Sự Phục Sinh là nền tảng đức tin Kitô giáo. Sự Phục Sinh cũng là đề tài được Đức Giêsu nói đến nhiều lần trong những ngày Ngài ra đi rao giảng Tin Mừng. Và sự Phục Sinh chỉ được sáng tỏ sau khi Đức Giêsu “sống lại từ trong kẻ chết”.
Với người Kitô hữu hôm nay, niềm tin Phục Sinh thật giản dị. Qua đức tin tông truyền, mỗi Chúa Nhật, người Kitô hữu đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ và sau phần Phụng Vụ Lời Chúa, tất cả cộng đoàn cùng tuyên xưng đức tin – tôi tin Đức Giêsu “Người chịu khổ hình và mai táng. Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.
Đúng, thật giản dị.
***
Thế nhưng, với các tông đồ xưa kia, niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh không đến với các ông một cách bình lặng như hồ nước mùa thu. Đón nhận niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ xưa đã phải trải qua nhiều nỗi sợ hãi, lo lắng và thách thức.
Thật vậy, sau cái chết của Thầy Giêsu trên đồi Gogotha, các tông đồ quá sợ hãi, các ông đã phải ẩn náu trong một ngôi nhà và “các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái” (Ga 20,19).
Trong nỗi sợ hãi và âu lo, dư âm của cuộc bố ráp tại vườn Ghếtsêmani vẫn còn ám ảnh các tông đồ.
Với Phêrô, có quá nhiều điều ám ảnh ông. Làm sao ông có thể quên được nụ hôn đầy nham hiểm của Giuda Iscariot. Ôi ! thật là trơ trẽn. “Nụ hôn”… một cử chỉ biểu lộ của tình yêu và tha thứ. Buồn thay ! lại trở thành dấu hiệu của điềm chỉ…của bội phản và bất trung”…
Một ám ảnh khác khiến ông không sao hiểu được. Đó là cú “hồi mã thương” của mình đã làm đứt tai phải của Mankhô – tên đầy tớ vị thượng phẩm. Thế mà không hiểu tại sao Thầy Giêsu lại “sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành” !
Và còn nhiều chuyện khó quên, nhất là việc chặng đặng đừng mà ông đã phải “thề độc” trước một người tớ gái rằng ông không biết Thầy Giêsu là ai…
Còn tông đồ Gioan, ông đang trầm tư mặc tưởng về những gì mình đã chứng kiến tại Golgotha , nơi Thầy Giêsu bị đóng đinh. Làm sao ông có thể quên được hình ảnh “một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn” Thầy của mình ! Làm sao ông quên được hình ảnh kẻ qua người lại nhục mạ Thầy Giêsu. Làm sao Gioan quên được trọng trách Thầy Giêsu đã giao phó Mẹ Maria cho mình “Đây là mẹ của anh”. Và cuối cùng, làm sao ông quên được tiếng nấc nghẹn ngào của Thầy Giêsu “Thế là đã hoàn tất”.
Hoàn tất cái gì ! Hoàn tất bằng cái chết tức tưởi trên thập giá như thế này ư ?
Đêm nay, đã là hai đêm đợi chờ. Chẳng lẽ lời công bố của Thầy Giêsu rằng: “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31) không ứng nghiệm sao ! Nếu Thầy Giêsu không sống lại, chắc hẳn thế quyền Roma lẫn thần quyền Do Thái “phấn khởi hồ hởi” lắm đây !
Đang khi những suy nghĩ, những hồi tưởng làm cho tâm hồn Phêrô và Gioan gần như tuyệt vọng thì có tiếng động của những tiếng chân chạy cùng những tiếng lao xao đưa hai ông trở về với thực tại.
Một người phụ nữ xuất hiện. Với khuôn mặt đầy sự căng thẳng, bà ta lắp ba lắp bắp nói với Simon Phêrô : “(tôi) thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”. Giọng nói của bà ta mỗi lúc một dồn dập hơn : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu. “ (Ga 20,1-2).
Người phụ nữ này chính là bà Maria Macdala. Bà ta đã theo chân Thầy Giêsu suốt con đường từ dinh Philato đến tận đỉnh đồi Golgotha . Chính mắt bà chứng kiến cảnh hành hình và cái chết của Ngài.
Bà quả quyết rằng, bà không thể lầm nơi Đức Giêsu được chôn cất. Đó là gần nơi Đức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, trong mảnh vườn ấy có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai.
Hôm đó, ông Giosep, người Arimathe, mai táng Thầy Giêsu ở đó. Bà còn thấy ông Nicôđêmô “mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” ra mộ. Bà còn thấy họ “lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn” thi hài Đức Giêsu, đúng “theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 19,38-40).
Vậy mà hôm nay, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, khi đến mộ, bà Maria Macdala thấy “ngôi mộ trống”…
Những lời tường thuật của Maria Macdala vừa dứt, không một phút chần chừ, “Phêrô và môn đệ kia đi ra mộ” (Ga 20, 3). Hai ông chạy bán sống bán chết. Một quang cảnh không thể tin được. Ngôi mộ trống rỗng. Có nhiều dấu hiệu khác thường. Những “băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài Đức Giêsu” nay đã được “xếp riêng ra một nơi”…
Câu chuyện được kể tiếp rằng : “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8). Vâng, chỉ có hai hiện tượng : “tảng đá đã lăn ra khỏi mộ” và “ngôi mộ trống” thế mà các ông tin rằng : Đúng như lời Kinh Thánh nói “Đức Giêsu phải trổi dậy từ cõi chết” (Ga 20, 9).
