Uncategorized

Tâm điểm

Câu truyện nói về một người thầy đang huấn luyện hai môn sinh về môn bắn cung. Cuối khu vườn treo bia để bắn trên một thân cây. Người môn sinh thứ nhất lấy cung tên và bắt đầu tập bắn. Người Thầy hỏi học trò: Hãy nói cho thầy biết những gì con đang nhìn thấy. Môn sinh trả lời: Con thấy bầu trời, mây bay, các cây cối có lá, cành và tiêu nhắm. Ông Thầy nói: Hãy hạ cung xuống, con chưa sẵn sàng.

Câu truyện nói về một người thầy đang huấn luyện hai môn sinh về môn bắn cung. Cuối khu vườn treo bia để bắn trên một thân cây. Người môn sinh thứ nhất lấy cung tên và bắt đầu tập bắn. Người Thầy hỏi học trò: Hãy nói cho thầy biết những gì con đang nhìn thấy. Môn sinh trả lời: Con thấy bầu trời, mây bay, các cây cối có lá, cành và tiêu nhắm. Ông Thầy nói: Hãy hạ cung xuống, con chưa sẵn sàng. Người học trò thứ hai bước tới và sẵn sàng cung nỏ. Thầy giáo nói: Hãy diễn tả sự vật con đang thấy. Người môn sinh trả lời: Con thấy có mỗi điểm nhắm. Thầy ra lệnh: Bắn cung. Mũi tên bay thẳng và cắm vào điểm đích. Thầy khen: Rất tốt. Khi con chỉ thấy điểm đích, con nhắm vào đó và mũi tên sẽ bay theo ý muốn của con. Tập trung ý tưởng không luôn dễ dàng, nhưng điều này cần được huấn luyện để phát triển, sự chuyên nghiệp sẽ có giá trị trong đời sống cũng như bắn cung tên.

 

Để dẫn dắt con người tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa đã tác tạo Ađam và Evà. Thiên Chúa đã chấp nhận của lễ dâng chân thành của Abel. Chúa đã cứu gia đình ông Noê khỏi đại hồng thủy. Chúa đã gọi ông Abraham đi đến miền đất hứa. Chúa đã chúc phúc cho ông Isaac và Jacob. Chúa đã chọn ông Giuse đến vùng đất Ai-cập. Chúa đã tỏ mình cho ông Môisen trong bụi gai. Chúa đã tách biệt dòng dõi của Abraham làm thành một dân tộc. Chúa chọn các vua như Vua Saulê, Đaviđ, Solomon và các tiên tri như Isaiah, Giêrêmia, Ezekiel, Zechariah…để dẫn đường Dân Chúa. Từng bước Thiên Chúa đã mặc khải chương trình cứu độ của Người, để con dân đón nhận Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế là Con Một của Thiên Chúa đã hiện hữu từ đời đời.

 

Chúa Giêsu là trung tâm điểm của vũ trụ muôn loài. Nhờ Người và qua Người mọi sự được tạo thành: Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men (Rm 11,36). Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Ngài có từ đời đời nhưng hạ thân làm người trong thời gian và sống cuộc đời giống như chúng ta. Ngài là cốt lõi của mọi sinh linh vạn vật. Ngài đã mặc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm nước trời và cùng đích của đời người. Ngài là khởi nguyên và là cùng đích, là Alpha và Omega: Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người (Col 1,16).

 

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy bước theo Ngài. Hãy bước theo đường lối của Ngài, vì chính Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Ngài cao cả trên hết mọi loài nhưng lại hạ thân ngang hàng với loài người. Chúa ưu ái gọi mời: Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an (Mt 11,29). Lời Chúa có quyền năng biến đổi cả thể chất và tâm hồn. Hình ảnh dịu dàng của Chúa Giêsu được ví như người mục tử hiền lành vác chiên trên vai, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh và như người cha nhân hậu đón con hoang đàng trở về.

 

Ngôi Lời mà chúng ta tôn thờ là chính Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài là Đấng trung gian giao hòa giữa trời và đất, giữa thần thiêng và loài người. Qua Ngài, chúng ta được liên kết với Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa đã xuống thế làm người để nâng chúng ta lên làm con cái của Chúa: Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành (Ga 1,3). Chúa đã bước xuống tận đáy thân phận làm người và hy sinh đến giọt máu cuối cùng để mang ơn cứu độ cho nhân loại. Giá máu cứu chuộc của Chúa đã tha tội cho nhiều người: Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người (Eph 1,7). Khi đi rao giảng tin mừng, các môn đệ chỉ cần lấy Danh Chúa Kitô là có thể chữa lành các bệnh họan tật nguyền.

 

Chúng ta suy câu truyện của ông Phêrô xin đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu. Ông Phêrô là một người năng nổ, nhiệt tình và can đảm. Phêrô đã bước theo Thầy Giêsu, ông đã can đảm bảo vệ Thầy cho dù đôi khi bị phiền trách. Ông dám liều mình vì đức tin: Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy! " và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! " Ông Phêrô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài (Mt 14,26-28). Chúa cho phép ông bước đi trên nước. Đang khi bước trên nước đến với Chúa, Phêrô vì lo sợ sóng gió đã không ngước nhìn và tin tưởng vào Chúa, ông đã bị chìm. Chúa Kitô là đích điểm: Đức Giêsu bảo ông: "Cứ đến! " Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! " Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?"( Mt 14, 29-31).

