Uncategorized

Hôn nhân và Mầu Nhiệm Nhập Thể

“Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’” (Mat. 1:23). Lời tiên tri Isaia đã nói 500 năm trước khi Chúa Cứu Thế giáng trần đã cho thấy vai trò và chỗ đứng quan trọng của hôn nhân trong trật tự xã hội, văn hóa; đặc biệt, liên quan đến Mầu Nhiệm Nhập Thể.

 

“Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’” (Mat. 1:23). Lời tiên tri Isaia đã nói 500 năm trước khi Chúa Cứu Thế giáng trần đã cho thấy vai trò và chỗ đứng quan trọng của hôn nhân trong trật tự xã hội, văn hóa; đặc biệt, liên quan đến Mầu Nhiệm Nhập Thể.

 

Hôn nhân cộng đồng đầu tiên của nhân lọai:

 

Trong bình minh của sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên con người, và đời sống xã hội của họ cũng manh nha ngay từ đó với sinh hoạt đầu tiên của một gia đình. Thánh Kinh đã ghi lại, giữa xã hội phôi thai của con người lúc bấy giờ, Thiên Chúa đã dựng nên họ có nam và có nữ. Cũng chính Ngài đã tác thành con người để trở nên vợ chồng, và xây dựng một khung hình sinh hoạt mang tính cộng đồng đầu tiên của nhân lọai.

 

Cấu trúc của gia đình, là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Một hình thức xã hội, phản ảnh xã hội tính, giới tính, nhu cầu tâm sinh lý, và nhu cầu bảo tồn nòi giống. Từ mô hình này, ta lại thấy xuất hiện những vai trò mới như vai trò làm chồng, vai trò làm vợ, vai trò làm cha, vai trò làm mẹ, vai trò làm anh chị em… Qua mầm mống xã hội nhỏ bé này, một xã hội rộng lớn hơn đã từ từ hình thành và phát triển như các hệ thống xã hội hiện nay.

 

Khi tế bào gia đình phát triển và mở rộng, mô hình xã hội sẽ đầu tiên vươn tới là hệ thống đại gia đình, bao gồm nhiều thế hệ của một gia đình. Ảnh hưởng và hình thức đại gia đình đã để lại dấu ấn đặc biệt qua nhiều thế hệ của hệ thống gia đình người Á Châu, đặc biệt là Việt Nam. Ngày nay, tuy ảnh hưởng của đại gia đình không còn nhiều, nhưng những mối dây liên lạc giữa các phần tử trong một đại gia đình vẫn còn là những gì mà xã hội con người không thể bỏ qua. Người Việt Nam có câu: “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, chính là phản ảnh của tinh thần đại gia đình.

 

Nhiều gia đình, nhiều đại gia đình xuất hiện, xã hội con người bắt đầu hình thành qua những tổ chức thôn xóm, làng, quận, tỉnh… Tinh thần dân tộc, chủ nghĩa quốc gia cũng từ đó thành hình và làm nên sinh họat xã hội rộng lớn trên bình diện quốc gia và quốc tế. Nhiều khi chủ thuyết xã hội cực đoan, quốc gia cực đoan đã khiến con người đi vào những cuộc phiêu lưu chiến tranh và gây đau thương, tang tóc cho nhiều gia đình, nhiều quốc gia.

 

Hôn nhân cộng đồng tình yêu:

 

Nhưng bản chất gia đình là một xã hội của tình yêu, và mọi hành động của xã hội này được xây dựng trên yếu tố tình yêu. Chồng yêu vợ. Vợ yêu chồng. Cha mẹ yêu thương con cái. Anh chị em yêu thương nhau.

Một gia đình nhỏ bé vươn tới đại gia đình rộng lớn gồm ông bà, cô, chú, bác, và anh chị em họ hàng. Một cộng đồng của tình yêu.

 

Qua ánh sáng của Lời Chúa thì đời sống hôn nhân không chỉ là một nhu cầu, một lối sống tự nhiên theo bản năng mang xã hội tính, văn hóa, và tôn giáo, đời sống này còn mang ý nghĩa một Bí Tích, một ơn gọi. Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa đã kết hợp Adong với Evà. Tình yêu nối kết giữa hai người khắng khít đến độ, trước tặng vật vô giá mà Thiên Chúa đã giới thiệu cho Ông, Adong đã nói về Evà rằng: “Đây là xương của xương tôi, và thịt của thịt tôi.” Cũng theo Thánh Kinh, “vì thế, người nam sẽ từ bỏ cha mẹ mình và luyến ái với vợ mình. Và cả hai trở nên một” (Sáng Thế 2:23-24).

