Uncategorized

Gần cha xa Chúa 2

Kitô hữu khắp nơi gần đây rất hoang mang về hiện tình của Giáo Hội. Tội nghiệp cho Đức Thánh Cha, người cầm lái con thuyền Giáo Hội. Con thuyền Giáo Hội Công Giáo vừa qua được cơn sóng dữ sau vụ gián điệp của hàng giáo phẩm, giáo sỹ Ba Lan, thì cơn sóng lạm dụng tình dục lại ùa tới cho Giáo Hội Hoa Kỳ, Úc Châu và Canada….

Kitô hữu khắp nơi gần đây rất hoang mang về hiện tình của Giáo Hội. Tội nghiệp cho Đức Thánh Cha, người cầm lái con thuyền Giáo Hội. Con thuyền Giáo Hội Công Giáo vừa qua được cơn sóng dữ sau vụ gián điệp của hàng giáo phẩm, giáo sỹ Ba Lan, thì cơn sóng lạm dụng tình dục lại ùa tới cho Giáo Hội Hoa Kỳ, Úc Châu và Canada…. Và khi những cơn sóng lạm dụng tình dục vừa tạm đi qua, nay lại cơn sóng ly khai của Giáo Hội Trung Hoa đang lù lù xuất hiện. Riêng tại Việt Nam, đi theo bước chân Trung Quốc, cơn sóng ly khai vẫn âm ỷ, đang muốn nhận chìm Giáo Hội, đặc biệt qua biến cố một số linh mục tham gia sinh họat chính trị trong mùa bầu cử tháng 5 vừa qua.

 

GƯƠNG MÙ:

 

Theo tin từ trang nhà Vietcatholic.org “Bất chấp những chỉ trích dữ dội của người Công Giáo, hai linh mục Trần Mạnh Cường (giáo phận Ban Mê Thuột) và linh mục Lê Ngọc Hoàn (giáo phận Bùi Chu) đã tái đắc cử vào Quốc Hội khoá 13. Trong khi đó, ở cấp tỉnh và thành phố, linh mục Đỗ Quang Chí (tổng giáo phận Sàigòn), linh mục Phan Đình Sơn (Cần Thơ), linh mục Nguyễn Văn Vĩnh (Nha Trang), linh mục Nguyễn Văn Hậu (Bà Rịa Vũng Tàu) và linh mục Hoàng Thái Lân (Vinh) đã đắc cử vào Hội Đồng Nhân Dân các thành phố và tỉnh liên hệ. Ở các cấp quận, huyện, phường, xã có hơn 20 linh mục khác đắc cử.” (Thanh Huyền, 6/3/2011 – Vietcatholic.org). Cũng theo tin này, thì theo kết quả được công bố sáng thứ Sáu, ngày 3 tháng 6 năm 2011 về cuộc tổng tuyển cử ngày 22 tháng 5 vừa qua, hai linh mục Phan Khắc Từ (Tổng Giáo Phận Saigon, và Trần Văn Quý (Tổng Giáo Phận Huế) đã bị loại.

 

Vẫn theo tác giả: “Các linh mục ra ứng cử vào Quốc Hội và Hội Đồng Nhân Dân các cấp đều được chọn trong số 74 linh mục trong Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam nhiệm kỳ V. Việc chạy đua vào các cơ quan quyền lực của cộng sản của các vị này đã gây ra một cuộc tranh luận cay đắng về việc thực thi Giáo Luật tại Việt Nam. Giáo luật 285, triệt 3 nghiêm cấm các giáo sĩ đảm trách các chức vụ công quyền hay các vai trò chính trị. Việc công khai chà đạp những kỷ luật cơ bản trong Giáo Hội của các vị này là một gương mù thê thảm xói mòn nghiêm trọng tính khả tín của Giáo Hội.”

 

Riêng trong lãnh vực tình dục, không những Giáo Hội bị chê cười, nhạo báng, mà chính Giáo Hội cũng phải đau lòng chi trả hàng tỷ Mỹ Kim cho những nạn nhân của hiện tượng quái đản này. Điều đáng buồn, là lỗi lầm này vẫn tiếp tục xảy ra, và vẫn được các cơ quan truyền thông loan tải. Chỉ riêng Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đã phải chi ra hơn 2 tỷ về những bồi hoàn này trong quá khứ. Hơn 2 tỷ Mỹ Kim, một số tiền tương đối lớn lao do mồ hôi, nước mắt và công sức đóng góp của giáo dân Hoa Kỳ để bao che cho một số linh mục, và giám mục bất xứng là một hành động thiếu công bằng và bác ái đối với các tín hữu. Không những thế, Giáo Hội Hoàn Vũ, qua 2 vị đại diện là Chân Phước Giáo Hòang Gioan Phaolô II và đương kim Giáo Hòang Bênêđíctô đã phải khiêm nhường xin lỗi các nạn nhân, xin lỗi gia đình họ, và xin lỗi thế giới về những hành động xấu xa này.

