Uncategorized

Thư mẹ chồng trả lời nàng dâu

Con dâu yêu quý của mẹ !

 

Con dâu yêu quý của mẹ !

 

Mẹ gọi con là con dâu yêu quý, con đừng hiểu lầm là mẹ mỉa mai. Dù trong thư nhiều lần con khẳng định “Mẹ không có bất kỳ ý nghĩa nào đối với con”, nhưng con ơi! ngược lại con lại rất quan trọng đối với mẹ, vì con là người có thể tạo hạnh phúc niềm vui cho con trai mẹ, cho cháu nội mẹ. Con quan trọng như vậy đối với gia đình này làm sao mà mẹ không yêu quý con cho được!

 

Mẹ nhận thư con đã lâu, nhưng mẹ còn bận rộn việc này việc nọ, nên trả lời thư con hơi chậm, con thông cảm cho mẹ nghe!, vì người già cái gì cũng chậm ! Ngoài ra mẹ muốn nhờ thời gian để tâm hồn mình lắng đọng lại, trước khi mẹ trả lời thư con, vì nếu mẹ trả lời ngay, có thể những cảm xúc nhất thời sau khi đọc thư con với những lời lẽ “tự phụ” mạnh mẽ, sẽ làm cho mẹ không kiềm chế được mà trở thành “đối đáp” với con. Mẹ nhớ câu ca dao xưa:

 

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

 

Ở đây mẹ xin tạm sửa “gà cùng một mẹ” thành “người cùng một nhà” Mẹ hy vọng con đồng ý với mẹ chứ? Mẹ luôn mong muốn quan hệ giữa 2 mẹ con mình luôn êm thắm để căn nhà này trở thành mái ấm gia đình, mà mọi thành viên trong mái ấm đó luôn biết thông cảm, yêu thương và quan tâm lẫn nhau. Nếu điều đó chưa thực hiện được (“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”) có lẽ do lỗi của mẹ chưa biết cách cư xử khôn khéo với con làm con hiểu lầm, rồi buồn phiền mẹ, nên con mới phải viết thư cho mẹ. Mẹ thành thật xin lỗi con! Nhưng dù sao thì mẹ cũng phải trả lời, những điểm nhấn mạnh của con trong thư, để con giải tỏa những ấm ức và hiểu lòng mẹ hơn.

 

Trước hết con cho rằng: bố mẹ con mới là người có công nuôi dưỡng và giáo dục con lớn lên, còn mẹ không làm mà hưởng “ngồi mát ăn bát vàng”. Me hoàn toàn đồng ý với con ở phần đầu của câu này. Vì không ai có thể phủ nhận công lao dưỡng dục con nên người của bố mẹ con, nên nếu con là con dâu hiếu thảo, biết cư xử tốt thì lòng mẹ sẽ rất cảm kích và vô cùng biết ơn công lao giáo dục con gái của bố mẹ con! Riêng việc con cho rằng “mẹ không làm mà hưởng, ngồi mát ăn bát vàng” thì con phải xét lại dùm cho mẹ. Con nghĩ sao nếu mẹ cũng nói “như thế” với con, vì mẹ cũng sinh thành dưỡng dục cực khổ con trai mẹ trong mấy chục năm, để ngày nay nó mới trở thành người đàn ông “hấp dẫn” mà con đã yêu và chọn làm chồng, và bây giờ phần lớn thời gian của nó đều dành để yêu thương và phục vụ vợ con!? Mẹ nói như thế không có nghĩa là mẹ ganh tị và cảm thấy “bất công” như con nghĩ, ngược lại mẹ thấy vợ chồng con yêu thương, quan tâm chăm sóc nhau, và hạnh phúc là mẹ mừng lắn con ạ! Mẹ chỉ muốn con nhìn lại “vấn đề này” dưới nhiều góc cạnh khác nhau để con khỏi ấm ức! Mẹ xin lấy một ví dụ cụ thể: Khi mói dọn về đây, mỗi chiều mẹ đi bộ quanh khu phố theo một chiều nhất định trong vài tuần lễ, sau đó mẹ thay đổi lộ trình cũng đi quanh khu phố nhưng theo chiều ngược lại! Ô hay! Cảnh vật hình như thay đổi hẳn, lạ lẫm đến nổi suýt nữa mẹ đi lạc (không tin con đi thử xem !) Từ đó mẹ rút ra bài học cùng một vấn đề, nhưng nếu ta nhìn ở những vị trí khác nhau ta sẽ thấy mọi chuyện khác hẳn, và ta sẽ dễ thông cảm với người khác hơn. Cũng như việc mẹ cho là sự “quan tâm” của người trong nhà với nhau thì con lại cho là “xăm xoi”, hoặc “bưới lông, tìm vết”. Mẹ hy vọng là theo thời gian và với thiện chí của cả đôi bên, mẹ con mình sẽ hiểu nhau hơn con nhé !

