Trong đời sống đức tin hôm nay nghe nói tới “Làm thánh” ai cũng sợ “chả dám” vì xem ra có vẻ cao xa quá, khó quá nên chắc mình không làm nỗi!
Có lẽ biết được tâm lý đó của giáo dân nên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo đệ nhị đã mời gọi mọi người tín hữu “Hãy sống chứng nhân”. Ngài nói: “ Ngày nay người ta tin tưởng vào những chứng nhân hơn là các người giảng đạo”. Bởi thế mới biết vai trò của “chứng nhân” rất quan trọng. Tương tự như vậy, cổ nhân chúng ta thường nói “Trăm nghe không bằng một thấy”, mẹ Thánh Terexa, một bà già nhỏ bé yếu đuối không hề giảng đạo, nhưng những công việc bác ái âm thầm của mẹ đã là “chứng nhân” hùng hồn cho toàn thế giới về tình thương của Chúa đối với những người cùng khổ trong xã hội.
Vậy “Chứng nhân” là ai ??
– Là người bình thường trong gia đình, xã hội biết khiêm tốn nhận ra mình vẫn còn nhiều thiếu sót, và luôn cố gắng sữa chữa mình, để sống gần với lời Chúa hơn ( Tôi có một chị bạn đi dạy ở VN sau 75 lấy chồng , dạy cùng trường ( anh ấy là đảng viên, nên không chịu “ép mình”theo đạo), nhưng sau một thời gian sống chung thấy vợ sống giản dị khiêm tốn và luôn nhớ áp dụng lời Chúa vào cuộc sống hằng ngày Anh đã tự nguyện xin đi học đạo để rửa tội và sau trở thành một người nòng cốt của phong trào “ Tông đồ giáo dân” tại Saigon, anh còn hoạt động tông đồ hăng say, nhiệt tình hơn cả vợ.
– Là người sẳn sàng phục vụ, giúp đỡ người khác khi họ cần đến mà không mong cầu quyền lợi hay danh tiếng (các soeur phục vụ trong các trại cùi, những người nhiễm HIV…chăm sóc họ với tất cả sự ân cần thương yêu cho những mãnh đời bất hạnh, mà không cần đến một sự đáp trả nào!)
– Là người biết lên tiếng bênh vực người khác khi thấy họ phải chịu đựng những chèn ép bất công, thay vì “làm lơ” để giữ an toàn cho cá nhân mình (Một bà cụ ở miền Bắc VN đã tham gia đi khiếu kiện cùng với các dân oan từ nơi này tới nơi khác“đồng cam cộng khổ” với họ, mạnh dạn lên tiếng tố cáo dùm họ,không ngại gian nguy cho bản thân. Bà đã từng được Human right watch tuyên dương).
– Là người dám lên tiếng bảo vệ sự công bằng và lẽ phải cho Giáo hội khi bị xâm phạm, không khiếp nhược trước cường quyền dù biết sẽ bi bắt bớ tù đày hay chịu nhiều thiệt thòi ( Giáo dân giáo xứ Thái Hà, Đức Tổng Giám Mục Ngô quang Kiệt…)
– Là người Sống lời Chúa chứ không chỉ giảng lời Chúa, áp dụng lời Chúa vào ngay chính hoàn cảnh sống của mình, khi cần sẳn sàng hy sinh mạng sống mình( Linh mục Kobe đã tự nguyện chết thay cho bạn tù ( còn gia đình vợ con) trong trại giam Đức Quốc Xã.
– Nhưng quan trọng hơn hết là hãy sống chứng nhân từ trong gia đình vì gia đình là giáo hội tại gia. Mẹ Terexa từng nhắc nhở người ta có thể bỏ thời giờ, tiền bạc, công sức để làm việc bác ái giúp đỡ tha nhân một cách dễ dàng nhưng người ta thường quên “giúp đỡ” những người thân trong gia đình nhất là về mặt tinh thần như sự tha thứ, cảm thông, nâng đỡ khi gặp khó khăn, sự ân cần quan tâm…nên hãy quay về làm “chứng nhân” từ trong gia đình mình trước khi ra ngoài xã hội. Hãy sống đạo giữa gia đình, giữa đời thường chứ không chỉ trong nhà thờ, trong các hội đoàn giáo xứ. Nhiều người làm việc thiện nguyện cho giáo xứ, cho cộng đồng rất tốt, nhưng cư xử hoàn toàn ngược lại trong gia đình của họ.
