Trong lần về quê thăm mẹ vừa qua tôi có rất nhiều kỷ niệm, và kỷ niệm nào cũng đáng yêu và đáng nhớ. Nhưng nhớ nhất là những giây phút một mình giữa hai mẹ con.
Chỉ một điều mà tôi lấy làm tiếc là vì thính giác mẹ tôi kém quá nên không thể trao đổi những tâm tư và bộc lộ được những tình cảm của mình một cách như mình muốn. Muốn nói gì cũng phải hét to thì mẹ tôi mới nghe. Nhiều lúc đã nói to nhưng mẹ tôi nghe chữ này sang chữ khác nên những gì mẹ tôi trả lời đôi khi không phải là những gì tôi muốn biết và muốn hỏi. Tuy nhiên, đối với tôi 2 tuần bên mẹ vẫn là 2 tuần lễ hạnh phúc nhất, dễ thương nhất, và qua nhanh nhất.
Tôi biết rất rõ nếu tôi thông báo cho mẹ tôi biết ngày về thì chắc chắn một điều là từ ngày tôi thông báo cho đến khi tôi bước vào cửa nhà, không ngày nào mẹ tôi không ra ngồi ngoài cửa mà chờ tôi. Và cũng không ngày nào mà mẹ tôi không hỏi mấy cô em tôi, mấy đứa cháu tôi là “sao anh mày, bác mày mãi không thấy về! Đi đường có chuyện gì không?” Để rồi ngồi đó mà thở dài, mà lo lắng. Do đó, tôi đã bảo với người nhà bên đó rằng tuyệt đối không cho mẹ biết. Thế mà linh tính của một người mẹ cũng đã cho mẹ tôi biết là tôi sẽ về. Và cứ thế bà theo hỏi mấy cô em và mấy đứa cháu:
– Chúng mày có dấu tao là anh chúng mày sắp về phải không?
Hồi đầu các em tôi nói dối vì sợ bà mong, nhưng 2 ngày trước khi tôi về thì đành phải nói thật.
– Tao có linh tính anh chúng mày sẽ về, vậy mà tao hỏi thì đứa nào cũng chối.
Đúng như đã suy nghĩ, mẹ tôi trong suốt hai hôm đó không ăn và cũng không ngủ, lúc nào cũng bồn chồn, thao thức ngồi cửa chờ con, cho đến khi tôi bước vào nhà. Hai hàng nước mắt mẹ trào ra trong nỗi vui mừng vì con đi đường bình an. Các em tôi khi thấy tôi về liền nói:
– Hai ngày hôm nay mẹ lúc nào cũng nhắc anh. Hết cầu nguyện cho anh, rồi lại hỏi tụi em: “Anh chúng mày về một mình hay về với chị? Bồng bềnh trên trời như vậy không biết xảy ra chuyện gì thì chạy đường nào?” Hỏi riết khiến chúng em thấy mệt thay cho mẹ.
Sau khi rửa mặt và ăn cơm chiều với gia đình, tôi đã ngồi tâm sự với mẹ. Ngoài tiếng yêu mà mẹ dạy tôi, mẹ còn dậy tôi nhiều điều mà chỉ có tấm lòng người mẹ mới nghĩ ra, mới hiểu, và mới chuyên chở được. Những lúc ngồi gần mẹ, tôi thường nói với mẹ:
– Con lớn rồi. Gần 70 tuổi rồi mà mẹ lo gì cho con?
Mẹ tôi nhìn tôi bằng một ánh mắt yêu thương và như trách móc:
– Lo chứ sao không lo. Mấy ngày hôm nay mẹ lúc nào cũng nhớ và cầu nguyện cho con về bình an. Một mình trên trời cả hơn chục tiếng đồng hồ như vậy ai mà không thấy lo.
Đã có lần, lợi dụng tình cảm mẹ con, tôi giả bộ hỏi:
– Mẹ ở nhà có các em, các cháu và các chắt, con ở xa nhà mẹ có nhớ không?