 

KHỐN CHO KẺ LÀM GƯƠNG MÙ:

 

Đối với những ai từng quan tâm đến sinh họat của Giáo Hội, không khỏi đau lòng, xót xa, và xấu hổ nhục nhã khi nghĩ đến những cái tát mạnh mẽ vào mặt Giáo Hội qua những vụ tấn phong giám mục bừa bãi tại Trung Hoa, việc một số linh mục Việt Nam tham gia sinh hoạt chính trị; cách riêng, những trận cười nhạo báng mà những kẻ vô thần, bài bác Giáo Hội đã thỏa thuê khi nhìn thấy nhiều linh mục, và một số ít Giám Mục vướng vào những lỗi lầm nghiêm trọng không những liên quan đến quyền lực, mà cả trong lãnh vực tình cảm và tình dục nữa.

 

Nhưng khi “đụng” đến hai chữ “linh mục” là như đụng đến một đề tài cấm kỵ. Không sợ bị “mất phép thông công”, thì cũng bị cho là kẻ “chống cha, chống Chúa”. Kẻ thù của Thiên Chúa, của Giáo Hội đã hiểu nên khai thác tâm lý này một cách rốt ráo để khuynh đảo niềm tin của nhiều người. Có thể nói, chính những người được tấn phong để làm gương sáng, đem lại an ủi cho dân Chúa, cho Giáo Hội lại biến thành những tay sai cho Satan làm gương mù, gương xấu, và lung lạc đức tin của anh chị em mình, gây đau khổ, phiền muộn cho Giáo Hội.

 

Một số tín hữu đã cố gắng bênh vực cho những linh mục này, họ viện dẫn sự thánh thiện và cao sang tuyệt vời của thánh chức, và cho rằng sự lạm dụng tự do ngôn luận của truyền thông và sự thù ghét Giáo Hội đã cho phép các cơ quan này thổi phồng những vấn đề trên không ngoài việc bôi nhọ Giáo Hội, bôi nhọ hàng giáo sỹ và tu sỹ, nhưng nhất là trục lợi từ những món tiền bồi thường khổng lồ của Giáo Hội.

 

Đối với những người này, có thể những lời chứng của các nạn nhân xuất hiện trên các cơ quan truyền thông, hoặc qua những văn thư, tài liệu gửi cho Giáo Hội xuyên qua các văn phòng của Giáo Phận đã phần nào bị thậm xưng, bị khai thác, và bị thúc đẩy từ những yếu tố bên ngoài, thí dụ, do sự thôi thúc từ những món tiền bồi thường thật to kia. Ngược lại, phần đông vẫn nghĩ rằng cũng có thể, các Giáo Hội địa phương đã cố tình dấu nhẹm, hoặc coi thường sự việc. Theo họ, Giáo Hội cũng chẳng dại gì mà bồi hoàn những khoản tiền to lớn như vậy, nếu như người của mình không có lỗi.

 

Cũng có những người cho rằng, xác thịt yếu đuối, linh mục cũng chỉ là con người và vì thế cần được thông cảm, tha thứ. Nhưng việc làm thông cảm và tha thứ là một chuyện, còn việc những lạm dụng ấy đã để lại những dấu ấn tồi tệ, ảnh hưởng trên đời sống tâm linh và tâm lý của nhiều giáo dân lại là một chuyện khác. Hơn thế nữa, những gương xấu to lớn này còn ảnh hưởng đến sự thánh thiện của Giáo Hội, của thánh chức, và của đức tin của nhiều người.

 

Thật ra, dù chức linh mục có cao cả, và sự thánh thiện của thiên chức có làm cho con người kính nể, nhưng ai đó khi đã dấn thân chấp nhận ơn gọi này thì cũng phải tuân thủ những đòi hỏi của ơn gọi ấy. Đó mới là điều làm cho ơn gọi này trở thành cao cả, và đáng kính. Lợi dụng nó để buông thả và để làm đau lòng Giáo Hội, trở thành cái cớ cho nhiều người vấp phạm, thì lời Chúa khi xưa vẫn là điều đáng chúng ta phải suy nghĩ: “Khốn cho kẻ làm gương mù!” (Mat 18:7).

 

Trước những việc lạm dụng thánh chức, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Giáo Hội cũng nên xét lại cái lý do “bất di, bất dịch” của năng quyền linh mục, mà không nên lẫn lộn giữa thánh chức và năng quyền này. Ngoài ra cũng nên có những biện pháp chế tài rõ ràng, khắt khe với những con người lợi dụng thiên chức này để tự biến mình thành thù địch với thập giá Đức Kitô, phản lại hồng ân Ngài ban, và nên cớ vấp phạm cho nhiều người.

