Uncategorized

Cảm nghĩ về cuộc hội đàm vòng 3 Việt Nam – Tòa Thánh

Hội đàm Việt Nam – Vatican lần 3 (Photos: Reuters).

 

Hội đàm Việt Nam – Vatican lần 3 (Photos: Reuters).

 

Ngày 24.02.2012, Linh mục Federico Lombardi sj., Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, loan báo: «Chiếu theo quyết định đã được đề ra vào cuối cuộc gặp gỡ thứ hai của Nhóm Làm Việc chung Việt Nam – Tòa Thánh tại Vatican trong hai ngày 23 và 24.06.2010, cuộc gặp gỡ thứ 3 Nhóm sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28.02.2012. Sau một số cuộc viếng thăm do vị Đại diện không thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam, cuộc họp tới đây sẽ giúp đào sâu và phát triển các quan hệ song phương ».

 

Trưa ngày 28.02.2012, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, Cha Lombardi đã công bố Thông cáo chung về cuộc gặp gỡ này của Nhóm Làm Việc chung Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội. Trưởng phái đoàn Tòa Thánh là Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao, với sự hiện diện của Đức cha Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam, và hai Đức ông Nguyễn văn Phương (Bộ Truyền giáo) Cao minh Dung (Bộ ngoại giao) tháp tùng. Các phiên họp được đặt dưới sự đồng chủ tọa của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi thanh Sơn và Đức ông Ettore Balestrero.

I. CÁC ĐIỂM TRONG THÔNG CÁO CHUNG.

 

Như đã thỏa thuận khi gặp gỡ lần thứ 2, trong lần thứ 3 này, hai bên đã cứu xét những vấn đề quốc tế, trao đổi tin tức về tình trạng liên hệ, phân tích những tiến bộ đã thực hiện trong quan hệ Việt Nam và Tòa Thánh từ lần họp trước và đã thảo luận về những vấn đề liên hệ tới Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

 

"Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân; khuyến khích Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam tham gia tích cực và thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước, kinh tế và xã hội hiện nay." Theo ngôn ngữ ngoại giáo có nghĩa là phía Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh như vậy mà thôi!

 

Và: "Về phần mình, Phái đoàn Tòa Thánh ghi nhận những quan điểm đó", nhưng có đồng ý như vậy hay không là chuyện khác. Tuy nhiên Phái đoàn Tòa Thánh: "bày tỏ sự trân trọng mối quan tâm của chính quyền đối với hoạt động của Giáo Hội Công giáo, đặc biệt trong việc cử hành Năm Thánh 2010, và trong các cuộc viếng thăm mục vụ của vị Đại diện không thường trú, Tổng giám mục Leopoldo Girelli." (Trích văn bản từ Vatican)

 

Cần phải ghi nhận ở đây là Thông cáo từ phía Việt Nam lại thêm vài chữ không có trong văn bản Vatican là "đánh giá cao" như sau: "Phái Đoàn Tòa Thánh đã ghi nhận những nhận xét đó và đánh giá cao sự quan tâm của Chính quyền dân sự đối với hoạt động của Giáo hội Công giáo, đặc biệt năm 2010…"

 

Đôi bên đã đồng ý tạo điều kiện dễ dàng cho công việc của Đức cha Girelli, để Ngài có thể thi hành sứ mạng tốt đẹp hơn và đã nhắc đến giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 về việc sống Tin Mừng giữa lòng Đất Nước, và những nhận xét của Ngài về việc là tín hữu Công giáo tốt và là một công dân tốt, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục có sự cộng tác giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền dân sự, để thực thi một cách cụ thể và thực tế, những giáo huấn ấy trong tất cả mọi hoạt động.

 

Ngoài ra, hai bên đã đồng ý về thẩm định theo đó các quan hệ giữa hai nước đã tiến triển tích cực dựa trên căn bản thiện chí và đối thoại xây dựng, cũng như tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ và thỏa thuận sẽ gặp lại nhau tại Vatican cho vòng 4 mà thời điểm sẽ được thiết định qua đường ngoại giao.

