Uncategorized

Hai Lúa giúp Khóa Nazareth 4

Nói thiệt cô bác nghe, chứ cái tên Hai Lúa ba tôi đặt cho tôi bình thường nghe cũng dễ thương, nhất là khi vợ tôi nựng tôi, đưa tay tát nhẹ vào má, miệng nhỏ nhẹ: “Hai Lúa! Hai Lúa! Cái tên nghe dễ ghét”, nghe sướng rên. Nhưng đôi lúc nó cũng làm tôi nhột nhạt, tỷ như khi ở giữa đám đông như lần lên giúp Khóa Nazareth 4 vừa rồi chẳng hạn.

Nói thiệt cô bác nghe, chứ cái tên Hai Lúa ba tôi đặt cho tôi bình thường nghe cũng dễ thương, nhất là khi vợ tôi nựng tôi, đưa tay tát nhẹ vào má, miệng nhỏ nhẹ: “Hai Lúa! Hai Lúa! Cái tên nghe dễ ghét”, nghe sướng rên. Nhưng đôi lúc nó cũng làm tôi nhột nhạt, tỷ như khi ở giữa đám đông như lần lên giúp Khóa Nazareth 4 vừa rồi chẳng hạn. Nhìn thấy tôi là thiên hạ nhao nhao lên, Hai Lúa nó đó, liệu mồm, liệu miệng để nó nghe, nó biên lên báo là chết đó.

 

Nhưng ai nói gì thì mặc, cái nghề tay trái của tôi nó cứ như quẩn vào tấm thân tỏng teo như cây lúa Tầu Binh, hoặc như cây lúa Nàng Hương nơi quê tôi vậy, nên tôi cứ viết. Ít ra cũng đem lại cho bà con ai mến mình vài nụ cười.

 

Vậy viết về Khóa Nazareth 4 vừa được tổ chức tại St. Jeanne de Lestonnac Catholic School, thành phố Tustin từ chiều 27 đến chiều 29 tháng 5 mà quên không nhắc đến sự có mặt của Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange là một điều hết sức thiếu sót. Ngài rất bận nhưng vì thương các gia đình, nên cũng ráng nhín chút thời giờ ghé qua khích lệ và chào thăm mọi người. Điều này làm cho các khóa sinh hết sức phấn khởi, lên tinh thần.

 

Nhắc đến “Đức cha”, mà quên “cha” e rằng có tội. Đó là linh mục Giuse Trịnh Ngọc Danh, linh hướng của Gia Đình Nazareth. Cha là một người vui vẻ, hay hát hay hò. Đặc biệt nhất là tài thuyết giảng hùng hồn, cộng thêm cái nghề “giăng câu” của cha làm mọi người đều yêu mến cha. Gọi là cái nghề giăng câu, vì nếu có cơ hội là cha liền ôm cây đàn, và hát bài giăng câu hết sức mùi, gợi tình, gợi cảm, ai nghe cũng khoái chí. Chính ở điểm dễ dãi, hòa đồng, mà lại yêu thương các gia đình, nên ai cũng thương cũng mến cha. Anh chị em tham dự Khóa đã gọi ngài bằng một tên gọi hết sức thân thương “ông cha giăng câu”.

Cái đặc biệt khóa viên của Khóa 4 này đa số thuộc thành phần bạn trẻ. Kỹ sư có, dược sĩ có, nhưng cũng có cả những bà mẹ trẻ. Họ rất năng nổ, hòa đồng, và tự nhiên. Tinh thần cởi mở, trẻ trung này làm Hai Lúa cảm thấy phấn khởi. Kẹt cái Hai Lúa tôi chỉ có cái văn phong miệt vườn, chuyên ghi chép mấy chuyện bên lề, vui vui trình bà con, chớ không có tài viết mấy chuyện lớn. Và sau đây là mấy chuyện vui bên lề mà Hai Lúa ghi nhận được trong Khóa 4 Nazareth này, hy vọng bà con đọc xong nở được nụ cười.

 

Ôi! Đường vô nhà em?!!!

 

Thê thảm lắm bà con ơi. Cái trường St. Jeanne de Lestonnac Catholic School, thành phố Tustin sao mà nó khó tìm, khó kiếm quá xá. Âu cũng là lần đầu tiên tổ chức khóa học ở đây, nên từ cha, thầy, bà đến con đều lạc đường, chạy vòng vòng kiếm đường hụt hơi. Năm Được ngồi trên xe chung với Hai Lúa nó cứ bức xúc lên hỏi liên hồi:

 

– Anh Hai Lúa. Bộ anh chưa đến đây lần nào sao mà chạy tìm đường quá xá vậy? Bộ đi lạc hả? Mình có tới trúng giờ được không anh Hai?

