Uncategorized

Bốn chiếc thang

Nguyện xin Thiên Chúa là niềm vui thỏa cho Thầy. Thưa Thầy, lòng quí mến của tôi đối với Thầy là một món nợ, bởi Thầy đã quí mến tôi trước, và tôi bắt buộc phải viết cho Thầy. Thấy đã viết thư cho tôi trước và đã khiến tôi phải viết cho Thầy. Vậy đây là những tư tưởng của tôi về vấn đề đời sống thiêng liêng của các đan sĩ.

Nguyện xin Thiên Chúa là niềm vui thỏa cho Thầy. Thưa Thầy, lòng quí mến của tôi đối với Thầy là một món nợ, bởi Thầy đã quí mến tôi trước, và tôi bắt buộc phải viết cho Thầy. Thấy đã viết thư cho tôi trước và đã khiến tôi phải viết cho Thầy. Vậy đây là những tư tưởng của tôi về vấn đề đời sống thiêng liêng của các đan sĩ. Thầy có kinh nghiệm học hỏi thông thạo nhiều hơn tôi về đời sống này, vậy Thầy sẽ là người phán xét và điều chỉnh những suy nghĩ của tôi. Tôi gửi đến Thầy hoa trái đầu mùa công việc của tôi: những trái đầu tiên này của một cây còn non thuộc về thầy, là người đã lén lút lấy đi một cách đáng khen, đã thoát khỏi cảnh nô lệ của Pharaon để nhập vào cảnh cô tịch êm dịu, ở giữa những người chiến đấu. Chồi non được cắt khéo léo, thầy đã cẩn thận ghép vào cây ô-liu sai trái.

 
 
THANG THIÊN ĐÀNG
 
 
  
Bốn cấp bậc linh thao
 
Một hôm, trong khi đang làm việc, tôi bắt đầu nghĩ tới những hành động của con người sống đời thiêng liêng và bất chợt tôi nghĩ đến bốn cấp bậc: đọc, suy niệm, cầu nguyện, chiêm ngắm.
 
Đó là chiếc thang của các đan sĩ, nó đưa họ từ đất lên trời.
 
Nó chỉ có ít bậc thôi; tuy nhiên, nó rất cao với một chiều dài không thể tưởng tượng. Chân thang đặt trên đất, đầu thang chạm thấu các tầng mây và chọc sâu vào trời cao. Về các bậc này những tên con số, thứ tự và cách dùng thì khác nhau. Nếu kỹ lưỡng nghiên cứu về các đặc thù, về những vai trò và thứ tự của chúng, sẽ thấy việc nghiên cứu thật dễ dàng và ngắn gọn, lại còn nhận ra được nó ích lợi và tạo ra sự êm dịu.
 
Đọc là một chăm chú học hỏi Kinh Thánh với tinh thần gắn bó.
 
Suy niệm là một việc làm của trí tuệ, để thăm dò tỉ mỉ một chân lý ẩn kín.
 
Cầu nguyện nâng tâm lòng lên với Chúa để tránh xa những điều xấu và đạt được những điều tốt.
 
Chiêm ngắm, là nâng hồn lên trong Chúa, nếm hưởng những niềm vui êm dịu vĩnh hằng.
 
—-
 
                                                                               I
Đọc
 
 
Khi đã mô tả bốn nấc thang, chúng ta hãy xét về những chức năng của chúng đối với chúng ta.
 
Sự dịu dàng của đời sống vĩnh phúc, đọc là tìm kiếm, suy niệm thì tìm ra nó, cầu nguyện là để xin nó, chiêm ngắm là để cảm nếm nó. Đó chính là lời Chúa nói: Hãy tìm sẽ thấy. Hãy gõ thì cửa sẽ mở cho. Hãy tìm bằng cách đọc, sẽ tìm gặp được bằng cách suy niệm. Hãy gõ bằng cầu nguyện, và hãy vào bằng suy ngắm.
 
Tôi thích nói rằng việc đọc đem đến cho miệng ta một lương thực bổ dưỡng, suy niệm làm ta nhai và nghiền nát lương thực đó, cầu nguyện giúp ta nếm hưởng được sự êm dịu đó, còn chiêm ngắm là chính sự dịu dàng đó, nó làm ta cứ vui thỏa và đổi mới ta.
 
