Rồng là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây. Trong cả phương Đông lẫn phương Tây, hình ảnh loài rồng đều được biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường.
Rồng là tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (bệ rồng, mình rồng). Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "long, lân, quy, phụng". Rồng ở các nước châu Á có nhiều khác biệt với rồng ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Tại một số nước châu Á, rồng có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu và biết bay. Đa số các nước châu Á coi rồng là con vật linh thiêng trong khi các nước châu Âu lại coi rồng là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ. Riêng con rồng trong kinh thánh lại biểu tượng cho sự dữ, ma quỷ : “Trên trời cũng hiện ra một dấu khác nữa: là một con rồng lớn sắc đỏ, có bảy đầu, mười sừng, và trên đầu có bảy mão triều thiên. Đuôi kéo một phần ba các ngôi sao trên trời, đem quăng xuống đất; con rồng ấy chực trước người đờn bà gần đẻ, hầu cho khi đẻ ra thì nuốt con người đi.”(Revelatio 12-3:5)
Lịch Sử
Người Việt sống tại vùng sông nước nên từ thời xa xưa họ đã tôn sùng cá sấu như một con vật linh thiêng, vì chúng đại diện cho sự trù phú và sức mạnh, thời kỳ này vùng đất người Việt sống còn rất nhiều cá sấu. Họ đã thần thánh hóa loài cá sấu lên thành con "Giao Long" mà người Trung Hoa gọi sau này, một cách thức tô điểm cho hình hài con cá sấu nhiều chi tiết tưởng tượng và cũng nhiều ý nghĩa hơn. Con rồng này tồn tại cùng tâm thức của người Việt trong suốt thời Văn Lang – Âu Lạc. Rất có thể từ con Giao Long này mà người Trung Hoa đã tạo ra con rồng Trung Hoa của họ. Trong cả thiên niên kỉ bị đô hộ bởi Trung Hoa, trong hoàn cảnh chung của chính sách Hán hóa, hình ảnh con rồng Việt Nam phát triển theo các xu hướng giống với con rồng của người Hán. Đến khi giành được độc lập, thời kỳ nhà Lý lên nắm quyền, đặt tên nước là Đại Việt (để sánh ngang với Đại Tống của Trung Hoa), Việt Nam đã có con rồng cho riêng mình và khác với con rồng Trung Quốc. Văn hóa Đại Việt nói chung, trong đó có mỹ thuật đã khẳng định được đẳng cấp và sự độc lập trong nghệ thuật biểu hiện của mình. Xuất hiện từ việc trang trí kinh thành lộng lẫy, chùa chiền đồ sộ…, con rồng Việt Nam được tạo nặn từ chất liệu văn hóa dân tộc, kết hợp với yếu tố văn hóa Chăm Đông Nam Á và văn hóa Trung Hoa.
Hình tượng rồng đã được hình dung lên từ thời đại Hùng Vương qua con vật thân dài có vẩy như cá sấu được chạm trên các đồ đồng thời ấy. Qua thời kỳ Bắc thuộc dài đằng đẵng, con rồng Việt Nam xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Hình ảnh "rồng bay lên" – Thăng Long – tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được đem đặt cho đất đế đô. Rồng thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn luôn được tạo trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời Lý là con vật mình dài như rắn, thân trơn nếu là con nhỏ, còn con lớn thì thân có vẩy và lưng có vây. Thân rồng uốn cong nhiều vòng uyển chuyển theo hình "Omega", mềm mại và thoải nhỏ dần về phía đuôi. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, há miệng rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ mũi thoát ra mào rồng có dạng ngọn lửa, vì thế được gọi là mào lửa. Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ "S", cổ tự của chữ "lôi", tượng trưng cho sấm sét, mây mưa.
