Có một câu truyện vui nước ngoài với tựa đề “Nghỉ học vì con mèo tham ăn”, nội dung như sau:
Để tăng tốc trong kỳ thi cuối cấp, thầy giáo đã đưa ra một qui định: Không ai được ra ngoài vì việc riêng, trừ việc đi vệ sinh mà thôi. Qui định được ban bố và thi hành trong một tuần, ai nấy đều nghiêm chỉnh chấp hành. Thế rồi một hôm, trong tiết của thầy giáo, một cậu bé học sinh đứng lên và xin phép:
– Thưa thầy, xin cho em ra ngoài ạ!
– Em ra ngoài có việc gì không?
– Thưa thầy, em xin ra ngoài để về nhốt con mèo nhà em lại.
– Việc đó có quan trọng bằng việc học của em không?
– Thưa thầy, nếu em không nhốt nó lại, chắc chắn em sẽ phải nghỉ học!
– Sao lại có chuyện như thế? Em hãy giải thích tại sao lại phải nghỉ học?
– Thưa thầy, nếu em không về nhốt con mèo nhà em lại, thì nó sẽ ăn hết thức ăn mà mẹ đã nấu cho bố trưa nay. Nếu bố em về mà không thấy gì, thì sẽ trách mẹ ở nhà không chu đáo. Mẹ chắc chắn sẽ cãi lại. Bố sẽ bỏ đi vì chán nản, còn mẹ thì sẽ buồn bã. Sau đó, bố và mẹ sẽ ly dị. Cuối cùng thì em sẽ bơ vơ, nên phải nghỉ học ạ.
Thầy giáo, nghe xong lập luận của cậu bé học trò, cũng toát hết cả mồ hôi hột, nên đành phải cho cậu bé ra ngoài. (St).
Điểm qua tình hình hiện hay, gã nhận thấy “dân số” dòng họ nhà mèo ngày càng bị giảm đi một cách thê thảm và không chừng sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhất là từ khi người ta quảng cáo rùm beng cho món “tiểu hổ”. Tệ trạng bắt mèo đã có từ lâu, nhưng bây giờ mới thực sự phát triển bằng những bước nhảy vọt khổng lồ. Đoàn quân bắt mèo lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẻm để mua bán, đổi chác và…bắt trộm.
Toan Ánh, trong cuốn “Ăn trộm và nghệ thuật bắt trộm”, đã kể lại chuyện bắt mèo ngày xưa như sau:
“Bắt mèo ở đây có nghĩa đen, tức là bắt trộm mèo của người khác. Kể ra thì người ta bắt mèo làm gì? Ở nhà quê mèo vào nhà người ta còn cho là một điềm xấu, nên mới có câu: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu.
Mèo hoang ở nhà quê nhiều lắm và có khi ở tỉnh cũng nhiều. Nhà nào có nuôi mèo, cũng chỉ nuôi một hai con cho nó bắt chuột là nhiều. Nếu chẳng may có con mèo cái đẻ, người ta gọi cho bạn bè, hoặc cũng có khi người ta mang ra chợ bán rẻ được đồng nào hay đồng ấy.
Ai đã có dịp đi xe đò mà gặp một hành khách mang mèo, chắc cũng phải nhận thấy là xe đò không chịu chở mèo vì sợ xúi quẩy.
Vậy mà có kẻ đi bắt mèo, chúng bắt để làm gì? Xin thưa: Nguyên do là mấy năm chiến tranh thực phẩm khan, các hiệu cơm tây lại thường phải cung ứng cho khách ăn các món thỏ si-vê, mà thỏ thì kiếm không ra, khách ăn lại cứ đòi ăn. Các ông chủ hiệu đành phải làm phép biến hoá để có thể cho khách xơi. Các ông khách sành ăn, xơi thịt mèo, lại cứ cho là thịt thỏ, thấy nó vẫn ngon thơm, có khi thịt lại thấy bùi hơn món thỏ các ngài vẫn xơi ở nhà. Các ngài cho là đầu bếp ở hiệu nấu khéo và các ngài đã xơi thịt thỏ chính cống rồi.
Cũng vì các ngài khách sành ăn này mà các hiệu ăn phải đi kiếm mèo nhiều để có thịt thỏ bán cho khách. Chỉ oan cho lũ mèo! Và cũng do đó có nạn ăn trộm mèo ở nhà quê và ở cả tỉnh nữa.