Mẹ tôi nở một nụ cười hiền hoà:
– Nhớ chứ sao không nhớ!
– Con lớn rồi mà còn nhớ thương gì nữa?
– Lớn cũng nhớ. Càng lớn càng nhớ. Nhớ nhiều ấy chứ!
Chữ “nhớ nhiều ấy chứ” mẹ tôi như kéo dài, như nhấn mạnh để vơi thoát cái tâm tư nhớ nhung của một người mẹ đối với một người con. Và cũng như để tôi có thời giờ mà nghe cho rõ, và hiểu cho tường tận tấm lòng của mẹ tôi.
Nhưng dường như trong cái nhớ thương ấy, và mỗi lần nhắc lại tình cảm ấy nó lại chạm đến hình bóng của một người, và người ấy không ai khác chính là thầy tôi. Lần này mẹ tôi kể cho tôi nghe về việc thầy tôi vất vả như thế nào, và làm cách nào thầy tôi và mẹ tôi dành dụm, vượt qua những khó khăn của giai đoạn đầu sau 1975 để mua được thửa đất rộng rãi cho chúng tôi như hiện nay. Mẹ tôi nhắc đi nhắc lại công lao vất vả của thầy tôi rồi kết luận:
– Thửa đất này, ngôi nhà này dành cho riêng con. Thầy đã nói vậy khi thầy còn sống. Bây giờ mẹ còn sống thì mẹ ở, sau này khi mẹ mất thì con về mà ở. Không ai được dành phần của con. Mỗi người em đã có đất và nhà riêng của chúng nó rồi. Ai có phần riêng của người nấy.
Điều khiến tôi mãi suy nghĩ, đó là mấy ngày trước hôm về lại Hoa Kỳ, mẹ tôi sang phòng bên kéo tôi lại gần rồi hỏi nhỏ:
– Còn đồng nào không?
– Mẹ hỏi để làm gì?
– Thì cho mấy em mỗi đứa ít chục?
– Ít chục thì chúng nó thèm gì? Mẹ coi chúng nó còn giầu hơn cả con nữa kìa.
Mẹ tôi nhìn tôi như có vẻ cầu cứu:
– Giầu gì với ai, con cứ nói vậy. Ít nhiều cho mỗi đứa chút đỉnh cho chúng nó thích.
Tôi làm ra vẻ không quan tâm:
– Con đã cho con, cháu chúng nó rồi. Đứa nào cũng có dâu có rể, có cháu cả rồi chút ít quà cho vui vậy chứ làm gì mà có tiền để cho?
– Con cháu chúng nó là chuyện khác, còn chúng nó là chuyện khác. Quà là một chuyện. Con không cho chúng nó đồng nào mẹ chỉ sợ chúng nó buồn thôi. Tội nghiệp chúng nó.
“Mẹ chỉ sợ chúng nó buồn thôi!” Đến đây tôi mới nhớ lại lời mẹ tôi nói với tôi và về tôi: “Thương chứ sao không thương. Càng lớn tuổi càng thương!” Ôi! Tình thương của một người mẹ. Đứa con dù có lớn đến đâu, làm bất cứ cái gì vẫn chỉ là những “cu tí”, “cái cún” trước mắt của một người mẹ.
Xin cho con rồi lại xin cho cháu:
– Thằng Hậu con cho nó đồng nào chưa? Mẹ thấy con cho những đứa khác nhưng chưa thấy cho thằng Hậu đấy nhá?
– Cái thằng phá làng phá xóm. Mẹ chửi nó suốt ngày đấy sao bây giờ còn xin tiền cho nó?
Mẹ tôi cười cầu tài, nụ cười chỉ có hàm mà không thấy răng trông rất dễ thương:
– Chửi thì chửi, chứ thương thì vẫn thương.