Hình tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Rồng thời Trần không còn mang nặng ý nghĩa mơ ước nguồn nước nữa. Dạng tự chữ "S" dần dần mất đi hoặc biến dạng thành hình con, đồng thời xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi và đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳng, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng. Có vảy như những nửa hình hoa tròn nhiều cánh đều đặn, có vảy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.
Rồng thời Lê (thế kỷ XV) thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài như rắn uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm tứ linh (bốn con vật thiêng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều. Rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), qui (con rùa – tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và phụng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).
Rồng thời Trịnh – Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi.
Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vây trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên.
Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Đặc Điểm Rồng Việt Nam
Rồng Việt Nam luôn có những bản sắc rỏ ràng đặc biệt:
Thân rồng uốn hình sine 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn.
Đầu rồng là phần rất đặc biệt, hoàn toàn khác rồng Trung Hoa. Nó có bờm dài, râu cằm, không sừng (như rồng Trung Hoa). Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh ngắt lên, đây là điểm hoàn toàn khác với các con rồng khác của các nước. Đặc biệt là cái mào ở mũi, sun sóng đều đặn (có người goi là mào lửa) chứ không phải là cái mũi thú như rồng Trung Hoa. Lưỡi mảnh rất dài.
Miệng rồng luôn ngậm viên châu, ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc rồng hay cầm ngọc bằng chân trước. Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên ngọc thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng.
Những điều ấy được đặt lên trên tất cả các giá trị khác kể cả sức mạnh và sự thống trị thường thấy của một con rồng phương Đông. Toàn thân rồng toát lên uyển chuyển và một sức căng rất lớn từ cái vươn chân dài, đầu ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực muốn tiến chinh phục các giá trị văn minh nhất của phương Đông cổ đại.
Đây là một hình tượng rồng hoàn hảo về mỹ thuật, có cá tính rõ ràng và đặc trưng cho dân tộc Việt, tiếc rằng nó đã bị vùi lấp bởi sự sùng bái văn hóa Hán của các triều đại phong kiến cuối cùng và sự hủy diệt văn hóa đã xảy ra khi nhà Minh xâm lược Việt Nam.
Rồng trong truyền thuyết Việt Nam
Người Việt Nam ta tự nhận mình là “Con rồng cháu tiên”, tức là hậu duệ của các đấng thần tiên thời thượng cổ. Trong truyền thuyết sáng thế Hồng Bàng thị truyện được chép trong Lĩnh Nam chích quái do sử quan Võ Quỳnh biên soạn vào thế kỷ 15, thủy tổ của người Việt Nam là rồng thần Lạc Long Quân và chim tiên (chim lạc) Âu Cơ. Họ vừa là thần linh, vừa là người, lại mang dấu vết của động vật. Đặc điểm này rõ ràng minh chứng cho tính chất dung hợp Thần -Người – Vật trong tư tưởng của người Việt xưa, ở đó còn hiển hiện cả tín ngưỡng vật tổ Tô tem và quan niệm vạn vật hữu linh nguyên thủy. Hồng Bàng thị truyện chép rằng tổ tiên của Lạc Long Quân là Viêm Đế (vua xứ nóng) họ Thần Nông. Cháu ba đời của Thần Nông là Đế Minh lúc đi tuần thú về phía nam núi Ngũ Lĩnh (nay tỉnh Hồ Nam) đã lấy con gái của Vụ Tiên làm vợ, sinh ra một con trai là Lộc Tục. Sau đó, Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, phong Lộc Tục là Kinh Dương Vương trấn thủ phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ. Nước Xích Quỷ phía bắc giáp hồ Động Đình, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây là Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp Nam Hải. Kinh Dương Vương lấy Long Nữ là con gái của Động Đình Quân sinh ra một con trai là Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân. Sùng Lãm lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, sau nở thành một trăm con trai, tức tổ tiên của người Bách Việt. Sau đó, Lạc Long Quân và Âu Cơ mỗi người dẫn theo năm mươi con lên rừng núi cao và xuống khu vực ven biển phía đông.