 
Đọc thì còn ở một lớp vỏ, suy niệm thì ở trong tủy, cầu nguyện thì ở trong việc diễn tả ước muốn, còn chiêm ngắm ở trong niềm vui sướng cảm nhận sự dịu dàng đã đạt được.
 
Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy đưa ra một ví dụ. Tôi đọc Phúc Âm: “Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8). Đó là một câu rất ngắn, bao hàm nhiều ý nghĩa, tràn đầy những dịu êm. Nó được trao tặng như một chùm nho chín cho tâm hồn giải khát. Tâm hồn, sau khi đã xem xét nó, tự nói với mình: lời này thật tốt cho tôi. Lòng ta hỡi, hãy cầm trí lại, cố gắng hiểu và tìm cho được sự trong sạch này. Ôi! Lời này quý báu và đáng mong đợi biết bao, bởi vì nó thanh tẩy những ai đón nhận nó và bởi vì nó hứa cho hưởng kiến Thiên Chúa, hứa cuộc sống vĩnh cửu, bởi vì Sách Thánh không ngừng ca ngợi nó!
 
Từ đó tâm hồn lại càng ao ước hiểu nó hơn: tâm hồn nắm lấy chùm nho thần bí, ngắt trái ra, nghiền nát nho, bỏ vào máy ép, rồi tâm hồn nói với lý trí: hãy ngắm nhìn và tìm hiểu xem nó là cái gì, và hãy nói cho tôi biết, làm cách nào có thể có được cái trong sạch rất quí báu và đáng ước ao đó của tâm lòng.
 
 
II
Suy niệm
 
 
Vậy tâm hồn tiến tới gần để bắt đầu suy niệm bản văn. Chăm chú suy niệm thì phải làm gì đây? Tiến sát đến vẫn chưa đủ: tâm hồn đi vào trong bản văn, đi vào tận đáy, dò xét những ngõ ngách ẩn khuất. Và trước hết nó thấy rằng Chúa đã không nói : “Phúc cho những ai có thân xác trong sạch” nhưng “những tấm lòng trong sạch”; bởi vì có những bàn tay không có những việc làm xấu vẫn không đáng gì, nếu tâm trí bị vẩn đục bởi những tư tưởng xấu. (St 37,22) Vị ngôn sứ cũng đã nói điều đó: “Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong Đền Thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh” (Tv 23, 3-4).
 
Rồi suy niệm lại cho thấy cũng vị ngôn sứ đó đã khao khát cõi lòng thanh đó biết bao, khi ngài cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng” (Tv 50, 12), và ngài thêm: “Điều gian ác, nếu lòng này ấp ủ, chắc hẳn là Chúa chẳng nghe đâu” (Tv 65,18). Suy niệm còn cho ta suy nghĩ về việc ông Gióp ân cần chăm lo việc giữ gìn trái tim của mình, chính ông đã nói : “Tôi đã kết ước với đôi mắt của tôi là không nhìn ngắm thiếu nữ nào” (G 31,1). Đó cho ta thấy một vị thánh đã kiềm chế mình thế nào để nhắm mắt lại không cho mình nhìn một sự vật hão huyền, để không dại dột nhìn những gì khiến sau này lại mong ước nó một cách vô thức (x. Tv 118,37).
 
Sau khi đã dò xét về tấm lòng trong trắng, người ta suy niệm về phần thưởng đã hứa. Vinh quang và hạnh phúc biết bao được nhìn thấy thánh nhan Chúa Giêsu mà mình đã mong ước từ bấy nay, còn đẹp hơn cả những bộ mặt đẹp nhất của các con cái loài người (x. Tv 44,3), chứ không phải là ghê tởm và xấu xí (x. 53,2), không còn là khuôn mặt như mẹ sinh ra, mà nó được mặc lên một chiếc áo bất tử, được đội một vương miện bằng đá quý mà Chúa Cha đã ban tặng vào ngày sống lại và ngày vinh hiển của Ngài (x. Dc 3, 11), “ngày Chúa đã làm ra” (Tv 117,24) Trong khi suy niệm tâm hồn nghĩ đến sự hưởng kiến này thật trọn vẹn và ngập tràn niềm vui sướng, linh hồn sẽ được no thỏa như vị tiên tri đã nói : “Con sẽ được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 16.15).
 
