Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự ké một lễ Truyền Chức. Gọi là “ké” vì tui không có giấy mời mà là đi chung với Hai Lúa. Chuyện xảy ra là từ hồi nào tới giờ tui vẫn ước ao được dự một thánh lễ truyền chức xong có chết cũng an lòng nhắm mắt. Tui mơ ước là vậy, nhưng thứ dân thấp cổ bé miệng như tui không ai thèm mời, nên mãi tới hôm nay mới được toại nguyện. Cũng hên cho tui là anh Hai Lúa có được 2 giấy mời, nhưng phút chót thì chị Hai phải đi mần. Thấy tui mong được đi, chị ấy liền nói với tui là có muốn thì chị ấy nhường chỗ để tui đi.
Ngàn năm một thuở, nghe chị Hai Lúa nói là tui chụp cơ hội liền. Thiệt không sai những gì người ta đồn đãi về những thánh lễ như vậy. Có tới 2 đức giám mục, còn các cha, nhứt là các thày phó tế thì đông như quỉ vậy! Ý nói lộn, đông như kiến vậy. Khỏi cần nói đến phía giáo dân. Nhà thờ St. Columban rộng rãi cỡ đó mà kín mít không lọt một chỗ. Gồm đủ các sắc dân, Mỹ, Mễ, Việt, và Đại Hàn. Mỗi dân tộc, mỗi sắc dân đều có một bản sắc riêng, nét đẹp riêng không tả nổi. Còn ca đoàn. Tía má ơi! Hồi nào tới giờ mới được nghe một ca đoàn hát hay dữ dội. Họ hát hay quá. Hát cả ba, bốn thứ tiếng, nghe đâu Latinh có, Mỹ có, Việt có, Đại Hàn có, và Mễ có, mà bài nào, tiếng nào Tư Lượm tui nghe cũng lọt ráo trọi. Ngồi bên Hai Lúa, tui cứ lẩm bẩm khen hay, khiến ảnh bực mình quay hỏi:
– Mày có hiểu gì không mà coi bộ gật gù khoái chí, miệng còn lẩm bẩm cái gì vậy?
– Dạ! Em nghe rõ nhưng không hiểu. Dẫu sao em cũng thấy phê quá anh Hai.
– Ừa! Thì phê thì phê, nhưng đừng có lẩm bẩm người ta nghe tưởng mình điên đó.
13 ông lên lãnh chức phó tế. Sốt sắng và trang nghiêm lạ thường, kẹt điều là Tư Lượm tui nghe không hiểu tiếng Mỹ, nên hổng biết Đức Giám Mục nói gì với mấy ông, chỉ thấy lúc này lúc khác, đặc biệt nhứt là lúc Ngài để tay lên đầu từng người và lúc ngài ôm hôn từng người một.
Mặc dù Hai Lúa nói tui là đừng ì xèo trong thánh lễ, nhưng vì không hiểu nên thỉnh thoảng, Tư Lượm cũng ghé tai hỏi nhỏ, đại khái:
– Anh Hai! Ông Giám Mục làm gì mà để tay lên đầu mấy người kia vậy? Hoặc:
– Mấy ông phó tế cũ làm gì mà từng người một, theo sau Đức Giám Mục cũng đi lên ôm và nhỏ to gì với mấy ông ấy vậy? Vân vân, và vân vân…
Vì không muốn làm người khác chia trí hay khó chịu, nên lúc xong lễ xuống hội trường mừng các thày, Hai Lúa mới giải thích cặn kẽ cho tui hiểu là lúc Đức Giám Mục đặt tay lên đầu từng người ấy là lúc ngài lấy năng quyền các Tông Đồ, thông ban cho người chịu chức quyền để được tham dự vào thiên chức phó tế. Cái này gọi là nghi thức đặt tay. Còn chuyện các ông phó tế cũ lần lượt theo sau Giám Mục ôm hôn mấy người mới lãnh chức gọi là cái hôn bình an tỏ sự thông hiệp và đón nhận những người mới này vào hàng phó tế như họ.
Thấy Hai Lúa có mòi am hiểu, tui mới thắc mắc thêm, đại khái tui hỏi ảnh chớ vậy mấy ông trước nói gì với mấy ông sau. Ảnh trả lời tui, tao có làm phó tế hồi nào mà mày hỏi, sao không hỏi mấy ổng, hoặc hỏi thầy Sơn vừa rồi cho rõ.
Nói vậy xong, ảnh cũng mỉm cười bảo tui, chớ bộ mày muốn biết mấy ổng nói gì với nhau thiệt không? Tao thì tao nghĩ là Đức Giám Mục nói với mấy ổng là: “Rồi đó! Từ hôm nay ráng mà vác thánh giá nghe con!”
Còn riêng mấy ổng trước nói với mấy ổng sau, thì tao luận ra rằng, khi ôm mấy ổng trước, mấy ổng sau hỏi: “Có gì dzui không anh? Tui hồi hộp quá!”. Rồi mấy ổng đi trước, ông thì trả lời: “Hổng có gì ngon đâu. Đừng có ham!”, và ông khác thì cho biết: “Dô rồi sẽ biết!”. Nghe vậy, tui muốn la lớn, nhưng anh Hai Lúa đưa tay bụm cái miệng tui lại và nói: “Tao cũng nói đại cho dzui đó mà. Gì mà mày định la lớn lên, thằng quỉ.”
