Những người “không thích” giáo hội Công Giáo thường hay viện cớ này hay lẽ khác để làm hậu thuẫn cho những chỉ trích của họ. Có người “phê bình” giáo hội về đường hướng chính trị, người khác “chỉ trích” giáo hội về hệ thống tổ chức, người khác nữa có thể “kết án” giáo hội về một hay nhiều giáo huấn mà xét ra “đụng chạm” đến lối sống của họ. Thí dụ như người đã từng li dị, tái hôn nhiều lần thì không thể nào “ưa” giáo hội về các giáo huấn luân lý. Những người này, dù sao giáo hội vẫn tương đối có thể nghiêm chỉnh “đối thoại” với họ.
Nhưng còn một nhóm người khác, những người tự xưng là Kitô hữu (Christians) mà người Công Giáo gọi họ là Tin Lành (Protestants), nhưng hình như họ chỉ có một mục đích chính là triệt hạ giáo hội Công Giáo. Họ dùng đủ mọi cách, nhất là các phương tiện truyền thông, để làm giảm uy tín của giáo hội. Sự tấn công của họ nhằm vào GHCG có tính cách trường kỳ, hết thời này đến thời khác, hết thế hệ này qua thế hệ khác. Họ dùng Kinh Thánh, dùng Truyền Thống, dùng những dữ kiện lịch sử – thường là đã bị bóp méo hoặc không thể kiểm chứng – để tấn công giáo hội. Ðối với họ, giáo hội phải “đối thoại” trong mức độ và phương thế phù hợp trước những tấn công đó. Những người này thuộc nhiều giáo phái khác nhau, nhưng đa số thuộc về nhóm mà người ta có thể gọi thành một tên chung là Fundamentalists tạm dịch là “Tin Lành cực đoan” hay “Tin Lành quá khích.”
Một trong những giáo huấn của GHCG thường xuyên bị các nhóm Tin Lành qúa khích (TLQK) dùng để tấn công giáo hội là các tín điều và tín lý về Ðức Mẹ. Chúng ta thử xét qua những tín điều và tín lý đó để xem họ đã dùng phương thế nào để tấn công giáo hội đồng thời duyệt qua những giáo huấn chân chính của giáo hội về các vấn đề này.
TÍN ÐIỀU VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Người TLQK luận rằng Ðức Mẹ chỉ là loài thụ tạo, như tất cả những thụ tạo khác, mà tất cả loài người đều vướng tội (all have sinned. Rome 3:23); hơn nữa chính Ðức Mẹ đã xưng “linh hồn tôi vui sướng trong Thiên Chúa Ðấng Cứu Ðộ tôi” (Lk 1:47); chỉ có những kẻ có tội mới cần Ðấng Cứu Rỗi; như vậy Ðức Mẹ phải là kẻ có tội và không thể “vô nhiễm nguyên tội được.”
Giải thích cho phần thứ hai trước, giáo hội dạy rằng chính Ðức Mẹ cũng cần có Ðấng Cứu Ðộ. Cũng như tất cả con cháu của Adam và Eve, trong bản tính, Mẹ cũng phải chịu sự cần thiết của việc nhiễm nguyên tội. Nhưng bằng một sự can thiệp đặc biệt của Chúa, xảy ra ngay tại giây phút Mẹ được thành thai, Mẹ đã được bảo toàn khỏi sự vương nhiễm của nguyên tội và những hậu qủa của tội đó. Như vậy chính Mẹ đã được cứu chuộc bởi hồng ân của Ðức Kitô, nhưng bằng một cách đặc biệt, bằng sự hưởng trước (anticipation). Vì vậy tín điều vô nhiễm nguyên tội đã không đi ngược lại với phúc âm của thánh Luca, (Lk 1:47.)
Về thư thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Roma, “mọi người đều phạm tội” (Romans 3:23); người TLQK cho rằng điều này có nghĩa nhiều hơn việc vương tội nguyên tổ, nhưng còn là tội mà tất cả mọi người thực sự mắc phải. Họ kết luận rằng Ðức Mẹ cũng nhất định đã phạm tội trong cuộc đời của Mẹ và như vậy đi ngược lại với việc vô nhiễm nguyên tội. Không hẳn như vậy, một đứa trẻ trước tuổi biết suy nghĩ chín chắn, theo định nghĩa, không thể phạm tội, vì để thành tội, người ta phải có khả năng suy luận, khả năng tự quyết định phạm tội.
