Cùng đội trên một bầu trời xanh, thế mà có những vùng trời, con người ta sống một kiếp người thật là tội nghiệp, khổ sở.
Xin được giới thiệu với quý độc giả đó là người dân tộc Jarai, vùng cao nguyên Gia Lai, đặc biệt tại thung lũng Ayunpa với rừng núi bao quanh.
Chúng ta hãy dừng chân ở một làng để được tiếp cận với dân làng: Có những ngôi nhà được tựa trên 4 cây cột xiêu vẹo, vách tre, mái lợp tranh đã rách nát, có nhà thì có ván đóng chung quanh nhưng nhiều chỗ đã mục nát. Hãy bước cẩn thận để trèo qua một cây gỗ, đẽo từng nấc để vào một ngôi nhà sàn: sàn nhà được lát từng tấm ván cũ kỹ và thưa thớt, có chỗ ọp ẹp, đi mạnh có thể gãy rớt tỏm xuống đất. Chung quanh nhà được đóng bằng những cây tre đập dập, chỗ dày chỗ thưa: mưa thì tạt, nắng thì nóng, nếu gió mạnh thì tha hồ nghe vi vu , rít từng hồi…
Lòng nhà trống trơn, bên phải cửa bước vào là một góc bếp: Một cái ấm nước đen thui để trên 3 viên gạch, bếp đầy những tro củi lạnh tanh, phía trên có một cái giàn được đan bằng tre treo lơ lửng, mở cái nắp soong ra, thấy còn sót lại nắm lá mỳ với ớt khô quắn lại. Nhà không có lấy 1 cân gạo hay bắp….lấy gì ăn hôm nay và ngày mai…..! Một bà già nằm co ro cuối nhà, trời nóng mà quấn 1 cái chăn màu xám cứng, (có lẽ lâu không giặt). Bà đau, nằm coi nhà con cái đã vào rẫy vào rừng đào củ rừng, hái rau rừng về ăn qua ngày vì mưa chưa tới để trồng bắp, tỉa đậu……
Hai đưa bé khoảng 3-4 tuổi mặt mũi lấm lép một chiếc áo tòn ten trên thân đang chơi với con heo, thấy người lạ vừa chạy khóc re lên vừa trốn vào nhà.
Mỗi nhà có một khoản đất hẹp trồng vài ba cây mỳ lên khẳn khiu để lấy lá ăn, dưới một ít ngôi nhà sàn có đóng cọc chung quanh để nuôi vài con bò, vì sợ mất trộm.
Vào một ngôi nhà trệt khác: 2 đứa bé trai đang xúc cơm ăn trong một cái thau nhôm nhỏ, với bột nêm rắc lên trên mà ăn một cách ngon lành…
Nhà nọ sang nhà kia cách nhau vài ba cây cọc đóng và nẹp cũng bằng tre nứa để heo gà bớt phá phách, bụi cát với mùi phân bò heo nhiều khi bay lên ngột ngạt. Thế mà họ vẫn sống vui tươi, phì phào với vấn thuốc lá trên miệng.
Mỗi vụ mùa về, ai cũng hì hục ra đồng gặt lúa, vui cười nói khi thấy từng bao lúa gặt xong, đập xong chất đống, nhưng chỉ mấy phút sau, những con nợ: người thì cho mượn gạo ăn, người thì cho mượn phân bỏ ruộng, kẻ lấy 5 bao, kẻ đòi trả nợ 7 bao. Thế là hết lấy gì ăn? Lại đi mượn lại, mua lại của những người buôn bán, tội ơi là tội! Ai nuôi ai ? Ai sống vì ai ?
Cái nghèo cái đói vẫn triền miên ở trên những con người Jarai này. Thương ơi là thương !
Chiều lại, kẻ trước người sau, mỗi người mọt cái gùi mang sau lưng, nào áo quần để giặt, nào những cái bầu khô chất đầy gùi để đi lấy nước uống.
Tất cả tuôn ra sông suối, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, cả trâu bò nữa. tất cả tắm rửa mát mẻ vui tươi như ngày hội, rồi lục tục trở về nhà, lom khom trên lưng với chiếc gùi đầy những trái bầu khô đựng nước uống mà họ đã đào khoét từng lỗ trên bờ cát để lấy nước.
Cuộc sống dân làng là thế đó, chỉ biết cái khổ cái sướng “dân giả” của ngày hôm nay, không biết ngày mai, ít người biết tính toán, có biết thì cũng rất giới hạn.
Ghi lại những dòng này cho anh chị em để chia sẻ một kiếp người cùng có một thân xác như chúng ta, cùng được kêu gọi làm người như chúng ta.
Chúng ta giúp họ thế nào để họ vực cuộc sống lên ? đặc biệt cho con cái họ mai sau ? Hãy giúp các em học hành, giúp các em khai phá trí tuệ để biết dọn cho mình một tương lai, biết xây dựng lại xóm làng, biết tự lực cánh sinh và như vậy, hy vọng cuộc sống ngươi dân tộc mai ngày bớt khổ đau hơn.
Người ghi lại : Sr. Đoàn Thị Tam
03 Nguyễn Thái Học
Ayunpa – Gia Lai
Việt Nam
ĐT : 059 3852113
Views: 0