 

Gọi gia đình là cộng đồng của tình yêu, vì yếu tố tình yêu là chính, và nhân tố xây dựng gia đình lại góp nhặt từ những phần tử khác nhau, với những cá tính và xu hướng tinh tính khác nhau. Trong cộng đồng này, tự nó đã có những mầm mống của chống đối, của chia rẽ, của bất hòa, nhưng những mầm mống tiêu cực và xấu ấy bị tình yêu lớn lao thắng vượt.

 

Mặc dù vẫn còn có những xung khắc, những bất đồng, nhưng những người trong một gia đình vẫn vì tình yêu để sống và để lo lắng cho nhau. Ở đây, tình yêu thắng vượt hận thù. Tình yêu là động lực chính thôi thúc và làm tăng trưởng, thăng hoa hạnh phúc gia đình. Nhưng điểm tiêu cực nếu có, chỉ để làm gia tăng giá trị của tình yêu. Thí dụ, một người con hư hỏng tuy làm cho cha mẹ phải buồn lòng, nhưng tình yêu là nét nổi bật chính trong tương quan giữa nó và cha mẹ. Tình yêu mà cha mẹ dành cho nó càng làm cho mối liên hệ gia đình trở nên thiêng liêng và cao cả.

 

Hôn nhân dưới ánh sáng lời Chúa:

 

Ngày nay, do những tư tưởng buông túng, vô trách nhiệm về hôn nhân, người ta đang từ từ muốn bóp méo cấu trúc của gia đình, làm mất đi giá trị đích thực của hôn nhân. Ý nghĩa của hôn nhân dưới ánh sáng Lời Chúa đang bị thay thế bằng những cắt nghĩa lệch lạc về mục đích, cũng như chấp nhận những mô hình gia đình mới về hôn nhân và gia đình. Nhưng mặc dù con người thời đại có cắt nghĩa hoặc cố tình làm lệch lạc đi ý nghĩa của hôn nhân, thì hôn nhân vẫn là một khởi đầu quan trọng trong ý định cứu độ của Thiên Chúa. Qua đó Ngôi Hai Thiên Chúa mặc xác phàm con người và sinh vào trần gian. Mầu nhiệm Nhập Thể đã xác định tính cách vĩnh hằng về vai trò và chỗ đứng của ơn gọi hôn nhân.

 

Được sinh ra trong một gia đình gồm người cha và người mẹ. Có họ hàng thân thuộc như bất cứ ai khác. Thánh Kinh đã cho thấy Thánh Gia Nazareth của Ngài nghèo và đơn giản. Dưỡng phụ làm nghề thợ mộc. Phần Ngài sống âm thầm trong căn nhà này cho đến 30 tuổi mới bước vào đời sống công khai bằng sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Điều đáng lưu ý ở những ngày đầu công khai của Ngài là phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon tại tiệc cưới ở Cana khi Ngài và thân mẫu cùng với các môn đệ đầu tiên của Ngài được mời tham dự. Tại sao phép lạ đầu tiên ấy lại là phép lạ hóa nước thành rượu, và môi trường thực hiện lại là ở một tiệc cưới. Và câu trả lời chắc có lẽ là vì hôn nhân chính là căn tố quan trọng của xã hội, của đời sống con người, đồng thời mật thiết với ơn Cứu Độ. Phần lớn nhân lọai sống trong ơn gọi này.

 

Qua thái độ và lập trường trên, Chúa Giêsu cũng đã trả lời cho phần lớn những vấn nạn về đời sống gia đình, về ơn gọi hôn nhân mà con người thời nay đang phải đối đầu, phần lớn không do Thiên Chúa mà là do con người tự tạo ra. Quan điểm đầu tiên nhắm vào những lý luận và cuộc sống đồng tính và hôn nhân đồng tính. Có lẽ nhiều người vẫn cho rằng đồng tính và hôn nhân đồng tính phải được thừa nhận và phải được coi như ngang hang với hôn nhân căn bản giữa người nam và người nữ. Mặc cho những lý luận và giải thích cách này hay cách khác của con người, phần Chúa Giêsu, Ngài đã khẳng định rất rõ ràng: “Từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên họ. Ngài dựng nên họ có nam, có nữ. “ (Máccô 10:6)