A! Rượu mỹ hảo, chảy tràn lan ra từ trái nho nhỏ bé! Đám cháy bốc lên từ một đốm lửa! Như khối sắt nhỏ – bản văn ngắn ngủi này – được đặt dài trên cái đe của suy niệm: “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”! Nhưng không biết bài suy niệm còn có thể tán câu nhỏ xíu này dài ra bao nhiêu nữa, nếu có một người tôi tớ lão luyện của Chúa làm việc với nó? Vâng, cái giếng thật là sâu, còn tôi, chỉ là người tập sự vụng về, tôi chỉ có thể kín múc ở đó được vài giọt (x, Ga 4,11).
 
 
Do đấy những ước muốn cuồng nhiệt thiêu đốt tâm hồn. Tâm hồn đập vỡ bình pha lê, dầu thơm bắt đầu chảy tràn; tâm hồn chưa cảm hưởng, nhưng đó mới chỉ như một linh cảm; ngây ngất vì mùi hương còn ở xa, tâm hồn mơ ước: Ôi ước chi được sống cái tinh khiết vô cùng dịu êm này! Tâm hồn tội nghiệp, bị thiêu đốt bởi ước muốn sự tinh khiết này mà nó không đạt được, sẽ làm gì đây? Nó càng tìm kiếm, nó càng khát khao; nó càng nghĩ đến thì càng đau khổ vì không chiếm hữu được. Sự suy niệm kích thích ước muốn nhưng lại chẳng cho nếm hưởng. Không, việc đọc cũng như suy niệm không làm cho tâm hồn được cảm hưởng sự ngọt ngào êm dịu; Nó phải được ban cho từ trên cao. Kẻ dữ cũng như người lành đều đọc và suy niệm; những triết gia ngoại giáo được lý trí hướng dẫn, cũng đoán thấy sự Thiện tối hảo, nhưng “vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Ngài cho phải đạo” (Rm 1,21), và tự hào về sức riêng, họ nói : “Sức mạnh ta là ba tấc lưỡi, với môi mép này, ai làm chủ được ta ?” (Tv 11,5). Họ thật chẳng xứng đáng được nhận những gì họ đã được thoáng thấy. “Đầu óc họ suy luận viển vông”, (Rm 1,21) và “mọi khôn ngoan của họ đã bị tiêu tan hết cả” (Tv 106, 27), bởi khôn ngoan này có nguồn gốc từ con người, chứ không phải từ Thần Khí là Đấng duy nhất có thể ban cho sự khôn ngoan thật. Sự khôn ngoan này là cái mà khoa học mỹ vị, kết hợp với tâm hồn, làm vui thỏa tâm hồn: “Tâm hồn gian ác, Đức Khôn Ngoan chẳng ngự vào” (Kn 1, 4). Đức Khôn Ngoan này chỉ đến từ Thiên Chúa. Chúa đã ủy thác cho nhiều người được làm phép rửa tội, nhưng Ngài dành cho một số ít người được quyền tha tội và dành cho mình Ngài quyền này. Như Gioan phải nêu rõ: “Chính Ngài là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,23), cả chúng ta cũng có thể nói về Ngài : đây là Đấng ban hương vị cho sự khôn ngoan, và một sự hiểu biết êm dịu ngọt ngào cho linh hồn. Lời thì được ban cho mọi người, nhưng bởi chính Chúa ban phát sự khôn ngoan này cho ai Ngài muốn, và khi nào Ngài muốn (x. Tv 63,8).
 
     
 
III
Cầu nguyện
 
 
Tâm hồn đã hiểu. Không thể tự mình đạt tới cái êm dịu ngọt ngào hằng mong ước và trải nghiệm ngọt ngào bằng sức riêng mình. Càng nâng lòng mình lên (Tv 63,7), càng thấy Thiên Chúa xa vời (Tv 63,8). Nên nó hạ mình xuống và ẩn náu trong lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, chỉ có những tấm lòng trong sạch mới có thể nhìn thấy cái gì là sự trong trắng đích thực của con tim và làm thế nào để người ta có thể đạt tới nó, nên con đã tìm kiếm bằng đọc lời và suy gẫm, để có thể nhờ đó con được hiểu biết về Chúa ít là chút thôi. Con ao ước được nhìn nhan thánh Chúa (x. Tv 26,8), con đã lâu ngày suy niệm trong lòng con (x. Tv 76,7), và một khối lửa to lớn đã phát ra trong khi con suy niệm (x.Lc 24, 30-31), và ước muốn hiểu biết Chúa càng gia tăng trong lòng con. Khi Chúa bẻ bánh Kinh Thánh cho con (x. Lc 24, 30-31), con đã nhận ra Chúa qua việc bẻ bánh đó (x. Lc 24,35); càng biết Chúa thì con càng khao khát biết Chúa hơn, không còn chỉ ở nơi bề mặt của từ ngữ, mà ngay ở trong cái hiểu biết thâm thúy đầy hương vị của kết hiệp. Và lạy Chúa, con không xin ơn này vì công trạng của con, nhưng nhờ lòng thương xót của Chúa. Quả thật, con tin con là kẻ tội lỗi bất xứng; nhưng, “cả những con chó con cũng được hưởng những vụn bánh rơi từ bàn của chủ” (Mt 15, 27). Vậy lạy Chúa, xin cho con được hưởng chút lộc của gia tài đã hứa, ít là một giọt sương trời để giải cơn khát của con, (x, Lc 16,24), vì lạy Chúa, con bị thiêu đốt vì yêu.
 
