Uncategorized

Tại sao Ngài bị đóng đanh?

“Tại sao Ngài bị đóng đanh?” Có lẽ đây là câu hỏi mà cả người yêu lẫn người ghét Ngài đều muốn có câu trả lời. Nhưng trải qua hơn 2000 năm sau bản án bất công dẫn đến cái chết nhục nhã của Ngài trên thập giá, câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, ít nhất là theo sự hiểu biết về tri thức của con người. 

 

“Tại sao Ngài bị đóng đanh?” Có lẽ đây là câu hỏi mà cả người yêu lẫn người ghét Ngài đều muốn có câu trả lời. Nhưng trải qua hơn 2000 năm sau bản án bất công dẫn đến cái chết nhục nhã của Ngài trên thập giá, câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng, ít nhất là theo sự hiểu biết về tri thức của con người. 

 

Nhưng để tìm được câu trả lời thảo đáng, có lẽ chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi mà chính Ngài lúc sinh tiền đã hỏi các môn đệ mình. Ngài đã có lần hỏi các ông: “Người ta bảo Con Người là ai?” (Mat 16:13). Thánh Kinh cho biết, trước câu hỏi ấy các Tông Đồ đã tỏ ra lúng túng. Họ vay mượn ý kiến của người này, người khác để nói về Ngài. May mắn có Phêrô đã trả lời đúng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mat 16:16). Nói Phêrô may mắn trả lời đúng, vì thực sự chính ông cũng chẳng hiểu điều ông nói, vì sau đó khi có dịp để hiểu về Đức Kitô như thế nào thì ông đã tỏ ra rất thiếu sót. Do ở sự thiếu sót ấy, Ngài đã gọi ông là Satan. Bởi vì điều ông xưng tụng Ngài là Đức Kitô và việc ông ngăn cản Ngài đừng hoàn tất sứ vụ của Đức Kitô là những gì hoàn toàn trái ngược. Ngăn cản không để Ngài hoàn thành sứ vụ của Đức Kitô là một cám dỗ nghiêm trọng mà chỉ có Satan mới xúi dục Phêrô nghĩ như vậy và nói ra như vậy.

 

Để hoàn tất sứ mạng của Đức Kitô thì Ngài phải chấp nhận đau khổ, phải chấp nhận cực hình, và chịu tử hình trên thập giá. Và đây là lý do để Ngài phải chịu đóng đanh. Đối với những ai yêu mến Ngài thì thương cảm, và biết ơn Ngài, vì nhờ cái chết nhục nhã ấy đã giải thoát họ khỏi án phạt muôn đời, khỏi vòng nô lệ của Satan, và được sống trong tự do của con cái Chúa. Ngược lại, đối với những kẻ ghét Ngài, những ai tưởng rằng niềm tin vào Ngài là những nhận thức và cảm thức lỗi thời, lạc hậu, mê tín thì ghét bỏ Ngài, xua đuổi Ngài, hoặc ít là làm ngơ. Các trường phái tư tưởng từ vô thần, duy tâm, duy lý, duy vật, hiện sinh, ngay cả đến lý thuyết Cộng Sản có khi chia rẽ nhau về nhiều điều, nhưng hợp nhau trong sự coi Ngài là kẻ thù chung. Vì đối với những người theo các tư tưởng này, thập giá chính là cái cớ cho họ vấp ngã. Một sự nhục nhã, vô lý đến độ không thể chấp nhận được. Nguyên nhân chính vẫn là Satan luôn xúi dục con người đừng chấp nhận Ngài là Đức Kitô, Đấng đã bị đóng đanh chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại. 

 

Tại sao lại ghét Ngài? 

 

Trong cuộc đời Ngài, sự yêu và sự ghét đã tỏ lộ cách mãnh liệt, hơn bất cứ trong cuộc đời người nào khác. Chính Ngài đã biết và đã tiên báo mình sẽ được yêu mến cũng như bị khinh chê, nhạo báng. Ngài cho biết người ta sẽ thờ phượng Ngài cũng như sẽ khinh dể Ngài. Ngài sẽ được yêu mến nhiệt tình và bị ruồng bỏ cực độ. Ngài cũng tiết lộ cho biết cuộc song đấu này sẽ kéo dài cho đến ngày thế mạt.  

