Giuse thuộc dòng dõi Ða-Vít và Sa-lô-môn, mà triều đại đã là tuyệt đỉnh vinh quang của dân tộc Do Thái.
Ðúng theo lời các tiên tri, Chúa Cứu Thế phải sinh ra từ dòng tộc này, như hai bản gia phả của Ngài trong Phúc Âm còn minh chứng.
Theo Mat-thêu đi từ trên xuống, nghĩa là từ Ab-bra-ham qua Ða-Vít tới Giuse, để kết thúc: "Gia-cob sinh Giuse, chồng của Maria, người đã sinh ra Chúa Giêsu, gọi là Kitô" (Mt. 1,17)
Nhưng với Luca trái lại, kể từ dưới lên, nghĩa là từ Giuse qua Ða-vít tới Abra-ham, và mở đầu gia hệ như sau: "Chúa Giêsu bắt đầu công vụ vào trạc ba mươi tuổi, và người ta bảo Ngài là con của Giuse" (Luc. 3, 23).
Như vậy Giuse thực là con dòng Ða-vít.
Lần thứ nhất, Thiên Thần đến báo mộng, cũng dùng danh hiệu đó: " Hỡi Giuse! Con dòng Ða-vít, chớ ngại rước Maria về nhà." (Mt. 1, 20). Ðiều này rất quan trọng để thiên hạ nhận ra Ðấng Cứu Thế. Vì trong Cựu Ước, Chúa đã hứa Ðấng Thiên Sai sẽ sinh ra bởi dòng Ða-vít (Tv. 88, 30). Cần phải có phụ hệ pháp định của Giuse thì Chúa Giêsu mới là con vua Ða-Vít, mới là Ðấng thiên hạ đợi trông.
Nhưng vẻ huy hoàng của dòng họ Ða-vít còn chi khi Chúa Giêsu xuất hiện? Xưởng mộc nhỏ bé của Chúa Giêsu có ăn nhằm gì với đền đài vua tổ? Phải, Giuse mang một thân phận nghèo nàn khiêm tốn, tối tăm, nhưng đó cũng là chính đặc điểm của Ðấng Cứu Thế, mà Ngài lãnh nhận như một gia bảo do Giuse trối lại.
Sau cuộc phát lưu Ba-by-lon trở về, phủ việt rời khỏi nhà Ða-vít, và tình trạng mỗi ngày một suy vong (Gier.22, 24; Amos 9,11). Con cháu muốn yên thân phải mai danh ẩn tích và làm việc đồng áng hoặc thợ thuyền để sinh sống.
Về Giuse, ta chỉ biết một điều là ông làm thợ mộc tại Nazareth. Ðể phục vụ Thánh gia, ông không có chức quyền, của cải, chỉ có hai cánh tây gân guốc, lao động và một trái tim trung thành bất chấp mọi gian lao. Ông thuộc về khởi nguyên đạo thánh. Ông là hiền phụ Chúa Giêsu. Chính Chúa đã nhìn nhận ông là Cha, vâng lời tùng phục ông mọi đàng, và thánh hóa ông qua bao năm chung sống. Còn hình ảnh nào cao đẹp, cảm động bằng hình ảnh ông âu yếm bồng Ấu Chúa trên tay, hoặc dắt đi lẫm chẫm bên mình, hoặc ân cần tập cưa tập xẻ cho trong xưởng mộc? Sứ mạng ông là làm Thiên Thần hộ thủ Chúa Hài Ðồng. Mắt ông đã từng ngắm, tim ông đã từng yêu Ðấng các Thiên Thần hằng say sưa nhìn ngắm.
Ông là hiền phu Ðức Mẹ, mà trót đời ông hằng hết dạ khuông phù, một lòng kính ái. Nhân đức ông như sao sáng lấp lánh trên trời. Ngày nay trên chốn vinh quang, Chúa Giêsu tôn trọng ông, và coi lời cầu của ông như là một mệnh lệnh.
Sau này, Phaolô đã ca ngợi Ðức Kitô là đấng vốn giầu có đã muốn trở nên khó nghèo, để nhờ sự khó nghèo của Ngài mà chúng ta nên giầu có ( II Cor. 10, 9).
Chính vì thế, Ngài đã chọn Giuse làm cha để mà thừa tự sự khó nghèo của ông. Thánh bonaventura là người đầu tiên đã đưa ra lý do này, đến sau đã được phổ biến trong Giáo Hội.