 
 
IV
Chiêm niệm
 
 
Bằng những lời nồng nàn như thế, linh hồn bừng lên nỗi khao khát và than thở mời gọi vị Hôn Phu. Còn Hôn Phu, Đấng luôn nhìn xuống những kẻ công chính, và luôn lắng tai nghe lời họ xin, cũng chẳng chờ đợi những lời xin của họ phải được thốt ra. Hôn Phu bất chợt ngắt lời họ; Ngài đến với tâm hồn đang khao khát Ngài, Ngài hòa nhập vào tâm hồn ướt đẫm sương trời, được xức dầu thơm cao quí; Ngài bồi bổ tâm hồn mệt mỏi; Ngài cung cấp lương thực cho linh hồn đói lả, Ngài tưới đẫm tâm hồn khô cằn, Ngài làm cho nó quên hết mọi phàm tục. Sự hiện diện của Ngài lôi kéo tâm hồn rời bỏ tất cả, Ngài bồi bổ tăng lực cho tâm hồn cách diệu kỳ.
 
Trong một số những hành động thô kệch, Tâm hồn bị dục tình lôi cuốn làm mất lý trí và con người trở thành xác thịt. Trái lại, trong chiêm niệm cao vời, những bản năng của thân xác bị tâm hồn cuốn hút, xác thịt không thể chống cưỡng lại tinh thần và con người trở nên hoàn toàn linh thiêng.
 
 
 
 
Những dấu chỉ
ơn Chúa Thánh Thần
 
 
Nhưng, lạy Chúa, làm sao con biết được giờ nào Chúa đến viếng thăm và dấu chỉ nào cho con biết là Chúa đến? (x.Mt 24,3). Những tiếng thở dài và những giọt nước mắt có phải là những sứ giả và nhân chứng của sự ủi an và niềm hoan lạc kia chăng? Nếu là thế, thì đây phải là một nghịch thường, một ý nghĩa chưa từng gặp. Vì có liên hệ gì giữa niềm an ủi và những tiếng thở dài, giữa niềm hoan lạc và những giọt nước mắt? Nhưng người ta có thể nói đó là những giọt nước mắt chăng? Phải chăng đó không là sương mát thân tình từ trời sa xuống, tràn trề để thanh tẩy con người nội tâm và đã trào ra chăng? Khi rửa tội, nước bên ngoài có ý nghĩa và thực hiện việc thanh tẩy bên trong em bé. Ở đây, ngược lại là sự tắm gội bên trong đi trước dẫn đến việc thanh tẩy bên ngoài. Ôi, những giọt nước mắt hạnh phúc, phép rửa mới của tâm hồn giập tắt đám cháy của tội lỗi! “Phúc thay, các bạn là những người đang khóc lóc, bởi các bạn sẽ được vui cười” (Lc 6,11).
 
Qua những giọt nước mắt này, hỡi linh hồn tôi, hãy nhận ra vị Hôn Phu của mình, hãy kết hiệp với Đấng mình hằng ao ước. Hãy say đắm tại suối hoan lạc của Ngài, hãy uống sữa và mật ngọt an ủi của Ngài (x. Js 66,11). Những tiếng thổn thức và những giọt nước mắt này là những quà tặng và những êm dịu ngọt ngào mà vị Hôn Phu đã trao tặng cho ngươi, là thức uống ngày đêm Ngài kín múc cho ngươi, là bánh bổ sức con tim của ngươi, xem ra cay đắng đấy nhưng lại dịu êm hơn cả nhửng giòng mật.
 
