Uncategorized

Theo Đạo và Đạo Theo

Theo và đạo là hai từ ngữ, khi hoán đổi vị trí thành ‘theo đạo’ và ‘đạo theo’ đã mang ý nghĩa khác hẳn nhau. ‘Theo đạo’ thường được dân gian hiểu là tiếng để chỉ một người đi đạo Chúa, dù là Tin-lành hay Công Giáo, khác với đi đời là người theo Đạo Phật hay đạo Ông Bà.

 

Theo và đạo là hai từ ngữ, khi hoán đổi vị trí thành ‘theo đạo’ và ‘đạo theo’ đã mang ý nghĩa khác hẳn nhau. ‘Theo đạo’ thường được dân gian hiểu là tiếng để chỉ một người đi đạo Chúa, dù là Tin-lành hay Công Giáo, khác với đi đời là người theo Đạo Phật hay đạo Ông Bà.

 

‘Đạo theo’ là tiếng được dùng trong vòng tín hữu Công Giáo, để nói một người Công Giáo, nhưng không phải là đạo gốc hay đạo dòng. Tôi học được từ ngữ ‘đạo theo’ từ năm 1985, khi tôi là một tín đồ Tin-lành, sau ba năm kết hôn với người Công Giáo, đã trở thành con của Giáo Hội. Từ đó, mỗi lần tôi được giới thiệu với một sinh hoạt nào mới, người giới thiệu tôi lại thêm một câu: ‘Đạo theo đấy!’

 

Cuộc đời tôi trong hoàn cảnh sinh hoạt tôn giáo mới là một chuỗi thay đổi. Sự thay đổi đầu tiên, thực tế và đơn giản nhất là cuốn Kinh Thánh tôi cầm trong tay hàng ngày nặng hơn, vì Kinh Thánh Công Giáo nhiều hơn Kinh Thánh Tin-lành tới bảy cuốn. Đó là các sách: Tô-bi-a, Yu-đi-ta, I Ma-ca-bê, II Ma-ca-bê, Khôn Ngoan, Huấn Ca và Ba-ruk. Tất cả đều ở trong phần Cựu Ước.

 

Tên Tô-bi-a tôi đã biết từ ngày xưa, nhưng mỗi lần nhớ tới nó, tôi lại nghĩ tới quan tài, đến sự chết, đến tang ma, vì nó là tên của một nhà quàn rất lớn ở miền nam Việt Nam. Không ngờ Tô-bi-a lại là tên của một sách trong Kinh Thánh Công Giáo. Vì tò mò, tôi đọc ngay sách này và tư tưởng như cuốn theo những câu truyện về gương sống phúc hậu, rất gần gũi với đời sống con  người của gia đình Tô-bít.

 

Tô-bít là một đứa trẻ mồ côi bố rất sớm. Khi đến tuổi trưởng thành, chàng thanh niên hiền lành Tô-bit lấy vợ và có một đứa con trai, tên là Tô-bi-a. Trong đời chàng, có lúc, dân Do-thái bị bắt đi lưu đày, và chàng cũng chịu cùng chung số phận với dân tộc mình. Tuy nhiên, trong kiếp lưu đày, chàng vẫn giữ lòng đạo thật tốt lành, ngoài việc giữ luật của Thiên Chúa, chàng cư xử rất tử tế và nhân hậu đối với tất cả anh em cùng nòi giống: cho tiền kẻ mồ côi, góa bụa. Người đói chàng cho bánh, và người rách chàng cho áo mặc. Việc làm bác ái đáng quí nhất thời bấy giờ là nếu Tô-bit thấy, hoặc nghe người khác nói lại, có xác chết của đồng bào mình ở đâu, chàng liền lấy đem đi chôn cất. Sự bác ái của Tô-bit đã được thử đến hết mức, khi chàng sửa soạn ăn mà được tin có xác người chết, chàng hoãn bữa ăn lại và lo chôn cất người chết trước, như lời tự thuật:

 

“Tôi liền chồm dậy, bỏ bữa ăn ngay trước khi nếm một tí gì, tôi cất xác người ấy khỏi bùng binh và đem đặt trong nhà, chờ mặt trời lặn để đem chôn.” (Tô-bi-a 2:4)

 

