Người thì bảo là tục. Kẻ khác lại cho là thanh. Thanh hay tục thì vẫn chưa ai thoát khỏi cái hệ lụy này, vì Thượng Đế đã sáng tạo và đặt nó vào trong con người. Vậy cho nên từ đời nọ đến đời kia, bất cứ ai hễ sinh ra vào đời đều phải mang lấy lụy này vào thân. Đại nho và nghiêm túc như đại thần Nguyễn Khuyến mà cũng tự diễu mình, diễu người bằng những câu thơ để đời:
“Ban ngày quan lớn như thần,
Ban đêm quan lớn tần mần như ma.
Ban ngày quan lớn như cha,
Ban đêm quan lớn rầy rà như con”.
Cái tần mần và rầy rà ấy đã được nhà thơ Non Côi Sông Vị nói trắng ra là:
“Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được thứ nào hay thứ nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà.”
Vậy còn đàn bà đâu? Trước khi dự Khóa Nazareth, thỉnh thoảng tôi nghe thiên hạ bàn ra tán vào về chuyện này và những hệ lụy của nó. Phần đông ai cũng cho mình là ngon và có “bí kíp”. Nghe radio quảng cáo, truyền hình quảng cáo và mách nước đủ mọi thứ thần dược, tuy nhiên, tôi cũng cho đây là ba cái chuyện dưới rốn không đáng lý tới. Tôi thầm nghĩ, không chừng để tâm suy nghĩ nhiều lại bị tầu hỏa nhập ma thì khốn khổ cả đời.
Nhưng sau khi vấn đề được trình bày có bài bản, nghiêm túc trong Khóa học, cộng thêm kinh nghiệm nghề nghiệp của anh chị Nguyễn Văn Nhuệ-Thu Nhi, tôi bắt đầu suy nghĩ về chuyện này. Tôi cũng nhớ lại Tiến Sỹ Trần Mỹ Duyệt khi nói về những khác biệt tâm sinh lý giữa nam nữ, ông đã đề cập đến những bệnh lý căn bản của cả hai phía đàn ông và đàn bà. Một căn bệnh tâm sinh lý thông thường nhất và đông đàn ông mắc phải là bệnh liệt dương. Ông đã khéo léo ví von hiện tượng này như người đeo chiếc đồng hồ chỉ 6 giờ 30.
Để nghiệm xem những nhận xét và kinh nghiệm trên có thật hay không, tôi đã tìm đọc Masters and Johnson, Hite, và Kinsey những nhà sinh lý học nổi tiếng nước Mỹ và thế giới. Càng đọc, tôi càng thấy đây là chuyện lớn chứ không phải chuyện nhỏ. Vì nó chính là một trong những bí quyết của hạnh phúc hôn nhân.
Tưởng chỉ phía mày râu mới có vấn đề và mới có nhu cầu, ai dè phe kẹp tóc cũng có những nhu cầu không kém. Câu chuyện vô tình tôi nghe được qua cuộc đàm thoại giữa Hoàng Lan và người bạn gái nào đó bên kia đầu giây đã làm tôi hết sức sửng sốt. Tôi không nghe người bạn gái ấy nói gì, nhưng những gì bà xã tôi nói với người bạn đó thì tôi nghe rất rõ:
“Bồ phải thành thật nói cho ông xã bồ biết, và nếu có bệnh thì phải nhận mình có bệnh. Chối bỏ, trốn tránh sự thật, và mặc cảm rồi chối bỏ sự thật không phải là cách giải quyết vấn đề. Nó sẽ không giúp gì cho hạnh phúc hôn nhân của bồ. Bồ nghĩ coi, bồ có nhan sắc. Bồ còn trẻ. Liệu bồ có can đảm chấp nhận dồn nén nó trong lòng suốt đời không, hay một lúc nào đó vì yếu lòng bồ phạm tội ngoại tình làm tan vỡ gia đình gây đau khổ cho con cái, lúc đó tội bồ cũng đâu kém gì tội ông xã bồ. Một người bạn mình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như bồ. Mình đã khuyên chị ta nên thẳng thắn nới với chồng, nhưng chị ấy không nghe sợ rằng chồng chị chê là dâm đãng, lăng loàn. Chị cũng cắn răng chấp nhận, nhưng nay thì đã hết chịu nổi rồi, và đã bỏ ông chồng cố chấp đi với người mới.”
Chuyện giữa hai người bạn gái đang còn làm tôi choáng váng, hôm sau mấy thằng bạn cũ đem theo vợ ghé chơi thăm chúng tôi, anh em có dịp ngồi lại nhâm nhi và tán dóc. Phe đàn ông chúng tôi bàn về vụ Trường Sa, Hoàng Sa rất sôi nổi, bỗng nhiên một thằng rượu vào lời ra, tự nhiên buột miệng than thở:
– Tao chán lắm. Bực lắm. Thèm lắm. Và cũng nhục nhã lắm!