 

Một điều rất quan trọng trong thông cáo là: "Cuộc họp đã diễn ra trong bầu khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau." Khi ngôn ngữ ngoại giao dùng từ ngữ "thẳng thắn" có nghĩa là có những bất đồng lớn, và dĩ nhiên là "tôn trọng lẫn nhau" cũng có nghĩa là "bên anh nói anh nghe, bên tôi nói tôi nghe"! Như vậy, cũng có nghĩa là những vấn đề nhậy cảm như tự do tôn giáo, đất đai và cơ sở của Giáo hội, và một số những đề mục khác đã được VietCatholic nêu lên trước cuộc hội đàm — đã được bàn tới, nhưng không tiện nêu ra trong thông báo chung — mà thôi.

 

II. MỘT VÀI CẢM NGHĨ.

 

A – Chúng tôi không ý định bình luận ‘Thông cáo chung’ này vì đây là văn kiện mang tính ngoại giao, nhưng nếu chúng ta có theo dõi tin tức về Quê hương hay Giáo hội Việt Nam, thì nhận thấy hai phái đoàn chỉ xác nhận một điểm đáng quan tâm về phía Công giáo: «Đôi bên đã đồng ý tạo điều kiện dễ dàng cho công việc của Đức cha Girelli, để Ngài có thể thi hành sứ mạng tốt đẹp hơn». Điều đó cho thấy Đức Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam chưa có đủ các điều kiện ‘tự do’ để hoàn thành hai sứ vụ chính dự liệu bởi Giáo Luật ngày 25.01.1983:

 

1. Tư cách Đại diện Đức Thánh Cha (Điều 363);

 

2. Đức Đại diện Tòa Thánh là mối hiệp thông giữa Tòa Thánh và Giáo hội Việt Nam (x. Điều 364), nhất là đối với việc bổ nhiệm Giám mục, chuyển hoặc đề nghị danh tánh của các ứng viên cho Tòa Thánh, cũng như tiến hành thủ tục thu lượm tin tức về những người được tiến cử, theo như quy tắc Toà Thánh đã ra (triệt 4).

 

Tại hầu hết các quốc gia, Đức Sứ thần hay Đức Khâm sứ Tòa Thánh (như tại Việt Nam Cộng hòa) thi hành độc lập sứ vụ này. Trái với rêu rao của nhiều người cộng sản là Tòa Thánh cần phải có sự đồng ý của nhà nước họ để bổ nhiệm Giám mục, nhưng sự thật là sau khi Đức Thánh Cha bổ nhiệm một Giám mục, Tòa Thánh báo cho thẩm quyền nước đó như một thủ tục ngoại giao.

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI rất lưu tâm đến điều này nên đã viết trong Thư gởi các Giám mục, Linh mục, những người sống đời Thánh hiến và Giáo dân Công giáo tại Cộng hòa nhân dân Trung Quốc: «Tòa Thánh mong ước được hoàn toàn tự do trong việc bổ nhiệm các Giám mục.» (x. Công Đồng Chung Vatican II, Sắc Lệnh về Chức Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 20).

 

Bản tin có tựa đề ‘Hội đàm vòng 3 Việt Nam- Vatican sắp diễn ra tại Hà Nội’, đăng trên VietCatholic.net ngày 20.02.2012 cho biết: «vấn đề nhân sự cho một số Giáo phận sẽ được nêu lên vì các Đức Tổng Giám mục Nguyễn như Thể (Huế, 77 tuổi), Nguyễn văn Nhơn (Hà Nội, 74 tuổi) và Phạm Minh Mẫn (Sài Gòn, 78 tuổi). Khi trọn 75 tuổi, các Giám mục có thể nộp đơn xin đi hưu và chờ Đức Thánh Cha chấp thuận theo Giáo luật. Ngoài ra, Còn giáo phận Bùi Chu cũng xin bổ nhiệm một Giám mục phó mà giáo phận này lại dồi dào ứng viên.

