“Đi ngày đàng học sàng khôn”. Câu nói của tiền nhân này Hai Lúa phải đợi gần bước sang tuổi thấp thập cổ lai hy mới ngộ được nhân cái vụ đi xin Mê-đi-ke (Medicare).
Luật pháp Hoa Kỳ ấn định, hễ ai đến 65 tuổi thì trước hoặc sau đó ba tháng phải làm đơn xin Mê-đi-ke, gồm phần A, phần B, hay phần C, và phần D. Mỗi một phần đều có những đòi hỏi và giới hạn của nó. Nhưng ở tuổi 65 thì phần A là căn bản, còn các phần khác như B, C, hoặc D thì trước khi chính thức “rì thai” (retired) phải trình báo cho nhà nước biết để xin sau. Hoặc nó tùy vào trường hợp của mỗi người. Vì không hiểu cái luật lệ cắc cớ như vậy, và vì phần ỉ rằng mình vẫn còn “xung”, nên Hai Lúa tôi không lý gì đến mấy cái chuyện nhỏ đó. Chính vì vậy mà giấy tờ của sở Mê-đi-ke nó gửi tới nhà rần rần mà Hai Lúa tôi cứ tỉnh bơ vứt vô sọt rác. Chợt hơn hai tháng trước đây nghe Tư Lượm nhắc mới nhớ ra. Nó còn hù là không nộp đơn xin Mê-đi-ke sẽ bị phạt đó chứ chẳng chơi. Ở xứ này xin hay không xin Mê-đi-ke không tùy theo mình đâu. Bởi đó mới có chuyện Hai Lúa đi xin Mê-đi-ke mà kể hầu qúy dzị sau đây.
Nghe Tư Lượm hù, Hai Lúa bèn cáo bệnh một ngày tìm đến một văn phòng Sở An Sinh Xã Hội gần nhà. Thức sớm, lần mò tới được lúc mới hơn 7 giờ rưỡi sáng mới hay nhà nước đổi giờ làm việc thay vì 8 giờ bây giờ mở vào lúc 9 giờ. Xui hơn nữa nhằm ngay chính ngày mà Hai Lúa xin Mê-đi-ke là ngày áp dụng luật mới. Thế là đành phải đứng chờ gần 2 giờ đồng hồ. Cũng may mà đến sớm chớ đến muộn hơn một chút nữa thì cái hàng rồng rắn kia sẽ dài đến vô tận. Nhìn trước, nhìn sau toàn là những người mà bọn con cháu nó gọi là “đao hiu” (down hill), ám chỉ già và đang xuống núi. Kẻ thì tự mình đến, người thì con cái dẫn đến. Nhìn thành phần lãnh Mê-đi-ke sao mà thấy nó thê thảm quá chừng!
Nhưng rồi cũng đến phiên mình, một cô phụ trách người Mỹ gốc Latinô đáng tuổi con gái tận tình giúp đỡ. Khổ nỗi là Hai Lúa quên không mang cái bằng quốc tịch. Thế là công cốc. Cô bảo về và còn chỉ cho cách “áp lai” (apply) qua “on lai” (online) khỏi cần phải đến văn phòng nữa. Trước khi ra về, cô an ủi Hai Lúa một câu nghe mà đứt ruột: “Tuổi gìa thì đôi lúc hay quên thôi, ông đừng có buồn!”
Buồn chứ sao không buồn, mất tiêu nửa ngày chờ chực chớ bộ. Vì thế về tới nhà là Hai Lúa hô mấy xấp nhỏ chỉ cách để áp lai trên on lai rồi ngồi chờ. Cái chuyện on lai cũng là một chuyện rất đáng “tức” cười, và cũng chứng tỏ cái lẩm cẩm của Hai Lúa đã từ từ xuất hiện. Số là sau khi áp lai xong, thay vì nhấn con chuột vào ô “xập mít” (submit) tức là gửi đi, Hai Lúa lại nhấn chuột vào ô “chấm hết” (finish). Nhấn chuột xong mới thấy lo bèn vấn kế má xấp nhỏ: “Bà à, tui nhấn đại cái nút chấm dứt như vậy có được không bà.” Nghe xong, bà xã cười ngặt nghẽo, và nói: “Sao mà ông quê mùa quá dzậy. Nếu không thấy nó hỏi lại mình câu gì, thì kể là O.K rồi. Còm piu tờ (computer) nó đâu có chịu cho ông tắt nó khi còn có câu hỏi mà nó muốn hỏi ông chớ!”. Nghe vậy, nhưng để chắc ăn, hôm sau Hai Lúa lại gọi đến sở và phải chờ gần nửa tiếng trên đường dây mới được câu trả lời của một nhân viên là: “OK, hồ sơ của ông đã xong. Việc bây giờ là ông chờ đợi”. Đáng đời cái tội không nghe lời vợ!
Sau hơn một tuần chờ đợi, Hai Lúa nhận được thư báo phải đi lên trình cái bằng quốc tịch. Đã không thương tình bà xã nhân truyện này còn lên lớp và chọc quê Hai Lúa khiến tức lộn ruột.
