Uncategorized

Người lữ khách đó chính là NGÀI

Đức Giêsu Phục Sinh chính là sự toàn vẹn của chương trình cứu chuộc hoàn hảo của Thiên Chúa, nhưng lại là những thách đố đối với các môn đệ, là những người đã tin và đi theo Ngài.

 

Đức Giêsu Phục Sinh chính là sự toàn vẹn của chương trình cứu chuộc hoàn hảo của Thiên Chúa, nhưng lại là những thách đố đối với các môn đệ, là những người đã tin và đi theo Ngài.

 

Thật vậy, câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau đã cho thấy sự thách đố đó. Và hôm nay, chúng ta hãy trở về Giêrusalem, cách đây hơn hai ngàn năm, nơi Đức Giêsu đã tử nạn và đã Phục Sinh, để thấy hai môn đệ đã vượt qua sự thách đố như thế nào.

 

…………..

 

 

Chuyện được kể lại rằng : Trên một con đường làng. Có hai người lữ khách bước đi bên nhau. Hai người lữ khách đó, một người tên là Cơlêôpat và người kia là bạn đồng hương. Họ là hai trong số những người môn đệ của Đức Giêsu.

 

 

Tuần vừa qua, một biến cố nằm ngoài sức tưởng tượng của họ. Thầy Giêsu đã bị kết án tử, đã chết treo trên thập giá và đã được chôn trong huyệt mộ. Trong nỗi thất vọng, hai người môn đệ với “vẻ mặt buồn rầu” trở về làng quê tên là Emmau.

 

 

Con đường trở về làng chừng mười một cây số, ngày ra đi sao cảm thấy hăng hái làm sao ! Vâng, sự việc bắt đầu từ hôm đó. Hôm mà họ bỏ tất cả mọi sự, chia tay cha mẹ, giã từ vợ con, tạm biệt ngôi làng thân yêu để lên thành đô Giêrusalem, theo Thầy Giêsu.

 

 

Theo Thầy Giêsu, họ hy vọng một ngày kia, chính Thầy mình sẽ đem lại cho đất nước, cho gia đình, cho mọi người một nền hòa bình, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Roma.

 

 

Làm sao không tin tưởng như thế cho được. Chính Thầy Giêsu đã sai họ ra đi rao giảng cho mọi người rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9). Hơn nữa, nằm trong nhóm bảy mươi hai môn đệ. Họ đã nhìn thấy quyền năng của Thầy Giêsu. Một thứ quyền năng mà chỉ cần “nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục”. (Lc 10,17).

 

 

Vì thế, ba năm trời “nằm gai nếm mật” cũng là ba năm các ông mong đợi cho “Triều Đại” ấy mau đến. Hy vọng một khi Thầy Giêsu lên ngôi Vua, tệ lắm các ông cũng được một ghế trong nội các hoàng tộc !

 

 

Than ôi ! sự việc lại không như mong muốn. Thê thảm quá ! Thật không thể hiểu nổi một người đầy quyền năng, đầy lòng nhân ái như “sư phụ”, thế mà lại có một kết cục bi đát ! Thầy Giêsu đã chết. Bước qua ngày thứ ba rồi. Thế là chấm hết ! Thế là “mộng vàng tan mây” !(1)

 

 

Kinh Thánh có chép rằng “Giấc mộng chưa thành làm trái tim khắc khoải” (Cn 12,13). Ôm trái tim khắc khoải sầu thương “về những sự việc vừa mới xảy ra” cho Thầy Giêsu, hai ông “nhọc nhằn lê gót chân buồn” đi về Emmau.

 

 

Đang chìm trong tâm trạng “nhớ nhớ buồn buồn với chán chường”(2) thì bất ngờ Đức Giêsu xuất hiện. Ngài “tiến đến gần và cùng đồng hành với các ông” (Lc 24 : 15).