Ôi! Lạy Chúa Giêsu, nếu những giọt nước mắt chảy ra từ một con tim ước muốn Chúa êm dịu như thế, thì niềm vui của tâm hồn được Chúa tỏ hiện cho thấy trong thị kiến sáng ngời vĩnh cửu sẽ phải như thế nào! Nếu khóc vì ước muốn Chúa mà ngọt ngào như thế thì khi được cảm hưởng Chúa lại còn hạnh phúc biết bao!
 
Nhưng tại sao lại đưa những bí mật sâu kín này ra trước mắt mọi người như vậy? Ai không trải nghiệm chúng thì không thể nào hiểu nổi. Người ta chỉ có thể đọc những trao đổi thần nhiệm này trong cuốn sách của kinh nghiệm, hoặc phải được Chúa dạy bảo. Trang sách được đóng lại, quyển sách thật vô vị đối với người có con tim không đọc nổi ý nghĩa của kinh nghiệm sâu thẳm bên trong qua mặt chữ bên ngoài.
 
 
Hôn phu ẩn mặt một thời gian
 
 
Hồn tôi ơi, hãy câm đi, nói quá nhiều rồi.
 
Ở trên đó thì tuyệt vời, cùng với Phêrô và Gioan chiêm ngưỡng vinh hiển của Hôn Phu. Ôi! Được ở lâu giờ với Ngài, và nếu Ngài muốn, sẽ làm không phải là hai hay ba lều, nhưng chỉ một lều để ở chung, trong niềm vui của Ngài!
 
Nhưng Hôn phu đã lên tiếng: “Hãy để ta ra đi, kìa rạng đông đã lên cao” (St 32, 26). Bây giờ bạn đã nhận ân ban rạng rỡ và được viếng thăm như lòng mong muốn. Ngài ban phép lành cho bạn, và như xưa kia thiên thần đối với Gia-cóp, Ngài cắn gân đùi của bạn (St 32.25,31).
 
Ngài đổi cái tên Gia-cóp của bạn thành Ít-ra-en, và kìa dường như Ngài bỏ đi. Vị Hôn Phu từ lâu mong gặp, mới đó mà đã khuất dạng, thị kiến của chiêm ngắm mờ nhạt dần, sự dịu ngọt cũng tan biến mất.
 
Nhưng Ngài, vị Hôn Phu, vẫn hiện diện đó trong tim bạn, con tim mà Ngài vẫn luôn ngự trị.
 
 
Hỡi hôn thê đừng lo sợ, nếu Hôn Phu của bạn đôi khi có ẩn mặt, bạn đừng thất vọng, đừng nghĩ rằng bạn bị khinh chê. Tất cả vì ích lợi của bạn; ra đi hay đến với bạn đều vì ích cho bạn (x. Rm 8, 28). Ngài đến là vì bạn và Ngài ra đi cũng là vì bạn. Ngài đến là để an ủi bạn, Ngài ra đi là để gìn giữ bạn, vì sợ rằng, say đắm trong sự hiện diện êm dịu của Ngài, bạn sẽ sinh kiêu ngạo (x. II Cr 12,7). Nếu Hôn Phu cứ để bạn cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, có thể bạn dễ khinh rẻ các chị em và nghĩ rằng sự hiện diện này là bình thường Chúa phải ban cho bạn chứ không phải chỉ là ơn do Hôn Phu thương ban, ơn này Hôn Phu muốn ban cho ai tùy Ngài muốn, lúc nào Ngài muốn, còn bạn chẳng có quyền gì cả. Cũng như người ta thường nói: “Thân quá hóa lờn”. Vì thế, để tránh cho bạn sự thân thiết bất kính này, Ngài đã rút lui khuất mắt bạn. Ngài khuất mặt, bạn ước muốn Ngài mãnh liệt hơn; Niềm ao ước của bạn sẽ làm cho bạn tìm kiếm sự hiện diện của Ngài mãnh liệt hơn, và sự đợi chờ của bạn khi tìm gặp được sẽ êm dịu hơn.
 
Ngoài ra, nếu cứ mãi được an ủi – cho dù xét về phương diện vinh hiển vĩnh hằng, sự an ủi vẫn luôn khó hiểu và tăm tối – chúng ta có thể tưởng rằng mình đã có thiên đàng ở trần gian này rồi mà ít nghĩ đến việc tìm kiếm thiên đàng mai sau nữa (Dt 13,14). Ồ, không! Chúng ta đừng lấy nơi khổ ải này làm quê hương, hay số tiền cọc làm gia sản.
 