 

Như vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng con người gồm nam và người nữ. Việc Ngài liên kết người nam với người nữ trong gia đình đầu tiên của nhân lọai đã cho thấy rõ yếu tố nam nữ được Ngài đặc biệt quan tâm. Không những Ngài quan tâm, mà còn trao phó trách nhiệm tiếp nối công trình sáng tạo của Ngài cho cặp nam nữ đầu tiên là Adong và Evà. Ngài bảo họ: “Hãy sinh sản ra nhiều trên mặt đất” (Sáng Thế 1:28). Riêng đối với tệ trạng ly dị thì Ngài cũng đã khẳng định rất rõ ràng: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Máccô 10:9). Chừng đó đủ cho thấy, Thiên Chúa rất quan tâm đến đời sống hôn nhân, và cũng vì vậy đã nâng đời sống này lên hàng Bí Tích: Bí tích hôn phối.

 

Điều này cũng đã cho biết tại sao Chúa Giêsu trong lần xuất hiện công khai với phép lạ đầu tiên, Ngài đã thực hiện trong môi trường hôn nhân, và cho đời sống hôn nhân. Nước lã và rượu là hai trạng thái xung khắc nhưng cũng cho thấy hình ảnh thực của hôn nhân. Nước lã tượng trưng cho những gì là lạt lẽo, vô duyên, chán nản của đời sống hôn nhân. Nhưng rượu lại tượng trưng cho sự nồng nàn, say đắm, thu hút của tình yêu, của hai kẻ yêu nhau. Trong đời sống hôn nhân mà hết rượu cũng có nghĩa là hết yêu, hay tình yêu trở nên cạn kiệt. Cặp vợ chồng sẽ không có đủ khả năng để hy sinh, chịu đựng, và chấp nhận nhau. Và một đời sống như vậy chỉ cần một thử thách nhỏ cũng sẽ làm cho nó tan vỡ. Hiện tượng ly thân, ly dị của con người ngày nay chính là hiện tượng thiếu rượu. Hiện tượng mà con người đã đánh mất đi ý nghĩa tình yêu chân chính để chỉ sống dật dờ vào tình cảm, tình dục, hay những yếu tố phụ thuộc khác để rồi, khi thử thách, đau khổ xuất hiện, người ta đã lạnh lùng bỏ nhau như hất đi một bát nước lạnh.

 

Khi nhìn vào Gia Đình Nazareth, nhìn vào gương sống của Mẹ Maria, của Giuse, và của bé Giêsu, chúng ta thấy hiện lên một hình ảnh tuyệt vời và cao cả của ơn gọi hôn nhân. Ơn gọi Gia Đình Nazareth mà Giuse, Maria đã bước vào, và đã hòan tất cách mỹ mãn cũng là ơn gọi mà phần đông nhân lọai trong đó có chúng ta. Trong gia đình này có những cái phi thường, và cũng có những cái xem ra rất tầm thường. Nhưng dù là phi thường hay tầm thường thì cũng là những điều mà chúng ta có thể mô phỏng và bắt chước được, vì nó rất gần gũi và gắn liền với kiếp người của chúng ta. Và đó là những gì mà chúng ta cần phải tái khám phá mỗi ngày khi suy ngắm về gia đình này cũng như gia đình của chính chúng ta.

 

Trong gia đình Nazareth, tình yêu là yếu tố duy nhất, sức mạnh duy nhất, và niềm vui duy nhất mặc dù trong gia đình thỉnh thỏang cũng gặp vài thử thách. Sự thánh thiện tuyệt vời của Giêsu, của Maria và của Giuse được xây dựng trên tình yêu này. Chính do tình yêu khăng khít với Thiên Chúa và với nhau, mà cả ba đều đã thánh hóa cách tuyệt vời ơn gọi hôn nhân gia đình của mình. Và đó là cái phi thường mà mỗi người chúng ta cần phải bắt chước để sống và thánh hóa ơn gọi hôn nhân và gia đình của mình.