 

PHÊRÔ. CON LÀ ĐÁ:
 

 

Nhưng lời Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: “Con là Phêrô nghĩa là đá. Trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày, và cửa hỏa ngục cũng không thắng được” (Mt 16:18) đã trở thành một lời hứa bất di, bất dịch về sự trường tồn và thánh thiện của Giáo Hội. Tin vào sự vững bền của Giáo Hội, những Kitô hữu thiết tha với sự trong sạch và thánh thiện của Giáo Hội, đã đón đọc bản tin sau một cách hết sức vui mừng và phấn khởi:

 

“Những Giám Mục và linh mục nào thấy mình không làm tròn được nghĩa vụ, không có gan cứng cổ chống lại sức ép của chế độ thì chúng tôi khuyên họ điều này: họ nên xin nghỉ mọi công việc mục vụ và có can đảm trao lại thừa tác vụ của mình.” Đó là lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy (Hon Tai-Fai – 韓大輝), tổng thư ký Bộ Truyền Giảng Tin Mừng đã trả lời cuộc phỏng vấn hôm 1 tháng 6 năm 2011 cho cha Bernado Cervellera, Giám Đốc thông tấn xã Công Giáo Asia-News.

 

Theo Ngài, “Cúi đầu khom lưng với chế độ là công khai gây tai tiếng cho Giáo Hội và đưa ra một thông điệp sai trái cho các tín hữu. Nó làm lu mờ ký ức anh hùng của các Giám Mục đã có can đảm không chịu khuất phục.”

 

Và Ngài đã khẳng định: “Có những kẻ cơ hội, xu thời sẵn sàng nhượng bộ [chế độ]. Họ nại ra biết bao là lý do chẳng hạn như thế sẽ tốt hơn cho Giáo Hội, sẽ được trợ cấp từ nhà nước, yêu cầu khách quan của việc truyền giáo, đủ các thứ. Nhưng những biện minh như thế đều giả dối. Khi Giáo Hội bị tách biệt khỏi Phêrô, đá tảng của mình, thì sẽ tự động suy yếu”.
(Nguyễn Thanh 6/4/2011; www.Vietcatholic.org).

 

Về tình trạng bê bối tình dục của linh mục và giám mục, bản tin sau đây cũng đã đem lại sự tin tưởng vào Giáo Hội của nhiều Kitô hữu:

 

“TGP Melbourne cho hồi tục tất cả những linh mục có hành vi ấu dâm:

 

Tờ báo "The Age", phát hành tại Úc, cho biết mới đây TGP Melbourne đã quyết định cho hồi tục tất cả những linh mục có hành vi lạm dục tình dục trẻ em.

 

Trong số 11 linh mục đã từng bị kết án vì xâm phạm tình dục trẻ em, đã có 4 người bị hồi tục. TGP Melbourne đang chờ đợi phán quyết của Tòa thánh về việc cho hồi tục 5 linh mục khác. TGP cũng sẽ gởi về Roma hồ sơ của hai linh mục khác có hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Một linh mục, tuy không bị tòa án đời kết án, nhưng cũng đã bị TGP buộc phải hồi tục.” (Hiệp Thông, số 429. Chúa Nhật 22/5/2011).

 

Như vậy, hành động chế tài và sa thải các linh mục bất xứng là một hành động đúng, can cảm, và đáng làm gương cho các Giáo Hội địa phương khác.

 

Giáo Hội là nhiệm thể Chúa Kitô, khi mà nhiệm thể này có những chi thể ung thối, thì cũng cần phải cắt bỏ để cứu vãn các phần thân thể khác. Khi mà khuôn mặt ấy bị nhơ bẩn, thì cũng cần rửa sạch và cho nó trở nên rạng rỡ. Không thể viện dẫn lý do ơn gọi hiếm hoi, và thánh chức cao cả, vì đây cũng là một tâm lý mà Satan vẫn dùng để thổi vào tư tưởng và cách sống của một số linh mục. Họ đinh ninh nghĩ rằng giáo dân chẳng làm nổi gì mình. Giám Mục chẳng dám thu hồi năng quyền mình. Giáo Hội luôn luôn bảo vệ mình. Và vì thế, trong âm thầm hay công khai, những người này cứ việc sống thoải mái hoặc buông thả một cách bệnh hoạn mà chẳng cần quan tâm gì đến việc mình làm. Đơn giản, vì mình là linh mục hoặc giám mục: “Con là linh mục đời đời theo dòng Menkisêđê”.

