Uncategorized

Dư âm Đại Hội IV Phó Tế Việt Nam tại Houston, Texas

Đại Hội Phó Tế Việt Nam kỳ IV được tổ chức từ chiều Thứ Sáu, 30 tháng 6 và kết thúc vào chiều Chúa Nhật, 3 tháng 7 năm 2011 tại Houston, Texas đã mang lại những kết quả thật lớn lao ngoài mơ ước của Ban Tổ Chức và thành phần Phó Tế tham dự.

 

Đại Hội Phó Tế Việt Nam kỳ IV được tổ chức từ chiều Thứ Sáu, 30 tháng 6 và kết thúc vào chiều Chúa Nhật, 3 tháng 7 năm 2011 tại Houston, Texas đã mang lại những kết quả thật lớn lao ngoài mơ ước của Ban Tổ Chức và thành phần Phó Tế tham dự.

 

Thành phần tham dự Đại Hội gồm 40 phó tế và 28 phu nhân đã về từ nhiều tiểu bang. Mục đích Đại Hội là để cùng hồi tâm, cầu nguyện, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và bầu lại Ban Đại Diện nhiệm kỳ 2011-2015. Đại Hội đã chọn bầu Phó Tế Nguyễn Kim Khánh làm Chủ Tịch cho 4 năm kế tiếp.

 

Với tư cách một tham dự viên danh dự và là một diễn giả, tôi muốn ghi lại vài cảm nghĩ riêng tư về Đại Hội nhằm chia sẻ những thách đố cũng như hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho các phó tế và gia đình của quí vị. Cũng có thể coi đây là một kinh nghiệm chân thành cho những ai đang muốn tìm hiểu về ơn gọi dấn thân cao cả này.

 

ĐÔI NÉT VỀ ƠN GỌI PHÓ TẾ:

 

Nguồn gốc Phó Tế Vĩnh Viễn bắt đầu từ thời Các Tông Đồ (x. TĐCV 6:1-6). Là một trong ba phẩm trật của hàng tư tế, gồm giám mục, linh mục, và phó tế. Theo truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, chức phó tế được chia thành hai loại: Phó tế chuẩn bị lãnh chức linh mục, và phó tế vĩnh viễn.

 

Sau một thời gian, chức Phó Tế Vĩnh Viễn như biến mất khỏi sinh hoạt của Giáo Hội do số các linh mục gia tăng khiến cho nhu cầu phục vụ không trở nên cần thiết. Nhưng từ sau Công Đồng Vatican II, chức vụ này lại được nhắc tới và phục hồi qua Sắc Lệnh Sacrum Diaconatus Ordiem ban hành ngày 16 tháng 6 năm 1967.

 

Hiến Chế Lumen Gentium, 29 của Công Đồng cũng đã qui định rõ ràng vai trò Phó Tế Vĩnh Viễn trong ba lãnh vực chuyên biệt: Phụng vụ, Giảng dạy, và Bác ái, dựa trên tinh thần và ý nghĩa của người “tôi tớ”, hoặc người “trợ giúp” (x. Phil 1:1). Tôi tớ của cộng đoàn dân Chúa, và trợ giúp các giám mục, linh mục trong việc phục vụ dân Ngài.

 

Với tinh thần tôi tớ và trợ giúp này, trong cộng đoàn dân Chúa, phó tế chính là gạch nối giữa các tín hữu và giám mục, giữa các tín hữu và các linh mục. Ngoài những công việc bác ái như thăm hỏi, săn sóc và giúp đỡ các người nghèo khổ, bệnh tật, tù đày, các phó tế còn ban một số bí tích, á bí tích như rửa tội, hôn phối.., chủ sự một số nghi thức như an táng, nghi thức cho rước Mình Máu Thánh Chúa ngoài thánh lễ, chầu Thánh Thể, và các giờ cầu nguyện cộng đồng.

 

Để chuẩn bị lãnh nhận chức thánh, và để có khả năng thừa hành những tác vụ trên, Giáo Hội đã đòi hỏi các ứng viên Phó Tế Vĩnh Viễn phải trải qua một chương trình huấn luyện khắt khe, nhấn mạnh về Mục Vụ, Tu Đức và Thần Học. Ngoài ra, các phu nhân của các ứng viên này cũng phải đồng hành với họ tham dự chung chương trình huấn luyện. Cũng như chồng, họ được huấn luyện nổi bật về đời sống tâm linh và mục vụ để hỗ trợ và đồng hành với các ứng viên sau khi các vị này đã lãnh chức như được đề cập đến trong “Lề Luật Căn Bản Về Đào Tạo và Huấn Luyện Phó Tế Vĩnh Viễn” do Hồng Y Laghi, Bộ Giáo Dục ấn hành ngày 22 tháng 2 năm 1998.