– Mày đang thấy tao chạy vòng vòng thì hiểu, còn hỏi chi. Coi bộ nhiều người cũng lạc như mình chớ chẳng chơi.

 

Mà thiệt, có người như anh chị Hai Trang lạc mất hơn 1 tiếng đồng hồ, đến nỗi định bỏ cuộc. Rồi đến cha Linh Hướng Trịnh Ngọc Danh cũng điện thoại kêu réo tứ tung xin chỉ đường. Chúa Mẹ ơi! Làm cha mà còn đi lạc thì dẫn đường cho ai? Nói dỡn thôi, vì hôm ấy vội quá cha không kịp xem bản đồ.

 

Nhưng rồi mọi người cũng được Thánh Thần Chúa đưa đường chỉ lối đến nơi bình an. Hú vía.

 

Lần sau ban tổ chức nên có bản đồ chỉ đường cẩn thận và chi tiết cho bà con nhờ. Làm kiểu này tìm đường tới hồi tâm, hội thảo mà lại cãi lộn trên xe thì dễ bị cám dỗ quay đầu trở về lắm.

 

Có ai biết được chồng em?

 

Lạc đường đã là khổ, nhưng lạc chồng còn khổ hơn. Ai có nhìn cái bản mặt xí bị, lo lắng của Tý Phượng đang chạy đôn, chạy đáo tìm chồng mới thấy xót xa:

 

– Anh Hai Lúa, anh có biết chồng em ở đâu không?

– Không! Từ đầu tới giờ không gặp.

– Vậy nó chớ đi đâu cà. Thiệt là khổ.

 

Tý Phượng lạc chồng còn đang vừa đi vừa khóc, Hai Lúa lại bị chặn lại bởi một khóa viên:

 

– Chú. Chú. Chú có biết chồng con đâu không?

– Ủa! Sao hai người lạc chồng cùng một lúc vậy cà? Lần sau đi đâu thì phải dẫn chồng đi. Để lạc kiểu này nguy hiểm lắm?

– Chú cho mượn cell phôn của chú để cháu gọi chồng cháu:

– Anh hả! Anh đang ở đâu?

– Anh đang ở nơi mà em không đến được!

– Hả! Cái gì, anh đang ở đâu, và ở với ai? Sao em không đến được.

– Thiệt mà. Anh đang đi cầu. Xong chuyện rồi anh “về với em”…

 

Hú vía…

 

Nịnh vợ như thế là cùng:

 

Mấy chàng Nazareth thì chàng nào chàng nấy cũng đều thuộc lọai “sợ vợ”, ý nói lộn, nể vợ và nịnh vợ. Nhưng có lẽ mấy chàng ở St. Barbara mới thuộc hàng cao thủ.

 

Ai đời, nịnh thì cũng nịnh vừa vừa thôi chứ. Khen thì cũng khen kín đáo một chút chứ, ai đời ban ngày, ban mặt, giữa thanh thiên bạch nhật, bà con cô bác đông đảo mà lại lên sân khấu nhẩy nhót, miệng la lên bai bải: “Bà xã tôi number one. Number one. Number one” nghe kỳ thấy mồ.

 

Năm Được ngồi bên càm ràm. Kỳ quá anh Hai. Em là em không có cái màn nịnh vợ đó à nha. Không có oan, oan, gì hết ráo trọi. Vợ là vợ. Mà anh Hai biết không, mấy chả đang chửi xéo mấy bả mà mấy bả không biết!

 

– Gì mày! Nói bậy bị đòn nghe.

– Không đâu anh Hai Lúa, anh coi kìa, mấy bà đó, bà nào bà nấy tỏng teo như que tăm, như vậy mấy ổng ấy hát bà xã tôi năm bờ oan, mà nâm bờ oan là số 1, biểu tượng số 1 chính là cây tăm chớ còn gì nữa. Mà nhìn lại đúng y chang. Mấy chả bụng bự, tròn như con trâu no cỏ, còn mấy mụ lại như que tăm, đứng cạnh nhau như cặp số 10 vậy anh Hai.