Thư của thánh Phaolô có thể mang một trong hai ý nghĩa: Thứ nhất, không nói đến tuyệt đối tất cả mọi người, nhưng chỉ là đại đa số nhân loại; ngoại trừ những trẻ con và các trường hợp đặc biệt như Ðức Mẹ. Nếu không, thứ hai, đoạn thơ chỉ mang ý nghĩa tất cả mọi người đều phạm tội nguyên tổ mà thôi, kể cả trẻ thơ và Ðức Mẹ. Nhưng Mẹ đã được ơn đặc biệt không vương tội ấy như đã nói ở trên.
Những người TLQK còn trưng câu kế, theo lời của Ðức Mẹ: “Người đã đoái thương đến nữ tỳ hèn mọn – lowly servant – của Ngài.” (Lk 1:48); nếu Mẹ tự nhận là “hèn mọn” thì phải chăng chính Mẹ cũng đã phạm tội? Không phải, vì tội không phải chỉ là động lực duy nhất cho sự “hèn mọn”; đối với Chúa, mọi loài thụ tạo, dù có hoàn hảo đến đâu chăng nữa, đều hèn mọn.
Tín điều Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội đã được ÐGH Piô IX công bố năm 1854, không phải là một “phát minh” của giáo hội, cũng không phải vì người ta đã nghi ngờ về tín lý này, nhưng là để mọi người biết tôn sùng Ðức Mẹ nhiều hơn.
TÍN ÐIỀU HỒN XÁC LÊN TRỜI
Người Tin Lành qúa khích nói rằng chẳng có đoạn Kinh Thánh nào nói về Ðức Mẹ hồn xác lên trời cả. Họ còn nói thêm, người công giáo cho rằng Ðức Mẹ đã không chết! Nhưng họ đã lầm, vì giáo huấn Công Giáo đã dạy, hay ít nhất ngầm dạy, rằng Ðức Mẹ đã chết. Năm 1950, ÐGH Piô XII công bố Ðức Maria, “sau khi đã hoàn tất cuộc đời của Mẹ trên cõi thế đã được đưa cả xác và hồn vào vinh quang nước Trời.” Nói cách khác, xác của Mẹ đã không bị hư đi và không còn ở trong mồ nữa.
Cũng cần phân biệt giữa sự “thăng thiên” của Chúa Kitô và sự “hồn xác lên trời” của Ðức Mẹ. Ðức Kitô đã tự mình (ascended) lên trời, còn Ðức Mẹ được đưa (assumed) lên trời bằng quyền năng của Chúa.
Thực sự Kinh Thánh đã không trực tiếp nói đến việc Ðức Mẹ hồn xác lên trời, nhưng việc xác người đã qua đời được đưa về trời trước ngày Chúa giáng lâm lần thứ hai đã không bị loại trừ trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Côrintô (I Corinthians 15:23) “Nhưng ai theo thứ tự nấy, trước tiên là Ðức Kitô, rồi đến những kẻ thuộc về Ngài trong ngày giáng lâm.” Phúc âm của thánh Matthew còn nói rõ hơn (27:52-53): “Mồ mả mở tung ra và xác của nhiều thánh đã yên nghỉ được sống lại. Họ ra khỏi mồ, sau khi Ngài sống lại, mà vào thành thánh và đã hiện ra cho nhiều người.”
Một nhận xét thông thường khác, các tín hữu thuở ban đầu của giáo hội luôn luôn gìn giữ những di thể của các thánh, nhất là những vị tử đạo hoặc nổi tiếng, kể từ thánh Phêrô trở xuống, nhưng không ai nhắc đến chuyện có người hay có nơi còn giữ được xương của Ðức Mẹ! Vì Ðức Mẹ đã hồn xác về trời.
ÐGH Piô XII dạy rằng việc Ðức Mẹ hồn xác lên trời thực sự là hậu qủa của sự vô nhiễm nguyên tội. “Hai ơn đặc biệt này ban cho Mẹ Thiên Chúa đứng riêng trong ánh sáng huy hoàng nhất tại lúc khởi đầu và khi kết thúc cuộc lữ hành của Mẹ.”