Trong gia đình cha mẹ hãy sống “chứng nhân” bằng cách làm gương tốt cho các con qua đời sống hằng ngày (sống ngay thẳng, tử tế với người khác, không gian dối quanh co, không lấy phần hơn cho mình, có giờ cầu nguyện chung mỗi tối..) Ngoài ra cha mẹ cũng tập cho con thói quen giúp đỡ người khác và làm việc từ thiện ngay khi còn nhỏ vì gia đình là môi trường rèn luyện nhân cách tốt cho các con. Cha mẹ VN nên học hỏi ở cha mẹ Mỹ, họ luôn ủng hộ con hết mình, tiêu nhiều thời giờ với con (có khi để ủng hộ con thi đấu giao hữu thể thao, họ sẳn sàng lấy vacation, bỏ ra một số tiền lớn, để mua vé máy bay cho cả nhà bay đến tiểu bang khác chỉ để ủng hộ tinh thần con) Họ hay có thói quen khuyến khích và luôn khen ngợi các con, còn cha mẹ VN thì hay phê bình, chỉ trích con cái nhiều hơn là khen. Cha mẹ cần tạo mối quan hệ thân tình với con ngay từ nhỏ để con có thói quen “chia xẻ” vui buồn với cha mẹ. Đến khi lớn lên có trở ngại khó khăn, các con sẽ tìm đến cha mẹ để “tâm tình” thay vì với bạn bè hoặc giữ riêng trong lòng! Ở Việt Nam hoàn cảnh nghèo khó nhưng gia đình thương yêu nhau, quan tâm đến nhau, gắn bó với nhau, “chia đắng, xẻ ngọt” với nhau. Ở Mỹ vật chất dư thừa nhưng thiếu tình thương, mỗi người là một “hoang đảo” nhỏ cô đơn trong căn phòng riêng đầy đủ tiện nghi của mình, không quan tâm đến vui buồn của người khác. Do đó mỗi gia đình nên cố gắng giữ buổi ăn tối chung với nhau, buổi cầu nguyện chung trước giờ ngủ để giữ mối liên hệ ràng buộc thân thiết trong gia đình. Đừng để rơi vào tình trạng “Sống quen không ai cần ai” của rất nhiều gia đình trên xứ Mỹ hiện nay.
Nói thì dễ nhưng thục hành cụ thể như thế nào mới là quan trọng. Vậy trong mùa chay chúng ta sẽ có quyết tâm gì ??
– Hứa với Chúa từ hôm nay con sẽ làm gì ? sửa đổi gì ? không cần làm việc gì lớn lao to tát, chỉ cần thành tâm nhìn lại mình để quyết tâm sửa đổi những điều chúng ta hay sai phạm trong đời sống hằng ngày ( nói , nghĩ những điều không tốt về người khác, hay cằn nhằn khó chịu hoặc hay chỉ trích phê bình người khác, thay vào đó là lối sống tử tế hơn, hay nhớ những điểm tốt của người khác, sống vui vẻ, hỷ xã, dễ chịu, cảm thông với những khó khăn của người khác nhiều hơn. Khi gặp gian truân thử thách,hãy sống cố gắng hết mình, phần còn lại giao cho Chúa lo ( I try my best, God take care the rest).
– Mỗi lần đọc kinh Lạy Cha con có thực sự nhìn nhận tất cả những người chung quanh con, những người sống trên quả địa cầu này đều là “anh em con một cha trên trời” không? ( con có “ coi thường” ( look down) những người Mễ, Mỹ đen, nhà quê nghèo nàn dốt nát ?
– Mỗi lần rước lễ con có để ý sau khi con rước Chúa vào lòng con có biến đổi chút xíu nào trong tâm hồn không? Có sẳn sàng tha thứ và yêu thương anh em như Chúa dạy không? Sau thánh lễ đừng bỏ Chúa lại trong nhà thờ, hãy đem Chúa theo ta vào cuộc sống Khi ra parking lấy xe về gặp trục trặc chờ đợi, con có nhường nhịn hay là nổi sùng bực mình quát tháo không?
– Con có áp dụng “luật Vàng” Chúa đã dạy con: “Hãy làm những gì con muốn người khác làm cho con”. Con có tôn trọng phẩm giá, văn hóa và giá trị của các tôn giáo khác như con muốn họ tôn trọng phẩm giá, văn hóa, tôn giáo của con không ?