– Thì cũng hơn mày, con Mít nó phải hát bài này tặng mày mới đúng. Nó tròn như trái mít, còn mày thì như que tăm.

 

Dầu sao cũng phải khen mấy anh St. Barbara can đảm, và có phong độ. Vợ mình, mình khen, mình nịnh, chớ khen, chớ nịnh vợ hàng xóm đâu mà ngán phải hôn…

 

Để anh nhớ hay để nhớ anh:

 

Một trong những bài nói mà Hai Lúa tôi nghe ấn tượng nhất là bài của anh chị Mừng Lan. Trong bài nói về những khó khăn, và thử thách mà vợ chồng gặp phải trong đời thường, anh chị đã phát cho mỗi người một túi đồ nghề cấp cứu khi gặp nguy. Mỗi học viên tham dự khóa, và cả anh chị em tới giúp như Hai Lúa cũng được một túi.

 

Điều đáng nhớ nhất là cách thức xử dụng túi đồ nghề này. Từng cái, và từng cái trong đó có cái tăm xỉa răng, dây thung, cục gôm, cây viết chì, ít tờ giấy nhỏ để ghi nhận, và cây sinh gâm nữa. Nhưng quan trọng nhất là ý nghĩa và cách thức dùng túi đồ nghề này:

 

Giây thung để thắt chặt tình thân mỗi khi tình yêu có đứa khác định chen vào, cục gôm để tẩy đi những lỗi lầm của nhau, cây viết chì để ghi chép những điều tốt của nhau làm kỷ niệm, cây sinh gâm để nhai cho thơm miệng trước khi mi nhau. Còn cái tăm xỉa răng thì để làm gì? Đang thắc mắc thì trên kia chị Lan đưa cho anh Mừng rồi nói:

 

– Anh Mừng, anh coi cây tăm này nhọn và bén không? Em trao cho anh để nhắc nhớ rằng, anh mà nhìn trước, ngó sau cô nào là em sẽ dùng nó chọc thủng hai con mắt anh luôn.

 

Nghe vậy, Hai lúa cảm thấy rụng rời tóc gáy.

 

Tí, Nhí, Ý Phượng tái xuất giang hồ:

 

Ai tham dự Khóa 4 kỳ này lại có dịp thưởng thức giọng ca vượt thời gian của Tam Ca Tý Phượng, gồm Tý Phượng, Nhí Phượng, và Ý Phượng. Gọi đây là tiếng hát vượt thời gian, vì hồi đầu mở Khóa 1 đã có bộ ba này rồi, cả ba cũng hát bài Trường Làng Tôi, và rồi hôm nay sau thời gian im hơi, lặng tiếng luyện giọng lại tái xuất giang hồ trong Khóa 4 này.

 

Có điều là sau quãng dài tập luyện, và sau mấy năm xa cách, ngôi trường 3 nàng theo học, cũng chỉ “hai gian lá đơn sơ che trên miến sân vuông mơ màng”, mà không xây cất thêm được gì hơn. Hai Lúa tôi có ý nói là giọng ca vẫn còn truyền cảm động, khiến người nghe xong phải uống tylenol đề phòng lên cơn sốt như ngày nào.

 

Cám ơn ban Tam Ca Tý Phượng. Cám ơn tiếng hát vượt thời gian. Gia Đình nào trong Nazareth có tang gia bối rối mà thuê ban này về, bảo đảm sẽ hết khóc mà thành cười. Còn gia đình nào có cưới hỏi cho con cháu mà thuê về, bảo đảm khách khứa chỉ ngồi cười xong quên ăn đỡ tốn kém.

 

Có thực mới vực được đạo:

 

Nói gì thì nói, nếu không có anh chị Diệp Thiện Mỹ và những anh chị giúp đỡ trong ban ẩm thực thì cũng như không. Ngày bốn bữa sáng, trưa, chiều, tối. Nào xôi, nào thịt, nào chả giò, nào bánh cuốn, bánh mỳ, nào dưa… mùa nào thức nấy mọi người đều ăn uống no nê.

 

Cũng may lần này các khóa viên không phải ăn dưa chua trộn cát như khóa trước. Tuy vậy, dưa lần này hơi “đen”, mà tiếng Bắc Kỳ gọi là “dưa thâm”. Tức cảnh sinh tình, nhà thơ huề vốn Thái Chí Minh đã ngâm mấy vần tặng Ban Nhà Bếp như sau:

 

“Không đi không biết bà đen
Đi rồi mới biết đen hơn dưa nhà
Dưa đen nhưng vẫn đậm đà”.