Nhưng người TLQK vẫn muốn vặn thêm, họ hỏi rằng nếu Ðức Maria vô nhiễm nguyên tội, và nếu cái chết là hậu qủa của sự tội thì tại sao Bà phải chết? Thưa rằng mặc dù Ðức Mẹ hoàn toàn vô tội và chẳng bao giờ phạm điều lầm lỗi nào, nhưng Mẹ vẫn chấp nhận cái chết để được hợp nhất với Ðức Kitô. Nên nhớ rằng chính Chúa Kitô cũng có thể không phải chết mà không ảnh huởng gì đến chương trình cứu chuộc của Ngài, chỉ cần Ngài “muốn” là mọi việc đều hoàn tất. Nhưng Ngài đã CHỌN cái chết. Ðức Maria đã tự hợp nhất với công việc của Chúa Kitô, cả cuộc đời của Mẹ là một sự hợp tác với chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, qua lời “Xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài” (Lk 1:38). Thực ra sự hợp tác này đã bắt đầu từ khởi thủy của cuộc đời Mẹ.
Ðức Mẹ chấp nhận cái chết như Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết, Mẹ cũng đau khổ (Lk 2:35) để hợp nhất với sự đau khổ của Chúa Giêsu. Trong sự hợp nhất đó, Mẹ cũng chia sẻ với vinh quang của Ngài, chia sẻ với sự phục sinh của Ngài qua việc được cất lên trời cả hồn lẫn xác, cùng một cách như những người lành được lên trời trong ngày sau hết.
TÍN ÐIỀU MẸ THIÊN CHÚA
Người Tin Lành qúa khích đặt câu hỏi rằng họ thường nghe người Công Giáo gọi Ðức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, làm sao Thiên Chúa lại có mẹ được? Như vậy có nghĩa Ðức Maria già hơn Thiên Chúa sao? Khi nghe câu hỏi như vậy, người Công Giáo có thể phì cười, nhưng xem ra họ rất nghiêm chỉnh trong câu hỏi. Tuy nhiên, chưa hẳn họ sẽ đương nhiên chấp nhận Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa mặc dù người Công Giáo đã cho họ câu trả lời thỏa đáng.
Mục tiêu chính trong sự đối kháng của họ là câu “Mẹ Thiên Chúa” (hay Ðấng cưu mang Thiên Chúa, Theotokos), họ cho rằng nói như thế là đưa Ðức Maria lên qúa cao! Vì vậy họ rất dễ lọt vào tà thuyết của Nestorius. Ông này cho rằng sự kết hợp giữa hai bản tính của Ðức Kitô chỉ là sự kết hợp luân lý của hai ngôi vị khác biệt, Ngôi Hai Thiên Chúa và con người Giêsu. Người TLQK cho rằng Ðức Mẹ chỉ là mẹ của Ðức Kitô trong nhân tính của Ngài mà thôi chứ không phải là mẹ của cả thiên tính của Ngài.
Ðiều này không đúng, thử hỏi có phải các bà mẹ của những người này chỉ là mẹ của nhân tính của họ mà thôi chăng? Thưa không, vì các bà đã là mẹ của họ cách toàn diện, những con người đã được thụ thai và sinh ra đời. Con người nào đã được sinh ra bởi Ðức Maria? Đó là một Ngôi Vị thánh chứ không phải là một con người tầm thường ở dương thế – nhưng Ngôi Vị thánh đó nhận lấy bản tính loài người.- Ðấng sinh bởi Ðức Maria “sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lk 1:35). Họ không biết rằng sự kết hợp giữa hai bản tính của Ðức Kitô là sự kết hợp bản thể (hypostasis). Thực ra, đa số trong họ đã không biết hết ý nghĩa của chữ này.
MARIA ÐẤNG TRUNG GIAN
Người Tin Lành qúa khích cho rằng người Công Giáo đã xếp Ðức Maria ngang hàng với Ðức Kitô khi gọi Ngài là Ðấng Trung Gian (Mediatrix) của mọi ơn thánh, vì chỉ có Ðức Kitô là Ðấng trung gian duy nhất giữa con người và Thiên Chúa.
