Một trong những điều khiến cho nhiều phụ huynh băn khoăn và lo lắng, đó là làm sao có được một nền giáo dục tốt từ gia đình cho con cái. Và khi một người con cần được sửa phạt, hướng dẫn, thì làm thế nào để sửa phạt, hướng dẫn một cách hữu hiệu. Cả hai thắc mắc này đều có thể giải quyết được, nếu như giữa cha mẹ có sự đồng thuận về phương pháp và đường lối giáo dục.
VẤN NẠN
Ông Phong là tượng trưng cho một người cha đau khổ, và cũng là một người chồng không có tiếng nói. Ảnh hưởng của ông bị mờ nhạt trong mọi quyết định, đặc biệt những quyết định liên quan đến việc giáo dục con cái.
Con trai ông ngay từ 6 tuổi đã được nhà trường thẩm định mắc chứng Tự Kỷ (Autism), một hội chứng bất ổn về tâm lý, tính tình, ngôn ngữ và trí tuệ. Thêm vào đó, em còn có những hành động liên quan đến tâm thần. Từ nhà đến trường, em là một đứa trẻ vừa đáng thương nhưng cũng vừa đáng ghét. Hay la lối, giận hờn. Phá phách, vô kỷ luật, và rất hung dữ. Mỗi bữa em ăn từ 4 đến 12 bát cơm. Và cách ăn của em là phải đong đầy những bát cơm như nhau rồi xếp hàng dài trên bàn. Em ngồi đếm đi, đếm lại lẩm nhẩm trước mỗi bát cơm, và khi ăn thì bắt đầu ăn từ bát này đến bát khác. Mỗi bữa ăn như vậy trung bình kéo dài từ 1 đến 2 giờ. Ăn xong, em để nguyên những bát dơ ấy không cho ai đụng tới, sau đó ra ngoài xem truyền hình, hoặc chơi trò chơi điện tử.
Trước những dấu hiệu bất ổn về tâm thần và tâm lý, các bác sỹ tâm thần, và bác sỹ tâm lý đã làm việc với nhau và quyết định cho em uống thuốc. Rất tiếc, mẹ em không chấp nhận con bà có bệnh và bao nhiêu thuốc do các bác sỹ cho, bà đều bỏ vào thùng rác. Đối với bà, các bác sỹ, nhà trường, và chồng bà là những người khùng, dốt nát không hiểu biết con bà, không biết cách giáo dục con bà. Riêng đối với ông Phong, bà đứng về phía con bà và phản đối chồng một cách hết sức lộ liễu, bất kính trước mặc con, khiến ông không có một ảnh hưởng nào trong việc dậy dỗ và chạy chữa cho con.
Tình trạng kéo dài gần 10 năm, cho đến gần đây vì lý do thất nghiệp, bà phải ở nhà và chứng kiến những hành động bệnh hoạn của con, nhất là khi bị con bà la lối, giận dữ tưởng như muốn ăn tươi, nuốt sống bà, bà mới hốt hoảng bắt con bà uống thuốc. Nhưng lúc này con bà lại không vâng lời bà nữa. Thuốc đem về thay vì bà bỏ đi như trước, nó tự ý vứt bỏ vào thùng rác hoặc cầu tiêu.
Thế là bà lại quay ra phàn nàn, phê phán, trách móc nhà trường, các bác sỹ và chồng bà đã không lo lắng, chạy chữa cho con bà. Một cử chỉ đồng thuận duy nhất của bà lúc này với chồng bà trong việc tìm cách chữa trị cho con bà là: “Ai đó muốn làm gì thì làm!”.
Người cha, người chồng đau khổ ấy đã đến với tôi. Ông khóc như một đứa trẻ, và ông nói như van xin: “Xin làm ơn cứu con tôi! Tôi khổ quá, nhiều khi muốn bỏ nhà đi khuất cho xong!!!”.
ĐỐI DIỆN VÀ GIẢI QUYẾT
“Ai đó muốn làm gì thì làm!”
“Xin làm ơn cứu con tôi! Tôi khổ quá, nhiều khi muốn bỏ nhà đi khuất cho xong!!!”
