Bạn và tôi liệu có đạt được mức sống mà phần đông mọi người vẫn chúc cho nhau, và mong nó cũng sẽ xảy ra cho mình, đó là “sống lâu trăm tuổi” không?
Nhưng nếu được như vậy, tức là chúng ta sống đến 100 tuổi, thì câu hỏi sẽ là chúng ta sống như thế nào với ba vạn sáu ngàn ngày ấy?
Có lẽ ai cũng muốn đời mình gặp nhiều may mắn, thành đạt, giầu có, và thăng tiến trên mọi lãnh vực. Tóm lại, không ai muốn mình khổ. Cuộc đời như thế gọi là một cuộc đời màu hồng. Một cuộc đời hạnh phúc. Một cuộc đời không biết đến cái cực, cái khổ, không biết đến tiếng khóc và những giọt nước mắt. Nhưng theo tôi, cuộc sống như vậy không giá trị lắm, vì nó chẳng giúp gì cho chính mình và cũng chẳng giúp gì cho tha nhân. Bởi lẽ, con người như vậy làm sao hiểu được giá trị của hy sinh, của vất vả, và của cố gắng. Một con người như vậy làm sao biết thông cảm được với người khác. Làm gì biết làm những việc tốt cho tha nhân?!! Và dĩ nhiên đó cũng là một cuộc đời buồn tẻ, đơn điệu và nhàm chán vì không có cơ hội thi thố tài năng, sức mạnh cũng như khả năng chịu đựng.
Tuần trước, một người bạn tôi ghé nhà chơi. Nhờ anh là một họa sĩ nên đã cho tôi một cái nhìn rất ý nghĩa và lý thú về cuộc đời khi anh nhận xét về bức tranh tại phòng khách của tôi. Bức tranh cũng do một họa sĩ tài tử vẽ tặng để tôi ăn tết. Nhìn bức tranh, anh hỏi tôi ngay:
– Ai vẽ bức tranh này?
– Một người bạn vừa vẽ tặng. Tôi trả lời.
– Ông thấy bức vẽ này có gì cần thêm bớt không?
– Không biết, vì mình không phải là họa sĩ.
Nhìn tôi, anh chậm dãi nói:
– Vẽ một cành đào với những hoa và nụ như vậy là quá đẹp. Nhưng đây là bức họa không có nét đẹp nghệ thuật. Không có chiều sâu và trơ trẽn.
Nghe vậy, tôi đã bênh cho người bạn họa sĩ tài tử của mình:
– Thì cũng chỉ là vẽ tài tử thôi, đâu có chuyên nghiệp gì như cậu.
Rồi anh tiếp tục giải thích:
– Toàn bức tranh không có một chấm đen nào, và cũng không có những nét chấm phá xanh, xám làm nền cho những bông hoa kia đứng vững, cho toàn bức tranh được nổi lên. Tóm lại, đây là bức tranh không có hồn.
Bắt đầu từ hôm đó, tôi vẫn dành giờ ra đứng trước bức họa xem đi, xem lại với hy vọng khám phá ra được cái hồn của bức tranh mà anh bạn thân đã chia sẻ. Từ từ tôi nhận ra được điều mà anh bạn họa sĩ đã chia sẻ với tôi, đó là tuy bức tranh đẹp nhưng nhìn hơi trơ trẽn và không sống động. Và khi so sánh với những bức tranh khác trong nhà tôi càng thấy rõ điều này, đó là bức tranh nào cũng có những mà màu đen, đỏ, trắng, tím, vàng quyện lẫn với nhau. Màu này đứng bên màu kia khiến cho ngay cả những vết đen trong hình cũng có một vị trí và chỗ đứng của nó. Thì ra vậy, cuộc đời tôi, hay cuộc đời của bất cứ ai muốn được có giá trị cũng phải có những lúc này, lúc khác. Và nếu nhìn lại toàn bộ, nó cũng như một bức tranh mà những chấm đen kia không thể thiếu. Một cách triết lý thì đó là những chặng đường tôi phải đi qua bằng những thử thách và vất vả.
Có lẽ câu nói của Nguyễn Thái Học: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai!” cũng đúng khi tôi áp dụng vào cuộc sống của mình. Và khi nhìn vào đời sống của những vĩ nhân, quân tử thì hầu như chẳng có ai thành thân, thành danh mà lại không qua những thử thách, đôi khi phải trả giá bằng cả đời sống và tính mạng. Nhưng sao lại nói chuyện thời gian với cái nhìn từ góc cạnh một bức tranh? Tại sao lại bắt đầu suy tư về đời sống bằng những suy nghĩ từ một khởi đầu của năm mới.
Năm mới với nhiều hy vọng, nhiều hứa hẹn, và nhiều ước mơ. Nhưng hy vọng, hứa hẹn, và ước mơ ấy lại chỉ được đan dệt bằng chuỗi ngày của 365 ngày, mà mỗi ngày lại là những nét chấm phá với các mầu sắc đan kết với nhau.
Cũng mới hôm qua, nhân lúc nhàn rỗi, tôi và một bạn đồng nghiệp lớn tuổi hơn tôi trao đổi với nhau về vài vấn đề liên quan đến tâm lý và những áp dụng của tâm lý thực dụng. Vì là một nhà tâm lý cao niên, nên cái nhìn của bà cũng có vẻ thâm trầm và dầy đặn kinh nghiệm, bà nói với tôi:
– Làm gì thì ráng mà làm đi. Lúc này còn là lúc có thể làm được chứ đợi đến khi về già thì dù muốn làm cũng không làm được đâu! Và sau đó bà kết luận: “Lúc này khi về già tôi mới biết sức khỏe là chính. Mất tiền còn tìm ra tiền, mất xe còn mua được xe, mất nhà còn mua được nhà, chứ mất sức khỏe thì chịu thua. Có tiền, có xe, có nhà mới mà không có sức khỏe thì cũng như không!”