Cuộc đời của Tô-bit không êm đềm mãi để chàng yên lòng làm việc bố thí người khác. Vào một buổi tối trời oi bức, chàng không ở trong buồng mà lại ra ngoài sân ngủ. Nằm bên bức tường, Tô-bit không hề biết ở trên đầu tường có tổ chim én. Đêm đó, vì quên không che mặt, Tô-bit đã bị cứt chim rơi vào mắt, đóng thành vảy. Buổi sáng, khi thức dậy, chàng thấy mắt cộm như bị vảy cá che lại, khó chịu quá nên Tô-bit lo tìm thầy chạy thuốc để chữa ngay. Khổ cho chàng là càng nhỏ thuốc bao nhiêu thì cái vảy ấy càng dầy lên bấy nhiêu và sau cùng Tô-bit đã bị mù.

 

Tuy nhiên, trong đêm tối của sự mù lòa, Tô-bit đã không kể lể những việc thiện chàng đã làm, để oán trách Thiên Chúa mà chỉ than khóc với Ngài và cầu xin sự tha thứ cho những việc làm thiếu xót của mình:

 

“Lạy Chúa,  xin nhớ đến tôi, xin đoái nhìn và đừng hạch sách tôi về các tội lỗi tôi, về các sự ngu dại của tôi và của cha ông tôi…”   (Tô-bi-a 3:3)

 

Sau bốn năm sống trong bóng tối, Tô-bit đã được chữa lành. Con chàng, Tô-bi-a được thừa hưởng nhân đức của cha, cũng đã sống một cuộc đời phúc hậu. Tô-bi-a gìn giữ truyền thống của cha anh để lại, hay làm ơn và tiếp tục công việc bác ái cha dặn khi ông qua đời. 

 

Ngày xưa Tô-bit vì thương người nên nhặt xác chết đi chôn. Ngày nay, những người con của Giáo Hội, cũng theo gương bác ái đó, chôn người quá cố bằng tiếng kinh cầu. Khi có một người nằm xuống, các hội đoàn, các nhóm thông báo cho nhau và chia phiên đến đọc kinh, cầu nguyện cho người chết. Đặc biệt là Hội Các Bà Mẹ Công Giáo. 

 

Tôi cảm nhận mãnh liệt sự an ủi này ngày mẹ tôi được Chúa gọi về. Nhóm Lần Chuỗi Mân Côi với Thánh Kinh đã đến an ủi anh em tôi và xin phép phủ lên quan tài mẹ tôi, một  tín đồ Tin-lành, những lời kinh nguyện, cầu cho linh hồn mẹ tôi, cả buổi tối. Sự an ủi ấy lạ lùng và lớn lao đến nỗi các em tôi phải thốt lên:

 

“Người Công Giáo có nghi thức đọc kinh cho người chết cảm động quá!”

 

Hình ảnh và lời kinh cầu của buổi tối đó đã để lại trong tim tôi một kỷ niệm khó quên, và cũng kể từ ngày ấy, tôi sốt sắng theo nhóm cầu nguyện đi đọc kinh cho người chết, mỗi khi được mời.

 

Hai mươi sáu năm đã trôi qua, khi âm trầm, lúc nồng nhiệt, tôi đã lần từng bước vào đời sống sung mãn của Giáo Hội, và đã bày tỏ những điều tôi cảm nhận được  trong hai tác phẩm “Tìm Về Cội Nguồn Đức Tin” và “Phiên Khúc Maria”. Tôi vẫn thấy mình như cô bé Alice in Wonderland, lạc vào thế giới nhiệm màu của ân sủng Thiên Chúa: môi vẫn run mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa trong Thánh Lễ Mi-sa, lòng vẫn mềm khi khấn xin lời cầu bầu của Mẹ Maria, của Thánh Cả Giu-se, của Cộng Đoàn các Thánh trên trời, và tim vẫn đập những nhịp khát khao một sự đổi mới không ngừng qua các Mùa Phụng Vụ:, Mùa Thường Nhật, Mùa Chay và Mùa Vọng. 

 

Hai chữ ‘Đạo Theo’ đến hôm nay đã nhường  chỗ cho ‘Hạnh Phúc’ khi tôi được hỏi: “Có cảm nghĩ gì làm người Công Giáo trong đời sống hiện tại?”

 

Đặng Thị Kim Dung

November 2011

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.