Câu truyện giữa tui và anh Hai Lúa coi mòi có vẻ hấp dẫn. Tại hội trường người người vui vẻ chào hỏi, chúc mừng. Tui từ từ mới hồi tưởng lại trong nhà thờ, lúc mà Đức Giám Mục trao cái “sự vụ lệnh” cho mấy ông tân phó tế, thì lại đưa vào tay các bà vợ của mấy ổng, và điều này cũng làm tui thắc mắc, khó hiểu. Luôn tiện, tui bèn hỏi ảnh:
– Vậy chớ anh Hai lúc trong nhà thờ có quan sát thấy lúc Đức Giám Mục đưa cái sự vụ lệnh cho mấy bà vợ của các ông tân phó tế không? Sao vậy cà? Sao không đưa cho mấy ổng, mà lại đưa cho mấy bà???
Hổng biết có hiểu gì không, nhưng ảnh cũng tỏ ra rành rẽ, cắt nghĩa:
– Đưa cho mấy ổng, mấy ổng mang đi cầm lấy tiền xoa mạt chược thì sao? Đưa cho mấy bả, mấy bả còn cất kỹ, lâu lâu còn mang ra mà nhắc nhở chồng làm cái chuyện của mình chứ!”.
Nghe vậy, Tư Lượm tui thấy cũng có lý. À há, trong nhà việc lớn việc nhỏ các bà lúc nào cũng phải lo nhắc nhở các ông chồng. Và vì vậy mà ta gọi các bà là “quản gia”, và cái việc làm nhắc nhở đó là “tề gia nội trợ.” Đúng! Đúng trăm phần trăm. Làm thầy sáu rồi cũng cần phải có “cô Sáu” nhắc nhở là phải lắm. Đức Giám Mục quả là tâm lý.
Nhưng chuyện thầy Sơn và Cô Sáu Hường còn có những chi tiết dzui dzui khác mà Tư Lượm ghi nhận được. Số là khi các thày đã lãnh chức xong, các “Cô Sáu”, lên dẫn các “Thầy Sáu” xuống chào thăm cộng đoàn. Chắc coi bộ thấy đã xong chuyện, nên cô Hường dẫn thày Sơn định về luôn, cũng may mà chưa ra khỏi nhà thờ, thì lại dẫn thày trở lại, làm mọi người nín thở và vỗ tay cười ran. Hồi hộp, hồi hộp. Cái mới muốn đem về nhà giữ cho ăn chắc phải không cô Sáu Hường?
Nhắc tới cô Sáu Hường, Tư Lượm phải thành thật mà nói rằng, trong các Cô Sáu vợ của 13 tân thầy sáu hôm nay, cô Hường là người dễ thương nhứt. Cô mặc bộ đồ Việt Nam bằng lụa màu vàng nhạt trông rất sang trọng, quí phái. Chắc không phải là lụa Hà Đông dệt bằng “lông sư tử” là cái chắc. Cô khoan thai, nhẹ nhàng, và rất khiêm tốn không như cái kiểu: “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” của mấy bà cử, bà cống thời xưa, nên được mọi người, nhứt là anh chị em trong Gia Đình Nazareth quí mến.
Ngày trọng đại nên không thể quên thánh lễ tạ ơn. Thày Sơn cử hành thánh lễ tạ ơn ở giáo xứ thày. Giáo xứ St. Bonaventure ở Huntington Beach, và thánh lễ tạ ơn vào lúc 6 giờ 30 chiều cùng ngày. Cả thảy có 7 cha và 7 phó tế cùng đồng tế. Bài giảng đầu tiên của thày rất hay và làm Tư Lượm cảm thấy “chịu” thày liền. Thày nói về Chúa là đường, là sự thật, và là sự sống. Thày đưa dẫn tinh thần Phúc Âm và nhứt là đưa cái gương của Tôma ra mà áp dụng cho việc tìm hiểu, học hỏi và sống Lời Chúa. Có điều chắc cũng vì hồi hộp, nên trong phần phụ lễ, lúc cha xông hương ở chỗ trước khi dâng bánh rượu, khi cha dừng lại ở cây nến Phục Sinh, thay vì đứng chờ, thày lại lon ton đi trước một hơi ra tút góc bàn thờ đứng, rồi không biết có vì sốt ruột hay không, thày lại nhẩn nha đi về chỗ để mặc cha muốn xông gì cho ai, chỗ nào thì xông. Anh Hai Lúa ngồi cạnh huých cùi chỏ Tư Lượm và nói nhỏ: “Coi kìa, ổng đi luôn một hơi. Mới nên hồi hộp mà quên chắc”.
Tóm lại, đây là lần đầu Tư Lượm được hân hạnh tham dự một thánh lễ truyền chức và tạ ơn trong đời. Thiệt là hiếm có. Cảm động. Cầu Chúa chúc lành cho thầy và gia đình thầy. Và xin thầy cũng hãy dành nhiều thời giờ để lo cho Gia Đình Nazareth.
Tư Lượm
Một kỷ niệm khó quên trong đời
Views: 0