Tài liệu của Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố cho thấy hàng năm có khoảng 14.500 đến 17.500 người bị buôn bán bất hợp pháp vào Mỹ và phần lớn trong số này được sử dụng vào các hoạt động tình dục hay bị cưởng bức lao động. Các chuyên gia tin rằng con số này có thể cao hơn 5 lần.
Tài liệu của free-international.org ước lượng tại Hoa Kỳ hiện có khoảng 200.000 người phải sống và làm việc như nô lệ. Khoảng 100.000 đến 300.000 trẻ em ở Mỹ có rủi ro bị buôn làm nô lệ tình dục mỗi năm. Tuổi 13 được coi là tuổi trung bình đi vào mãi dâm tại Hoa Kỳ.
Số nạn nhân được buôn vào Mỹ phát xuất từ khắp nơi trên thế giới: Phi Châu, Á Châu, Ấn Độ, Đông Âu, Mỹ Châu Latin, Nga, Canada và nhiều nơi khác. Tài liệu của Hội Luật Gia về Di Dân Hoa Kỳ ước lượng: Nam Á và Thái Bình Dương đã đưa vào Mỹ mỗi năm từ 5000 đến 7000 nạn nhân. Mỹ Châu Latin, Âu Châu và vùng Á – Âu: Mỗi nơi từ 3500 đến 5.500 mỗi năm .
HỌ ĐẾN MỸ BẰNG CÁCH NÀO?
Họ đến Mỹ bằng nhiều phương thức khác nhau, có thể nói là thiên hình vạn trạng. Sau đây là một số vụ điển hình.
Ngày 17.8.2006, Cơ quan Thi Hành Luật Pháp về Di Trú và Hải Quan Mỹ (U.S. Immigration and Customs Enforcement – ICE) đã phá một đường dây đưa phụ nữ Nam Hàn vào Mỹ để khai thác tình dục tại nhiều thành phố ở Mỹ như New York, Washington DC và Philadelphia. Kết quả có 31 nghi can đã bị bắt. Khoảng 70 phụ nữ Nam Hàn tham gia đường dây này đã bị ICE và các cơ quan điều tra tạm giữ để thẩm vấn xem họ có phải là những nạn nhân của bọn buôn người và kinh doanh tình dục hay không. Đa số những người này được đưa thẳng từ Nam Hàn sang Mỹ bằng giấy tờ giả, một số được nhập cảnh qua ngả Canada hoặc Mexico. Mỗi người phải trả cho các tên cầm đầu hàng chục ngàn USD dưới hình thức vay nợ và cam kết sẽ phải hành nghề mại dâm để trừ nợ dần.
Đường dây này bị phát giác vì cách đó 15 tháng một cặp vợ chồng người Nam Hàn ở hạt Queens, New York, bị bắt và truy tố vì đưa hối lộ 125.000 USD cho 2 viên cảnh sát địa phương để che giấu hoạt động chứa mại dâm. Hai viên cảnh sát nhận hối lộ này cũng đã bị bắt. Từ vụ này cảnh sát phanh phui ra vụ vừa nói. Những đối tượng cầm đầu và 70 phụ nữ Hàn Quốc nói trên bị buộc các tội buôn người, bán dâm và nhập cảnh trái phép.
Trước đó một ngày, một đường dây mại dâm gồm 240 gái gọi và 2 nghi can cầm đầu người Israel đã bị phá và bắt giữ tại California.
Cô Katya lại đến từ Nga. Cô đọc được một quảng cáo trên báo và gọi đến số điện thoại cho sẵn để kiếm một công việc như là vú nuôi của một gia đình giàu có tại thành phố New York. Họ đã làm giấy tờ và mua vé máy bay đưa cô sang Mỹ. Thế nhưng khi đến phi trường JFK ở New York, hai tên người Mỹ gốc Nga đã ra đón cô tại phi trường, lấy thông hành của cô và cho cô biết cô đã nợ chúng số tiền về chuyển vận và chổ ở. Cô có hai lựa chọn: hoặc là nhảy thoát y tại New Jersey hay làm việc tại phòng xoa bóp ở Brooklyn.