Tôi thêm vào:
– Và có lẽ còn buồn, còn khổ nữa là khác, vì biết có đó mà không hưởng được, không làm gì được.
Câu truyện của tôi với nhà tâm lý lão thành kết thúc ở chỗ sức khỏe, còn câu truyện của tôi với anh bạn họa sĩ đã kết thúc ở mầu đen. Thiếu sức khỏe trong cuộc đời cũng như thiếu mầu đen trên bức vẽ. Ở một nghĩa nào đó, cuộc đời thiếu hy sinh, cố gắng là một cuộc đời không thú vị. Và điều này cũng giải thích tại sao có những thiếu nữ lại yêu những anh chàng tù nhân, cao bồi hay du đãng. Trong con mắt những thiếu nữ này, ít nhất những chàng trai kia cũng đem lại một hình ảnh đẹp ở những hành động ngang tàng và nhiều thách đố mà những người bình thường không làm được.
Vậy phải bắt đầu như thế nào? Trong tâm lý trị liệu, khi muốn cho người nào đó đối diện được những thử thách và khó khăn cuộc sống, các nhà tâm lý thường chỉ khuyên họ và nói với họ là: “Mỗi ngày trong cuộc đời. Và mỗi thời khắc của hiện tại”. Điều này có nghĩa là cuộc đời của ta sẽ được đan kết bằng từng ngày sống. Và mỗi ngày sống lại được dệt nên bởi những giây phút hiện tại. Hiện tại này nối kết hiện tại kia. Hiện tại này là tương lại của hiện tại nọ, và là quá khứ của hiện tại kia. Do đó, nói cho cùng ta không có gì ngoài cái phút giây hiện tại. Đau khổ cũng chỉ là đau khổ ở phút giây hiện tại. Sung sướng cũng chỉ là sung sướng ở cái phút giây hiện tại. Nháy mắt một cái là đau khổ hay sung sướng ấy trở thành quá khứ. Và nháy mắt một cái đã vuột mất khỏi tầm tay để lại hướng về tương lại.
Đem vào ứng dụng trong cuộc đời. Những ngày xuân rồi cũng qua mau. Không khí ngày tết sẽ dành cho những không khí sống hiện thực và con người lại phải đối diện với những khó khăn, những vất vả như nó đã từng đối diện. Do đó, để đời sống con người và từng ngày sống trở thành một mùa xuân tươi mát, hạnh phúc, cũng như mỗi ngày sống là một ngày vui mừng hạnh phúc của một năm mới, không gì hơn là ta phải sống với những giây phút hiện tại một cách ý thức, đầy đủ và ý nghĩa.
Trong thực tế, nhiều người đã không áp dụng nguyên tắc sống này, nhưng đã sống với ảo tưởng, với những ý nghĩ yếm thế, tiêu cực. Họ là những người mà từ ngữ chuyên môn cho là đánh giá quá cao hoặc quá thấp cuộc sống. Kết quả là lúc nào cũng cằn nhằn, cũng khó chịu, cũng chê bai, cũng chán nản. Không gì có thể làm họ hạnh phúc. Sống bên người chồng, người vợ thương yêu họ, họ cũng không hạnh phúc. Sống trong hoàn cảnh gia đình tương đối sung túc họ cũng không hạnh phúc. Tóm lại, họ không bao giờ cảm được hai chữ hạnh phúc, và kết quả là họ làm cho mọi người quanh họ cũng mất hạnh phúc.
Ngược lại với loại người mặc cảm, tự ty và yếm thế, là loại người luôn lạc quan tếu, luôn sống trong ảo tưởng và thổi phồng những giá trị và kết quả họ có. Rốt cuộc, họ cũng là những người không bao giờ cảm được hai chữ hạnh phúc. Lý do vì không có một giây phút nào trong đời, họ sống thật với họ, sống thật với những hoàn cảnh chung quanh mình.
Bạn và tôi ai cũng muốn mình hạnh phúc. Bạn và tôi ai cũng sợ những cái bất an, những cái bất hạnh, và nhất là sợ cố gắng. Nhưng bức tranh cuộc đời lại được tô vẽ bằng tất cả những mầu sắc pha trộn ấy. Và cái mà chúng ta có thể làm là nhìn vào thực tế, ngay giây phút này để cảm được cái ý nghĩa của cuộc đời. Mùa xuân tượng trưng cho khởi đầu cuộc sống. Những ngày xuân là tượng trưng cho mỗi phút giây hiện tại. Chúng ta hãy sống trọn vẹn với tất cả cố gắng, thiện chí, và tâm hồn của từng phút giây ấy, và kết quả sẽ làm đời sống chúng ta luôn thành một mùa xuân hạnh phúc. Cái hạnh phúc được dệt bằng mỗi phút giây hiện tại. Hãy nhớ điều này, bạn và tôi chẳng có gì, ngoài những phút giây hiện tại. Vậy hãy tận hưởng, và hãy sống trọn vẹn, sống nên từng phút giây hiện tại.
Views: 0