Khi nói Ngài sẽ bị thế gian ghét bỏ nhưng thế gian đây phải hiểu là tinh thần thế tục, những lý thuyết mâu thuẫn với tinh thần Phúc Âm. Ngài vừa sinh ra đã được cụ già đáng kính Simêon nói với mẹ Ngài rằng Ngài sẽ là dấu hiệu gây sự chống đối. Điều mà Thánh Gioan sẽ diễn tả sau này: “Ngài vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Ngài tác thành, và thế gian đã không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà Ngài, và các gia nhân Ngài đã không tiếp nhận Ngài” (Gio 1:10-11).

 

Ngài đã làm gì nên tội để phải chết? Ngài hiền hoà, khiêm nhượng hết lòng. Ngài chữa các thương tật, lại bị đả thương. Ngài cho kẻ chết sống lại, lại bị giết chết. Ngài cải ác khuyến thiện, mà lại bị đóng đinh thập giá. Ngài đem sự sống thần linh hoà giải loài người, mà bị kẻ thù hạ sát vũ nhục. Chúng ta hãy nhìn vào những người đã lên tiếng đả đảo, kêu án và vui mừng khi thấy Ngài bị đem đi để đóng đanh vào thập giá. Họ là những Pharisiêu, luật sĩ, kinh sư và thượng tế. Họ căm thù Ngài vì Ngài đã nặng lời nguyền rủa và phơi bày ra ánh sáng những hành vi, lối sống đạo đức giả, lòng tham lam và ham mê quyền lực của bọn họ. Bọn họ chính là đại diện của tinh thần Satan, tinh thần và lối sống thế tục.

 

Tổng trấn Philatô đã không tìm được lỗi nào để kết án Ngài, nhưng dưới sức ép của bọn người này, ông đành phải tuyên án Ngài. Điều khiến cho chúng ta giờ đây phải suy nghĩ, đó là Philatô đã có ý định đánh đổi Barabba một tội phạm khét tiếng để lấy Ngài. Nhưng rồi vì không muốn Ngài sống, nên bọn luật sĩ, kinh sư và thượng tế đã bằng mọi cách xúi dục dân chúng để chọn Barabba. Ở một nghĩa nào đó, Ngài đã chết thay cho Barabba, và tên cướp này được sống là vì cái chết của Ngài.

 

Nhìn xa hơn nữa, Barabba đây cũng chính là hình ảnh của nhân loại tội tình. Tội phản nghịch đến Trời, tội phạm đến tha nhân, và tội phạm đến chính con người của mình. Tội của những tư tưởng, lời nói, và hành động chống lại với Tin Mừng của Ngài. Và có thể nói, cái chết của Ngài là vì chúng ta và cho mỗi người chúng ta. Chỉ có điều là rất nhiều lần chúng ta không biết hoặc không quan tâm đến cái chết đó. Những lần đó là những lần chúng ta xúc phạm đến Ngài qua anh chị em của Ngài. Là những lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước tiếng mời gọi của lương tâm. Những lúc như vậy chúng ta cũng đã bỏ Ngài, chọn Barabba, và cũng đã đóng đinh Ngài. 

 

Tại sao người ta yêu mến Ngài?

 

Ngược dòng lịch sử, chưa có người nào khi đã chết, còn được người ta yêu mến đến mức tế tự, cầu xin! Đó là lý do tại sao trong mọi thời đại, Thập Giá và cái chết của Ngài vẫn thấm đậm nước mắt tình yêu. Nhiều người vẫn hăm hở chạy đến với Ngài. Như Phaolô xưa, họ cũng tuyên xưng: “Ai sẽ tách biệt chúng tôi ra khỏi tình yêu Đức Kitô? Tôi tin rằng dù sự sống hay sự chết, dù Thiên thần, lãnh thần hay quyền thần; dù tương lai hay sức mạnh; dù sự cao sâu hay bất cứ sự vật nào, có sức tách biệt chúng tôi ra khỏi tình yêu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng tôi ! ” Vì tất cả những người này đều ý thức được rằng Ngài đã chết vì họ, vì yêu thương họ, và vì muốn giải thoát họ khỏi hệ lụy của Satan v à của tội lỗi!