PHẦN CÂU HỎI
Đây có lẽ là phần quan trọng vì có quá nhiều thắc mắc và câu hỏi được hỏi qua micro phone, hoặc viết ra giấy và bỏ vào đầy một giỏ, cha không có giờ để trả lời hết. Qua phần trả lời của cha mọi người được học hỏi nhiều điều cần thiết và bổ ích cho đời sống đức tin trong thực tế. Thay vì hằng tuần đến dự thánh lễ chỉ nghe cha giảng (một chiều) trong khi đời sống thực tế đâu có đơn giản như những giáo điều mà ngổn ngang bao nhiêu trăn trở thắc mắc cần được giải tỏa! Sau đây chỉ ghi lại một số những câu hỏi nổi bât:
1 – Tại sao giáo hội không chấp nhận “gay” ??
Cha kể lại câu chuyện trong một lần đi giảng tỉnh tâm, cha bắt gặp một thanh niên say mê nghe cha giảng như “uống” từng lời, anh tham dự đầy đủ những ngày tỉnh tâm một cách rất sốt sắng. Sau này cha mới biết anh là “gay”, anh là một người đạo đức tốt, ngoan, hiền. Anh cố gắng theo lời khuyên bảo của gia đình đi gặp bác sĩ tâm lý, thậm chí cả uống thuốc, đi tỉnh tâm cầu nguyện gặp gỡ các linh mục, cố vấn tâm lý…Có thể là do gene, do những tế bào trong não…chứ không phải là do anh muốn. Cuối cùng sau bao nhiêu cố gắng anh vẫn không thể thay đổi bản chất con người mình: anh chỉ thích và thương người cùng phái.( Trong thực tế tôi biết những trường hợp tương tự như cha kể khá nhiều.) Cha kết luận đối với những người này ta nên thông cảm và thương yêu họ (nhất là với cha mẹ) hơn là chống đối và khai trừ họ làm họ thêm khổ tâm.
2 – Tình trạng ly thân, ly dị
– Nếu một người chồng có bản tính trăng hoa tái phạm nhiều lần việc lăng nhăng ngoại tình nên ở hay nên bỏ??
– Thực ra phải tìm hiểu sâu thêm vấn đề, nhưng nếu thực là bản tính thì cũng khó sửa. Theo ý kiến quý vị ở đây thì nên ở hay nên bỏ? Cả nhà thờ, một nửa cho là nên ở, một nửa cho là nên bỏ, cuối cùng một chị trong ca đoàn lớn tiếng phát biểu là “Bỏ”, vì nếu ở để tiếp tục chịu đựng bị xúc phạm dài dài thì cũng tội nghiệp quá! Chúa không “vô tình” để ta cứ phải chịu khổ mãi!
– Trong đời sống xã hội hiện nay, kể cả các gia đình Công Giáo có rất nhiều cặp vợ chồng sống riêng biệt: ông ở với con này bà ở với con khác, ông ở tiểu bang này bà ở tiểu bang khác hoặc có những cặp sống chung một nhà (do hoàn cảnh) nhưng mỗi người đều có phòng riêng, sinh hoạt riêng không ai nói chuyện với ai thậm chí không nhìn mặt nhau. Đây là những trường hợp “ly thân, ly dị tại chỗ”…Nghe nói tới đây cha đã vội cắt ngang: “Thôi đủ rồi, tôi cũng biết rất nhiều về tình trạng này” (Cha là Tiến sĩ tâm lý gia đình). Thực ra Chúa không vô tình với cuộc sống tình cảm con người. Có những hoàn cảnh mình phải chấp nhận, chỉ có một điều xin nhắc nhở là những người trong hoàn cảnh đó cũng khổ tâm lắm, chẳng ai vui vẻ gì đâu, cũng chẳng ai muốn điều đó cả. Tôi biết có trường hợp một bà tâm sự: “Cha ơi! Con không thể chịu đựng nỗi nữa, nếu không ly dị thì con không sống nỗi được…”. Tôi cũng hiểu cho hoàn cảnh bà “khổ thật”. Người ta thường nói “Văn mình, vợ người”, tôi chỉ xin nhắc nhỏ các ông sống thời đại này và nhất là ở Mỹ rồi, làm ơn bỏ đi tư tưởng “Làm Vua”( nghĩa là chồng bảo gì vợ phải IM mà nghe rồi thi hành, hay nói kiểu kinh lạy cha của một bà “Ý chồng thể hiện dưới bếp cũng như trong phòng”) Trong gia đình chúng ta phải học cách biết tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt của người khác thì gia đình mới yên vui được.