Rồng trong văn chương Việt Nam
Vì là con vật không hiện thực, nên rồng trong kho tàng văn chương bình dân chúng ta chỉ ghi chép được một số câu về rồng như dưới đây:
"Rồng bay phượng múa" là người có nét chữ viết "lả lướt", bay lượn, uốn khúc.
"Ăn như rồng cuốn" là ăn nhiều, thực nhiều, trái với "ăn như mèo" là ăn ít.
"Nói như rồng leo, làm như mèo mửa" là nói huyên thuyên, thao thao bất tuyệt, đủ chuyện trên trời dưới đất, nhưng lại biếng nhác, làm việc thì "như mèo mửa!"
"Rồng đến nhà tôm" là thành ngữ ám chỉ một kẻ nghèo hèn, khi vinh dự được vị thượng khách thương tình chiếu cố đến tận nhà thăm viếng mình.
"Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa": Tục ngữ diễn tả kinh nghiệm của các nhà nông về những ngày nắng mưa.
"Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình": Rồng vàng là rồng quý, không bao giờ đi tắm nước đục ở ao tù, cũng vậy người khôn ngoan mà phải chung sống với kẻ ngu đần thì thật là "bực mình".
Hình tượng con rồng trong ca dao được thể hiện ở nhiều dạng thức.
"Một ngày tựa mạn thuyền rồng
Còn hơn một kiếp ở trong thuyền chài".
Câu ca dao trên đã phản ánh ước mơ của các cô gái thời xưa muốn được lấy vua, để trở thành hoàng hậu, hoàng phi, cung tần, mỹ nữ, được sống trong nhung lụa, bạc vàng. Nó cũng phản ánh tâm lý của nhiều người, cả nam lẫn nữ, muốn được gần vua chúa, muốn được dựa vào vua chúa để hương cảnh phú quí, giầu sang. Nhưng không phải tất cả các ước mơ ấy đều trở thành hiện thực.
"Trứng rồng tưởng nở ra rồng
Ai ngờ lại nở ra dòng liu điu".
Câu ca dao này đã phản ánh nỗi chán chường, thất vọng của nhân dân khi con cháu vua chúa lại bất tài, ngu dốt, thậm chí là hôn quân bạo chúa (liu điu là loài rắn nước).
Thứ hai, đó là những câu ca dao dùng hình ảnh "rồng vàng" để chỉ những người xuất chúng, có tài kinh bang tế thế, những người khôn ngoan, thông minh.
“Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi,
Nay tui hỏi thiệt: Mình thương tui không mình?”
"Khi xưa thì đắp chiếu chung
Vì ai ném gạch cho rồng xa mây"
Là lời oán trách của cô gái đối với kẻ chia uyên, rẽ thúy khiến cho đôi lứa phải xa nhau.
"Rồng đen lấy nước thì mưa
Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày"
Hai hiện tượng thời tiết : Rồng đen chỉ mây đen kéo đến thì trời sẽ đổ mưa, con rồng trắng là chỉ lốc xoáy, hiện tượng khí xoáy tụ, có thể làm đổ nhà cửa, cây cối, cuốn cả đồ vật lên cao. Đây là một hiện tượng bất thường, một tai hoạ về thời tiết.
“Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Ðồng Nai,
Sông trong chảy lộn sông ngoài,
Thương người xa xứ lạc loài tới đây,
Tới đây thì ở lại đây,
Bao giờ bén rễ xanh cây lại về!”
“Tình cờ ta gặp mình đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng”
Những câu hỏi về Rồng
1/. Rồng ở đâu trên đất nước ta?
Nơi Vua Lý Thái Tổ nhìn thấy con rồng vàng hiện ra và bay lên là “Thăng Long” (Hà Nội bây giờ).
Nơi có một đàn rồng trên trời đáp xuống là “Hạ Long” .
Nơi có 9 con rồng uốn khúc ôm lấy vùng đồng bằng phì nhiêu của Miền Nam là “Cửu Long” bây giờ.