Thua keo này, ta bày keo khác, lần này Hai Lúa hãnh diện mang theo cái bằng quốc tịch đến để hoàn tất hồ sơ vì không muốn cho bà xã cũng như con cái chê mình là dân miệt vườn. Nhưng người tính không bằng trời tính. Tránh được cái đi không trúng giờ, vì không xem được chữ nghĩa nên thay vì đến với văn phòng có địa chỉ ở trong thơ, Hai Lúa lại vác xác đến văn phòng mà lần trước đã đến. Sau khi xếp hàng lãnh số thứ tự và chờ gọi tên. Một anh chàng Mỹ trẻ tuổi niềm nở giúp đỡ. Lấy cái bằng quốc tịch của Hai Lúa chụp hình xong rồi ghi, ghi, chép, chép gì trên cái còm piu tơ chẳng biết, miệng OK. OK. Gút, gút (good) loạn xạ lên. Hai Lúa cũng ra điều am hiểu, thanh kiu, thanh kiu (thank you) ra về mà trong lòng cảm thấy thơi thới nhẹ nhõm.
Nhưng. Lại một cái nhưng bất ngờ khác, sau hơn ba tuần chờ đợi, Hai Lúa lại nhận được một lá thư ở Sở An Sinh Xã Hội gửi về mà lần này cho biết là đơn xin của Hai Lúa bị đì nai (denied) có nghĩa là bị nó “chê”. Ức cành hông, Hai Lúa đích thân dùng hết khả năng vốn liếng tiếng Anh của mình, thêm cuốn tự điển Anh Việt, Việt Anh bên cạnh, nhắc điện thọai lên gọi theo số cho sẵn. Té ra, đơn của Hai Lúa bị đì nai là vì đợi lâu mà không nhận được bằng quốc tịch. Hai Lúa tức quá xổ hết tiếng Anh ra và cho biết rằng là tôi (I) đã đến chỗ lần trước gặp anh Mỹ, đã chụp hình bằng quốc tịch rồi và còn nghe nói là O.K nữa thì tại làm sao mà bảo là tôi không cho xem bổn gốc chớ. Nhưng người phụ trách lần này, một bà người Mỹ gốc Hoa nói tiếng Anh giọng Tàu Chợ Lớn đã nói rằng, chỗ Hai Lúa đến lần đó không phải là chỗ mà bộ phận nhận đơn “on lai” làm việc, do đó cái bằng quốc tịch mà anh bạn Mỹ ấy chụp không thấy chuyển về văn phòng này, thế nên ngày mai Hai Lúa muốn hoàn tất thủ tục thì phải đích thân một lần nữa đến văn phòng theo địa chỉ mới ở Garden Grove để được kiểm chứng và hoàn tất thủ tục. Tức muốn ói máu, nhưng biết sao được, và thế rồi hôm sau lại làm bộ cáo bệnh ở nhà làm cho xong cái Mê-đi-ke. Ôi! Tuổi già bên cái xứ này phiền phức quá!
Đến văn phòng mới, Hai Lúa đã thấy sẵn một hàng người xếp hàng trước mà phần đông là dân Mít ta. Biết là Mít không phải vì có mùi vị mít mà nghe toàn chuyện Hoàng Sa và Trường Sa. Chuyện chế biến thức ăn dổm và có chất độc của mấy anh hàng xóm Trung Cộng hoặc mết in Việt Nam. Đợi đến phiên mình rút số thứ tự, ngồi chờ gọi tên mà thấy hồi hộp muốn chết. Không biết chuyện lần này có xuôi không? Mà thiệt như đã nghĩ, một cháu nhỏ người Việt rất dễ thương sau khi hỏi để trắc nghiệm nào là tên ba, tên má, nơi sinh ở Việt Nam, số an sinh xã hội đúng như giấy tờ mới bắt đầu xem cái bằng quốc tịch của Hai Lúa. Gõ gõ vài cái trên chiếc com píu tờ, cô nói: “Bác ơi! Sao bác không thông báo cho Sở Di Trú biết là bác có bằng quốc tịch? Cháu không thấy hồ sơ quốc tịch của bác trên máy?”
Má tui ơi! Hai Lúa tôi hồi nào tới giờ có nghe ai nói sau khi mình thi đậu bằng quốc tịch rồi phải thưa trình cho sở Di Trú đâu chớ. Thấy mình bí lối, đành xuống nước năn nỉ để cháu nhỏ cập nhật hóa hồ sơ di trú và nhập tịch.