 

Ngoài ra con khuyên mẹ nên biết “cám ơn” những việc con làm cho mẹ. Con ơi ! lúc còn đi dạy mẹ vẫn luôn dạy hoc trò nhỏ của mẹ phải luôn nhớ tiếng “cám ơn” (Văn hóa Mỹ, tuy mở miệng ra là “thank you” lia lịa, nhưng chưa chắc trong lòng họ đã “cám ơn”!?) Riêng chỗ thân tình, nơi chốn gia đình Việt Nam mẹ ít xài tiếng “cám ơn’ vì mẹ thấy có vẻ “khách sáo”, (nhưng trong lòng mẹ vẫn luôn ghi nhận và biết ơn về những việc người thân làm cho mình.) Như con, mấy lần mẹ trông cháu cho con đi shopping cả buổi, khi về mẹ cũng đâu thấy con nói tiếng cám on Nhưng thôi, nếu con thích nghe tiếng “cám ơn” bằng lời nói, thì mẹ xin “tiếp thu” và sẽ tập nói thường xuyên tiếng “cám ơn” với con để con hài lòng!

 

Rồi đến chuyện tiền bạc, con nhấn mạnh là con đi làm kiếm tiền, kinh tế độc lập không dựa vào con trai mẹ! Con ơi ! điều này con đâu cần phải nhắc, mẹ thừa biết điều đó mà! Vì ở thời của mẹ, mẹ cũng đi dạy, kiếm tiền, độc lập về kinh tế, huống hồ là thời đại này của con! Nhưng có điều mọi chi tiêu quan trọng đều được bàn bạc thông qua trong nhà, như vây mới gọi là gia đình phải không con?. Nói tới đây mẹ lại nhớ tới biến cố 75 : Khi đó mẹ gửi con trai mẹ (chồng con bây giờ) về nhà ông bà ngoại ở Sài Gòn trước, với một chị bạn thân dạy chung trường, để mẹ rảnh tay ở lại Nha Trang thu xếp, di chuyển đồ đạc, rồi mẹ sẽ về sau. Khi xong việc, mẹ may mắn, nhờ có “thẻ công vụ” nên mua được vé máy bay về Sài gòn với con trai (dĩ nhiên mẹ mua vé máy bay bằng tiền riêng của mẹ), nhưng khi về nhà kể lại thì “bà nội” trách là mẹ “xài hoang”: “hở ra là mua vé máy bay về SG, không biết đợi bố nó di tản từ BV Tuy Hòa về rồi hãy tính!”

 

Tuy mẹ hoàn toàn không đồng ý với cách lập luận của “bà nội”, vì thời buổi chiến tranh loạn lạc, mua được vé máy bay về với con thơ là yên tâm, còn bố con, đàn ông xoay sở một mình dễ dàng hơn! Nhưng cuối cùng mẹ đã thể hiện sự “vâng phục” bằng cách lẳng lặng ra trả vé máy bay giữa khung cảnh Nha Trang sắp mất, ai biết chuyện cũng bảo mẹ điên, nhưng đó cũng là cách mẹ bày tỏ “không ỷ mình làm ra tiền, rồi muốn xài sao tùy ý, không đếm xỉa gì đến ý kiến bề trên!”