Cô Kika đến từ Venezuela. Một người đàn ông Hoa Kỳ đã qua Venezuela, làm quen và hứa hôn với cô, rồi làm giấy tờ đưa cô về New York, sau đó tịch thu giấy thông hành và tiền của cô, và đòi cô phải trả nợ số tiền di chuyển đi đến Mỹ. Sau đó, hắn buộc cô phải làm việc trong một nhà thổ với các cô gái bị bắt làm nô lệ khác. Khi cô chống cự, hắn đã đánh cô bị thương tích nặng. Cô cho biết đêm đầu tiên cô đã phải làm tình với 19 tên đàn ông.
Sau 3 năm dài sống trong địa ngục trần gian, cô lại chứng kiến người bạn của cô đã bị bọn chủ nô giết hại một cách dã man, vì cô ta đã từ chối làm tình với một tên chuyên buôn bán và vận chuyển những người làm nô lệ tình dục.
Khi cảnh sát đến, họ đã đối xử với Kika như là một tên tội phạm, chứ không phải là một nạn nhân. Cô làm chứng về việc người bạn gái của cô bị sát hại, và cô không hề nhận được một sự hổ trợ nào cả từ chính quyền, vì cô thuộc loại không có lý lịch rõ ràng và không nói được câu tiếng Anh nào.
Sandro, 32 tuổi, được đưa từ Mexico sang. Anh cho biết lúc đó anh đang ở trong một trại tạm trú ở Tijuana, gần sát biên giới Mexico và Mỹ. Một người tuyển dụng đến tiếp xúc với anh và bảo anh cùng đi tới biên giới Mexico – Mỹ để “xem tình thế như thế nào”. Khi họ tới gần biên giới, người tuyển dụng này biết rõ về thời điểm thay ca tuần tra ở biên giới, đã đẩy Sandro sang phía bên kia đường biên giới và bảo anh chạy nhanh đi. Anh được những kẻ buôn người Mexico ở phía Mỹ đón và hướng dẫn anh đi tới một nơi được coi là “ngôi nhà an toàn” và buộc anh phải làm thuê để có chỗ ngủ và bị buộc quan hệ tình dục khoảng 20 lần. Sau đó, anh bị họ áp tải tới một “ngôi nhà an toàn” khác ở San Diego, và buộc làm nô lệ tại gia. Ít lâu sau, anh bị buộc phải làm việc ở một công trường xây dựng suốt cả ngày và phải nộp tiền lương của mình cho những kẻ buôn người. Anh tiếp tục bị lạm dụng tình dục. May mắn, anh được nhân viên chống buôn người của Mỹ cứu thoát và cấp giấy phép cho anh lưu trú tạm thời tại Hoa Kỳ.
Khi mới 15 tuổi, Claudia gặp một chàng trai hấp dẫn tại một bữa tiệc và người đó sau này trở thành bạn trai của cô. Cô nói: "Người này kể cho tôi nghe rất nhiều về nước Mỹ và đề nghị tôi cùng làm ở nhà máy quần áo với anh".
Anh ta đã đưa Claudia sang Mỹ và đến thành phố New York. Tại đây, cô nhanh chống nhận ra rằng người bạn trai đó chỉ là một mắt xích trong đường dây mại dâm. Anh ta ép cô phải bán dâm, đánh đập cô và đe dọa sẽ giết bố mẹ cô ở quê nhà nếu cô kháng cự hoặc trốn. Ngày đầu tiên cô phải làm việc thật khủng khiếp: ngủ với 20 người đàn ông liên tục!
Suốt nhiều tháng trời, cô dành dụm tiền khách cho, mỗi lần chỉ vài USD, để có thể trốn đi. Cô bí mật hỏi những người đồng cảnh ngộ, nhưng lớn tuổi hơn, về đường tới bến xe buýt gần nhất.
Khi thấy số tiền đã đủ để đi xe buýt, Claudia chạy đến bến xe và mua chiếc vé tới thành phố mà cô cũng không biết tên. Giờ đây, khi đã được tự do nhiều năm, Claudia vẫn chưa thoát khỏi những cơn ác mộng và cuộc sống của cô vẫn hằn vết sẹo.
Ông CdeBaca, người giám sát nạn buôn người thuộc Bộ Ngoại Giao Mỹ, cho biết nhiều đường dây bán dâm bị truy tố trên khắp nước Mỹ. Những tay ma cô lừa phụ nữ Mexico bằng hứa hẹn về việc làm thu nhập cao ở Mỹ. Nhưng khi đến nơi, họ bị ép làm nô lệ tình dục. Bọn buôn người biết nạn nhân không tìm đến cơ quan cảnh sát vì họ là những người nhập cư bất hợp pháp. Đôi khi chúng còn đe dọa tố cáo nạn nhân với cơ quan di trú!
