Uncategorized

Đức Thánh Cha khiến cho giới báo chí Đức kinh ngạc

Một số nhận định của ông Robert Spaemann, nguyên giáo sư triết tại đại học Muenchen, về chuyến viếng thăm nước Đức của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

 

Một số nhận định của ông Robert Spaemann, nguyên giáo sư triết tại đại học Muenchen, về chuyến viếng thăm nước Đức của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

 

Chuyến công du Cộng hòa Liên Bang Đức của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong các ngày 22-25 tháng 9 năm 2011 tiếp tục gây tiếng vang trong xã hội Đức. Trong các ngày này Hội Đồng Giám Mục Đức đang nhóm phiên họp mùa thu tại Fulda bên mộ của thánh Bonifacio, ”tông đồ nước Đức”, và trong số các vấn đề nghị sự các vị cũng thảo luận về lời Đức Thánh Cha kêu gọi đơn giản hóa các cơ cấu và giảm nạn bàn giấy rườm rà trong Giáo Hội, nghĩa là ”giải thoát Giáo Hội khỏi gánh nặng vật chất và chính trị”.

 

Bà Gabriele Kuby, chuyên viên nghiên cứu văn chương và là tác giả cuốn sách gồm các thư trao đổi với Đức Hồng Y Ratzinger hồi năm 2003 liên quan tới các nguy cơ cám dỗ của khuynh hướng tương đối hóa luân lý đạo đức, cho biết bà cảm thấy xấu hổ vì bầu khí chống đối thù hằn, các chỉ trích và tấn kích bất công và thô tục chống lại một người hiền dịu và khiếm tốn như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong các ngày trước chuyến viếng thăm tại Berlin. Bà đã nghĩ rằng sẽ khó mà xảy ra tại Đức những gì đã xảy ra bên Anh quốc trong chuyên công du mục vụ của Đức Thánh Cha hồi năm 2010; nhưng rất tiếc là nó đã xảy ra. Nếu người ta đã bỏ ra một bên các thành kiến và lắng nghe điều Đức Thánh Cha nói, thì không thể không bị ấn tượng bởi tính nhân bản sâu xa và tinh thần tu đức cao cả của Đức Giáo Hoàng. Nhưng ngài đã có khả năng đánh tan các thành kiến, khiến cho những kẻ trước đó chỉ trích ngài lại quay ra ca tụng ngài.

 

Và thật thế, báo chí và các đài truyền hình Đức đã bầy tỏ sự hài lòng và kinh ngạc trước sự thành công của chuyến viếng thăm, mà họ không chờ đợi. Nhiều nhật báo đã lập lại các lời tuyên bố của bà thủ tướng Angela Merkel: ”Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đã khiến cho chúng ta phong phú hơn về mặt tinh thần”, ”Không có Giáo Hội, nước Đức sẽ là một quốc gia vô cảm trên bình diện xã hội”.

 

Trả lời cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia ARD tổng thống Christian Wulff tuyên bố rằng: ”Tôi cầu mong Đức Giáo Hoàng Ratzinger đã mở rộng con tim của biết bao người dân Đức”. Thế giới chính trị thì bầy tỏ sự hài lòng và kinh ngạc về bài diễn văn Đức Thánh Cha đọc trước Quốc Hội. Cả các chính trị gia tả phái hoà hoãn cũng đưa ra các lời bình luận tích cực. Trong bài phỏng vấn dành cho nhật báo Frankfurter Allgemeinen Sonntagszeitung, bà Andrea Nahles, tổng thư ký đảng Dân chủ xã hội đã hài lòng vì Đức Thánh Cha đã gặp các nạn nhân của các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục. Bà nói: ”Đây là một cử chỉ can đảm, qua đó Giáo Hội vĩnh viễn lãnh nhận lấy các trách nhiệm của mình”.

 

Nhật báo Frankfurter Algemeinen Sonntagszeitung của giới trí thức trung lập, tiếng nói bảo thủ của nước Đức, cũng chú ý tới giá trị tôn giáo của chuyến viếng thăm và các suy tư của Đức Giáo Hoàng. Tờ báo viết: ”Đức Giáo Hoàng đã đưa ra một lời cảnh cáo ngoại thường và sâu xa, một khiêu khích cần phải đọc với nhiều chú ý, khi ngài nói là người vô ngộ mà tìm kiếm thì tốt hơn là tín hữu giả bộ”. Tờ báo nhận định rằng ”từ Freiburg Đức Giáo Hoàng đã mạnh mẽ kêu gọi sự hiệp nhất của Giáo Hội Đức và duy trì sự đồng điệu với Giáo Hội Roma. Đây là câu trả lời cho nhiều chủ trương cải cách trong nhiều lãnh vực cuộc sống như các người ly dị tái hôn, cuộc sống độc thân linh mục, hay việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, cũng như các thái độ bài Roma của nhiều thành phần Giáo Hội Đức”.