– Chuyện gì mà lắm với lắm nhiều thế cha nội?
– Thì cái chuyện ấy ấy. Mẹ kiếp, có vợ đẹp mà không làm ăn được gì nhiều lúc tức đến điên lên được! Nhục không chịu được! Chúng mày nhìn tao xem có giống thằng hèn không?!!
Tưởng vậy rồi qua vì đó là rượu nói, ai ngờ một thằng khác trước giờ coi bộ nghiêm trang và hiền lành nhất đám cũng lên tiếng phụ họa:
– Ông thì cũng như tôi thôi. Ba thứ rượu ông uống bà khen hay tôi nốc cả hàng chục lít mà trên bảo dưới vẫn không nghe.
May mắn chuyện đến đây bỗng dưng chuyển hướng, nếu không mấy bà ngồi bàn bên cạnh nghe được chắc tôi bị cạo đầu.
Như vậy là nữ cũng có mà nam cũng có. Đàn ông cũng như đàn bà tuy nói ra hay không nói ra vấn đề này vẫn là một vấn đề hết sức quan trọng đối với hạnh phúc lứa đôi.
Chuyện mấy thằng bạn cộng thêm những gì tôi đọc và học hỏi trong khóa càng khiến cho tôi suy nghĩ, theo Sigmund Freud, thì đó là ẩn ức, là dồn nén ở trong lòng. Tôi đã khám phá ra một vài điều liên quan đến nguyên nhân làm cho nhiều chiếc đồng hồ chỉ 6:30. Những điều này bao gồm:
Nguyên nhân bệnh lý: Những cụ mang các chứng bệnh sau đây cần phải lưu ý, vì những căn bệnh này trực tiếp ảnh hưởng đến đồng hồ của quí cụ:
Đau tim.
Yếu thận.
Cao máu.
Tiểu đường.
Quí cụ cần thường xuyên theo dõi với bác sĩ, và nếu cần phải thay đổi thuốc, đặc biệt là thuốc tiểu đường. Nếu có thời giờ rảnh rỗi thay vì nằm một đống mà nguyền rủa đời, hãy đứng dậy khua chân, múa tay thể thao, thể dục một vài cái. Theo lời mấy bác sỹ, máu huyết lưu thông cũng giúp cho đồng hồ các cụ chạy tốt.
Ngoài ra, cụ nào nghiện rượu và nghiện thuốc (thuốc lá, xì ke, ma túy) cũng là những lý do làm đứt giây thiều đồng hồ của nhiều cụ. “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, nhưng gió nhiều sẽ làm rách cờ!
Nguyên nhân tâm lý: Những nguyên nhân tâm lý sau đây rất ảnh hưởng đến đồng hồ qúi cụ đeo. Gọi là tâm lý vì chúng không tùy thuộc vào sức khỏe thể lý, nhưng trực tiếp liên quan đến cách thức giao tiếp, cung cách cư xử và đối đãi giữa quí cụ và cụ bà nhà. Nó có thể khiến các cụ bà treo giò, hoặc cất bằng lái của quí cụ.
Trầm cảm: Nguyên nhân tâm lý lớn nhất, độc hại nhất đó là chứng trầm cảm (depression). Bực tức, buồn chán, thất vọng, bồi hồi, xúc động, mất ngủ… chính là những nguyên nhân khiến đồng hồ mau hết pin và đứt giây thiều.
Ngoài ra, thái độ vồ vập, ngấu nghiến, hấp tấp vội vàng cũng là một trong những lý do tâm lý làm cho đồng hồ quí cụ chạy bất thường.
Đa mê cờ bạc: “Cờ bạc là bác thằng bần. Nhà cửa bán hết cho chân vào cùm”. Ai cũng biết chuyện này, nhưng khổ nỗi 100 ông cờ bạc thì cũng đúng 100 ông chối, hoặc cùng lắm là chỉ chơi cho vui thôi. Ngoài việc tù tội ra, đam mê cờ bạc còn ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng hoạt động của đồng hồ nhiều cụ. Thua bạc, nằm thở hắt ra, bực tức, khó chịu thì còn làm ăn được gì?…
Đi sớm về khuya: Cái tật này khiến tạo sự nghi ngờ, lạnh nhạt và làm cho cụ bà lên cơn sốt quay lưng sang chỗ khác ngủ.
Lôi thôi, bê bối: Tâm lý đàn bà cho biết họ rất ghét và ngại nằm bên một người đàn ông bê bối, có ngoại hình dơ dáy, bẩn thỉu. Đàn bà cũng như đàn ông trước khi lên giường ngủ cũng cần sửa sang, đẹp đẽ, và thơm tho một chút.