Đau buồn hơn là nạn buôn người lại xẩy ra cho chính người Mỹ và ở ngay trên đất Mỹ. Trường hợp của Theresa Flores ở vùng ngoại ô Detroit là một trường hợp điển hình. Cô đã viết cuốn “An American Teens story of Modern Day Slavery.” (Câu chuyện của các thiếu niên Mỹ về chế độ nô lệ thời hiện đại), tường thuật lại trường hợp cô bị bắt làm nô lệ tình dục như thế nào.
Ở tuổi 15, Flores sống ở một ngôi nhà cao cấp ở Beverly Hills, Detroit, Michigan, và đi học ở Birmingham Groves High School. Cô mô tả mình như là một "cô gái Công giáo tốt đẹp" đã bị lừa và bị bắt làm nô lệ tình dục trong hai năm.
Cô cho biết câu chuyện bắt đầu khi cô gặp một cậu lớn hơn cô ta, sau đó anh ta đề nghị lái xe đưa cô từ trường về nhà. Một hôm anh ta đưa cô đến nhà anh ta thay vì về nhà cô. Cô cho biết anh ta mời cô uống nước, và một lát sau khi uống, cô thấy căn phòng bắt đầu quay. Cô tin rằng cô đã bị đánh thuốc mê. Cô nói:
"Anh ấy đã có cơ hội, thời điểm để đánh thuốc mê tôi. Người anh em họ của anh ta ở đó mà tôi không biết. Rồi họ chụp hình (khỏa thân) tôi và xử dụng những tấm hình đó được để hăm dọa tôi.”
“Nếu cô không chịu, chúng tôi sẽ xúc phạm gia đình cô. Tôi sẽ cho cha cô xem những tấm hình này. Tôi sẽ phổ biến những tấm này nơi trường học của cô. Tôi sẽ đưa những tấm hình này cho linh mục ở nhà thờ”. Đó là những điều họ thường dùng để đe dọa tôi.
Đêm hôm đó họ đã hiếp dâm tập thể cô và kể từ đó cô trở thành “tù nhân’ của một nhóm tội phạm ma túy. Chúng sử dụng cô như một gái mại dâm, bắt cô làm việc kiếm tiền cho chúng, thậm chí còn dùng làm “phần thưởng” cho những thành viên trong băng nhóm.
Cô nói cô không có cách lựa chọn nào khác. Cô cho biết họ đã hảm hiếp cô liên tục trong hai năm cho đến khi cô được chuyển ra khỏi Beverly Hills.
Hiện nay bà Flores đã 44 tuổi, có chồng và ba con. Bà đã đứng ra thành lập phong trào chống nạn buôn người, cảnh cáo các phụ huynh và thanh thiếu niên Mỹ về các trò xảo trá mà bọn buôn người thường dùng để gài bẩy săn bắt người.
Các nhà hoạt động chống tội buôn người cho biết các vụ buôn người ở Mỹ đã diễn ra ở nhiều dạng khác nhau, liên quan đến cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Hoạt động chính của bọn tội phạm là buôn bán lao động bất hợp pháp. Thường nạn nhân được sử dụng vào những công việc trong gia đình hoặc những việc nặng nhọc trong nông nghiệp. Phụ nữ và trẻ em bị ép buộc tham gia vào những hoạt động tình dục. Tuy nhiên, ngày nay các vụ buôn người ngày càng phổ biến trong lãnh vự doanh nghiệp như nhà hàng, thẩm mỹ viện, v.v. Các chủ giam thường khống chế nạn nhân bằng cách giữ giấy tờ và dùng bạo lực.
CHƯA TÌM RA GIẢI PHÁP
Những câu chuyện buôn người điển hình mà chúng tôi đã kể lại trên đây là tình trạng đang xẩy ra ở tại một cường quốc, nơi đang phát động mạnh chiến dịch chống buôn người và giám sát tình trạng buôn người trên thế giới. Ở những nơi khác tình trạng còn bi thảm hơn.
