Uncategorized

Ngôi sao Ngài xuất hiện

“Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Belem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sỹ từ Ðông Phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?

“Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Belem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sỹ từ Ðông Phương tìm đến Giêrusalem. Các ông nói: “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông Phương, và chúng tôi đến để triều bái Người.” (Mt 2: 1-2) Biến cố 3 Ðạo Sỹ từ Ðông Phương tìm đến triều bái Hài Nhi Giêsu, cũng là biến cố hiển linh – Thiên Chúa tỏ mình ra – cho nhân loại.

 

Không như việc Ngài tỏ mình cho các mục đồng trong đêm giáng trần ở đồng quê Belem, cho tiên tri Simêon và Ana trong ngày Ngài được dâng trong đền thánh Giêrusalem. Luca ghi lại rằng, Simêon một người cao niên và công chính hằng mong đợi Đấng Thiên Sai, khi được linh ứng đến gặp Ngài ở đền thờ, và sau khi chiêm bái Hài Nhi, ông đã cất lời chúc tụng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bằng an, theo như lời Chúa đã phán, vì chính mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa, mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi cho dân ngoại, và vinh quang của Isarel dân Chúa” (Luc 2;29-32). Ana cũng đã “nói nói về Ngài cho những ai đang trông chờ ơn cứu độ Isarel”(2:38).

 

Cũng không như việc Ngài tỏ mình cho các mục đồng. Mục đồng và các tiên tri đó là đại diện cho dân Do Thái, dân của lời hứa, của Giao Ước. Lần tỏ mình – hiển linh – này Thiên Chúa có ý đi tới mọi dân tộc như lời Simêon, v ì Hài Nhi Giêsu đó chính là, “ánh sáng chiếu soi cho dân ngoại.”

 

Thiên Chúa đã dùng 3 Ðạo Sỹ còn được gọi là Ba Vua, là những người thiện tâm, có địa vị, kiến thức và hiểu biết để tỏ mình ra cho họ và qua các ngài cho toàn thể nhân loại. Ngài làm như vậy vì trong hoàn cảnh xã hội và tâm lý con người thời ấy, những tin tức và hướng dẫn liên quan đến một tôn giáo mới, một niềm tin mới đối với thành phần ít hiểu biết hoặc bình dân có thể dẫn đến ngộ nhận, mê tín, và như thế Tin Mừng của Ngài sẽ bị lãng quên hoặc bị hiểu sai ý nghĩa của nó.

 

Do tìm hiểu, nghiên cứu, và nhất là bằng với thiện tâm của mình, ba Ðạo Sỹ đã nhìn thấy xuất hiện trên bầu trời Phương Đông một vì sao lạ, ngôi sao báo hiệu có vị đế vương vừa chào đời: “Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông Phương”. Vị Vua đó chính là Đấng mà Tổng Thần Gabriel trong ngày truyền tin đã nói với Trinh Nữ Maria, mẹ của Ngài: “Này trinh nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận” (Luca 1:31-33). Những lễ vật các Đạo Sỹ dâng tiến như vàng, nhũ hương, và mộc dược là những phẩm vật tượng trưng cho vương quyền của Ngài. Trước đó, lời tiên tri cũng đã loan báo về sự xuất hiện của Ngài: “Này đây Chúa thống trị ngự đến, nắm trong tay quyền vương đế toàn năng.” (Mal 3:4)

 

Nhưng ở vào những phút chót của cuộc hành trình, ba Ba Ðạo Sỹ suýt nữa đã bị lỡ cuộc, vì ánh sao vẫn dẫn đường cho các ngài tự nhiên vụt tắt. Các ngài thật sự cảm thấy hoang mang, bối rối và lạc lõng. Tại sao trong suốt hành trình trải qua bao nhiêu chặng đường gian khổ, vượt suối băng rừng, ngôi sao lạ vẫn có đó để dẫn đường, nhưng khi đến gần Giêrusalem thì lại biến mất?

Có lẽ trong thâm tâm các ngài, ba Đạo Sỹ lúc nhìn thấy đền thánh Giêrusalem từ xa hiện ra đã nghĩ rằng các ngài sắp sửa được triều bái Ấu Chúa. Cuộc hành trình của các ngài đã sắp sửa đến đích. Các ngài cho đến lúc đó cũng chưa biết rằng Chúa Giêsu không phải là một hoàng đế như các ngài nghĩ. Và sự biến mất của ngôi sao lạ đã như một giải thoát cho các ngài trước những suy nghĩ hoàn toàn mang tính cách tự nhiên khi đối diện với một mầu nhiệm cao cả.