Sau đó Nha Tramg mất, bố mẹ chạy về Cam Ranh để tìm đường về với con thơ, trên đường đi bố mẹ đã bị các đào binh thoát ra từ các trại giam, cướp sạch sẽ, suýt nữa thì mất mạng! Mẹ kể lại cho con nghe, để thấy sự suy nghĩ và cách ứng xử của thế hệ mẹ và thế hệ con khác nhau rất xa.

 

Ngoài ra sự khác biệt còn ở chỗ thế hệ mẹ, người phụ nữ chịu “nhẫn nhịn” nhiều hơn trong hôn nhân, nên người ta nói khi đám cưới “đeo nhẫn” là bắt đầu mang sự “nhẫn nhịn” trong người để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Ngày nay nhìn quanh mẹ thấy thế hệ trẻ bây giờ yêu nhau say đắm, đám cưới “rình rang”,” trăng mật” tình tứ, rồi sau một thời gian ngắn lại “âm thầm chia tay”như trường hợp cô Chelsea Clinton, con gái “rượu” duy nhất của ông bà cựu TT Clinton- Hilary, cô ấy là người chín chắn, học hành giỏi giang, thành đạt, cô cũng tìm hiểu người yêu khá lâu và khá kỹ trước khi quyết định đi đến hôn nhân. Vậy mà nghe nói chỉ sau đám cưới 6 tháng đã có xung đột lớn và cuộc hôn nhân ấy có thể sẽ không hàn gắn được, đành phải đi đến “chia tay”. Mẹ buồn khi nhìn thấy thực trạng hôn nhân của giới trẻ ngày nay sao ngắn ngủi quá ?!

 

Xin lỗi con, mẹ “lạc đề” rồi!, trở lai lá thư của con, mẹ không hiểu tại sao con lại nói “đồng tiền con kiếm ra là để cống hiến cho nhà mẹ..”?? Nó không phải là nhà con sao? Con quên là con đã lập gia đình rồi và gia đình này là gia đình con, nhà này là nhà con. Cách con nói làm mẹ có cảm tưởng hình như con đang “ở trọ”, nên con không hề có ý niệm “vun xới” cho gia đình này. Con ơi! Con cần thay đổi cách nhìn đó lại cho đúng đi con! Mẹ già rồi nay mai sẽ về với Chúa, con còn trẻ, con sẽ ở nhà này lâu hơn mẹ chứ! Dĩ nhiên con tiêu xài mua sắm quần áo, giày dép bao nhiêu là tùy con, nhưng khi mẹ thấy con “hoang phí” quá, vì con mua sắm qúa nhiều thậm chí không còn chỗ chứa, phải đem cất ngoài garage. Như vậy mà con muốn “sắc mặt” mẹ không được “kém vui” vẫn phải hoan hỉ, tươi cười chào đón “sự việc” đó (dù mẹ không than phiền lời nào!) thì qủa là con đòi hỏi hơi cao đối với mẹ! Mà nào mẹ có muốn con tiết kiệm để dành tiền cho mẹ đâu? (Con nên nhớ mẹ cũng có tiền hưu, mẹ cũng độc lập về kinh tế!) mà là tiết kiệm để vun xới cho ngân qủy chính gia đình con trong tương lai, nhất là thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, số người thất nghiệp càng ngày càng gia tăng. Hơn nữa đâu có gì chắc chắn vợ chồng con sẽ không bị rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp như thiên hạ đâu. Ngoài ra mình tiêu xài lãng phí trong khi xã hội chung quanh, và ngay trên quê hương Việt Nam mình còn quá nhiều người đói khổ thì cũng là điều không nên con ạ! Me ấn tượng mãi với câu chuyện kể về Mẹ Thánh Terexa, một nữ tu hiền lành, nhẫn nhục suốt đời chỉ biết chăm lo cho người nghèo. Nhưng khi tới viếng thăm nước Mỹ, Mẹ đã thực sự nổi giận khi thấy ở Mỹ, người ta lãng phí nhiều quá, nhất là về thức ăn, trong khi thế giới còn bao nhiêu người đói lã vì không có nỗi miếng ăn! Mẹ Terexa cho đó là một cái tội rất lớn!