 

NHỮNG HỒNG ÂN:

 

“Hồng ân Chúa bao muôn đời con sẽ ngượi ca danh Ngài”. Thần Khí Chúa luôn tuôn đổ hồng ân Ngài trên toàn thể Giáo Hội, trên mỗi tâm hồn, qua từng ơn gọi khác nhau. Với các phó tế, đó là sự tuyển chọn riêng biệt mà Chúa đã dành cho từng người, cũng như gia đình của họ.

 

Cũng như các giám mục và linh mục, họ phải được Chúa chọn. Sự lựa chọn này, theo Thánh Phaolô, như sự lựa chọn mà Thiên Chúa đã dành cho Aaron và chi tộc của ông khi đặt ông và con cháu ông vào hàng tư tế của dân Ngài thời Cựu Ước. Đặc ân này không ai được dành dật hay tranh chấp. Thánh nhân nhấn mạnh: “Không ai được tranh chấp chức ấy” (Do Thái 4:4).

 

Như vậy, chức Phó Tế Vĩnh Viễn cũng phát xuất từ ơn gọi của các Tông Đồ, vì chính các phó tế là người chia sẻ phần nào trách nhiệm nặng nề của các giám mục và linh mục trong việc điều hành, hướng dẫn, và phục vụ dân Chúa.

 

Do việc Thiên Chúa tuyển chọn, nên Ngài cũng đã chuẩn bị cách này hay cách khác để các phó tế xứng đáng với ơn gọi của mình. Tông Đồ Công Vụ đã nhắc đến ba đặc ân ấy, đó là danh thơm tiếng tốt, đầy tràn Thần Khí, và khôn ngoan: “Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Vậy thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn người được tiếng tốt, đầy Thần Khí, và khôn ngoan…” (TĐCV6:3)

 

Con số 7 trong Cộng Đoàn tín hữu sơ khởi là con số ít, và cũng là con số đẹp tượng trưng cho những gì cao cả, thánh thiện. Vì thế, các phó tế cũng trở thành biểu tượng đặc trưng cho cái gì ít ỏi, hiếm quí trong các Cộng Đoàn Dân Chúa nơi các giáo xứ, giáo đoàn…

 

CON CHỈ LÀ TẠO VẬT:

 

Trước những hồng ân lớn lao về thiên chức, các phó tế cũng cần noi gương Đức Trinh Nữ Maria trong kinh Magnificat, phải luôn hát lên rằng: “Vì Chúa đã làm cho tôi những sự trọng đại, danh Ngài chí thánh.” (Lc 1:49)

 

Điều này sẽ nhắc nhở các phó tế là Chúa đã thực hiện những điều vỹ đại nơi con người yếu đuối của mình chỉ vì vinh danh Ngài, và vì phần rỗi chính mình cũng như phần rỗi các linh hồn. Ý thức được như vậy, nên các Phó Tế trong Đại Hội cũng nhắc nhở nhau ngày càng sống sao cho xứng đáng với ơn gọi cao quí của mình. Từ nơi chính bản thân, trong đời sống gia đình, và những giao tiếp ngoài xã hội, không những cần tỏa sáng những đức tính căn bản của một con người trưởng thành, các phó tế còn phải làm nổi bật ba đặc tính mà Tông Đồ Công Vụ đã nhắc đến liên quan đến vai trò và ơn gọi của mình, đó là: danh thơm tiếng tốt, khôn ngoan và đầy tràn Thần Khí.

 

Giữa những ưu tư ấy, các Phó Tế và phu nhân Phó Tế cũng đã thành thật chia sẻ những khó khăn trong đời sống gia đình, và thừa nhận rằng có những bất hòa, thách đố trong mối liên hệ giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Những khó khăn mà bất cứ một gia đình nào cũng thường ngày gặp phải. Do đó, một số ý kiến cho rằng phó tế cần phải biết quân bình giữa bổn phận chính trong gia đình và công việc của giáo xứ. Không để cho những người trong gia đình như vợ con cảm thấy rằng việc phục vụ của mình chỉ là cái cớ để thiếu sót bổn phận. Bởi vì trước khi chịu Bí Tích Truyền Chức, các Phó Tế đã lãnh Phép Hôn Phối.

