Chắc hẳn không một hang đá nào mà không đẹp và sinh động. Đẹp và sinh động không chỉ bởi những ánh đèn lung linh quanh máng cỏ với những cây thông cao chót vót đứng kề bên; nhưng còn đẹp và sinh động bởi những hình tượng Thánh Giuse – Mẹ Maria – Chúa hài đồng Giêsu.
Đặt những hình tượng đó trong hang đá không chỉ để tái hiện lại khung cảnh Belem xưa nhưng còn muốn nhắc cho mọi người biết rằng; Belem chính là tấm gương mẫu mực về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương.
Khi nói về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương. Vâng, người ta thường nghĩ tới Đức Maria và nhất là Chúa Giêsu.
Còn thánh Giuse thì sao ! Ngài có là con người mẫu mực về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương !!!
Hãy trở về miền Galile thành Nazareth với sự kiện sứ thần Chúa gặp gỡ Giuse qua giấc mộng. Chính cuộc gặp gỡ này đã phác họa ra chân dung một con người với tất cả mẫu mực nêu trên.
Câu chuyện được chép lại rằng : Ông Giuse đang mang tâm trạng khắc khoải về việc vì đâu Maria; người đã thành hôn với mình “đã có thai” trước khi về chung sống ! Và ông đang có ý định ca rằng : “thôi là hết anh đi đường anh” !
Thế mà sau khi sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông : “đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu vì chính Người sẽ cứu dân Người…”.
Vâng, nhờ có "giấc mộng vàng"; Giuse đã xua tan mối ngờ vực cũng như cất đi những toan tính “bỏ Maria cách kín đáo” của ông.
Hình ảnh một Giuse, thực thi đúng những gì sứ thần truyền, “Đón vợ về nhà… Không ăn ở với bà , cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên là Giêsu”…
Những hình ảnh đó đã cho mọi người có một nhận định về ông; ông Giuse; quả là một con người mẫu mực về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương.
Vâng, hỏi sao Thánh Kinh khi chép về ông; lại đã nói rằng; Giuse – ông quả là một “người-công-chính”…
Một chút tâm tình…
Xưa kia, nếu thánh Giuse không vâng phục lời sứ thần truyền “Đón vợ về nhà” mình; thì Belem sẽ không có “vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,…6).
Ngày hôm nay cũng thế, niềm vui và hạnh phúc Đức-Giêsu-thật-là Đấng-phải-đến-và-đã-đến; sẽ không thể trọn vẹn nếu chúng ta; là những Kitô hữu; không “rước Chúa vào nhà” mình.
Belem chỉ có ý nghĩa khi có “Hài nhi Giêsu”. Cũng vậy, lễ Giáng sinh cũng chỉ có ý nghĩa khi chúng ta có “Thiên Chúa ở cùng”.
Xưa kia, Thánh Giuse; qua giấc mộng gặp sứ thần Chúa: Ngài đã nhận ra Giêsu chính là “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Hôm nay cũng vậy; chỉ khi đến Bàn Tiệc Thánh Thể; chúng ta mới nhận ra Chúa vẫn đang ở cùng chúng ta.
Một phút suy tư…
Qua câu chuyện “truyền tin cho ông Giuse”(Mt 1, 18-24) một câu hỏi được đặt ra là : Trong đời sống Kitô hữu; phải chăng có đôi lần chúng ta cũng “định tâm” bỏ Chúa…bỏ những việc làm phúc đức… bỏ chân lý và sự thật… Chỉ vì một vài lý do kinh tế… xã hội…v.v… !?
Hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và hãy tìm đến Lời Chúa qua Thánh Kinh. Bởi vì Lời Chúa chính là “ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.
Và có tốt hơn chăng, trong những lúc nghi nan ngờ vực xâm chiếm tâm hồn mình… Vâng, hãy nhớ tới lời tuyên xưng của Thánh Phêrô : “Bỏ Thầy con biết theo ai. Vì Thầy có lời ban sự sống”.
Ba tuần của mùa vọng đã trôi qua. Thời gian không còn nữa.
Hãy tỉnh giấc như thánh Giuse đã tỉnh giấc. Hãy làm những điều Chúa dạy như “ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”…
Và cũng đừng quên rước-Chúa-vào-Belem-tâm-hồn-của-chính-ta.
Petrus.tran
Views: 0