 

Chúng ta hãy ngước nhìn lên Chúa là nguồn của sự bình an. Tin tưởng Chúa hiện diện với chúng ta, chúng ta sẽ tìm được nguồn an vui đích thực. Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa (Eph 3,12). Có bình an trong tâm hồn, chúng ta sẽ dễ vươn tới những người chung quanh để yêu thương và gắn bó. Bước theo Chúa là một sự phấn đấu không ngừng với bản thân. Từng giây phút trong cuộc đời đều nhắm về một hướng. Câu truyện một người thanh niên trẻ muốn trở thành thủy thủ. Một hôm trời mưa bão. Anh được lệnh trèo lên cột buồm để sửa lại giây nối. Anh nhìn lên cột buồm và bắt đầu trèo. Anh nhắm tớí và trèo lên một cách dễ dàng. Khi anh leo đuợc nửa đoạn, anh nhìn xuống sóng biển, qúa sợ hãi vì gió thổi, nước cuốn và thuyền lênh đênh. Anh cảm thấy choáng váng và hầu rơi té xuống. Vị thuyền trưởng hô lớn: Hãy ngước nhìn lên, hãy ngước nhìn lên. Anh ngước nhìn lên, tiếp tục leo tới đỉnh cột và anh đã hoàn tất công việc một cách an toàn.

 

Chúa Giêsu đến thế gian không phải để lên án mà là cứu độ. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ (Ga 3,17). Tại sao còn có nhiều người chối từ ơn sủng của Ngài? Có những người nhắm mắt làm ngơ và tự an vui thụ hưởng cuộc đời. Có nhiều người xả thân vào những cuộc sống trụy lạc để đánh mất chính mình vào những thụ hưởng khoái lạc. Có người còn nhạo cười, khinh dể và từ chối ân sủng cứu độ. Nhiều người cố ý không nhận biết và tẩy chay Ngài: Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người (Ga 1,10).

 

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta theo Ngài và giới thiệu một loại ách êm ái và gánh nhẹ nhàng: Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng (Mt 11,30). Đã gọi là ách và gánh là phải mang, phải vác, phải lôi và phải kéo. Ách và gánh của Chúa là gì? Có mấy ai học được sự êm ái dịu dàng khi mang ách theo Chúa. Điều kiện theo Chúa là từ bỏ mọi sự và vác thánh giá hằng ngày mà theo. Bước theo Chúa có nghĩa là bước vào lối chân của Chúa. Con đường Chúa đi là con đường đơn sơ, thanh bạch, khiêm tốn và thánh thiện. Chúa bước vào đời với những bước chân yêu thương, thông cảm, trìu mến, tha thứ, chia sẻ, nâng đỡ, hòa giải và hy sinh.

 

Khi cầu nguyện, chúng ta cũng phải tập trung và cầm lòng cầm trí hướng về Chúa. Chúng ta không thể chỉ cầu nguyện bằng môi bằng miệng mà lòng thì lo ra xa Chúa. Chúng ta cần tập trung cầu nguyện như người môn sinh học bắn cung. Chỉ nhắm một hướng tới là Chúa Giêsu Kitô qua sự hiện diện của Ngài trong các Bí Tích, trong Kinh Thánh, qua các kinh đọc, qua cộng đoàn dân Chúa và qua chính Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa. Đến với Chúa Giêsu, Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đến Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu Kitô hiến tế trên thập giá là dấu chỉ tình yêu tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa chia sẻ với loài người: Cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời (Col 1,20).

 

Tập trung con người toàn diện trong bầu khí thinh lặng, tâm tư lắng động và qui hướng tâm hồn về với Chúa. Cố gắng tránh đi những ồn ào và xôn xao bên ngoài. Sự tập trung cầu nguyện giống như người đang lái xe trên đường. Từng giây từng phút phải tỉnh thức và luôn hướng phía trước để tiến tới. Tập trung không để bị xao lãng, chỉ cần 30 giây ngủ gục chúng ta có thể gây ra tai nạn. Qùy cầu nguyện bên Chúa, chúng ta không thể tránh sự lo ra chia trí nhưng điều cần thiết là chúng ta đặt mình trước sự hiện diện của Chúa. Mời Chúa cư ngụ trong tâm hồn chúng ta. Chính Chúa là tâm điểm và là cùng đích mà chúng ta tôn thờ.

 

Lạy Chúa, có Chúa là đời con sẽ êm vui. Xin cho chúng con biết tìm về bên Chúa ẩn thân. Chúa chính là nơi chúng con nương tựa và chốn cậy trông. Chúng con xin đáp lời Chúa mời gọi: Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi (Mt 11,28). Chúa sẽ dẫn chúng con đến Chúa Cha khi chúng con cùng dâng lời cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến.

 

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.