 

Hai nhật báo Suedeutsche Zeitung và Frankfurter Rundschau thuộc khuynh hướng cấp tiến đã đăng các bài phân tích đúc kết chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha và chú ý tới các phản ứng của các Giáo Hội tin lành chờ đợi các câu trả lời cự thể hơn liên quan tới cuộc đối thoại đại kết. Hai tờ báo ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên trong lịch sử một vị Giáo Hoàng công giáo đã cử hành một buổi phụng vụ đại kết trong nhà nguyện tu viện nơi Martin Luther đã được đào tạo. Còn nhật báo Koelner Stadt Anzeiger thì khẳng định rằng sau gần 500 năm lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng công giáo đã tái lượng định trên bình diện thần học con người biểu tượng của sự Cải cách trên vùng đất nơi phát sinh ra Giáo Hội tin lành.

 

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của của ông Robert Spaemann, nguyên giáo sư triết tại đại học Muenchen, về chuyến viếng thăm nước Đức của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Giáo sư Spaemann sinh năm 1927 tại Berlin. Song thân là người vô thần nhưng gia nhập Công Giáo năm 1930, và sau khi thân mẫu qua đời, thân phụ của ông đã gia nhập đại chủng viện và được thụ phong linh mục công giáo năm 1942. Ông Spaemann theo học tại đại học Muenster, rồi trở thành giáo sư dậy triết học tại các đại học Stuttgart, Heidelberg và Muenchen cho tới khi về hưu năm 1992. Ông cũng là giáo sư danh dự tại đại học Salzburg bên Áo. Là một triết gia nhưng cũng là thần học gia chuyên về luân lý đạo đức, giáo sư Spaemann rất được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI qúy mến. Tuy là một triết gia nổi tiếng thế giới, nhưng nhiều tác phẩm của ông vẫn chưa được địch ra các thứ tiếng khác. Hai tác phẩm quan trọng nhất của giáo sư là cuốn ”Hạnh phúc và lòng tốt” xuất bản năm 1989, và cuốn ”Các bản vị con người” xuất bản năm 1996.

 

Trong cuốn ”Hạnh phúc và lòng tốt” giáo sư Spaemann đưa ra luận thuyết cho rằng hạnh phúc phát xuất từ lòng tốt. Loài người chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nên như là các bản vị xã hội, để trợ giúp nhau kiếm tìm ra chân lý và ý nghĩa cho cuộc sống trong một thế giới thường lầm lẫn và hỗn loạn.

 

Hỏi: Thưa giáo sư Spaemann, giáo sư đã hiện diện trong buổi Đức Thánh Cha tiếp kiến các tín hữu công giáo dấn thân trong Giáo Hội và trong xã hội chiều Chúa Nhật 25-9 vừa qua. Giáo sư có thể tóm tắt ý nghĩa chuyển viếng thăm của Đức Giáo Hoàng như thế nào?

 

Đáp: Tôi không biết dùng kiểu nói nào khác hơn là khẩu hiệu của Đức Hồng Y Newmann ”Cor ad cor loquitur” Con tim nói với con tim, để tóm tắt ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI biết đánh động trái tim người ta, và cả lần này nữa, ngài đã làm điều đó một cách tế nhị và sâu xa. Ngài đã thông truyền cho chúng tôi niềm vui là kitô hữu, một tâm tình mà tôi trực giác được với biết bao nhiêu tín hữu khác trong thánh lễ ngài cử hành tại Freiburg trong một bầu khí thực sự ngoại thường, sámg Chúa Nhật 25-9…

 

Hỏi: Đức Giáo Hoàng người Đức có thành công trong việc thắng vượt sự không tín nhiệm nơi các người đồng hương của ngài hay không?

 

Đáp: Các nhật báo lớn và các người thường chỉ trích đã thất vọng, nghĩa là những người không hiện diện. Trái lại những ai đã theo dõi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mà không có thành kiến, những ai đã lắng nghe ngài nói, và tham dự các cuộc gặp gỡ của ngài, tất cả đều đã có các ấn tượng rất tích cực. Đa số giới tryền thông đã không hài lòng vì sự kiện đơn sơ là Đức Thánh Cha đã không đề cập tới những gì mà họ chờ đợi như: việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, hôn nhân giữa các người đồng phái, các người ly dị tái hôn vv… Nhưng Đức Thánh Cha đã nói những điều khác. Ngài đã nói về Thiên Chúa và mời gọi mọi người tái khám phá ra vẻ đẹp và lý trí.