Cả hai câu nói trên đều không phải là những câu nói có thể giải quyết được vấn nạn của đứa trẻ một cách dễ dàng.
Và cả hai thái độ trên của người mẹ cũng như người bố đều không phải là thái độ hợp tác và sáng suốt.
Những câu nói và những lời than thở như trên hầu hết những ai trong lãnh vực chuyên môn đều đã nghe đầy hai lỗ tai khi phải tiếp xúc với những trường hợp tương tự. Nhưng trường hợp của em bé trên thì kể là “đã muộn”, nếu không muốn nói là “hết thuốc chữa”. Nếu may mắn vợ chồng ông Phong tìm được sự đồng thuận, thì việc chữa trị lúc này cũng phải tốn kém công sức và tiền bạc. Vả lại, đứa trẻ không hy vọng phục hồi được sự phát triển quân bình như những đứa trẻ bình thường khác. Vậy câu hỏi là: “Thế thì tại ai. Tại nó hay bố mẹ nó mà dẫn đến tình trạng này???”
Câu trả lời là tại nó và tại cả bố mẹ nó. Nhưng phần lỗi lớn nhất không phải ở đứa trẻ mà là ở bố mẹ của em. Em chỉ có một lỗi duy nhất là được mẹ chiều chuộng một cách “phản giáo dục.” Còn người mẹ mang cái lỗi vừa ngu ngốc lại vừa cố chấp và thiển cận. Bất cứ ai cũng biết là trường hợp tồi tệ ấy xẩy ra là do người mẹ, người vợ trong gia đình. Câu nói của người xưa rất đúng trong trường hợp này: “Con hư tại mẹ.” Riêng người bố thì mang lỗi nhu nhược vì quá sợ vợ hay nể vợ. Và đâu là những nguyên nhân của những bất đồng này?
Phản ứng tự vệ tiêu cực:
Chối bỏ sự thật. Đây là một hiện tượng tâm lý thường xảy ra khi ta phải đối diện với một sự thật không như ý mình muốn. Thí dụ, một đứa con hay đứa cháu sinh ra với hội chứng Autism chẳng hạn. Thông thường là ta đổ lỗi cho Trời, Phật, hay Quỉ thần. Cha cũng như mẹ không ai muốn nhìn nhận sự thật ấy. Và sau những phàn nàn, kêu trách, hoặc trốn chạy ấy, thì ta muốn làm cho sự thật ấy nhẹ đi hoặc bệnh đó, lỗi đó không phải là tự ta gây ra. Trường hợp của bà mẹ trên cũng nằm trong hiện tượng phản ứng tiêu cực của tâm lý.
Đối với bà mẹ này, con bà là tuyệt hảo, là không có gì đáng trách, đáng cần sửa chữa. Nó không bị Autism, và không có những triệu chứng tâm thần mà chỉ là do tại các bác sỹ chẩn đoán, cho nó uống thuốc sai, và điều này không thể chấp nhận được. Sau cùng, sự thật chỉ được chấp nhận bằng cách nhẹ nhàng hơn là để chồng bà hay ai đó “muốn làm gì thì làm”. Điều này có nghĩa là bà vẫn tiếp tục phản ứng tiêu cực trước tình trạng bệnh tật của con bà.
Phản ứng tiêu cực của bà đến từ phán đoán lệch lạc. Từ suy nghĩ cho rằng mình là nhất, con mình là nhất. Rằng, những khuyết điểm kia không thể có nơi con bà. Phản ứng này thường xuất hiện trong những người tự tôn thái quá, hoặc tự ty mặc cảm.
Tính tự ty và thụ động:
Trái ngược với tư tưởng và những phản ứng tự vệ tiêu cực của người mẹ, người bố lại có tư tưởng và lối hành xử hoàn toàn thụ động. Có thể ông nghĩ đến hạnh phúc gia đình và sự bình an của gia đình trong một cái nhìn rất thụ động là “im lặng để vợ con khỏi làm ồn ào”. Cũng có thể ông thuộc loại người “sợ vợ”. Theo tâm lý học, ông chính là người tượng trưng cho những người mang hội chứng tự ty.