Khi giải thích về câu “Tôi muốn nói rằng Thiên Chúa, trong Ðức Kitô, đã hoà giải thế gian với chính mình, không còn buộc tội của họ, và trao cho chúng ta sứ mạng loan báo ơn giảng hòa.” (II Côrintô 5:19), thánh Thomas Aquinas (Tôma Aquinô) đã viết rằng: “Chỉ một mình Ðức Kitô là Ðấng trung gian hoàn hảo nhất giữa Thiên Chúa và con người, qua cái chết của Ngài, Ngài đã giải hòa nhân loại với Thiên Chúa… Tuy nhiên, không có gì ngăn trở trong việc một số người khác cũng được gọi là đấng trung gian, trong một vài trường hợp, giữa Thiên Chúa và con người, một khi họ hợp tác trong việc kết hiệp con người và Thiên Chúa trong cách chỉnh đốn hay mục vụ.” (1) Chính chúng ta cũng có thể là người “trung gian” khi chúng ta cầu nguyện cùng Chúa cho người khác, điều mà chính những người TLQK cũng thường làm. Ðiều này không đi ngược với việc Ðức Kitô là Ðấng Trung Gian hoàn hảo nhất, vì tất cả những nỗ lực của chúng ta đều hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài.
Ðức Maria chia sẻ sự trung gian của Chúa Kitô. Vị thế của Mẹ trong việc trung gian có thể giải thích trong hai ý nghĩa: Thứ nhất, Mẹ đã trao cho thế gian Ðấng Cứu Thế, nguồn mạch của mọi ơn sủng, trong ý nghĩa này Mẹ đã là máng chuyển mọi ơn thiêng. Thứ hai, Ðức Maria là Ðấng Trung Gian của mọi ơn sủng qua lời bầu cử của Mẹ trên thiên đàng. Tuy nhiên, chúng ta không thể kết luận rằng chúng ta có bổn phận phải cầu xin mọi ơn Chúa qua Mẹ hoặc lời cầu bầu của Mẹ tự bản chất cần thiết cho mọi ơn sủng. Nhưng qua Thánh ý của Chúa, không ai được ơn sủng, nếu không có sự hợp tác của Mẹ. Các nhà thần học dùng Phúc Âm thánh Gioan, “Này là con Mẹ, này là Mẹ con” (Jn. 19:26), theo đó, thánh Gioan đại diện cho cả nhân loại, thì Mẹ là Mẹ thiêng liêng của cả thế gian.
ÐỨC MARIA TRỌN ÐỜI ÐỒNG TRINH
Đa số người Tin Lành chỉ tin rằng Ðức Maria đồng trinh đến khi sinh Ðức Giêsu, sau đó Bà có thêm con với thánh Giuse. Họ viện dẫn những đoạn Kinh Thánh như Mt. 12:46; Mk. 6:3; Jn. 7:5; Acts 1:14; và I Cor. 9:5.
Trước tiên, người ta cần ghi nhận rằng tiếng “anh em” có ý nghĩa rất rộng trong Kinh Thánh. Không phải chỉ là anh em ruột, anh em cùng mẹ khác cha hay cùng cha khác mẹ. Tiếng “chị em” và “đồng bào” (brethren) cũng vậy. Ông Lot được diễn tả là “anh em” của ông Abraham (Gen. 14:14), nhưng thực ra ông là cháu của ông Abraham (Gen. 11:26-28). Ông Jacob đã có lần được gọi là “anh em” của ông Laban, nhưng ông Laban thực sự là cậu của ông Jacob (Gen. 29:15). Ông Cis và ông Eleazar là hai anh em ruột; Cis có con trai, Eleazar chỉ có con gái, và họ đã lấy nhau, gọi là “đồng bào” nhưng thực ra họ phải gọi nhau là “bà con” hay “anh em họ” mới đúng (I Chron. 23:21-22).
Mặt khác những tiếng “anh em, chị em, đồng bào” đôi khi còn ám chỉ những người bà con đã xa như trong (Dt. 23:7; Esd. 5:7; Jer. 34:9). Ở chỗ khác, chúng còn ám chỉ những người chẳng có họ hàng gì với nhau cả như trong (2 Sam. 1:26; I Kings 9:13; 20:32).
Nguyên nhân của sự “nhức đầu” này là vì hai ngôn ngữ Do Thái (Hebrew) và Aram, mà Chúa Giêsu và các môn đệ đã dùng, không có tiếng “bà con” (cousin). Khi cần thiết, họ phải nói rõ, thí dụ: “Con trai của em gái của cha tôi” (circumlocution). Do đó, khi không cần thiết họ đã dùng tiếng “anh em” cho đơn giản.