 

Nhưng không phải luôn luôn Gia Đình Nazareth tỏ ra siêu việt, phi thường. Có thể nói ngòai tình yêu lớn lao, gia đình này bề ngòai cũng giống như bất cứ một gia đình nào khác, mà còn có thể nói là tầm thường và thua sút nhiều gia đình khác. Rõ ràng nhất là gia đình này nghèo. Không ai có bằng cấp, địa vị. Ngòai ra, cũng có những lúc song gió tưởng chừng như làm tan vỡ hạnh phúc của những người trong đó. Đó là những lúc Giuse suy nghĩ, nghi ngờ về người bạn của mình. Đó là những lúc Maria không hiểu gì về con mình. Và đó cũng là những lúc mà cả hai bố mẹ phải vất vả, khổ sở vì con. Tất cả những cái đó giống hoặc đang xảy ra cho mỗi người, mỗi gia đình chúng ta mọi ngày.

 

Nếu nhìn vào với cặp mắt của những người có niềm tin, và muốn bắt chước gương sống của gia đình này, lập tức chúng ta sẽ thấy hiện ra những ý nghĩa cao cả và tiềm ẩn. Và đó cũng là ý nghĩa mà Thiên Chúa muốn mỗi người, mỗi gia đình chúng ta cần phải tìm hiểu, học hỏi, và sống. Chúa đến đem ơn cứu độ cho nhân lọai. Ngài đã đến qua cửa ngõ của gia đình. Ngài đã chọn môi trường gia đình để thực hiện phép lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai của Ngài. Và ngay trên thập giá, trước khi tắt thở, Chúa Giêsu cũng làm nổi bật ý nghĩa gia đình khi trao Mẹ Maria cho Gioan, và Gioan cho Mẹ Maria.

 

Hôn nhân và Mầu Nhiệm Nhập Thể:

 

Nhìn vào hang Belem. Nhìn vào Gia Đình Thánh tại Nazareth, mấy ai hiểu rằng để chuẩn bị cho Con Một giáng trần. Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho Ngài một gia đình.

 

Ngài đã liên kết giữa Maria và Giuse. Cả hai đã trải qua những ngày tháng đính hôn. Và cả hai đã chuẩn bị cho đời sống hôn nhân của mình bằng những chuẩn bị hết sức tuyệt vời, mà cái tuyệt vời nhất là cả hai đã bước vào đời sống hôn nhân bằng cách tuân phục và vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Có nghĩa là cả hai đã chọn lựa ơn gọi hôn nhân theo ý định của Thiên Chúa, mặc dù cả hai đều không biết rằng, qua cửa ngõ hôn nhân ấy, Thiên Chúa đang chuẩn bị cho Con Một Ngài một nơi chốn để vào đời. Hôn nhân giữa Đức Maria và Giuse đã ban Đấng Emmanuel cho nhân lọai. Đó là cái nhìn đặc biệt của ơn gọi gia đình được nhìn qua cái nhìn Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.

 

Tóm lại, là Kitô hữu, chúng ta phải suy nghĩ, cầu nguyện và sống trọn vẹn ơn gọi hôn nhân gia đình của mình. Bởi vì tất cả sự thánh thiện của mỗi người. Tất cả niềm vui và hạnh phúc của kiếp người của mỗi người đã được Thiên Chúa nhìn thấy qua giá trị của ơn gọi hôn nhân. Hôn nhân, đặc biệt hôn nhân Công Giáo không chỉ là một định chế gia đình của xã hội, mà hơn thế nữa là ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa mời gọi từng người để cùng bước vào để không những thông ban cho họ tình yêu, mà còn trao cho họ sứ mạng tiếp tục ơn cứu độ, tiếp tục làm phong phú ơn cứu độ. Nhờ vào việc vợ chồng thương yêu nhau, họ sẽ làm phát sinh và triển nở tình yêu ấy qua những người con. Nhờ vào việc chu tòan nhiệm vụ giáo dục, cha mẹ đã chuẩn bị cho nhân lọai những công dân tốt, và cho Giáo Hội những tín hữu đạo hạnh. Gia đình còn là vườn ươm những ơn gọi khác nhau trong đó có ơn gọi tu hành sau này.

 

Gia Đình Nazareth đã ban cho nhân lọai Đấng Emmanuel. Gia đình Công Giáo, với ơn gọi của Bí Tích Hôn Nhân cũng đã, đang và sản sinh cho nhân loại nhiều Emmanuel mới như Gioan Phaolô II, như Têrêsa Calcutta, như Hồng Y Nguyễn Văn Thuận…

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.