Ngay tại Saigon, trước đây đã có bọn đi bắt mèo để bán cho các hiệu ăn, và các ngài sành ăn ở Saigon chắc chắn cũng đã xơi nhiều món thỏ chính cống nấu bằng thịt mèo rồi.
Muốn bắt mèo, bọn ăn trộm mèo lấy thức ăn mà dử. Trong khi mèo mải ăn, chúng chụp cho vào bị, hoặc cũng có khi chúng rật thòng lọng cho vào lồng.
Bắt mèo không nguy hiểm, vì thường những chủ nuôi mèo cũng ít khi để ý tới mèo. Người nuôi mèo không thấy mèo về, cho là nó đã đi đâu mất, không ai ngờ nó bị bắt trộm. Không có con mèo này thì nuôi con mèo khác, xin đâu chẳng được mèo con.
Bọn đi bắt mèo chỉ bắt những con mèo lớn vì các hiệu ăn cũng chỉ dùng những con mèo lớn để nấu giả làm thịt thỏ.
Chiến tranh xong, thỏ dễ mua, nhưng bọn đi bắt mèo vẫn không bỏ nghề, vì giá thỏ đắt hơn giá mèo, mà khách sành ăn xơi thịt mèo lại vẫn cứ khen ngon, thì các hiệu ăn vẫn cần mua mèo.
Mèo chết thay thỏ và bọn bắt mèo vẫn sống!”
Còn tác giả Lữ Khách trên “Giai phẩm xuân Tân Mão 2011” của báo Kiến Thức Ngày Nay đã viết về món “tiểu hổ” ngày nay như sau:
“Vùng quê tôi có câu: “Dê núi Ninh Bình, cầy tơ Nam Định, tiểu hổ Thái Bình”. Chẳng biết từ bao giờ, quê lúa Thái Bình đã trở thành trung tâm của thịt mèo, cũng chẳng biết căn cứ vào sách vở nào, thịt “tiểu hổ”, (thịt mèo) luôn được quí ông khẩu truyền và tâm đắc như một món ăn quí, có tác dụng “bổ âm bổ dương, bổ giường bỏ chiếu”.
Các quan nhậu ở trung tâm thành phố Thái Bình không cần treo biển hiệu rầm rộ, chỉ cần nhốt vài con mèo ngoài cửa, rồi làm thịt ngay trên vỉa hè là khách nhậu ùn ùn kéo tới. Giá “tiểu hổ” gấp đôi món cầy tơ, nên các chủ quán sẵn sàng bỏ nghề cũ, mỗi đêm chỉ cần thịt chừng mươi chú mèo là sống khoẻ re…
Ăn thịt mèo chưa đủ, còn phải uống rượu mật mèo với giá 10.000đ/xị mới bảo đảm thành “đại sự”. Nghe đâu mật mèo cũng chẳng kém gì mật gấu, mật bò tót. Chủ quán đon đả với thực khách: “Mật gấu bây giờ là mật gấu nuôi nên lạt nhách. Bò tót thì tuyệt chủng hết rồi, nên phải dùng mật bò nhà làm giả. Bởi vậy, chỉ có mật mèo là nguyên chất nhất. Mà uống mật nó thì có khác gì mật hổ đâu, nó là tiểu hổ mà”. Ai cũng gật gù tán thưởng.
Nếu muốn tác dụng nhanh chóng và hiệu quả rõ ràng hơn, tốt nhất là uống rượu có ngâm bào thai mèo. Đắt giá nhất là “cao tiểu hổ” với giá 700-800 ngàn đồng/lạng, ngâm theo công thức 2 lít rượu/100g cao. “Tiểu hổ” là sư phụ của “Đại hổ, nên rượu “tiểu hổ cốt” uống vô là “bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ!?”…
“Tiểu hổ” cũng đã theo chân người miền Bắc tha phương tới miền Nam. Tôi đi trên đường Lê Hồng Phong, thành phố Nha Trang, thấy đã có nhiều quán treo biển “tiểu hổ 9 món”, “meo…meo”… Ở Saigon, món đặc sản này cũng đã cắm dùi ở Gò Vấp và nhiều nơi khác.