Các tác gỉa Tân Ước đã lớn lên trong ngôn ngữ Aram, dùng tiếng tương đương của chữ “đồng bào” cho cả bà con và anh em ruột thịt. Khi họ viết Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp (Greek), họ đã làm cùng một điều như các dịch gỉa của bản Septuagint đã làm. Trong bản Septuagint, chữ Do Thái ám chỉ anh em và họ hàng được phiên dịch là “adelphos,” tiếng này chỉ đơn thuần mang ý nghĩa anh em! Chữ Hy Lạp đã có tiếng khác để ám chỉ bà con, “anepsios,” nhưng các dịch gỉa bản Septuagint lại hay dùng tiếng adelphos hơn. Dù sao, nhìn vào toàn bộ các đoạn văn trong Kinh Thánh, thật khó mà có thể kết luận rằng Ðức Maria đã có thêm những người con khác.
Ở buổi truyền tin, Mẹ đã hỏi thiên sứ Gabriel “Chuyện này xảy ra làm sao được, vì tôi không biết đến nam nhân?” (Lk. 1:34). Những diễn dịch cổ thời nhất đã đồng ý rằng sở dĩ Ðức Mẹ hỏi thiên sứ câu đó là vì Mẹ đã hứa giữ lòng đồng trinh, ngay cả khi đã lập gia đình. Ðiều này có vẻ nghịch lý, nhưng lại thường xảy ra trong thời đại đó. Nhiều đôi nam nữ trước khi kết hôn đã cùng nguyện sống “đồng trinh” với nhau trong một thời gian, hay có khi suốt đời.
Trong đoạn Kinh Thánh nói về việc Chúa ở lại trong đền thờ, khi Ngài được 12 tuổi. Ðã không thấy nhắc đến những “người con khác” trong gia đình. Dân chúng ở Nazareth đã gọi Chúa Giêsu là “con trai bà Maria” (Mk. 6:3), chứ họ không nói “một trong những người con trai của bà Maria.” Cách diễn tả ấy trong tiếng Hy Lạp ám chỉ Ngài là con một của Ðức Maria. Phúc âm đã chẳng bao giờ nói đến “những người con trai khác của Ðức Maria,” ngay cả lúc họ được gọi là “đồng bào” của Chúa Giêsu.
Theo phong tục và cách diễn tả vào thời ấy, “đồng bào của Chúa Giêsu” được ám chỉ những người lớn tuổi hơn Ngài, vì họ đã “khuyên bảo” Chúa nên đến Jerusalem (Jn. 7:3-4). Nếu họ là những người lớn tuổi hơn Chúa Giêsu, thì làm sao có thể là anh em ruột của Ngài được, vì Ðức Giêsu là “con trai đầu lòng” của Ðức Mẹ?
Khi bị căng mình trên thập gía, Chúa Giêsu đã trối Ðức Mẹ cho thánh Gioan và thánh Gioan cho Ðức Mẹ (Jn. 19:26-27). Không một lời nào cho những người “bà con” như James, Joseph, Simon, và Jude. Nếu qủa thật những người đó là anh em ruột với Ngài thì thật là khó hiểu qua thái độ của Ngài. Nói cách khác, họ không phải là anh em ruột của Ngài.
Về những người “bà con” kể tên bên trên của Chúa Giêsu, nếu đối chiếu Phúc Âm của các thánh Matthêô (Mt. 27:56); Macô (Mk. 15:40; và Gioan (Jn. 19:25) tại chân thánh gía của Ngài, người ta sẽ thấy bà Maria Salome mẹ của hai thánh tông đồ James và John phải là vợ của ông Cleophas (còn gọi là Zebedee.) Nhưng ở Mt. 10:3 lại nói rằng James là con của ông Alphaeus! Như vậy, thứ nhất, bà mẹ của James có thể là vợ của cả hai ông Cleophas và Alphaeus (góa với ông trước rồi tái hôn với ông sau). Thứ hai, gỉa thuyết này có lẽ đúng hơn, ông Alphaeus đã đổi tên Do Thái của ông sang tên Hy Lạp (Clopas) như trường hợp thánh Phaolô đã đổi tên từ Saul thành Paul.