Nơi có chiếc cầu bắc qua hai mỏm núi, trông giống như hàm con rồng trên sông Mã chính là “Hàm Rồng” bây giờ.
Các địa danh rồng ở Việt Nam : Vĩnh Long, Long Xuyên, Long An, Long Khánh, Long Mỹ, Long Định, Long Bình, Long Phú…
2/. Tỉnh nào nhiều Rồng nhất Việt Nam?
Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có nhiều Rồng nhất Việt Nam : Long Hải, Long Điền, Long Đất, Long Thành, Long Kiên, Long Sơn, Long Mỹ, Long Phượng, Long Hương, Long Phước…
3/. “Con” hay là “cây” ?
Cũng là rồng, nhưng có một số tình huống không phải “con” mà là “cây”:
“Cây xương rồng”.
“Cây thanh long”.
“Cây huyết rồng”.
“Cây đậu rồng”.
“Cây long nhãn”.
“Cây hoa móng rồng”.
Những Năm Thìn Đáng Nhớ Trong Lịch Sử Việt Nam
GIÁP THÌN (257 trước Công Nguyên): An Dương Vương lập ra nước Âu Lạc.
GIÁP THÌN (137 trước Công Nguyên): Triệu Đà tức Triệu Vũ Vương mất, thọ 121 tuổi. Cháu đích tôn (con của Trọng Thủy) là Triệu Hồ lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Triệu Văn Vương.
MẬU THÌN (248 sau Công Nguyên): Bà Triệu (tức Triệu Thị Trinh) khởi binh đánh nhà Ngô (Ngô Tôn Quyền, thời Tam Quốc).
MẬU THÌN (458): Sau khi Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục bèn xưng vương để chống lại quân Tàu.
CANH THÌN (860): Nhà Đường sai Lý Hộ sang làm Đô Hộ Sứ ở Giao Châu.
GIÁP THÌN (944): Ngô Quyền mất, thọ 47 tuổi.
MẬU THÌN (968): Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, sử gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (thuộc tỉnh Ninh Bình nay là Hà Nam Ninh). Lần đầu tiên nước ta được Trung Quốc thừa nhận là một quốc gia độc lập và phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ Quận Vương, phải tuân theo lệ triều cống như các nước khác đối với Trung Quốc.
BÍNH THÌN (1076): Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) lập trường Quốc Tử Giám dành cho các hoàng tử và con các quan đến học và chọn những người có trình độ văn hóa cao vào dạy.
NHÂM THÌN (1171): Từ 1171-1772, vua Lý Anh Tông đi thăm trong nước, xem hình thế núi sông, đường sá, đời sống của dân và sai quan vẽ bản đồ nước ta, ghi rõ mọi chi tiết dâng lên nhà vua biết.
NHÂM THÌN (1232): Trần Thủ Độ, Thái sư của vua nhà Trần lập mưu đào hầm, làm nhà lá ở trên, mời những con cháu vua nhà Lý đến làm lễ tế Tổ Tiên nhà Lý rồi cho sụp xuống hầm giết hết, không còn một ai sống sót.
BÍNH THÌN (1316): Vua Trần Minh Tông (1314-1329) xét lại cấp bậc của quan văn, quan võ trong nước để có quy cũ, ngạch trật chính thức.
BÍNH THÌN (1376): Đời vua Trần Duệ Tông (1374-1377) quân Chiêm Thành vào quấy phá ở Hóa Châu (Thừa Thiên, Huế bây giờ).
CANH THÌN (1400): Hồ Quý Ly truất phế vua nhà Trần là Trần Thiếu Đế rồi tự xưng làm vua. Nhà Trần làm vua được 175 năm, truyền được mười hai đời, có công chống quân Nguyên xâm lăng, giữ độc lập, lấy đất Chiêm Thành, mở mang bờ cõi, chỉnh đốn việc học hành, tổ chức hành chánh cai trị, lập ra luật pháp, mở mang kinh tế làm cho dân giàu nước mạnh. Các vua cuối đời nhà Trần kém cõi, ham chơi, không giữ được giang sơn của tổ tiên nên bị Hồ Quý Ly cướp ngôi.