Có cầu ắt có cung, để bảo đảm “hậu cần” cho hàng chục ngàn quán nhậu lớn nhỏ, đã hình thành mạng lưới thu mua, vận chuyển, đại lý hoàn chỉnh. Có những đoàn quân đông đảo do lực lượng chuyên rong mua chó “kiêm nhiệm”, đi khắp các xóm làng hẻo lánh với câu rao: “Ai có mèo đực theo cái, mèo gái theo trai…bán – mua”. Miền Bắc cạn nguồn, đoàn quân này “Nam tiến”, từ mua bán đến đổi xoong nhôm, kể cả bắt trộm. Chưa ai thống kê được mỗi ngày có bao nhiêu chú mèo lên bàn nhậu, nhưng cứ nhìn số lượng mèo bị giết ở những hàng quán tại các tỉnh, thành phố lớn, có thể ước tính cứ 24 giờ trôi qua, cả ngàn kiếp mèo được giải thoát để phục vụ cho “mục đích cao cả” của quí ông.
Thịt mèo ngon bổ đâu chưa biết, nhưng có lẽ cần đưa thêm chút thông tin sau: Một chuột đồng trong vòng 1 năm có thể sinh 80 chuột con, và cứ 2 tháng lại có 1 thế hệ chuột tham gia sinh sản. Mỗi năm, một đôi chuột có thể trực tiếp và gián tiếp cho “ra lò” 2.160 con chuột. Và nếu cánh đồng có 1.000 con chuột, thì mỗi ngày sẽ đẻ thêm 6.000 con. Vắng bóng mèo, chuột sẽ hoành hành”. Lúc bấy giờ đại hoạ sẽ xảy ra cho bàn dân thiên hạ”.
Khoa học cũng như lịch sử đã cho thấy sự thực là như vậy. Một nhà sinh vật học nổi tiếng người Anh, khi nghiên cứu nguyên nhân mất mùa của cây cải dầu, đã kết luận là do số mèo giảm theo cơ chế như sau: Mèo giảm, thì chuột tăng; chuột tăng sẽ phá tổ ong làm cho ong giảm; ong giảm thì việc thụ phấn cho hoa cải dầu cũng giảm, và thế là dẫn tới mất mùa.
Vào thời Trung cổ, ở châu Âu đã từng xảy ra dịch hạch lớn, cướp đi 20 triệu mạng sống, tương đương với 60% dân số lúc bấy giờ. Nguyên nhân là do người châu Âu lúc đó cho rằng mèo là tay chân của phù thuỷ, nên phải tận diệt, nên tạo cơ hội cho giống chuột châu Phi hoành hành, mang lại thảm hoạ cho loài người. Chính vì vậy mà mèo dần dần được phục hồi danh dự.
Đối với người Việt Nam, mèo không phải chỉ là con vật thân thương và gần gũi với con người, được nuôi trong nhà để bắt chuột, mà hơn thế nữa mèo còn là một trong số rất ít những con vật được dùng làm hình ảnh tượng trưng cho con người, thậm chí còn được đồng hoá với con người. Gã xin được kể ra như sau:
Trước hết, mèo được dùng làm hình ảnh tượng trưng cho con gái.
Sở dĩ như vậy là vì giữa con gái và con mèo có nhiều điểm rất giống nhau. Thực vậy, trong một cuộc hội thảo bàn tròn chung quanh vấn đề này, những anh con giai đã nhao nhao phát biểu ý kiến.
Anh thì bảo:
– Con gái bình thường rất ư là hiền lành, thậm chí còn nhõng nhẽo với mình bằng đôi mắt nai long lanh. Nhưng khi bức tức ấy hả? Con gái cũng giống như con mèo: gầm gừ, xù lông, không chừng còn nhe răng, làm cho mình, như chú chuột nhắt, hết sức sợ hãi, chỉ thầm mong sao thoát khỏi móng vuốt của nàng mà thôi. Cãi lời là bị lườm nguýt thấu đến tận tim gan phèo phổi. Lơ mơ là còn bị ăn đòn nữa chứ!
Anh thì nói:
– Con gái cũng giống như con mèo, khi kêu meo meo thì thật dễ thương, nhưng động vào là nó cào cho chết luôn. Và khi bị con gái cào thì chẳng khác chi bị mèo cào vậy!