Cộc cằn thô lỗ: Đây là lời ăn tiếng nói và cách thức đối đãi với vợ. Hoàng Tửu tôi khi đọc đến đây bỗng nhớ đến bài học của anh chị Nhuệ-Thu Nhi về vốn liếng đầu tư xa và đầu tư gần. Ban ngày chửi bới, thô lỗ, ban đêm ái ân âu yếm chuyện này xẩy ra coi bộ hơi lạ, hơi bệnh hoạn. Coi chừng các cụ bị đưa ra tòa về tội cưỡng bức và khủng bố tình dục cụ bà là ngồi tù như chơi.
Lười biếng và vô trách nhiệm: Điều này cũng là điều làm cho cụ bà nhà không vui khi nghĩ đến chuyện ấy. Bạn nghĩ xem công ăn việc làm chồng chất. Thất nghiệp ở nhà nằm dài không lo đi tìm job. Con cái bỏ bê không dậy dỗ thì làm sao cụ bà thấy an tâm và hạnh phúc mà bật đèn xanh.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Trong khi tìm kiếm những lý do đưa đến việc các chiếc đồng hồ chỉ 6:30 từ phía đàn ông, Hoàng Tửu tôi cũng tìm kiếm lý do về phía các cụ bà thường gây ra và ảnh hưởng đến các cụ ông:
Mè nheo, lèo bèo: Đây là cái bệnh muôn thuở của phái nữ. Các nhà tâm lý khuyên không nên mang theo nó lên giường. Cụ bà nào mang theo mấy món này lên giường dễ làm cho cụ ông cụt hứng.
Lắm miệng, nhiều lời: Cũng là căn bệnh truyền nhiễm và gia truyền đối với quí cụ bà. Cãi vã suốt ngày tự nhiên đêm về thấy “mệt” rồi từ chối. Tự mình làm khổ mình, và làm khổ lây người nằm bên cạnh.
Ghen ghét, giận hờn: Khỏi nói, đây là lý do chính tạo những bất bình và căng thẳng trong tương quan vợ chồng. Cụ bà sẽ không sẵn sàng với cụ ông khi trong đầu mình có bóng hình một người đàn bà hay người đàn ông khác. Mà ghen tương, giận hờn là cớ cho những bóng hình ấy nhập tâm dù có thật hay không có thật.
Nhan sắc: Cũng như mọi người đàn ông khác, cụ ông muốn cụ bà thơm tho, và lãng mạn một chút ở trên giường. Đầu tóc bù xù, thân thể hôi hám, cộng thêm cái mặt “hình sự”, thì chỉ cần nhìn thấy, cụ ông đã “teo bu di” rồi. Tóm lại, thanh sắc, một lời nói nhỏ nhẹ, một nụ cười hiền hòa, cộng thêm tấm thân thơm tho ngà ngọc, cụ ông nào nhìn mà không “khoái”, bảo đảm cụ ông ấy có vấn đề. Một là đạo đức giả, hai là đã ăn vụng, ba là ngớ ngẩn, và bốn là đồng hồ bị đứt giây thiều.
Lãnh cảm: Đây là căn bệnh nguy hiểm nhất về sinh lý của phía phụ nữ. Nhiều cụ bà hồi đầu chỉ là giận dỗi, khó chịu với cụ ông nhưng không ngờ căn bệnh dần dần trở thành kinh niên, và cũng như quí cụ ông, cái đồng hồ của cụ bà cũng “teo” luôn và trở thành lạnh lùng, gây đau khổ cho cụ ông.
Đồng hồ chỉ 6:30. Đây chẳng phải lỗi riêng của chồng mà cũng chẳng phải lỗi riêng của vợ, nhưng tại cả đôi bên. Khổ nỗi, khi chuyện này xảy ra thì ai cũng lo bào chữa và đổ lỗi cho nhau. Lại thêm cái tội mặt mũi, danh dự nên tình trạng lại càng trở nên thê thảm. Có thể nói bệnh đồng hồ 6:30 cũng như bệnh tiểu đường, bệnh cao áp huyết. Nó giết chết tình yêu, tình cảm vợ chồng một cách từ từ, tiềm ẩn mà không cho biết trước.
Tóm lại, nếu đồng hồ bạn hết pin, đứt giây thiều, bạn và cả vợ bạn phải tìm cách chạy chữa. Tốt hơn có sự tiếp tay của người vợ. Của quí là của trời ban, càng antique càng tốt, khác với những món hàng made in China tuy đẹp nhưng là đồ giả. Tuy nhiên xin mách nhỏ các bạn, nếu ai muốn tìm đúng thầy, đúng thuốc hãy tham dự một Khóa Nazareth. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm gặp chủ nhân tiệm đồng hồ “Như Ý”, sửa chữa chuyên nghiệp, chữa đâu đúng đó là anh chị Nguyễn Văn Nhuệ-Thu Nhi, bảo đảm sẽ không bị tiền mất tật mang.
Views: 0