Một chút tâm tình…
Nói rằng “ông đã thấy và đã tin”. Thế nhưng, khi trở về nhà, niềm tin của các ông lại trở nên “nửa tin nửa ngờ”.
Thật vậy, sự “hoài nghi” về việc Thầy Giêsu đã sống lại vẫn còn ẩn chứa trong tâm hồn các ông. Vì thế đã có lần khi Đức Giêsu hiện ra : “đứng giữa các ông… các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 36-37).
Nếu Đức Giêsu không “dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình”…
Nếu Đức Giêsu không “hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”…
Nếu Đức Giêsu không “…mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (rằng) Có lời Kinh Thánh chép : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, phải nhân danh NGƯỜI mà rao giảng cho muôn dân”. (Lc 24,45).
Vâng, không chắc sau này, tông đồ Phêrô đã can đảm rao giảng về Đức Giêsu một cách mạnh mẽ rằng : “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,40-41).
Dẫu sao cũng phải nhìn nhận rằng, chính niềm tin “đơn sơ” vào hiện tượng “tảng đá đã lăn khỏi mộ” và “ngôi mộ trống” nó như chiếc chìa-khóa-vàng để Phêrô cũng như các môn đệ khác, mở lòng ra, tin rằng Đức Giêsu “Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.
Một phút suy tư…
“Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy”.(Cv 10, 40).
Đó chính là “đức tin tông truyền” và hôm nay Giáo Hội theo gương thánh Phêrô tiếp tục loan báo rằng : “Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.
Chúng ta đón nhận lời loan báo này như thế nào !
Phải chăng là theo gương bà “Maria Macdala đi đến mộ” bằng cách làm một “tour” hành hương qua Giêrusalem, đến ngay ngôi mộ xưa kia đã táng xác Đức Giêsu và “vừa khóc vừa cúi xuống trong mộ” mong sao được diễm phúc “thấy Đức Giêsu đứng đó…” để được cất tiếng nói với Ngài rằng “Rapbuni!” !?
Làm được như thế thì tốt quá. Ngày hôm nay “ngôi mộ” nơi táng xác Đức Giêsu không còn hoang vắng nữa. Hàng ngàn, hàng triệu người vừa đi vừa cất tiếng ca : “Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời. Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng…”.
Vâng, từ bốn phương trời, họ đổ về “ngôi mộ” để kính viếng, từ khắp thôn làng, họ kéo về “ngôi mộ” để cầu nguyện, để xin ơn…
Phải nhìn nhận đó là một thói quen đạo đức.. Chắc hẳn Đức Giêsu – Ngài sẽ không thể không vui mừng về hành vi đạo đức này và chắc chắn Đức Giêsu sẽ còn xúc động nếu sau khi kính viếng mộ thánh, mỗi người hành hương cùng mang Ngài về chôn vào ngôi mộ tâm hồn của chính mình.
Thật đúng vậy. nơi ngôi mộ táng xác Đức Giêsu năm xưa, thiên thần Chúa đã nói với mấy người phụ nữ đến viếng mộ rằng “Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28, 6). Vâng, có ai lại “Tìm Người Sống ở giữa kẻ chết” !!!
Chính vì thế, điều tốt nhất đó là : hãy đem Đức Giêsu Phục Sinh ra khỏi ngôi-mộ-đá-của-nghi-nan-và-ngờ-vực mà chôn Ngài vào ngôi-mộ-tâm-hồn của chính mình bằng “đức tin, đức cậy và đức mến”.
Đức tin làm cho chúng ta không xấu hổ trước cái chết nhục nhã của Đức Giêsu. Đức tin khiến chúng ta sẵn sàng chịu chê cười nhạo báng và chịu bách hại như Đức Giêsu xưa kia cũng đã chịu trên Golgotha . Và cuối cùng, đức tin làm cho chúng ta hãnh diện mình là một Kitô hữu.
Đức cậy chính là niềm hy vọng để chúng ta cậy trông vào bàn Tiệc Thánh Thể. Nơi mà Giêsu Phục Sinh đã phán hứa : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).
Và cuối cùng “Đức Mến” chính là chất xúc tác làm biến đổi con người chúng ta, hay nói cách khác, chôn con người cũ của chúng ta, con người của tội lỗi, của đam mê dục vọng, của ích kỷ, của hận thù, của tham sân si… để chúng ta trở nên con người tái sinh, một con người mới biết “đem yêu thương vào nơi oán thù… đem thứ tha vào nơi lăng nhục… đem an hòa vào nơi tranh chấp… đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.
Có thể nói, đó chính là những loại “hương liệu tâm linh” tốt nhất để “tẩm liệm” Đức Giêsu Phục Sinh vào ngôi-mộ-tâm-hồn của chúng ta. Và một khi chúng ta có Đức Giêsu Phục Sinh ngự trị trong tâm hồn mình. Vâng, không ai có thể ngăn cản chúng ta tuyên xưng : Đức Giêsu – “Người chịu khổ hình và mai táng. Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.
Petrus.tran
Views: 0