Giuse mang dòng máu đế vương là danh dự, nhưng cũng chưa thực danh dự nếu không có đạo đức đi kèm. Dưới con mắt Thiên Chúa, chỉ có thánh thiện là đáng giá.
Thánh Benadô viết: "Giuse thuộc dòng đế vương cao sang về huyết thống, cao sang hơn nữa về tâm hồn".
Giuse đạo cao đức cả, xứng với sứ mạng siêu phàm Thiên Chúa đã trao phó cho ông là làm chủ thánh gia, làm cha Chúa Con, và làm bạn trăm năm Ðức Mẹ. Chức vụ ông càng lớn thì ân sủng Chúa ban xuống cho ông càng nhiều. Ðã vậy, sự tiếp xúc thân mật hằng ngày với Chúa Con và Ðức Mẹ lại là một nguồn tăng trưởng thánh đức liên tục cho ông. Linh hồn ông là một kỳ công của ân sủng và đạo hạnh. Sau Ðức Mẹ thì chẳng ai thánh thiện bằng ông.Ông thuộc về cả hai thời Thánh Ước: nhưng có lẽ về Tân ước nhiều hơn.
Xét thời Cựu ước, Giuse là Tổ phụ cuối cùng, áp sát nhân thân Cứu Chúa. Ông mạnh tin như Abraham, nhẫn nhục như Giacob, thanh khiết như Giuse Tổ phụ, đẹp lòng Chúa như Ðavit và khôn sáng tựa Salômon.
Xét thời Tân ước, Giuse giữ một địa vị đôïc nhất vô nhị. Phúc âm đã giới thiệu ông là " NGƯỜI CÔNG CHÍNH" (Mt 1, 19). theo văn tự Thánh Kinh, công chính đồng nghĩa với thánh thiện. Thiên Chúa cũng như Ðức Kitô đều được xưng tụng là đấng công chính (Gn 17, 25;Tđ, 7, 52).Simêon được khen là công chính và đạo hạnh ( Lc 2, 25).
Xacaria và Isave được ca tụng là công chính trước mặt Chúa, đi đứng rập theo điều răn luật của Ngài, vô phương trách cứ (Lc 1, 6).
Thánh Gioan Kim Khẩu giải thích như sau: "Tiếng công chính mà Thánh Linh tặng cho Giuse có nghĩa là no đầy phước đức".
Dưới lớp áo xanh lao động bạc màu là cả một dòng máu trâm anh với một linh hồn cao khiết. Ðó là Giuse, con người mà Thiên Chúa dùng tới để thực hiện công cuôïc Cứu Thế của Ngài.
Khi nói Thánh Giuse "công chính", Phúc Âm muốn nói rằng ngài hoàn toàn mở lòng cho tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm cho ngài. Ngài trở nên thánh thiện vì tự mở lòng cho Thiên Chúa.
Với những gì còn lại chúng ta dễ phỏng đoán. Hãy suy nghĩ về tình yêu mà ngài đã theo đuổi và dành được con tim của Ðức Maria, và sự sâu xa của tình yêu mà hai người đã chia sẻ cho nhau trong cuộc hôn nhân.
Khi Thánh Giuse quyết định từ bỏ Ðức Maria khi thấy người có thai, điều này không trái với sự thánh thiện của Thánh Giuse. Phúc Âm có ghi lại một chữ quan trọng là ngài dự định thi hành việc này "cách âm thầm" vì ngài là "một người chính trực, nhưng không muốn tố giác bà để bị xấu hổ" (Mátthêu 1:19).
Người công chính thì đơn sơ, vui vẻ, hết lòng vâng lời Thiên Chúa — khi kết hôn với Ðức Maria, khi đặt tên cho Hài Nhi Giêsu, khi săn sóc gia thất ở Ai Cập, khi đem gia thất về lại Nagiarét, khi sống âm thầm trong bao năm trường với đức tin và dũng cảm.
Vì Thánh Giuse không xuất hiện trong cuộc đời rao giảng công khai của Ðức Giêsu, nhiều sử gia tin rằng có lẽ Thánh Giuse đã từ trần trước khi Ðức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng.
Thánh Giuse là quan thầy của những người hấp hối, vì người ta cho rằng khi ngài từ trần có Ðức Giêsu và Ðức Maria ở bên cạnh, đó là điều mà tất cả chúng ta đều mong ước khi từ giã cõi đời.
Thánh Giuse còn là quan thầy của Giáo Hội hoàn vũ, của các người làm cha, các thợ mộc, và vấn đề công bằng xã hội.
sự tôn kính Thánh Giuse có căn bản trong Phúc âm, nhưng đã phát triển từ từ, khác nào hạt giống lâu năm mới thành cây cao bóng cả, che rợp cảnh vườn Giáo Hội.