 

Mới đây trên internet đã cho chiếu một video clip của một phái đoàn Bác Ái đến Uganda cứu đói. Mẹ thực sự rơi lệ khi nhìn hình ảnh 2 đứa bé bại liệt trần truồng với khuôn mặt da bọc xương, chỉ thấy 2 con mắt thồ lồ. Đói qúa chúng không cất nổi cái đầu lên, chỉ vục mặt xuống, 2 bàn tay quơ quào trên nền đất để mò mẫm xem có cái gì bỏ miệng được không ? Mẹ cảm thấy mình phải biết cám ơn Chúa với những gì mình đang có và không nên hoang phí mà phải biết “chia xẻ” nhiều hơn với những người thiếu thốn! Mới đây trên tờ Hiệp Nhất, mẹ đọc được bài viết về bà Melinda, vợ tỷ phú Bill Gate, một tín hửu Công Giáo bình dị, và giàu lòng nhân ái. Vợ chồng bà thuộc loại giàu nhất hành tinh này, nhưng bà không quan tâm đến những cửa hàng thời trang sang trọng, những loại mỹ phẩm đắt tiền.. bà không tiêu xài hoang phí nhưng bà để dành tiền bạc và thời gian để hết lòng giúp đở những người khốn khó. Hãy nghe bà tâm sự: “Các con của chúng tôi… không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được nấy mà phải đợi đến những dịp như sinh nhật mới được tặng…”

 

Ngoài ra mẹ cảm thấy buồn khi nghe con lên giọng “bà chủ”: “Nói trắng ra tiền điện con trả, mẹ không được có ý kiến này nọ, con muốn bật máy lạnh hay mua sắm gì mặc kệ con” Như vậy đối với con “đồng tiền có quyền lực tối thượng” sao con? Thảo nào, mẹ hay nghe các bậc cha mẹ than thở “Nuôi con vất vả cực khổ biết dường bao mới đem được chúng sang đây. Bây giờ chúng thành đạt ỷ kiếm ra tiền coi cha mẹ như rơm rác, muốn làm gì thì làm, hở chút là la mắng..” Mẹ hy vọng con không phải như vậy! Quên nữa, con còn “kể ơn” với mẹ: “Travel China năm ngoái…tiền ở đâu? Nếu con không đi làm…” khiến mẹ nhớ tới câu ông bà mình thường nói:

 

“Cha mẹ nuôi con bằng trời, bằng bể
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày.”

 

May là con chưa nuôi mẹ, vợ chồng con mới cho mẹ đi chơi theo với gia đình con thôi, mà con đã thấy công ơn vĩ đại lắm sao con ?? Con quên rằng nhờ có mẹ đi theo chăm sóc thằng cháu nội, nên đã đỡ đần cho con biết bao nhiêu việc, nhờ vậy con có thêm nhiều thời gian để chưng diện và enjoy chuyến du lịch đó! Dù sao mẹ cũng cám ơn vợ chồng con đã cho mẹ tham gia chuyến du lịch với gia đình con, nhưng con ơi! mẹ nhớ lại lời một nhà văn khi nói về chữ Hiếu: “Hãy trao tặng cha mẹ nhiều hơn những gì họ mong đợi và hãy làm với tất cả sự tinh tế”.