Người Tin Lành qúa khích lý luận trên câu Kinh Thánh: “Và ông đã không ăn ở vợ chồng với bà cho đến khi bà sinh con trai đầu lòng.” (Mt. 1:25). Họ nói rằng chữ “cho đến khi” đã nói lên rằng sau đó ông bà đã “ăn ở vợ chồng” với nhau và có thêm nhiều con cái nữa. Kế đến, chữ “con trai đầu lòng” cũng cho thấy còn “con trai thứ” nữa chứ?
Vấn đề ở đây là họ đã hiểu đoạn văn trên theo ý nghĩ của người thời nay, chứ không phải ý nghĩa chính mà tác gỉa Tin Mừng muốn diễn tả từ gần hai ngàn năm về trước. Trong những đoạn Kinh Thánh khác như II Sam. 6:23; Gen. 8:7; I Mac. 5:54; và Dt. 34:6 các tác gỉa cũng dùng những chữ “cho đến khi,” nhưng họ chỉ muốn nói rằng một sự kiện đã không xảy ra cho tới một thời gian nhất định, chứ không nhất quyết sự kiện ấy phải xảy ra sau đó.
Chẳng có sự chắc chắn nào về ý nghĩa của những chữ “cho đến khi” trong đoạn Phúc âm của thánh Gioan (Jn. 1:25) như người TLQK muốn áp đặt. Thứ hai, những chữ “con trai đầu lòng” được người Do Thái thời bấy giờ dùng để ám chỉ người con đã mở cung lòng của mẹ, như trong Ex. 13:2; Nb. 3:12, hoặc sẽ được thánh hóa (Ex. 34:20). Người ta không phải đợi đến khi có con trai thứ mới gọi người con cả là đầu lòng, họ luôn luôn gọi người con trai được sinh ra đầu tiên là đầu lòng, dù có con kế hay không.
Những bản văn của các Kitô hữu trong thời sơ khai của giáo hội cho thấy sự trọn đời đồng trinh của Ðức Mẹ đã được ghi nhận, minh chứng, và bảo vệ trong suốt lịch sử của giáo hội. Thí dụ như cuộc tranh luận trong cùng đề tài giữa thánh Jerome và Helvidius. Những văn bản của các thánh Ignatius, Polycarp, Irenaeus và Justin Martyr đều tuyên xưng Đức Mẹ là “Nữ Trinh trọn đời.”
TÓM LẠI
Có hai lý do chính khiến người Tin Lành qúa khích muốn đả phá sự trinh nguyên trọn đời của Ðức Mẹ. Thứ nhất, họ “không thích” sự độc thân của các LM, Tu Sĩ Công Giáo. Sự hi sinh đời sống gia đình để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân vẫn luôn cụ thể và được người đời quí trọng. Trong khi đó, họ không có sự hi sinh này vì hầu hết họ đều có gia đình. Ðánh đổ niềm tin vào sự trinh nguyên của Ðức Mẹ, họ hi vọng rằng sự độc thân của LM, Tu Sĩ cũng mất đi ý nghĩa.
Thứ hai, đối với các tín hữu Công Giáo, Ðức Mẹ chắc chắn phải khác hơn mọi người nữ, Mẹ đáng được tôn kính cách đặc biệt. Mặc dù chúng ta không nên (và không được) tôn thờ (Latria) Đức Mẹ, nhưng sự tôn kính đặc biệt đối với Ðức Mẹ (Hyperdulia) phải cao hơn sự tôn kính các thánh khác. Nhưng người Tin Lành qúa khích vẫn muốn chứng minh rằng Ðức Mẹ cũng chẳng khác gì những người nữ của mọi thời đại qua việc có thêm con cái. Nếu họ thành công trong điều này thì các tín điều và tín lý của Công Giáo về Ðức Mẹ sẽ trở thành phi lý.
Người Công Giáo TIN và SỐNG những niềm tin nêu trên, bởi vì Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là Ðấng Trinh Thai, là Ðấng Vô Nhiễm, là Ðấng được Thiên Chúa đưa cả hồn xác về trời, đồng thời là Ðấng Trung Gian, là Máng chuyển mọi ơn thiêng của Ngài.
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng7/18/2011
Views: 0