 

Sau khi đọc tin, chúng tôi cũng nhận những điện thư đưa danh của một vài giáo sĩ với những dấu hiệu bất thường như bài giảng từ nhiều năm qua xuất hiện lại trên xa lộ thông tin. Trước đây, tin đồn loại này từ nhiều tháng trước về việc bổ nhiệm một Giám mục vào tháng 03.2011 đã đúng như sự thật.

 

Mời đọc tiếp: «Giám mục. Giáo hội hiện có 43 vị lãnh đạo. Từ năm 1960 đến 1975, việc lựa chọn các giám mục ở Việt-Nam có nhiều yếu tố thuận lợi khách quan nhờ có sự hiện diện của vị Khâm sứ Toà Thánh. Từ sau biến cố 1975, việc chọn lựa này có sự thay đổi theo chiều hướng khác do tác động cá nhân của từng giám mục, do áp lực của những phe nhóm trong giáo phận và sự can thiệp của chính quyền, dù rằng chẳng ai dám thừa nhận điều này » (Trích ‘Xin hãy nhìn vào thực tế của Giáo hội và xã hội Việt Nam’ của ‘Bản Góp Ý của Uỷ ban Bác ái Xã hội-Caritas Việt Nam trong Đại Hội Dân Chúa’ mà chúng ta có thể đọc đầy đủ tại: http://caritasvn.org/Default.aspx?tabid=273&ctl=ViewNewsDetail&mid=791&NewsPK=2677).

 

B – Người cộng sản, kể cả các giáo sĩ ‘quốc doanh hay chính ủy’ cố tình không có cùng quan điểm với các Kitô hữu về các giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI về việc sống Tin Mừng giữa lòng Đất Nước, và những nhận xét của Ngài về việc là tín hữu Công giáo tốt và là một công dân tốt. Nếu không ‘sống Tin Mừng giữa lòng Đất Nước’, vào tháng 04.1975, Đức Khâm sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre và nhiều Đức Giám mục Việt Nam đã ra đi… theo Giáo dân, để tránh sự hỗn hào của các linh mục đảng viên cộng sản mà, ngày nay, đều rất giàu làm gương xấu cho một ít kẻ khác noi theo. Trong vụ đuổi Đức Khâm sứ này, một ít tu sĩ đã vào Tòa Khâm sứ để bảo vệ Đức cha và nhiều giáo dân tiến về Tòa Khâm sứ đụng độ với công an tại cầu Trương Minh Giảng. Những tín hữu can trường đáng cho chúng ta ghi nhớ.

 

Họ cho rằng ‘tín hữu Công giáo tốt’ chỉ khi là ‘một công dân tốt’ luôn biết tuân theo các quy định của Đảng và nhà nước. Do đó, khi người Công giáo tìm hiểu về Học thuyết Xã hội Công giáo thì bị nghi ngờ là muốn ‘đối đầu’ với họ. Việc cử Trung tướng Công an Phạm Dũng vào chức vụ Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ chỉ là một sự trùng hợp?

 

Khi Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh bị cấm đi dâng Thánh Lễ hay Cha Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa bị chận đánh sau khi đi dâng Thánh Lễ an táng ở làng Kon Hnong về, cùng ở Giáo phận Kon Tum, đáng được coi như có sự quan tâm của Chính quyền dân sự đối với hoạt động của Giáo hội Công giáo và tự do tôn giáo ?

 

Trước khi chấm dứt, chúng ta cùng đáp ứng lời mời của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong tháng 03.2012 này, cầu xin Đức Chúa Thánh Thần ban ơn kiên trì cho các tín hữu bị kỳ thị, bắt bớ và sát hại vì Chúa Kitô đặc biệt tại Á Châu. Ngày 24.02.2012, Cha Linh Tiến Khải, qua làn sóng Radio Vatican, còn nói rõ hơn: "hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn kiên trì cho các tín hữu bị kỳ thị, bắt bớ và sát hại vì Chúa Kitô, đặc biệt tại Á châu và cách riêng tại Việt Nam".

 

Hà minh Thảo3/5/2012         

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.