Nhưng chính do thái độ thụ động ấy đã củng cố tư tưởng và hành động tiêu cực của vợ ông. Tóm lại, ông có thể nhân danh tương lai của con mình, nhân danh vai trò làm chồng, làm cha của mình để không ngậm miệng làm thinh, hoặc cử xử như một người ngoài cuộc.
Thái độ của ông Phong cũng là thái độ của Philatô khi rửa tay tuyên bố bản án cho Chúa Giêsu. Ông làm như ông là người vô tội, và không biết gì về cái chết của người mà ông sắp giao nộp cho người Do Thái lúc bấy giờ. Nhưng ông đã quên mất rằng, ông là tổng trấn, và như ông đã xác nhận với Chúa Giêsu là ông có quyền tha hay đóng đinh Ngài. Nó chứng tỏ ông rất sợ mất ghế tổng trấn trước sức ép của người Do Thái.
Thiếu đồng thuận giữa cha mẹ:
Không phải hễ con hư là tại mẹ, còn bố thì vô tội! Nhưng trong rất nhiều trường hợp và có thể nói là tất cả những trường hợp hư hỏng ấy đều ít nhiều là do lỗi của cả cha lẫn mẹ. Một người cha hay mẹ dù giỏi, hiểu biết đi nữa cũng không thể hoàn chỉnh công việc giáo dục một cách tốt đẹp một mình được. Vậy nếu ai đó để một mình chồng hoặc vợ phải chịu trách nhiệm giáo dục con cái, thì họ đã đóng góp vào phần thất bại, bất toàn, thiếu sót sau này của con cái bằng thái độ thiếu cộng tác và vô trách nhiệm của mình.
Sự đồng thuận giữa cha mẹ trong việc giáo dục con cái, do đó, trở thành một yếu tố chính và hết sức cần thiết. Trẻ em, dù trai hay gái đều có một nhận thức sớm sủa và hết sức rõ ràng giữa bố và mẹ, ai là người chúng có thể lợi dụng được. Ai là người mà nếu cần, chúng có được sự che chở, hoặc bênh vực. Điều này ta có thể cảm nghiệm do chính kinh nghiệm của riêng mình, hoặc nhìn vào những cuộc cãi vã giữa bố mẹ trong việc giáo dục của chính mình.
Đứng trước sự cãi vã, tranh chấp ai thắng ai thua; ai sai, ai đúng về mình, trẻ con sẽ dễ dàng nhận ra giữa bố hoặc mẹ, ai là người chúng có thể lợi dụng được. Nói là lợi dụng, vì trẻ con thường căn cứ vào cái lối hành xử tình cảm này để lẩn tránh hoặc không làm những gì mà chúng cần phải làm; đặc biệt, khi những đòi hỏi ấy có chút khó khăn cần phải hy sinh và chịu khó. Hậu quả tai hại của việc thiếu đồng nhất trong giáo dục thường đưa đến những thất bại, thói xấu, tâm tính thiếu trưởng thành nơi con cái.
Con cái hoặc thích hay không thích người cha hay người mẹ khiến chúng phải chịu khó, vất vả.
Con cái không làm điều tốt mà người cha hay mẹ đòi hỏi hoặc dậy dỗ vì chúng biết sẽ có người kia sẽ bênh vực cho sự lười biếng hoặc vô kỷ luật của mình .
Con cái sẽ trở nên cớ để cha mẹ cãi lẫy, to tiếng, và bất hòa.
Những khảo cứu gần đây cho biết sự bất hòa trong vấn đề giáo dục cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng ly dị cho nhiều cặp vợ chồng. Trong đời sống hôn nhân hay những giao tiếp giữa chồng và vợ, nhịn nhục, bình tĩnh, tôn trọng lắng nghe không đồng nghĩa với nhu nhược, hoặc thụ động. Nó cũng không phải là lý do để ta lớn lối, hoặc lấn lướt nhau. Và vì thế, vợ chồng mỗi người đều có bổn phận và trách nhiệm về hành động của mình. Đặc biệt ý thức này rất cần thiết để dẫn đến sự đồng nhất trong vấn đề giáo dục con cái.
Views: 0