 

Trở lại tư tưởng “ Gần cha xa Chúa”, khi áp dụng vào trường hợp các giám mục, linh mục làm tay sai cho Satan phá Giáo Hội, việc các linh mục hay giám mục lạm dụng tình dục trẻ em, thì những lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Hàn Đại Huy, Tổng Thư Ký Thánh Bộ Rao Giảng Tin Mừng là những điều hết sức tâm huyết và chân thành chia sẻ. Những lời tạo được niềm tin và đem lại vui mừng cho cộng đồng dân Chúa. Cũng như việc Tổng Giáo Phận Melbourne công khai sa thải những linh mục bất xứng cũng là một hành động sửa sang lại dung nhan thánh thiện của Giáo Hội.

 

Nhưng để tránh những thảm họa này, có lẽ việc tuyển sinh và thời gian huấn luyện, chương trình huấn luyện nơi mỗi Đại Chủng Viện cần hơn phải chú ý nhiều đến đời sống tu đức, tham khảo sâu xa hơn về Thánh Kinh, và Phụng Vụ. Một khi thiếu kiến thức về Thánh Kinh, Phụng Vụ, người linh mục sẽ không biết phải làm gì cho hết thời gian rảnh rỗi sau khi đã “làm” cho xong vài lễ. Chúa Giêsu không có trong cuộc đời vì thiếu hiểu biết Ngài. Lòng đạo đức và lửa mến vụt tắt hay leo lét vì thiếu đời sống tu đức, đời linh mục sẽ trở thành một mồi ngon cho những cám dỗ về danh vọng, quyền lực, và dĩ nhiên tình ái và tình dục.

 

Trong khi làm việc với các linh mục trẻ, hoặc những linh mục, nam nữ tu sỹ có những vấn đề về tình cảm, tiền bạc, hoặc danh vọng. Những linh mục, nam nữ tu sỹ đang bị khủng hoảng, chán nản với ơn gọi, phần đông đều có một nguyên nhân: Đó là thiếu cầu nguyện. Thiếu sự mật thiết với Chúa Giêsu. Và coi thường phép Thánh Thể.

 

Một vị linh mục năm nay đã gần 70 tuổi, trong một lần hồi tâm cấm phòng, đã đến thăm một linh mục 90 tuổi, mù mắt và đang nghỉ hưu. Vị linh mục “trẻ” này hỏi:

 

– Thưa cha già, con hỏi ngài, ở vào tuổi đời của ngài và hoàn cảnh mù lòa như ngài, ngài còn bị cám dỗ gì nữa không?
– Có chứ. Vị linh mục già nhấp nháy đôi mắt đã bị mờ đi vì thời gian và tuổi tác cũng như bệnh tật, tiếp tục nói: “Cái gì nó cũng già, nhưng cái đó nó không già. Tôi nói vậy, cha hiểu tôi chứ?!!!”.

 

Cứ cho là linh mục cao niên này là người ngày đêm gắn bó với sự cầu nguyện, yêu mến Chúa mà còn cảm thấy bị cám dỗ, bị thử thách như vậy, thử hỏi một linh mục đang trong tuổi thanh xuân, khỏe mạnh, dồi dào sức sống, lại thêm có những điều kiện chung quanh để đi vào chước cám dỗ, thì làm sao thắng nổi mình, thắng nổi Satan nếu như không có sức mạnh từ Thiên Chúa. Mà sức mạnh này, nguồn an ủi này chỉ đến từ việc cầu nguyện, mật thiết với Chúa, và lòng thiết tha yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể.

 

Và điều này cũng đã minh chứng được điều mà thánh Bênêđíctô khi về già, các đan sỹ trong dòng đến thăm hỏi, bóp chân, nắn tay cho ngài, ngài đã thều thào xua ra và nói: “Đừng động đến tôi, vì tôi chưa chết!”.

 

Chết làm sao được, khi những thao thức và những xúc động tình dục kia thuộc về phần bản năng, và nhu cầu của con người. Khi những hào nhoáng của cuộc đời đang đập vào mắt mình mỗi ngày khiến cho cái nhìn tâm linh bị mù lòa, thu ngắn lại. Có chăng, người tu hành hoặc ngay cả những người sống giữa dòng đời biết tận dụng sự hấp dẫn, quyến dũ, và sức mạnh của nó vào những mục đích tốt và chính đáng. Ngọn nến linh mục và ngọn nến giáo dân đốt lên vẫn cháy như nhau.

 

Xin chớ để con sa chước cám dỗ, để con không biến mình thành lý do vấp ngã cho anh chị em con. Vì con sợ lời trách cứ của Chúa sẽ dành cho con: “Khốn cho kẻ gây ra gương mù” (Mat 18:7).

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.