 

 

Dù đã cố gắng lục lại trí nhớ, nhưng các ông vẫn không sao “nhận ra Người”. Thôi kệ ! Trước lạ sau quen. Thế là các ông và người khách lạ cùng nhau chuyện trò.

 

 

Chuyện về “ông Giêsu người Nazareth ư !”

 

 

“Các anh chẳng hiểu gì cả !” Tất cả những gì xảy ra cho Giêsu người Nazareth đều đã được tiên tri “trong tất cả Sách Thánh”.

 

 

Ô hay ! Là cư dân Giêrusalem, các anh không biết, không nghe lời ông Giêsu đã lớn tiếng trong dinh toàn quyền Philato sao !? “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36).

 

 

“Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ !” (Lc 24, 25). Ông Giêsu “phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang”.

 

 

Những lời giải thích của người khách lạ nghe quen quen. Đúng ! Thầy Giêsu đã từng nói rằng : “Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,34).

 

 

Và quả đúng là trước lạ sau quen. Người khách lạ khi được mời ở lại “vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” thì không còn xa lạ đối với các ông.

 

 

Trong bữa ăn tối, thật là lạ lùng khi Người khách lạ “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho” các ông…

 

 

Ôi ! cử chỉ bẻ bánh hôm nay, sao giống như hôm ở Biển Hồ Galile, Thầy Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho “khoảng năm ngàn” người ăn.

 

 

Hôm đó, cũng một cử chỉ như thế “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6, 11).

 

 

 

Câu chuyện được kể tiếp rằng : “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 20,31). Thế rồi, họ nhìn nhau và đồng thanh thốt lên : “Người lữ khách đó chính là Ngài”.

 

 

Một chút tâm tình…

 

 

Không phải một sớm một chiều mà hai môn đệ trên đướng Emmau đặt trọn niềm tin rằng Đức Giêsu Phục Sinh. Thật vậy, niềm tin của các ông là một niềm tin tiệm tiến.

 

 

Từ chỗ “nhìn” thấy Chúa, rồi đến “nghe” giải thích Lời Chúa, và cuối cùng là “đón nhận” chính con người Phục Sinh Của Đức Giêsu qua nghi thức “Bẻ Bánh”. Hai môn đệ mới nhận ra Thầy Giêsu của mình.

 

 

Tưởng cũng nên nhắc lại những gì đã xảy ra cho nhóm mười một. Tất cả những “dấu chỉ” như “ngôi mộ trống” hay “khăn liệm không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” cũng chỉ làm cho các ông “rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra” (Lc 24,…12).

 

 

Còn lời chứng của nhóm các bà Maria Macdala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacobe thì “các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24,11). Hay sự kiện Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông chúc “Bình An”. Thế ma các ông vẫn chưa tin. Trái lại, các ông “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 36-37).

 

 

Trước sự yếu đức tin như thế, trong một lần Đức Giêsu Phục Sinh hiện đến với nhóm mười một, Ngài đã phải nhấn mạnh rằng : “Tất cả những gì sách Luật Mosê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”(Lc 24,…44). Và hỏi sao Đức Giêsu lại không “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” !

 

 

Sau này, trong một bức thư gửi cho các tín hữu, tông đồ Phêrô đã khẳng định rằng “ Chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em” (2Pr1,19).

 

 

Một phút suy tư…

 

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta trở về con đường Emmau.

 

 

Câu chuyện con đường Emmau đã mô tả rằng, hai người môn đệ có một “vẻ mặt buồn rầu”. Họ đã có những lời lẽ tràn đầy thất vọng “những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi” !

 

 

Cuộc đời mỗi chúng ta đang sống thường được ví như một con đường. Chúng ta thường gọi là “Đường đời”. Và phải chăng đường đời chúng ta đang đi, có điều gì đó cũng giống như con đường Emmau mà hai môn đệ xưa đã đi qua ! Cũng có những nỗi buồn bực và thất vọng.