 

Từ những điểm yếu phát xuất nơi thân phận thụ tạo của mình, phó tế rất cần khiêm tốn để nhận ra con người thực của mình, và biết tỏ ra thông cảm hơn với các anh chị em của mình. Thánh Phaolô đã nói về điều này khi Ngài viết cho tín hữu Do Thái những gì liên quan đến hàng tư tế, cũng là những gì liên quan đến một phó tế: “Ngài có thể cảm thông với những kẻ dốt nát và lầm lạc vì chính ngài cũng là nạn nhân của yếu đuối” (Do Thái 5:2). Và vì thế, việc dâng lễ tạ tội là điều cần thiết đối với cả tư tế và phó tế. Thánh nhân nhấn mạnh: “Mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho mình như vậy” (5:3).

 

Ngoài ra, để chu toàn ơn gọi của mình một cách thánh thiện, các phó tế cũng rất cần sự hợp tác và nâng đỡ của các người vợ hiền. Và điều này cũng nói lên bổn phận nặng nề, những hy sinh lớn lao của các người vợ của phó tế, là không những giúp cho chồng hạnh phúc trong đời sống gia đình, mà còn phải giúp họ hoàn tất ơn gọi phó tế một cách tốt đẹp, thánh thiện. Tóm lại, các phu nhân cũng phải là “Phó Tế” trong đời sống tâm linh và âm thầm qua hành động, và họ cũng phải lợi dụng vai trò này để thánh hóa mình, thánh hóa gia đình mình.

 

NHỮNG THÁCH ĐỐ:

 

Nhưng có lẽ vai trò và sứ vụ các Phó Tế Vĩnh Viễn hiện nay vẫn còn là một bóng mờ và hết sức khiêm tốn, dưới nhãn quan của một số linh mục, và phần đông giáo dân Việtnam. Và cũng có thể là nó đến từ cái nhìn “chủ quan” của một số phó tế về vai trò và ơn gọi của mình.

 

Đối với các linh mục:

 

Một nhận định chung đó là số đông phó tế vẫn chưa được sự khích lệ, chia sẻ, và thông cảm một cách huynh đệ từ phía giáo sỹ. Có vị đã xúc động tâm sự rằng, “Mình đã phục vụ dân Chúa trải qua 7 đời linh mục. Nhưng chỉ có một vị tương đối đã dành cho mình sự kính nể và “cho “phép” để được cộng tác với ngài.

 

Nhưng cũng có phó tế cho rằng trong suốt 21 năm phục vụ dưới nhiều đời linh mục khác nhau, vị này vẫn không cảm thấy có những bất đồng hoặc nghi kỵ lớn từ phía các linh mục dù là chính xứ hay phó xứ, linh mục già hay linh mục trẻ. Theo vị này, quan niệm về vài trò ơn gọi một cách đúng nghĩa và trưởng thành là mấu chốt cho những hành động mục vụ và phục vụ của một phó tế.

 

Tuy cũng được mời gọi tham dự chức tư tế, nhưng rõ ràng chức vụ của phó tế là phục vụ chứ không phải mục vụ. Điều này đã được ghi rõ trong Tông Đồ Công Vụ: “Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (TĐCV 6:2-4). Mà đã là phục vụ thì điều quan trọng không chỉ là phục vụ bàn thờ, mà còn nhiều lãnh vực phục vụ khác một phó tế có thể làm trong ơn gọi của mình. Thí dụ, phục vụ những anh chị em nghèo đói, phục vụ những anh chị em trong lao tù, trong các nhà thương, các viện dưỡng lão, hoặc những nhu cầu tâm linh của cộng đoàn dân Chúa trong các sinh hoạt đoàn thể, hiệp hội…

 

Tóm lại, khi ý thức được vai trò và sứ vụ của mình là phục vụ thì dù có bị coi thường, bị nhìn với cái nhìn thiên kiến, hoặc thiếu sự hỗ trợ từ phía các linh mục, người phó tế vẫn tìm được chỗ đứng của mình trong cộng đoàn dân Chúa.

 

Đối với các tín hữu:

 

Nhưng điều khiến nhiều phó tế cảm thấy trăn trở là thái độ và não trạng thiếu trưởng thành của các tín hữu Việt Nam về ơn gọi và vai trò của Phó Tế Vĩnh Viễn.