Xong cái màn bằng quốc tịch là cái màn đơn bị từ chối. Cháu nhỏ lại nhìn Hai Lúa và nói: “Bác ơi! Cái đơn xin Mê-đi-ke của bác bị từ chối rồi bây giờ bác phải làm lại từ đầu!” Hả! Sao lại phải làm lại từ đầu. Lại một màn xuống nước năn nỉ. Được cái là cháu nhỏ này lễ phép và biết thương người già, nên vào nói gì với bà xếp rồi ra nói với Hai Lúa: “Thôi! Bác ngồi xuống viết mấy chữ nói là bác đã đến chỗ văn phòng ở Fountain Valley nộp bằng quốc tịch mà người ta không nộp lại. Và bác muốn xin tái xét hồ sơ cũ.” Nói rồi, cháu lại thêm: “Bác phải viết bằng tiếng Anh”. Nghe vậy Hai Lúa bèn phải năn nỉ tiếp: “Cháu ơi! Viết mấy chữ O.K, thank you, sorry, yes, hay no thì bác biết chớ viết bằng ấy chữ chắc bác chết qúa!”. Nghe vậy, cháu nhỏ đã giúp Hai Lúa điền vào chỗ trống ấy. Thú thật, Hai Lúa cũng chẳng biết cháu viết gì nhưng thấy cháu thật thà nên thấy yên bụng.
Kinh nghiệm quên không hỏi tên anh bạn Mỹ lần trước, lần này trước khi về, cẩn thận hơn Hai Lúa nói với cháu nhỏ: “Không phải là bác không tin cháu, nhưng cháu cho bác biết tên cháu để hồi có chuyện bác nói là đã nói chuyện với cháu”. Nghe thảm thương quá, cháu nhỏ cầm bút viết: “Tên cháu là Mít Trần (Ms. Tran)”, rồi như đọc được tâm sự của Hai Lúa, cháu nói tiếp: “Ở đây chỉ có mình cháu là Ms. Trần thôi, bác khỏi lo!”.
Và thế là một tuần sau, Hai Lúa tôi chính thức nhập hàng ngũ những người đang bước xuống chân đồi với cái thẻ Mê-đi-ke.
Giờ đây có nó trong tay mà lòng cảm thấy bồi hồi xúc động. Nửa vui và nửa buồn. Vui vì mình bây giờ đi đâu cũng được gọi là “xơ” (sir). Đi xe bus thì được giảm giá, vào những tiệm như Good Will cũng được giảm giá. Nhiều người ở tuổi này đỡ phải gội đầu vì đầu đã rụng gần hết tóc; đỡ phải đánh răng vì hầu hết mang răng giả. Và nhất là không phải ngày ngày 8 tiếng trả nợ tiền cơm, vác cái thân đến sở làm nơi mùi dầu máy dính tận da thịt, hoặc đến cái sở khét lẹt mùi nước hoa và hơi hướm của mấy chị Mễ, chị Mỹ đen, Mỹ trắng nó ngấm vào tận tới quần áo lót.
Nhưng lại thấy buồn khi nghĩ đến lời bà xã đã có lần hăm he Hai Lúa: “Ráng cày thêm ít năm nữa đi chờ tui nghỉ để cùng nghỉ cho vui, chớ nghỉ sớm phải lo cơm nước nhà cửa cho tui đặng đi làm về có cơm ăn đó nha. Còn nữa, kỳ này mà nghỉ thì ở nhà lo cắt cỏ, dọn dẹp sân nhà thay cho thằng Mễ để đỡ tốn mỗi tháng 50 đô. Cắt tóc cho con chó để mỗi tháng xê được 40 đô. Đỡ được đồng nào hay đồng đó. Ở không làm gì, rãnh rỗi lo đi nhậu với bạn bè là không yên với tui nghen. Còn khuya mới có chuyện đó. ”
Chưa nghỉ hưu mà đã bị chận đầu như vậy ai mà dám nghỉ. Tự ái thằng đàn ông khiến Hai Lúa đây thề có chết cũng không thèm nghỉ. Chết cũng phải chết như tráng sĩ nơi sa tràng, chớ chết ở bếp là hổng có tui. Thôi thì cũng áp lai cái Mê-đi-ke theo luật cho chắc ăn, ngoài ra cũng phải ráng mà cày thêm ít năm nữa chờ bả để cùng nghỉ cho vui. Lúc đó Trời còn cho sống thì nghỉ, mà chết thì nghỉ luôn chớ nghỉ kiểu này mang tiếng đàn ông con trai lắm. Ba tui mà sống lại chắc ông rầy chết. Ôi! Ở cái xứ sở này lao động mới thiệt là vinh quang.
Tiện đây, Hai Lúa cũng xin nhắc nhở với anh chị em ở tuổi cấp sáu bó trở lên là phải cẩn thận với giấy tờ, nhất là các giấy tờ của nhà băng, sở cảnh sát, hãng bảo hiểm, sở kiều lộ và các hóa đơn trả tiền điện, tiền nước, tiền ga… Sơ sót với những thứ này là không xong chuyện mà còn mang họa vào thân. Ít nhất cũng bị phạt đền vì trả muộn hay không trả, hoặc lôi thôi như kinh nghiệm của Hai Lúa vừa rồi nhân cái vụ Mê-đi-ke. Đúng thiệt là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn!”
Hai Lúa
Views: 0