Sinh 2012.
Yuse Nguyễn-Thế-Bài
Views: 0