Viết tới đây tôi chợt nhớ tới một câu chuyện “tự sự” mà tôi đọc được trên báo: Có đôi vợ chồng nọ sống với nhau vui vẻ được một thời gian rồi bắt đầu gây gổ vì “trái nhiều quan điểm trong cuộc sống”, mức độ gia tăng trầm trọng nên họ quyết định ly dị. Luật Chúa không cho ly dị, nên các hội đoàn ở nhà thờ bắt đầu can thiệp cố gắng “vun vào” tối đa. Vợ chồng đó cũng thiện chí, nên quyết định ở lại với nhau, sinh thêm một đứa con… Được một thời gian rồi “đâu lại vào đấy” lại bùng nổ xích mích, lại can thiệp “vun vào” rồi “gương vỡ lại lành” cứ thế vài lần. Gia đình ấy dọn đi tiểu bang khác, yên ổn một thời gian, tình trạng cũ lại tái diễn, họ ở lại với nhau vì sức ép tâm lý của nhà thờ. Rồi đến một hôm nghe tin người chồng quá bức xúc đã dùng súng bắn chết vợ con và tự sát để giải quyết dứt điểm mọi chuyện. Một trong những người có công “vun vào” nhiều nhất, trước đây mãn nguyện vì thành quả đạt được, bây giờ đau đớn trăn trở tự hỏi : Nếu mọi người đừng quyết tâm can thiệp “vun vào” nhiều lần như vậy thì biết đâu án mạng này đã không xảy ra ???
3 – Thế nào là tội trọng ?
Thực ra cũng khó nói, nhưng căn cứ vào điều răn quan trọng nhất của Chúa là “Trước kính mến Đức chúa Trời trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy” thì tùy thuộc vào tội ta phạm làm tổn thương hay gây thiệt hại cho người khác nặng hay nhẹ mà biết đó là tội trọng hay nhẹ. Có một số tội rõ ràng ai cũng biết là tội trọng như: giết người, xì ke ma túy, ngoại tình rồi cha dí dỏm nhưng cùng tội ăn cắp 5000$ của ông Bill Gate thì có thể là tội nhẹ, nhưng của cha xứ thì có thể là tội trọng. Đôi khi việc nói thêm bớt để vợ chồng người ta ly tán có thể là tội trọng. Nói hành nói xấu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì không thể là tội nhẹ được. Rồi cha kể : một cô gái sau khi vượt biên, đến xứ Mỹ một thời gian gây dựng lại cuộc đời, cô sắp lấy chồng thì bỗng tình cờ một hôm có một người vui miệng kể cho mọi người nghe : “Tôi biết cô này rồi, đi chung chuyến vượt biên với tôi, đã bị tụi hải tặc “dợt” cho te tua rồi” Người kể thì coi như câu chuyện mua vui qua đường, nhưng hậu qủa với cô gái thì vô cùng trầm trọng. Cô bị khủng hoảng tinh thần mất ăn mất ngủ, cánh của tương lai đang rộng mở trước mắt cô bỗng bị đóng sầm lại, quá khứ tủi nhục, ê chề bị tái hiện. Cô phải bỏ việc làm đi qua một tiểu bang khác, sống khép kín và không dám gặp mặt ai nữa! Như vậy thì câu chuyện mua vui ấy là một tội rất nặng vi đã làm tổn thương và hủy hoại đời cô gái. Nhiều khi trong đời sống đức tin ta đừng chú trọng vào “giữ luật” về hình thức mà quên đi phần tâm linh tình người mới là quan trọng ( nhân đây tôi mới biết luật “kiêng việc xác” ngày chúa nhật đã bị hủy bỏ từ lâu).
KẾT THÚC :
Trong đời sống trần gian còn nhiều khó khăn, ta hãy cố gắng sống “chứng nhân” lời Chúa để mọi người qua cuộc sống của ta, nhận ra ta là con cái Chúa. Hãy nghe lời phát biểu của một người ngoại đạo ( Đức Đạt Lai Lạt Ma) : “Nếu người tín hữu Thiên Chúa Giáo thực sự tin Chúa, yêu Chúa thì họ phải thể hiện niềm tin yêu Chúa đó qua việc sống yêu thương mọi người chung quanh trong cuộc sống hằng ngày của họ..”
Lạy Chúa Giesu xin giúp con:
“ là chứng nhân của tình thương trong cuộc đời…là chứng nhân mang tình mến đến cho mọi nơi..
Trong âm thầm xẻ chia tấm bánh cho tha nhân…khát khao sống cho mọi người”.
Hy vọng mọi người luôn sống vui vẻ vì “Sống chứng nhân là sống trong tình yêu thương”.
Viết theo lời đề nghị của chị K.L
P.V
Views: 0