 

Ai muốn biết công thức làm đưa đen, xin hỏi anh chị Diệp Thiện Mỹ. Đây là bí quyết gia truyền, làm dưa chỉ có một đêm mà vẫn dòn, ngon, không khú.

 

Hình ảnh đẹp nhất mà Hai Lúa ghi nhận được là thấy các anh, các chị những khóa trước thướt tha, yêu kiều, miệng nở tươi như hoa chạy đi, chạy lại tiếp bàn, phục vụ các anh chị em tham dự khóa làm ai ai trong các khóa sinh cũng cảm động ăn không vô…

 

Coi vậy mà không phải vậy:

 

Ngồi nghe ké, thấy mấy giảng viên nói và trình bày hay và được nhiều người tỏ ý khẩu phục, tâm phục, thấy vậy, Hai Lúa bèn làm một màn phỏng vấn bỏ túi riêng tư mấy giảng viên thì mới biết “coi vậy mà không phải vậy”. Bên trong hậu thường, các vị này cũng phải trả giá đắt đỏ lắm bà con ơi:

 

– Anh Nhuệ! Em nghe anh chị nói thế này, thế khác về phòng the. Vậy chớ anh chị có còn “chiện” đó không? Và khả năng đầu tư của anh như thế nào?

– Anh thì bây giờ nghỉ hưu rồi, không còn đầu tư gì nữa cả. Nói là để chỉ nước cho bọn trẻ thôi, thấy chúng không biết cách đầu tư nên tội nghiệp chúng. Rồi anh chép miệng thở dài:
 

 

– Nghĩ cho cùng vợ mình như chiếc xe đẹp, mà mình không có bằng lái thì cũng như không? Anh bị mất bằng lái từ lâu rồi.

 

Hai Lúa nghe xong thấy thương cho anh Nhuệ quá. Có xe đẹp mà không có bằng lái, uổng quá. Xong rồi chạy qua Bác sĩ Hiện.

 

– Bác sĩ Hiện, em thấy bác sĩ và cô Dung nói năng lưu loát quá, đồng hành bên Chúa nghe hay làm em cũng sướng mê luôn, vậy chớ bác sĩ có bí quyết gì để nói năng hay ho trước công chúng xin làm ơn chỉ dùm em?

– Bí quyết gì! Tôi và bà xã tôi mất ngủ cả mấy tuần nay. Mấy lọ thuốc ngủ tôi bán cho người ta cũng không giúp gì cho chúng tôi cả. Đêm hồi hộp, giật mình thấy đồng hành bên Chúa. Sáng sáng đi làm cũng hốt hoảng đồng hành bên Chúa. Tóm lại là vợ chồng tôi lo lắng lắm. Mới đêm rồi, bà xã tôi trằn trọc không ngủ được nên tôi phải an ủi bả: “Em ơi! Chúng mình đã được đưa lên giàn phóng rồi, chỉ chờ ngày mai họ bấm nút thôi. Ráng ngủ đi em”…

 

Chạy qua anh chị Kỷ-Cậy hỏi thêm về cách thức cầu nguyện, và phải cầu nguyện như thế nào. Sau một hồi nghe anh Kỷ cắt nghĩa huyên thuyên, chị Cậy mới bỏ nhỏ một câu:

 

– Ông ấy nói thì nói vậy, chớ hồi nào tới giờ khi tới giờ đọc kinh là ông ấy ngồi ngủ gật không à, chờ đến lúc “hun bình an” thì mới mở mắt.

 

Nhưng có lẽ Hai Lúa nhắm tới tấn sỹ Duyệt. Nghe nói về tâm sinh lý, Hai Lúa rất lấy làm thán phục, nhưng vẫn cứ thắc mắc là chuyện gì ông cũng rành, chớ chuyện của ông thì sao cà? Nghĩ vậy, chờ tới chiều hôm đó, Hai Lúa mới gặp chị, nên vội vàng hỏi:

 

– Chị Kim Luông, em nghe anh nói về tâm lý, tâm sinh lý hay quá, chớ bộ trong thực tế, anh có hay như vậy không?