 

 

Có những nỗi buồn không tên. “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” !!!

 

 

Có những nỗi buồn đắng cay đến độ dẫn tới chán chường và tuyệt vọng. Mới “chiều hôm nao tiếng hát bay cao. Quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chúng sống trọn đời”(3). Nhưng chỉ vì một thoáng “đời buồn vui” vậy mà “người ta lại bỏ con rồi, Chúa ơi !” (4).

 

 

Có những nỗi buồn không thể buồn hơn. Cùng là con cái Chúa, chung một niềm tin, chung một phép rửa… Thế mà lại coi nhau như kẻ thù, không tin tưởng lẫn nhau, lập bè phái. Chẳng khác gì nhóm mười một xưa kia. Các ông “cũng đã không tin” hai người môn đệ về sự kiện họ đã thấy “Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người” (Mc 16,12).

 

 

Người ta thường nói “nỗi buồn càng dấu kín, càng thêm buồn khổ”.

 

 

Hai môn đệ trên đường Emmau, họ không dấu kín nỗi buồn. Họ “trò chuyện và bàn tán” với nhau. Họ trải lòng ra với Đức Giêsu. Và hơn hết, họ cùng đồng bàn với Ngài.

 

 

Với chúng ta hôm nay. “Trò chuyện và bàn tán” với nhau, phải chăng chính là đến nhà thờ, một Emmau thứ hai, để “trò chuyện và bàn tán” với Chúa qua vị Linh Mục !

 

 

Vị Linh Mục như là hiện thân của Đức Giêsu Phục Sinh. Ngài sẽ “giải thích Kinh Thánh” cho chúng ta nghe, qua bài giảng trong Thánh lễ.

 

 

Đừng quên rằng, lòng-hai-môn-đệ-đã-bừng-cháy-lên sau khi hai ông đã được nghe Đức Giêsu Phục Sinh “nói chuyện và giải thích Kinh Thánh”(Lc 24, 32).

 

 

“Trải lòng ra với Đức Giêsu”. Phải chăng chính là lúc chúng ta “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng” về những tội lỗi mình đã phạm !

 

 

“Đồng bàn với Đức Giêsu”. Vâng, chính là lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Một bí tích kiện toàn cho đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy nhớ rằng, hai môn đệ trên đường Emmau “đã nhận ra Chúa thể nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, …35).

 

 

Xin được mượn lời chia sẻ của một blogger Công Giáo với nickname là “Tùng Trang” để khép lại cuộc hành trình về làng Emmau của chúng ta hôm nay.

 

 

“…Giữa cuộc đời, đi qua phận người, ai mà không từng rơi lệ ! Có những giọt nước mắt lặng thầm, chảy ngược vào tim, có tiếng khóc nức nở, ai oán ! Khóc là một biểu hiện trạng thái của tình cảm, người ta khóc vì hạnh phúc, vì đau khổ, vì oan khiên, vì nghịch cảnh, khóc mà vẫn nghe được tiếng Chúa gọi như Mary Macdala (Ga 20,11-18) (thì cũng nên khóc). Bởi đó không phải tiếng khóc than, nhưng là tiếng khóc thì thầm của nguyện cầu, tiếng khóc xua tan đau khổ, dẫn đến hạnh phúc !”

 

Đừng để tiếng khóc của ta át hẳn tiếng Chúa gọi ta. Và cũng đừng “chăm chăm nhìn” vào nỗi thổng khổ trên đường đời. Bởi như thế, làm sao chúng ta có thể thấy “Chúa đã trỗi dậy thật rồi” (Lc 24,34)

 

Petrus.tran

 

……….

(1) trích Trên đường Emmau – LM Thành Tâm.

(2) trích Thu Vàng – Ns Cung Tiến

(3) trích Diễm tình ca 3 – Lm Thánh Tâm.

(4) trích Con quỳ Lạy Chúa trên trời – Ns Phạm Duy.

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.