Một thí dụ cụ thể, ngày 27.9.2010, Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Di Cư Quốc Tế (International Organization for Migration – IOM) báo động tình trạng buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở khu vực Mỹ Châu Latin và Caribe đã tăng mạnh hàng năm trong suốt thập kỷ qua.
Tổng số nạn nhân của nạn buôn người ở Mỹ Châu Latin lên tới 250.000 người mỗi năm, đem lại nguồn lợi bất hợp pháp cho các tổ chức buôn người tới 1,35 tỷ USD hàng năm.
Tổ chức Liên minh chống buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Mỹ Châu Latinh và Caribe (CATW- LAC) cho biết trong thập kỷ này có tới 5 triệu phụ nữ và trẻ em đã rơi vào mạng lưới tội phạm buôn người và 10 triệu người khác có nguy cơ trở thành nạn nhân của chúng.
Liên Hiệp Quốc xác định Mỹ Châu Latin vừa là nguồn, vừa là điểm đến của nạn buôn người, một loại tội phạm đang tác động nghiêm trọng đến các nước như Brazil, Colombia, Cộng hòa Dominicanan. Bà Ana Hidalgo, một viên chức của IOM ở Mỹ Châu Latin cho rằng phản ứng của khu vực này đối với nạn buôn người hiện nay chỉ mang tính hình thức. Hầu hết các nước Mỹ Châu Latin đều đã ban hành luật chống buôn người và phê chuẩn Nghị Định Thư của LHQ ngăn chặn và trừng trị tội phạm buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, nhưng những nước này vẫn chưa xây dựng các kế hoạch để thực hiện các luật quốc gia và quốc tế về chống buôn người.
Nghị Định Thư của Liên Hiệp Quốc về ngăn chận và trừng phạt nạn buôn người, nhất là phụ nữ và trẻ em, có hiệu lực kể từ ngày 25.12.2003, đã coi những hành vi sau đây đều là “buôn người”: Tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hay nhận người, bằng cách: đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các hình thức cưởng ép, bắt cóc, lừa đảo, xí gạt, lạm dụng quyền lực, dùng biếu xén, tiền bạc hay các lợi ích để được sự đồng ý của một người có quyền kiểm soát người khác, với mục đích khai thác vào tệ nạn mãi dâm, sách nhiễu tình dục, buộc lao động, phục dịch, làm nô lệ hay tương tự nô lệ, hoặc để lấy các bộ phận cơ thể.
Những trường hợp nói trên, dù có sự đồng ý của nạn nhân, vẫn bị coi là buôn người.
Vào năm 2000, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua "Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân của Nạn Buôn Người" (Trafficking Victims Protection Act), thế nhưng các cơ quan thi hành lại không nhận được sự tài trợ đầy đủ về ngân sách. Không đủ tiền tương đồng với công việc phải làm, không đủ các nhân viên thi hành luật pháp, các cơ quan chống buôn người chỉ có thể theo dõi những vụ lớn mà thôi.
Luật cho phép các nạn nhân buôn người ở lại Mỹ nếu họ tố giác thủ phạm, nhưng đáng tiếc là không phải tất cả các cộng đồng nhập cư và công dân Mỹ biết điều đó.
CẦN SỰ TIẾP TAY CỦA NHIỀU NGƯỜI
Lịch sử cho thấy nạn buôn người cũng như sự nghèo đói, đã bám sát nhân loại từ khi đang sống theo từng bộ lạc cho đến ngày nay, nó không trừ bất cứ quốc gia nào, từ những nước nghèo nhất thế giới như Bangladesh, Lào cho đến những nước giàu nhất thế giới như Mỹ, Đức, Úc, v.v., nó chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi. Việc chống buôn người cũng như sự nghèo đói đã và đang được cải tiến dần theo đà văn minh của nhân loại, nhưng cách buôn người cũng ngày càng tinh vi hơn. Tệ nạn này chỉ chấm dứt khi không còn loài người nữa.
Như chúng tôi đã nói, trong bài diễn văn đọc ngày 14.6.2010, bà Ngoại Trưởng Clinton đã nhấn mạnh: “Sự lạm dụng nhân quyền này là phổ quát, và không ai có thế nói họ không bị dính dấp tới hoặc không có trách nhiệm đối đầu với nó.”
Ngày 28.12.2010
Lữ Giang
Views: 0