GIÁP THÌN (1424): Bình Định Vương Lê Lợi đem quân lấy đất Nghệ An. Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa) từ 1418, trải qua mấy năm gian khổ, có khi phải rút quân vào rừng, ẩn náu và phải hòa với giặc để củng cố lực lượng. Năm 1424, Bình Định Vương bàn với các tướng sĩ quyết chiếm cho được đất Nghệ An mới có thể tiến ra Đông Đô (Hà Nội) được.
MẬU THÌN (1448): Dưới đời vua Lê Nhân Tông (1443-1459), nước Bồn Man xin nội thuộc nước ta. Bồn Man là một phần của nước Lào ngày xưa, phía Đông Nam giáp tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hưng Hóa và Thanh Hóa.
CANH THÌN (1580): Con cháu nhà Lê chiếm được đất từ Thanh Hóa trở vào phía Nam để chống nhau với họ Mạc từ Nam Định trở ra Bắc, đến năm Canh Thìn (1580), nhà Lê mở khoa thi tại Thanh Hóa (Tây Đô) để tuyển dụng nhân tài ra giúp nước. Việc học trong thời kỳ này vẫn còn đơn sơ, chưa có tổ chức quy mô.
GIÁP THÌN (1644): Sau khi Trịnh Tùng đã diệt được nhà Mạc, đưa vua Lê về Thăng Long (Hà Nội) rồi thì đến đời Trịnh Tạc, năm 1664, Giáp Thìn, mới tổ chức thi Hội (lấy bằng Tiến Sĩ). Cứ ba năm một lần có tổ chức thi Hương (Tú Tài, Cử Nhân) và năm sau thi Hội (Phó Bảng, Tiến Sĩ).
BÍNH THÌN (1676): Vua Lê Hy Tông (1676-1705) ra lệnh cho Lê Hy và Nguyễn Quý Đức tiếp tục chép sử từ vua Huyền Tông (1663-1671) đến Gia Tông (1672-1675).
BÍNH THÌN (1746): Trịnh Doanh ra luật thuế muối, cứ 50 mẫu ruộng muối thì phải nộp 40 hộc muối, mỗi hộc muối giá 180 tiền đồng.
NHÂM THÌN (1752): Tháng 6, quân Xiêm (Thái Lan) vào chiếm Nam Vang, Vua Miên (Kampuchia) kêu cứu, chúa Nguyễn sai Nguyễn Cửu Đàm đem quân đánh Nam Vang. Quân ta tiến vào Nam Vang, quân Xiêm bỏ chạy về Hà Tiên.
GIÁP THÌN (1784): Quân Tam Phủ thường gọi là lính Kiêu Binh là những người gốc Thanh Hóa, Nghệ An được tuyển làm lính canh gác cung vua Lê và phủ chúa Trịnh ở Thăng Long (Hà Nội) nổi loạn ủng hộ Trịnh Tông (con trưởng của Trịnh Sâm) chống Trịnh Cán (con thứ của Trịnh Sâm, mẹ là Đặng Thị Huệ).
CANH THÌN (1820): Thái Tử Nguyễn Phúc Đảm lên nối ngôi vua Gia Long lấy niên hiệu là Minh Mạng.
BÍNH THÌN (1856): Dưới thời vua Tự Đức (1848-1883), tháng 8, tàu thủy của Pháp đến gây hấn, bắn phá cửa Đà Nẵng rồi bỏ đi.