 

Có một khoảnh khắc nào trong thinh lặng, một mình trong một góc giáo đường hay ngay trong phòng khách, phòng làm việc của mình, bạn đã đưa mắt nhìn lên cây thập giá để tự hỏi lòng mình, hoặc hỏi những người quen đọc Thánh Kinh, quen tham dự Thánh Lễ, và quen thực hành sống đạo rằng “Tại sao Ngài lại bị đóng đanh” chưa? Bạn hãy làm thử một lần xem sao, và bạn sẽ nhận được những câu trả lời chất chứa ngọn lửa tình yêu Chúa Giê Su trong trái tim bạn cũng như trong họ. Hãy đến gõ cửa một Dòng nữ ẩn tu, như Dòng Cát Minh, Dòng Clara, hoặc Dòng Bênêđíctô, Dòng Châu Sơn, Dòng Phước Sơn để hỏi: “Tại sao các đan sỹ này vào Dòng, có phải vì thất tình chăng? Có phải vì họ không có khả năng sống một cuộc sống hạnh phúc, thành công như trăm ngàn người khác không?” Và câu trả lời chắc chắn là “không”.  Họ làm thế chính là do sự khát khao một tình yêu toàn hảo. Đó là điều đã dẫn họ cũng như chúng ta đến với Đấng đã dựng nên ta và chịu chết vì ta. Vì thiếu Ngài chúng ta không thể hạnh phúc được. Ngài đã tìm kiếm trái tim hèn yếu của chúng ta. Khác tất cả các trái tim đã từng sống động, Trái Tim Ngài đã được yêu mến trên hết mọi sự, hơn cả sự sống nữa. Văn hào Pascal đã kết luận: “Chúa Giêsu đã muốn được người ta yêu mến. Ngài đã đạt, vậy Ngài là Thiên Chúa.” Còn Thánh Augustine thì than thở rằng: “Chúa đã dựng nên cho tôi một trái tim, và nó không ngừng thổn thức cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”

 

Một điều xem như hiển nhiên là khi bạn yêu thập giá Đức Kitô, bạn cũng bằng một cách nào đó chấp nhận bị đóng đanh trên đó. Và đây là lời tiên tri Ngài đã nói trước: “Đầy tớ không hơn chủ được. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì họ cũng bắt bớ các con” (Gio 15:20).  Trong thực tế, chính đời sống lương thiện, đời sống bác ái, công bằng của bạn đã là một sự thua thiệt trước mắt thế gian. Và thế gian sẽ không tha cho bạn, vì lối sống và hành vi của bạn đi ngược lại với những gì mà thế gian thường suy nghĩ và hành động.  Hai mươi thế kỷ đã qua, sự ghét Ngài vẫn chưa nguôi. Và sự thù ghét mà thế gian đổ trên đầu những ai yêu mến Ngài vẫn chưa chấm dứt, vì thập giá Ngài là một chướng ngại vật làm cản trở tội lỗi, tính ích kỷ, lối sống vô thần và tinh thần thế tục. 

Tóm lại, nếu bạn hỏi Chúa Giêsu câu hỏi: “Tại sao Ngài bị đóng đanh?” Chắc chắn bạn sẽ không được nghe Ngài trả lời. Sự im lặng của Ngài trên thập giá chính là câu trả lời đầy đủ và ý nghĩa nhất. Còn nếu bạn hỏi tôi: “Tại sao Ngài bị đóng đanh?” Tôi sẽ trả lời bạn rằng: “Ngài bị đóng đanh vì yêu thương tôi và yêu thương bạn?” Hãy thử nghĩ lại xem, nếu không có cái chết của Ngài lúc này bạn và tôi sẽ còn ra như thế nào. Đức Tổng Giám Mục Fullton Sheen đã nói rất chí lý: “Chỉ có sự gì thuộc về Thiên Chúa, mới được yêu mến vô cùng, hoặc bị ghét bỏ vô cùng.”

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.