 

Nghe hỏi, chị Kim Luông đỏ mặt, nhưng cũng thật thà trả lời:

 

– Đúng vậy, nhưng cũng bữa “đực”, bữa “cái” thôi. Ở tuổi ảnh đây như thế chị cũng lấy làm mãn nguyện rồi. Mà em có biết đâu bán tam tinh bổ thận hoàn hay mách chị mua tặng anh Nhuệ và anh Kỷ vài hũ, tội nghiệp chị Thu Nhi và chị Cậy quá.

 

Vừa nói chuyện với chị Kim Luông xong, quay lại gặp anh Văn và chị Jessica, Hai Lúa nhớ đến lời kể của chị Jessica là hồi còn ở quê nhà sau khi anh Văn đã vượt biên, thì phần chị cũng đã năm lần, mười lượt chị cứ tiếp tục vượt biên tìm chồng mặc dù lần nào cũng bị bắt và ngồi tù. Hai Lúa bèn hỏi chị:

 

– Bộ chị thời gian đó có uống mật gấu không? Sao chị liều mạng quá vậy. Không sợ tù sao?

– Sợ gì chớ! Chồng mình thì mình tìm, Chúa cho bỏ sao được. Vả lại anh Văn bảnh trai bỏ uổng lắm.

 

Nghe vậy Hai Lúa thấy cảm phục quá chừng. Đàn bà thời nay nên học bài học này.

 

Sợ không còn giờ, Hai Lúa chạy vội tới anh chị Phương-Nhiệm người hùng của đối thọai và cảm thông. Nhưng vừa gặp chị Nhiệm, Hai Lúa quên luôn không biết hỏi gì ngoài trừ một câu:

– Chị làm cách nào mà nuốt trọn quả trứng và mấy miếng thịt mà không bị mắc kẹt cần cổ vậy?

– Tôi cũng không biết nữa! Nhưng chắc là Chúa giúp. Và cũng may là nhờ có chút canh rau đay nên không bị nghẹn.

Rồi chị quay qua anh Phương mắng yêu:

– Cục thúi của em ơi! Cũng tại mình mà em khổ đấy.

 

Và anh Phương đã đáp lại cũng bằng một giọng rất ngọt ngào của con trai xứ Bắc:

 

– Thì cũng chính vì vậy mà anh thương mình!

 

Ai không nghe đề tài cảm thông của anh chị Phương-Nhiệm thì chỉ cần nghe mẩu đối thọai trên cũng đủ biết mình phải “nói chiện” với nhau như thế nào.

 

Sau cùng là cặp Sơn-Phượng với món quà Chúa ban là con cái. Nghe anh chị tả lại chặng đường đã qua khi đón nhận người con út với nhiều thử thách, can trường. Gặp hai người, Hai Lúa vào đề ngay:

– Nghe anh nói 10 phút, còn chị nói là 2 phút nghĩa là làm sao? Có gian dối gì trong đó không vậy?

– Anh Sơn tỉnh bơ trả lời: 10 phút là tính cả thời gian oven nó nóng và nguội. Còn với Phượng, 2 phút là tính theo cái microwave của mình. Nhưng 2 phút cũng đủ mà, cần gì đến 10 phút.

– Xin lỗi, Hai Lúa hỏi thêm câu chót: Chớ vậy lúc này Chúa ban cho thêm một món quà nữa thì anh chị có nhận không?

– Có, nhưng xin Chúa gói ghém cách khác chớ gói theo kiểu cũ thì cũng hơi thấy ngán.

 

Chị ơi cho em miếng ảnh:

 

Loay hoay viết chuyện này chuyện nọ mà quên chị phó nhòm, nhà nhiếp ảnh gia Thái Phượng.

 

Người trẻ trung, nụ cười "hồn nhiên, vô tư", và luôn được lớp trẻ yêu thích: "Chị, chị cho em miếng hình".

 

– OK. Đứng đây, nhe răng ra chị chụp cho… 

 

Nhưng đối với những người đã có phần tuổi như câu chuyện xảy ra sau đây thì thấy ớn chị lắm.  Ngớn nhất là nếu vì thiếu cẩn thận bị chị thu vào ống kính mang trình làng thì chỉ có đường "chết không tòan thây". Ấy vậy mà cũng có kẻ lơ là bị chị cho vào ống kính thí dụ như cảnh "ngủ gật" của "người trẻ" Nhuệ.

 

Người này có biệt tài "ngồi đâu, đủ đấy", khiến chị Thu Nhi đã có lần hốt hỏang la lên: "Ối giời đất ơi. Ông ơi là ông ơi. Ngồi ngủ mà phơi chim ra vầy, có ngày nó bay mất làm sao vồ lại được!". 