MẬU THÌN (1868): Sau khi mất ba tỉnh Miền Đông Nam phần là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường (hòa ước 1862), đến năm 1868, Việt Nam lại ký thêm hòa ước nhường cho Pháp ba tỉnh Miền Tây…
BÍNH THÌN (1916): Năm của thiên tai, bão lụt (lụt năm Thìn), mất mùa, dân mất việc, vua mất ngôi… Nửa đêm 3 tháng 5-1916, vua Duy Tân trốn ra khỏi kinh thành Huế cùng với hai người hộ vệ là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu để đi gặp hai nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân…
CANH THÌN (1940): Thế giới đại chiến lần thứ II từ 1939-1945, đang ở trong giai đoạn khởi đầu. Lợi dụng thời cơ lúc thế lực của Pháp đang suy yếu, quân Đức chiếm Paris, quân Nhật bành trướng thế lực ở Đông Á và Việt Nam.
NHÂM THÌN (1952): Chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh tại Đông Dương đã đến hồi quyết liệt.
GIÁP THÌN (1964): Năm có nhiều biến cố xảy đến cho Miền Nam Việt Nam (VNCH). Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát do Dương Văn Minh và phe tướng lãnh tổ chức đảo chánh vào ngày 1-11-1963, ngày 30-1-1964.
BÍNH THÌN (1976): Nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc dưới quyền cai trị của Đảng Cộng Sản độc tài. Hàng triệu người thuộc quân đội và chính quyền Miền Nam (VNCH) bị tập trung trong các nhà tù cải tạo, tài sản bị tịch thu, vợ con bị đày đi “vùng kinh tế mới”. Cải tạo công thương nghiệp, hàng vạn người bị tịch thu tài sản bị tù tội… Các cuộc vượt biên tìm tự do, hàng triệu người bỏ nước ra đi, đa số chết trên sông, trên biển, trong rừng, làm mồi cho cá mập, cho thú dữ, đàn bà con gái bị hải tặc hãm hiếp, bị công an bắt, bị lấy hết tài sản còn bị tù, bị cưỡng ép phải lấy những tên có quyền thế, các nhà tu hành bị bắt, bị chết trong nhà tù, bị đày đi những nơi khí hậu khắc nghiệt. Dân cả nước đều đói khổ chỉ trừ bọn công an, cán bộ đảng viên có quyền thế tha hồ vơ vét bóc lột…
MẬU THÌN (1988): Do sự can thiệp của Mỹ và Liên Hiệp Quốc, một số tướng lãnh và sĩ quan cao cấp, viên chức quan trọng thuộc các cơ quan trung ương của VNCH bị tập trung cải tạo đã được tha về vào dịp Tết Mậu Thìn (1988).
CANH THÌN (2000) năm cuối cùng của thế kỷ 20, năm chờ đợi những biến cố xảy đến cho nhân loại mà người ta tin rằng sẽ “lành ít, dữ nhiều”. Nhiều người cho rằng năm 2000 là năm tận thế. Nhưng năm Canh Thìn 2000 đã qua với hiều biến cố nhưng khơng phải là năm tận thế như nhiều người lo sợ.