Anh thì xác quyết:
– Con mèo rất hay ăn vụng và con gái cũng rứa. Hễ nhìn thấy cái gì ăn được, thì thế nào cững phải đưa tay bốc.
Anh thì cho rằng:
– Con mèo là chúa lười và hay ngủ dạy muộn. Con gái cũng giống như vậy.
Sau cùng một anh đã nhận xét:
– Con mèo và con gái đều hay nói “meo”. Chẳng hạn khi kiến bò bụng thì con gái thường nói với con trai: Tớ đói meo rồi đó. Có phải vì vậy mà con mèo bắt chước con gái, cứ suốt ngày kêu meo meo!
Tiến đến, mèo được đồng hoá với bồ nhí.
Có lần gã đã hỏi một ông thầy người Pháp:
– Tiếng Việt đối với ngài dễ hay là khó?
Ngài bèn trả lời:
– Tôi là người Pháp, nếu học tiếng Ý, hay tiếng Tây Ban Nha thì chỉ mất có ba bốn tháng. Nếu học tiếng Anh thì chỉ mất sáu bảy tháng. Nếu học tiếng Đức thì chỉ mất hơn một năm. Nếu học tiếng Do Thái thì chỉ mất hai năm. Nếu học tiếng Tàu thì chỉ mất ba năm. Còn học tiếng Việt ấy hả. Đã mất bốn năm rồi mà vẫn chưa ăn thua gì. Thậm chí đã viết ra giấy, thế mà khi đọc lên, thiên hạ vẫn cứ cười ồ!
Cũng vì thế mà ngày xưa, các vị cố Tây qua Việt Nam để truyền đạo, tiếng Việt của các ngài không được thông thạo cho lắm, nên nhiều khi đã gây ra những hiểu lầm, buồn cũng có mà vui cũng có, thậm chí còn cười ra cả nước mắt cũng có. Đặc biệt là câu chuyện mà tôi thường được nghe kể sau đây:
Có một chàng thanh niên, khi vào xưng tội với vị cố Tây, anh ta đã nói rằng:
– Thưa cha, con đã có một vợ và hai đứa con thơ, con rất thương vợ và thương các con của con, nhưng mà con đã phạm một tội nặng lắm cha ạ!
Vị cố Tây bèn an ủi:
– Chúa nhân từ, con cứ việc xưng.
Chàng thanh niên lắp bắp:
– Dạ thưa cha, con đã có vợ mà lại còn có mèo nữa ạ!
Vị cố Tây bèn ôn tồn nói:
– Có mèo thì sao? Cha cũng có mèo mà!
Cái rắc rối mà vị cố Tây này không “ngộ” ra được: Mèo có khi chỉ là một con vật, có khi lại là một con người, và nó được đồng hoá với “bồ nhí”. Vậy thế nào là bồ nhí?
Trước hết bồ có nghĩa là phe cánh, chẳng hạn như khi đánh bạc, người ta thường cặp bồ, hay bắt bồ mí nhau. Còn trong ngôn ngữ dân gian, thì bồ có nghĩa là bạn thân. Riêng trong mối liên hệ giữa đờn ông và đờn bà, giữa con giai và con gái, bồ còn có nghĩa là người tình hay người yêu.
Tiếp đến là chữ nhí. Nếu gã không lầm thì chữ nhí, dưới một góc cạnh nào đó, cũng đồng nghĩa với chữ nhỏ. Lê văn Đức trong “Việt Nam Tự điển” còn chua thêm một nghĩa nữa cho chữ nhí, đó là lẳng lơ và liến xáo, chẳng hạn như nhí nhảnh.
Tuy nhiên, có bồ, có người tình hay có người yêu thì khác với có mèo hay có bồ nhí. Bởi vì loại có trên thường là công khai, hợp pháp và mang nhãn hiệu trình tòa hẳn hoi, còn loại có dưới, thì bao giờ cũng thầm lén, vụng trộm, chui lủi và bất hợp pháp.