 

Thật vậy, Chúa Giêsu là vua. Ngài sinh ra là để làm vua, nhưng không phải là vị vua như tất cả các vua chúa trần thế khác. Ngài là vua hòa bình, vua bình an, vua của các tâm hồn thiện tâm. Điều mà sau này Ngài đã xác nhận khi Philatô hỏi Ngài, và Ngài đã không ngần ngại cho ông biết Ngài sinh ra là để làm vua. Ngài còn cho biết thêm là vương quốc Ngài không thuộc về trần thế này. Chính vì vậy nên Ba Đạo Sỹ sẽ không thể tìm gặp Ngài trong hoàng cung. Và đó cũng là lý do tại sao ngôi sao của Ngài lại vụt tắt khi các ông tiến vào Giêrusalem, và chỉ sau khi từ giã hoàng cung, từ giã Giêrusalem, ngôi sao lạ ấy mới lại xuất hiện: “Sau khi từ giã nhà vua, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở.” (Mt 2:9)

 

Ngôi sao vụt tắt trên bầu trời Giêrusalem, xuất hiện sau đó và dừng lại trên chỗ Hài Nhi ở. Ngài ở đâu? Trong một chuồng nuôi súc vật. Tại một miền quê Belem cách xa khỏi Giêrusalem. Và điều này chắc cũng đã làm ngạc nhiên Ba Đạo Sỹ. Đúng ra nó đã thanh luyện niềm tin của các ngài trước khi các ngài được hạnh phúc gặp gỡ Chúa. Bởi vì phải bằng cặp đức tin thì các ngài mới nhìn thấy Thiên Chúa mặc xác phàm qua hình hài một trẻ sơ sinh. Mới giải thoát các ngài khỏi cái nhìn trần tục và những suy nghĩ tự nhiên của con người, để nhờ đó đón nhận ơn cứu độ mà Hài Nhi sẽ mang lại cho các ngài, và qua các ngài tới toàn thể nhân loại.

 

Con Thiên Chúa đã giáng trần và tỏ mình ra cho nhân loại. Hơn 2000 năm trước ánh sao dẫn đường cho ba Ðạo Sỹ đến tìm gặp Giêsu. Cũng như nó đã bị biến mất trong lúc các ngài đi vào Giêrusalem tìm gặp Hêrôđê, trong tầm nhìn của nhiều người hôm nay, ngôi sao ấy lúc này cũng đang mất dạng, bởi vì đối với họ, Giêsu phải được sinh ra ở hoàng cung và ở Giêrusalem. Ngài không thể sinh ra trong một chuồng bò ngoài đồng vắng tại một miền quê nghèo. Đối với những người này, họ không thể chấp nhận cho Chúa mình phải sinh ra nghèo hèn và vất vả như thế. Họ không muốn có một Thiên Chúa nghèo. Một Thiên Chúa lấy máng bò lừa ăn làm ngai vàng, lấy chuồng nuôi súc vật làm hoàng cung. Vì họ sợ sẽ phải sống theo tấm gương ấy. Họ sợ không muốn đối diện và chấp nhận sự thật về con người và cuộc đời của mình. Họ không muốn sống nghèo. Họ không muốn sống như người không có địa vị. Họ không muốn bị khinh chê và coi thường. Ngược lại, họ muốn được danh giá, được đề cao, được trọng vọng, và được mọi điều hợp với ý mình. Hêrôđê đại diện cho những thế lực và danh vọng trần thế. Cho những người tìm kiếm thế gian. Giêrusalem đại diện cho những lễ nghi, và hành vi đạo đức giả hình. Chính nó đã bị tiêu hủy vì người ta đã lạm dụng nó. Do sự khác biệt ấy mà nhiều người thay vì gặp Chúa đã gặp phải Hêrôđê. Thay vì triều bái Chúa giáng trần, lại triều bái Hêrôđê.

 

Chúa giáng trần là để tỏ mình ra cho nhân loại. Ngài đã dùng ánh sáng của ngôi sao lạ để dẫn đường cho Ba Đạo Sỹ tìm gặp Ngài. Ngài cũng muốn dùng ánh sáng đức tin để dẫn đường cho những tâm hồn thiện tâm tìm gặp Ngài. Ba Đạo Sỹ đã không gặp được Ngài ở Giêrusalem, và ở hoàng cung. Họ đã gặp Ngài ở hang bò lừa ở đồng quê Belem. Nếu muốn gặp được Ngài thì chúng ta cũng phải đến Belem, phải nhìn vào cái chuồng bò nghèo nàn, tanh hôi đó.

Vâng! Chính bằng cặp mắt tâm linh và với tâm hồn thiện chí ấy sẽ là ngôi sao sáng dẫn đường cho chúng ta tìm gặp Chúa ngay trong cuộc sống của chính mình. Gặp Ngài ở trong nghèo hèn, ở địa vị thấp kém của mình. Gặp Ngài trong công việc vất vả, trong bệnh tật của mình. Và bằng một cái nhìn mang tính chất thần học, gặp Ngài ngay trong cả những yếu đuối và lầm lỡ của chính mình. Tóm lại, qua những gì thuộc về tôi, làm thành con người của tôi, đều có thể giúp tôi nhìn ra Ngài. Vì đó là hang nghèo hèn của tôi mà trong đó Ngài đã chọn để sinh ra. Và như ba Ðạo Sỹ, để tôi thờ lậy, yêu mến chính Ðấng đã trở nên nghèo hèn, yếu đuối vì yêu tôi, và đã không ngần ngại tỏ mình ra cho tôi.
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.