Giêsu-Maria-Giuse, ba Ðấng liên kết chặt chẽ với nhau theo mối quan hệ gia đình hết sức tự nhiên. Không thể nghĩ tới Con, tới Mẹ mà lại không nghĩ tới Cha được.
Ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo Hội đã công khai thờ kính Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và các Thánh Tử Ðạo, còn Thánh Giuse, cứ theo các di tích sử, thì xem ra ít được chú trọng. Là vì ban sơ, Giáo Hội đương cần củng cố Thiên Tính của Chúa Giêsu và sự sinh sản đồng trinh của Mẹ Ngài. Lại cũng cần phấn khích đức tin giáo hữu trong cơn bắt bớ bằng việc tôn kính các anh hùng tử đạo.
Bởi thế, về địa vị Thánh Giuse, Chúa Quan phòng còn muốn để lu mờ, cho các tín điều kia được nổi bật và in sâu trước đã. Tuy nhiên có nhiều Giáo Phụ thời đó như Gioan Kim Khẩu, Giêrônimô, Augutinh đã nhiệt liệt ca ngợi quyền cao chức trọng Thánh Giuse trong bài giảng và văn phẩm của các Ngài.
Thế kỷ XII là thế kỷ đánh dấu sự thăng tiến của Thánh Giuse. Nhiều nhân vật có thế giá, nhất là Thánh Bênađô (1153) trong những bài giảng hùng hồn đã đề cao vai trò Thánh Giuse trong thời thơ ấu Chúa Giêsu, tuyên dương những vinh hiển và nhân đức của Ngài. Dòng Ðaminh với Thánh Thomas tiến sĩ (1274) dòng Phanxicô góp phần một phần lớn vào phong trào sùng kính ấy.
Thế kỷ XV, nhà thần học Gerson đọc một bài diễn văn hùng hồn tại Ðại Công Ðồng Constancia (1416) về quyền chức Thánh Giuse và đề nghị lập lễ kính Ngài, để xin ơn bình an cho Giáo Hội đương cơn khủng hoảng. Ðồng thời Hồng Y Phêrô Ailly xuất bản cuốn sách "Những vinh hiển và đặc ân của Thánh Giuse". Từ đó, lễ Thánh Cả được lan tràn trong Giáo Hội. Khắp Âu Châu, nhiều thánh đường được xây cất kính Ngài.
Thế kỷ XVI, Thánh Nữ Têrêxa tiến sĩ (1528) cải tổ dòng Cát Minh và dâng kính Thánh Giuse hầu hết các tu viện bà sáng lập. Ðồng thời bà chép sách cổ võ sự sùng kính Thánh Cả. Bà đáng gọi là tông đồ số một của Ngài.
Thế Kỷ XVII càng sáng lạn hơn nữa. Tại nước Pháp, Giám mục Bossuet (1704) đọc một bài diễn văn thời danh tán dương Thánh Giuse, gây ảnh hưởng lớn đến nỗi Ðức Urbanô VIII đã nâng lễ Thánh Giuse lên bậc lễ buộc trong nước Pháp.
Tại nước Áo, vua Leopolđô (1677) tôn Thánh Giuse làm đấng bảo trợ quốc gia và xin phép Ðức Giáo Hoàng cho lập lễ Hôn phối Thánh Giuse và Ðức Mẹ, hầu cảm tạ Thánh Giuse đã cho sinh được con nối dòng là vua Giuse I cùng đã cứu thành Vienna khỏi quân Thổ nhĩ kỳ đánh phá.
Nhưng thế kỷ XIX mới là đỉnh vinh quang của Thánh Giuse. Năm 1870, Ðức Piô IX, thể theo đề nghị của hàng giám mục thế giới đương nhóm Ðại Công Ðồng Vatican I đã long trọng tôn phong Thánh Giuse làm Ðấng bảo trợ toàn thể Giáo Hội và truyền phải mừng lễ 19-3 hàng năm cho trọng thể.
Năm 1889, Ðức Lêo XIII ra một thông điệp thời danh, đáng gọi là Hiến chương thần học tuyên dương sự vinh hiển Thánh Giuse và truyền lấy tháng 3 làm tháng kính Ngài.
Từ đó tới nay, sự sùng kính Ngài lan tràn khắp nơi, đến nỗi sau Ðức Mẹ thì chẳng có Ðấng Thánh nào sánh kịp.
Views: 0