 

Những đồng cảm qua việc chia sẻ kinh nghiệm mục vụ và phục vụ trong các giáo xứ và cộng đoàn đã cho thấy là các phó tế được đặt vào tầm nhìn của nhiều con mắt ngờ vực và xoi mói. Đối với nhiều giáo hữu trong các xứ đạo hay cộng đồng, không những các phó tế bị nhòm ngó, bị phê phán, mà cả gia đình phó tế gồm phu nhân, các con, các cháu cũng bị nhòm ngó, phê bình, và chỉ trích.

 

Phần lớn, các tín hữu khi phê bình về vai trò của Phó Tế Vĩnh Viễn đều nhắm vào điểm là các vị đã có “vợ”. Theo đó, có vợ cũng đồng nghĩa với dơ bẩn, “mất sự trinh trong”, và “không xứng đáng”. Từ não trạng này dẫn đến hậu quả là những lời giảng giải, các bí tích được cử hành do các Phó Tế Vĩnh Viễn, được giáo dân xếp vào hạng những bài giảng, những chia sẻ, và các bí tích hạng hai. Có nghĩa là bất đắc dĩ, nếu không có “cha” giảng, không có “cha” làm thì miễn cưỡng chịu vậy.

 

Đối với những tín hữu này, họ đã không phân biệt thế nào là sự khác biệt giữa thể lý và tâm linh. Nhất là họ không hiểu được thế nào là sức thánh hóa và quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong những người được thánh hiến. Thiên Chúa đã thánh hiến các phó tế qua Bí Tích Truyền Chức, thì Ngài cũng thánh hiến họ trong Bí Tích Hôn Phối. Và do đó, những hành động của các phó tế trong Bí Tích Hôn Phối chính là giúp các vị trở thành chứng nhân Tin Mừng một cách trọn vẹn hơn giữa dòng đời. Giữa việc chu toàn thánh thiện thiên chức một người chồng, người cha, và một phó tế. Vậy nếu Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi các phó tế không chê bai họ, không coi họ là thiếu trong sạch, hoặc bất xứng với những việc làm của họ, thì tại sao người Kitô hữu lại cho đó là bất xứng, hoặc không trong sạch?!!!

 

Nhưng sự coi thường, thiếu trọng kính không chỉ dừng lại ở cá nhân các phó tế, mà còn lan rộng tới mọi người trong gia đình của các vị. Gần gũi nhất là vợ, con, hoặc cháu. Từ đó, những người trong gia đình của các phó tế đã trở thành đối tượng của những tiếng thị phi, nhiều khi làm cho bầu khí gia đình của các phó tế trở nên căng thẳng. Tại một giáo xứ nọ, khi vị phó tế vừa bước lên bục giảng đã có một bà chạy lên, miệng la lớn: “Có giỏi thì về giảng cho vợ con nghe, chúng tôi không nghe!”

 

Trên đây chỉ là một trong vô số những hành động bất kính đối với các Phó Tế được nhìn thấy, nghe thấy, nhưng trong âm thầm còn có biết bao nhiêu những suy nghĩ và hành động bất kính như thế… Và não trạng này đang là một thách thức lớn lao cho thiện chí, nghị lực, cũng như nhiệt tình phục vụ của nhiều vị phó tế.

 

HOA TRÁI CỦA ƠN GỌI:

 

Nhưng cám ơn Chúa, dù gặp nhiều thử thách, dù đau khổ, ơn gọi Phó Tế Vĩnh Viễn cũng vẫn nở rộ trong các giáo xứ, các cộng đoàn, cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Con số hơn 85 vị đã được chịu chức trên toàn Hoa Kỳ là một con số lớn. Và con số này vẫn không chỉ dừng lại ở đây mà con tăng thêm hơn nữa. Họ là những người trẻ, nhưng phần lớn ở tuổi trung niên, hoặc trên 60. Họ là những người đã thành công ở xã hội, đã có một gia đình gương mẫu, và có một cuộc sống ổn định. Nhưng trên tất cả, họ muốn dâng lại cho Chúa những gì Ngài đã ban tặng cho họ, qua việc khiêm nhường phục vụ Ngài và dân Ngài trong ơn gọi Phó Tế Vĩnh Viễn. Chúng ta, những Kitô hữu trưởng thành hãy dành cho các phó tế, và gia đình họ lòng ngưỡng mộ và sự kính trọng xứng đáng. Đồng thời hợp tác với các vị để đem lại sức sống ân sủng, bình an, và thánh thiện trong các giáo xứ, cộng đoàn và cộng đồng.
 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.