“Chửi thì chửi, chứ thương vẫn thương”. Lại cũng là chữ thương, chữ yêu. Xem ra như trong đầu mẹ tôi không còn chữ gì khác ngoài hai chữ yêu và thương. Yêu chồng, yêu con, yêu cháu, yêu chắt. Thương chồng, thương con, thương cháu, thương chắt. Một mẫu người vợ, người mẹ, người bà tuyệt vời! Nếu có dịp nhìn mẹ tôi ngồi đưa võng cho thằng chắt ngoại của bà mới thấy thật là cảm động. Tiếng võng kĩu kẹt vào buổi trưa trong cái âm thanh tĩnh lặng và nhìn đứa bé ngủ say trên võng với ánh nhìn đăm đăm của mẹ tôi vào nó mới thấy cái tình thương yêu của mẹ thật là khó tả. Có lẽ khi tôi còn nhỏ được mẹ đưa trên võng cũng vậy. Và điều này cho tôi cái cảm giác rất hạnh phúc vì có một người mẹ như thế.
Tình yêu, tình cảm mà chia sẻ cho người khác e sẽ mất mát và làm vơi đi những cái đáng yêu và đáng quí của nó. Nhưng tôi chấp nhận chia sẻ vì hạnh phúc của các em nhỏ, các bệnh nhân của tôi. Tôi muốn những người cha, người mẹ hiểu được rằng, trong công việc thường ngày tôi đã chứng kiến rất nhiều em bé bị bố mẹ bỏ rơi. Trong số ít may mắn không bị bố mẹ giết chết từ trong bụng, nhưng khi ra ngoài lại mang những tật bệnh tâm lý cũng như thể lý. Nhiều bà mẹ, nhiều ông bố chỉ như muốn vứt bỏ những đứa con đó cho xã hội nuôi. Như muốn chúng biến mất khỏi cõi đời này để họ không bị vướng bận, và liên lụy do các chứng bệnh cả tâm lý lẫn thể lý. Đau lòng nhất là nhiều cha mẹ khi liên lạc với văn phòng, thì câu hỏi đầu tiên của họ là “có mất tiền chữa bệnh không?” Hoặc “mất bao nhiêu?” Để trả lời những cha mẹ ấy, tôi thường hỏi lại: “Nếu mất tiền thì sao? Không muốn con mình khỏi bệnh sao?!”
Đó là những đứa trẻ bệnh tật, còn những đứa sinh ra khỏe mạnh thì sao? Ở đây cũng lại hiện ra một hình ảnh đáng thương. Nhiều em đã không được hưởng sự săn sóc, dạy dỗ của cha mẹ. Những cha mẹ rượu chè, những cha mẹ nghiện hút, những cha mẹ cờ bạc, những cha mẹ mà suốt ngày chửi bới và cãi vã. Nhiều em trong số này đã bị chính cha mẹ mình hành hạ, bỏ rơi. Đó là những đứa trẻ mà khi nhìn thấy chúng, tôi lại thầm cám ơn Thượng Đế đã ban cho tôi một người mẹ rất đáng mến. Và chính vì thế, tôi vẫn suốt đời nợ mẹ tôi một chữ yêu!
Tôi nợ mẹ tôi nhiều. Dĩ nhiên không bao giờ có hy vọng trả nổi ơn sinh thành dưỡng dục của thầy mẹ tôi cho đủ. Nhưng đối với mẹ, thì tôi còn nợ mẹ ở chữ yêu nữa. Yêu gia đình, yêu chồng con, yêu vườn tược, yêu từng ngọn cỏ, cọng rau, yêu tất những gì thuộc về mình. Đó là tấm lòng của một người mẹ. Chính nó đã làm cho tôi bịn rịn không dám nhìn lại mẹ sau khi tôi đã hôn trên trán mẹ nụ hôn từ giã. Tôi sợ tôi nhìn lại thì tôi cũng sẽ khóc và mẹ tôi cũng sẽ khóc. Tôi sợ khi nhìn lại sẽ càng làm cho nỗi đau của mẹ thêm sâu thẳm, và món nợ kia lại tăng thêm mà tôi không trả nổi. Mẹ ơi! Suốt đời con vẫn nợ mẹ chữ yêu!
Views: 0