Theo các nhà tâm lý, thì đối với một số những người đờn ông đã lập gia đình, thì thích “có mèo” hay có “bồ nhí” là một khuynh hướng bẩm sinh, khó mà cưỡng lại được. Ngay cả những ông chồng “siêu tốt” cũng phải trầy da tróc vẩy, thế mà chưa chắc đạt được điểm cao cho môn đạo đức hôn nhân. Một công ty thám tử tư, sau nhiều dịch vụ rình mò, đã hùng hồn công bố kết quả của họ là 99% đàn ông đã kết hôn vẫn có hay vẫn thích có bồ nhí. Đàn ông 18 tuổi, thì tìm kiếm một cô gái cùng trang lứa, năm 40 tuổi các chú này vẫn yêu cô gái 18, và cho đến năm 60 hay 70 các cụ này vẫn không thay đổi lập trường, trước sau như một, vẫn chọn cô gái 18 nếu có thể. Đàn ông là như thế. Họ khó chung thuỷ với bà xã, nhưng luôn chung thuỷ với bản thân mình. (Đẹp).
Vậy tại sao các ông chồng lại thích có mèo, hay ưa có bồ nhí? Xin thưa chỉ vì bồ nhí thì giống mèo và mèo thì cũng giống bồ nhí. Gã xin đưa ra một vài điểm của sự giống nhau ấy.
1- Mèo ít khi gầm gừ, nhe răng hay dương móng vuốt, trái lại luôn dịu dàng kêu meo meo nghe thật êm tai. Bồ nhí cũng vậy, ít khi cáu gắt hay quát tháo ầm ĩ, nhưng luôn âu yếm, thật êm dịu và dễ chịu.
2- Mèo bao giờ cũng sạch sẽ. Bồ nhí cũng vậy, lúc nào cũng thơm tho.
3- Mèo thích được mơn trớn. Bồ nhí cũng vậy, ưa được vuốt ve và thường xuyên nũng nịu.
4- Mơn trớn mèo mang lại cảm giác mềm mại. Bồ nhí cũng vậy, vuốt ve bồ nhí làm cho sung sướng.
5- Mèo ăn uống nhỏ nhẹ. Bồ nhí cũng vậy, ăn uống rất từ tốn, có nghĩa là bồ nhí nhiều khi ăn rất từ từ, nhưng lại vô cùng tốn kém, thế mà ông xã vẫn cứ cho là chuyển nhỏ, không đáng kể.
6- Mèo biết tỏ ra vâng lời. Bồ nhí cũng vậy, luôn cưng chiều khiến ông xã tưởng mình là chúa tể sơn lâm.
7- Nếu chẳng may bị mèo cào, thì chỉ xót xa tí chút. Cũng vậy, nếu chẳng may bị bồ nhí giận hờn, thì cũng chỉ thêm thi vị cho cuộc sống mà thôi.
Càng suy nghĩ, chúng ta càng tìm ra được nhiều điểm giống nhau giữa mèo và bồ nhí. Cũng chính vì vậy mà các ông chồng, vợ con đàng hoàng, thế mà vẫn cứ thích có mèo, vẫn ưa đèo bòng bồ nhí. Đối với các chuyên gia trong lãnh vực gỡ rối tơ lòng, thì đây chỉ là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng đối với các bà xã, thì đây quả là một hung tin, bởi vì khi dựng nên người đàn bà, Thượng đế đã cài đặt sẵn trong tâm can tì phế của họ một chương trình ghen và đánh ghen, như Hoạn Thư đã từng phân bua:
– Rằng tôi cũng thể đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Các bà vợ bị phản bội luôn cần đến một quân sư quạt mo, giúp họ những phương thế “trị mèo”, nhưng tại các trung tâm tư vấn, họ chỉ nhận được những lời khuyên chung chung, chẳng hạn như phải bình tĩnh và sáng suốt, phải biết tự trọng và cư xử cho có văn hoá. Nhưng làm sao có thể đàng hoàng với những kẻ đã không đàng hoàng với mình bây giờ đây?
Tuy nhiên, sự quyết định của các bà vợ, hành động mà các bà định làm, sự ra tay hay xuất chiêu của các bà mới thực sự quan trọng, ảnh hướng sâu xa tới kết quả: Một là sẽ đưa các ông chồng “trở về mái nhà xưa” cách an toàn, hai là vợ chồng sẽ ca bản đường ai người ấy đi vì tình nghĩa đôi ta chỉ có thế mà thôi.
Làm sao trị được mèo bây giờ đây?
Gã siêu
Views: 0