NHÂM THÌN (2012) Chuẩn bị vào năm Thìn 2012, người ta đã thấy quá nhiều biến cố xảy ra rồi: thiên tai, bão lụt, động đất, chiến tranh, vua mất ngơi, quan mất chức, dân mất việc…Khắp nơi, người Việt Nam báo động “Trung Cộng đang xâm lăng Việt nam dưới nhiều hình thức và sẽ xâm lăng bằng quân sự…” Vậy số phận Việt Nam và thế giới trong tương lai sẽ như thế nào? Chờ xem…
Rồng Trong Tâm Thức Người Việt
Rồng dù là một con vật tưởng tượng đầy tính siêu nhiên, nhưng bóng dáng của rồng đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội nước ta, và cũng đã tiềm ẩn trong tâm thức sâu thẳm của mọi người dân Việt. Người xưa cũng đã thường xem con rồng là một linh vật. Nó đứng đầu trong "tứ linh" như đã thấy. Qua ca dao, người bình dân Việt Nam quan niệm con rồng như là một hình ảnh đẹp, có giá trị về cả thể chất lẫn tinh thần. Nó cũng thuộc về loài vật, nhưng là loài vật cao cấp nhất. Có nhiều câu ca dao đã sử dụng hình tượng con rồng để nói bóng về một con người cao sang hay một cái gì đáng quí:
Con rồng đã cùng với những nhân vật có thật trong lịch sử dân tộc, như Lý Thái Tổ thấy rồng vàng xuất hiện nên đặt tên Kinh đô mới là Thăng Long; và sống cùng với những con vật trong nghệ thuật Việt Nam, như qua bộ tứ linh: long, lân, qui, phụng. Và nó vẫn tồn tại đến ngày nay, chẳng những nằm yên trong sử sách, trong các tác phẩm mỹ thuật (điêu khắc, hội họa, trang trí), mà còn múa bay, bay lượn một cách sống động và hấp dẫn trong các lễ hội dân gian.
Con rồng Việt đã ra đời từ thời Hồng Bàng với truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên" chứa đầy huyền thoại. Ẩn phục mấy ngàn năm, nó bay lên vào năm 1010 vào đầu đời Lý, rồi đi theo con đường phát triển của dân tộc trong gần 1000 năm nay để sinh ra một đàn 9 con chung sống trên vùng đồng bằng Cửu Long ở Nam Bộ. Cuộc đời của con rồng Việt cũng lâu dài và sức sống của nó cũng mãnh liệt như chính lịch sử tiến hóa của dân tộc.
Từ con rồng là một biểu trưng cho nguồn cội của giống nòi, nó hóa thân thành một hình tượng của quyền lực tối cao trong thiên hạ: ông vua. Yết kiến "long nhan" không phải nhìn thấy "mặt rồng" mà là được gặp con người đứng trên trăm họ. Vua và rồng như hình với bóng. Hình ảnh con rồng đã được các triều đại quân chủ Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn dùng để trang trí trên các công trình kiến trúc cung đình từ Thăng Long thuở ấy đến Cố đô Huế hiện nay.
Khi thấy dân chúng bắt chước hình ảnh con rồng để tô vẽ, đắp nối, khắc chạm tại các công trình kiến trúc trong dân gian như nhà ở, đình chùa, miếu mạo, thì triều đình cấm không làm rồng đầy đủ cả 5 móng và tô điểm đẹp đẽ như rồng của vua. Trước luật lệ khắt khe đó, họ lại làm rồng từ 4 móng trở xuống với hình thức đơn giản hơn, nhưng vẫn là rồng. Con rồng phổ biến trong dân gian tuy đơn giản, nhưng vô cùng linh hoạt và bay bướm. Nhiều vật thể đã được người nghệ sĩ tài hoa cách điệu hóa thành rồng để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và thỏa mãn ước vọng thăng hoa của nội tâm lãng mạn. Một đóa hoa, một nhành lá, một cành mai, một thân trúc, một gốc tre đều có thể kiểu thức hóa thành rồng với hàng trăm mô-típ trang trí tuyệt vời.
Nhưng con rồng không phải chỉ dùng để trang trí, nó còn chứa đựng ý nghĩa sâu xa trong sinh hoạt đời thường của người Việt: biểu tượng cầu mưa, ước mong phồn thực. Từ thuở xa xưa, nhân dân ta sống chuyên về nghề trồng lúa nước. Đã làm ruộng nước thì cần phải có mưa thuận gió hòa. Đối với nông dân trong mấy ngàn năm qua, hiện tượng cơn lốc cuốn nước ngoài biển khơi là hình ảnh con rồng thò đầu xuống đại dương uống nước để lên trời làm mưa tưới tắm ruộng đồng. Bất cứ thời nào, mưa cũng là một nhu cầu thiết yếu, một điều kiện sống còn đối với nông nghiệp.
Views: 0