 

Hỏi: Đức Thánh Cha cũng đã làm điều này trong buổi nói chuyện trước Quốc Hội Liên Bang Đức, và ngài đã thành công một cách bất ngờ, không chờ đợi, có đúng thế không?

 

Đáp: Chưa bao gìờ mà lại có một bài diễn văn bị phân tích trước khi được đọc như thế. Nhưng mà diễn văn của Đức Thánh Cha trước Quốc Hội đã thực sự là một bài dậy học của bậc thầy, rất thông thái và rất cao. Tôi không biết tất cả các dân biểu có hiểu rõ bài diễn văn không… Đức Thánh Cha đã đề cập đến các nền tảng của hành động chính trị và của quyền tự nhiên, theo đó con người không thể bị lèo lái bởi bất cứ ai. Và các hậu qủa rất rõ ràng, chẳng hạn như liên quan tới sự vô lý của thuyết hủy bỏ sự khác biệt giữa nam nữ. Nhưng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã rất ý tứ không gây ra các tranh luận, bằng cách đưa ra các vấn đề nền tảng.

 

Hỏi: Liên quan tới Giáo Hội Đức, Đức Giáo Hoàng đã đưa ra các phán đoán ít rõ ràng hơn. Các lời của ngài sẽ có hiệu qủa nào, thưa giáo sư?

 

Đáp: Tôi cầu mong rằng hàng giáo sĩ và giáo dân bắt đầu suy tư về sự thái qúa của các cơ cấu đối với kinh nghiệm đức tin bên trong các cộng đoàn của chúng tôi. Tôi không biết các hậu qủa cụ thể sẽ như thế nào.

 

Hỏi: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cầu mong có một Giáo Hội ”được giải thoát khỏi gánh nặng vật chất và chính trị”. Giáo sư có nghĩ rằng tại Đức người ta sẽ thảo luận về ”thuế Giáo Hội”, tức là thuế mà các tín hữu mọi tôn giáo phải đóng cho Giáo Hội của mình hay không?

 

Đáp: Đức Giáo Hoàng đã không đề cập đến đề tài này. Nhưng tôi tin rằng ai bảo vệ việc duy trì thuế Giáo Hội, sẽ không được Đức Thánh Cha ủng hộ.

 

Hỏi: Các anh em tin lành đã chờ đợi một bước tiến tới trong cuộc đối thoại đại kết, mà theo họ là đã thiếu… Riêng giáo sư thì giáo sư nghĩ sao?

 

Đáp: Nói thật ra Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ca ngợi con đường đối thoại đã đạt được cho tới nay, và ngài đã mời gọi tiếp tục cuộc đối thoại với các sáng kiến hiệp nhất trong lãnh vực cầu nguyện và hoạt động xã hội của cả hai Giáo Hội. Nhưng việc cùng cử hành Thánh Thể là điều vẫn chưa thể làm được, xét vì các anh em tin lành không nhìn nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc đối thoại với Giáo Hội cải cách đang gặp khó khăn không thuộc trật tự thần học. Tôi có ý nói rằng các anh em thuộc Giáo Hội Luther đã đầu hàng trước tiến trình tục hóa liên quan tới các vấn đề như lỵ dị, phá thai, trợ tử và các đề tài luân lý đạo đức lớn. Như thế họ đang xa rời truyền thống kitô. Và đây là một vấn đề rất lớn cần phải giải quyết giữa họ với nhau, chứ không phải giữa các tín hữu công giáo.

 

Hỏi: Thưa giáo sư Spaemann, cái gì của chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha sẽ còn tồn tại?

 

Đáp: Tôi hy vọng nơi một sự thay đổi định đoạt tâm thức, đặc biệt đối với gương mặt của Đức Giáo Hoàng. Nhiều người, kể cả các tín hữu có thói quen nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Roma là một ông vua tuyệt đối và Giáo Hội cần có các cải cách dân chủ. Nhưng cả khi có muốn đi nữa, Đức Giáo Hoàng không thể làm điều ngài muốn, bằng cách đưa ra các thay đổi trái nghịch với giáo lý kitô. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng của Giáo Hội trước hết là cuộc khủng hoảng của đức tin, và ngài đã mời gọi hoán cải con tim. Ngài đã trao ban tiếng nói cho các vấn đề khiến cho con người ngày nay khắc khoải, và đã tổng kết một cách tuyệt diệu bằng cách đọc lại thảm kịch của Luther trong vấn đề tương quan với Thiên Chúa từ bi.

 

Linh Tiến Khải10/6/2011

(Avvenire 27-9-2011)
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.