 

Chuyện mở lồng chim là chuyện Hai Lúa tôi biết rõ, nên người trẻ Nhuệ Nhi hơi ớn, và đã nhiều lần hối lộ để đừng kể lại trên báo chí. Nhưng trong tinh thần gia đình, ai muốn nghe, Hai Lúa tôi sẵn sàng "hầu chuyện" quí vị.

 

Cám ơn nhiếp ảnh gia Thái Phượng, ai đã lên trang nhà Nazareth mà không gặp Thái Phượng qua hàng trăm tấm hình đẹp, đầy kỷ niệm thì là chuyện hơi lạ.  

 

Bó bột cho Chúa:

Những chuyện bên lề sẽ thiếu tính hấp dẫn nếu không kể về chuyện này. Có ai tin là Chúa bị té gẫy cẳng và bị vào im mợt gen xi không?

 

Chuyện là thế này. Sau buổi chầu Thánh Thể tối Thứ Sáu, phần vì phải quì lâu nên mệt, và phần vì mới lãnh chức Phó Tế nên còn hồi hộp, khi lấy Chúa ra khỏi mặt nhật, thầy Sơn làm rơi Chúa cái bịch. Chúa bị bể làm đôi. Đứng cạnh, Hai Lúa nghe thấy mấy ông thiên thần quýnh lên bảo nhau:

– Chúa bị té gẫy chân! Nguy hiểm. Gọi xe cứu thương ngay.

 

Sau một hồi lâu thầy mới lắp ráp được cặp chân bị gẫy, đưa Chúa vào nhà tạm, rồi thầy tỉnh bơ bảo mấy thiên thần là:

– Rồi đó, tạm thời lo chăm sóc Chúa giùm tôi. Để Chúa nghỉ ngơi qua hôm sau sẽ khỏi. Ngài làm phép lạ chữa người què được đi, chết sống lại, cái này đối với Ngài không nhằm nhò gì đâu khỏi cần phải đi im-mợc-gen-xi.

 

Mà quả là đức tin thầy làm nên phép lạ. Hôm sau Thầy Sơn lại đem Chúa ra cho thiên hạ thờ kính mà không thấy Chúa kêu ca, đau đớn gì hết trọi.

 

Cha cần chút gió mát:

 

Chuyện này sảy ra sau khi thầy Sáu Sơn làm Chúa bị gãy chân, lúc Ngài đang cần tĩnh dưỡng, Hòa-Thi đã được thiên thần kể lại chuyện này, nên đã đi kêu gọi mọi người ùn ùn đến thăm Ngài.

 

Nhà nguyện chật, nhiều người đến thăm, lại thêm đèn nến thắp cháy quanh mình, Chúa Giêsu mới nói nhỏ với mấy thiên thần đang chầu chực quanh Ngài:

– Bảo chúng nó cẩn thận không thì gây ra hỏa hoạn. Ra mở thêm mấy cánh cửa ra cho chúng nó mát một chút, tội nghiệp hôm nay trời hơi nóng.

Nghe vậy một thiên thần đã thưa với Ngài:

– Chúa lo nghỉ dưỡng sức đi, lo gì cho chúng nó.

 

Ngài liền nghiêm nét mặt nói với thiên thần ấy:

– Không được như vậy. Cha không thương chúng nó thì thương ai. Có nhìn thấy chúng nó đang ao ước gặp Cha như nai bên bờ suối mát không? Niềm vui của Cha là được ở cùng con cái loài người cho đến tận thế có hiểu chưa?…

 

Thay lời kết:

 

Tóm lại, Khóa 4 Nazareth vừa qua đã đem lại nhiều kết quả tốt và hữu ích cho mọi người, cho người tham dự, cho người tổ chức, và cho cả người đến để giúp khóa như Hai Lúa. Để kết luận, Hai Lúa mượn lời thơ của Ngoan Thùy Dương sau đây:

 

Chưa đi, chưa biết (Nazareth) Thánh Gia
Đi rồi mới biết người người tham gia
Tham gia như cả một nhà
Hôn nhân ơn gọi để thành Thánh Gia.

 

Chưa đi, chưa biết (Nazareth) Thánh Gia
Đi rồi mới biết càng thương vợ nhà
Vợ nhà mình cứ lơ là
Đừng quên là chính món quà Chúa ban.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.