Gần cuối thư, nghe con nhắc: “Thời đại này là thời đại trả tiền thuê người..” làm mẹ giật mình, tưởng con muốn trả tiền công mẹ “babysit” cu tí, nên định từ chối, vì vợ chồng con đi làm suốt ngày, mẹ phải trông cháu. Không ngờ con kể công thỉnh thoảng con giúp mẹ những việc linh tinh (như gọt trái cây…) khiến mẹ muốn nhắc lại cách “lập luận” của con ở trên “Nếu không có mẹ trông cháu dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn… thì con làm sao có thể đi làm kiếm tiền để bây giờ lên giọng của “kẻ có tiền” mà kể công và tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm ??” Rồi con lại nhắc nhở mẹ thêm lần nữa: “Mẹ không có bất kỳ ý nghĩa nào đối với con, chẳng qua chỉ là mẹ chồng”! Vâng, mẹ chỉ là “mẹ chồng” của con thôi, xin mời con đọc đoạn thơ viết về mẹ chồng của nhà thơ Xuân Quỳnh :

 

“Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ, không nuôi,
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong…
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em..”

 

Con hãy thử đặt mình vào vị trí “Mẹ chồng”, với tâm tình của 2 nàng dâu hoàn toàn trái ngược nhau như trên, con muốn chọn nàng dâu nào? Mai kia cu tí lớn lên con sẽ ở vào vị trí đó thôi con ạ ! Khi mẹ ốm đau, con khẳng định : “Mẹ ốm, con không thể động lòng trắc ẩn!” Nhưng con ơi! Khi con ốm, mẹ vẫn ân cần chăm sóc con như con gái mẹ! Trông thấy người ngoài đau yếu bệnh tật, mẹ vẫn động lòng trắc ẩn, nếu có thể giúp được gì cho họ, mẹ rất sẳn sàng để giúp, huống hồ gì là người trong nhà!

 

Sẵn đây, mẹ cũng muốn “bật mí” cho con một chuyện nhỏ: Những lúc vợ chồng con có xích mích, cãi nhau, khi gặp riêng chồng con, mẹ vẫn chỉ ra những điểm tốt của con (vì mình cùng là phụ nữ nên dễ hiểu và thông cảm nhau hơn, phải không con?) để nó sớm hòa giải với vợ cho nhà cửa yên vui! Có lúc bực mình qúa nó “quặc” lại với mẹ :

 

– Con là con mẹ ?, hay nó là con mẹ? mà sao lúc nào mẹ cũng binh nó là làm sao ??

– Con là con, nó cũng là con. Mẹ chỉ ở công tâm thôi. Con là đàn ông hãy ở cho đại lượng!

 

Cuối thư con kết luận “Còn những điều cần phải học hỏi thêm là ở phía mẹ”. Cám ơn con vì mẹ vẫn luôn tâm niệm phải “học cả đời”, nhất là học cách cư xử nhân ái, học để trái tim đừng bao giờ khô cạn, dù mình sống trong xã hội chạy theo vật chất. Học để biết đời là vô thường, hầu bớt sân si cho tình cảm mình sẽ như trăng rằm ra khỏi đám mây.

 

Thư đã dài, mẹ hy vọng đã giải tỏa phần nào những thắc mắc của con. Nhà mình vẫn thường đọc kinh cầu cho Gia Đình, có bao giờ con thấm thía câu:

 

“Gia đình con trẻ già xung khắc
Xin ban ơn quãng đại thứ tha
Để chúng con an vui, chấp nhận lẫn nhau..”

 

Con ơi!, mẹ đang tập sống an nhiên tự tại, nhưng nếu không có sự góp sức của con, mẹ không thể thực hiện được, vậy con hãy giúp mẹ nhé ! Từ đây gia đình mình sẽ luôn tươi cười và cu xử hài hòa với nhau, nếu lúc nào đó có ai không “dễ thương”, hãy nghĩ rằng người đó đang có nỗi khổ riêng, và mình sẽ “dễ thương” tươi cười hơn để bù lại cho họ, như lời một bài hát mà mẹ rất thích :

 

“Xin hãy đến cho nhau nụ cười
Xin hãy đến cho nhau tình người
Xin hãy nói yêu thương một lời
Xin hãy tốt với nhau cho đời nở hoa..” (MDĐL)

 

Cám ơn đã kiên nhẫn đọc hết lá thư tâm tình của mẹ.
Mẹ chồng của con

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.