Hôn phu đến rồi lại ra đi, an ủi rồi gây sầu buồn; Ngài đã cho chúng ta được nếm hưởng một chút dịu êm khôn tả; nhưng trước khi sự êm dịu này thấm nhập tâm hồn bạn, Ngài đã lẩn đi mất. Như thế Ngài muốn dạy chúng ta phải bay lên Chúa. Như phượng hoàng, Ngài giương rộng cánh trên chúng ta và khích lệ chúng ta bay cao. và Ngài nói: kìa các con đã nếm hưởng một chút êm ái và dịu ngọt của Ta (x. 1 Pr 2,3), các con muốn được hoàn toàn thỏa mãn? Hãy chạy, hãy bay theo hương vị của các mùi thơm của Ta (x. Dc 1,3), hãy nâng lòng các con lên cho tới nơi Ta ở bên hữu Chúa Cha (x. Cv 7,55). Ở đó các con sẽ thấy Ta (Ga 18,19), không phải qua hình ảnh hay bí ẩn nữa mà là mặt đối mặt, trong niềm vui tràn đầy, trọn vẹn không bao giờ người nào có thể làm thỏa mãn các con như vậy.
 
——
 
Hỡi hôn thê của Chúa Kitô, hãy biết điều này: khi Hôn phu rút lui,, Ngài không ở xa bạn. Bạn không trông thấy Ngài nữa, nhưng Ngài vẫn dõi theo bạn luôn mãi. Bạn không thể tránh thoát cái nhìn của Ngài, không bao giờ. Những sứ điệp của ngài, các thiên thần, theo dõi cuộc sống của bạn khi Ngài ẩn mặt và họ sẽ tố cáo bạn nếu thấy bạn nhẹ dạ và bất trung. Vị Hôn Phu đó rất hay ghen (Xh 34, 14): nếu bạn lại chấp nhận một tình yêu khác, hoặc đem lòng muốn làm thỏa mãn một người khác thì tức khắc Ngài sẽ lánh xa bạn và đi với những trinh nữ trung thành khác. Vị Hôn phu này rất tế nhị, Ngài cao thượng, giàu có, còn đẹp hơn những đứa con đẹp nhất của loài người (Tv 44,3) và Ngài chỉ muốn có một hôn thê xinh đẹp toàn diện. Nếu Ngài thấy nơi bạn một tỳ ố nào, hoặc một nếp nhăn nào (x. Êp 5,27) Ngài sẽ quay đi ngay (x. Js 1,15), bởi Ngài không thể chịu được một sự ô uế nào. Vậy bạn hãy trinh khiết, hãy tôn kính và khiêm tốn, để xứng đáng được Hôn Phu của bạn thường xuyên viếng thăm.
 
——
 
Tôi đã quá dài lời. Nhưng làm sao chống cưỡng lại được với sự lôi cuốn của một đề tài phong phú và êm dịu như thế được. Những sự đẹp đẽ này đã cuốn hút tôi. Nhưng bây giờ cũng nên tóm kết lại rõ ràng một chút:
 
Tất cả những cấp bậc của chiếc thang nối kết với nhau và lệ thuộc vào nhau.
 
Việc đọc là nền tảng; đọc cung cấp chất liệu và dẫn bạn vào suy niệm.
 
Suy niệm cẩn thận kiếm tìm điều cần phải ao ước, suy niệm đào bới và đưa ra ánh sáng kho tàng mong muốn; nhưng không thể nào nắm bắt được, suy niệm thúc dục chúng ta cầu nguyện.
 
Cầu nguyện, với tất cả sức lực thân thưa với Chúa, xin cho được kho tàng của chiêm ngắm rất đáng ao ước.
 
Và sau hết, chiêm ngắm đem đến phần thưởng của ba việc trên đây và làm cho tâm hồn được giải khát trong Chúa, say đắm sương trời êm dịu.
 
Bài đọc là một việc làm ngoại tại. Đó là cấp bậc của những người mới bắt đầu.
Suy niệm là một hành động của trí năng nội tại. Đó là cấp bậc của người đang tiến triển.
Cầu nguyện là hoạt động của tâm hồn đầy khát khao. Đó là cấp bậc của những người sống trong Chúa.
 
Chiên ngắm vượt qua khỏi mọi giác quan, hiểu biết. Đó là bậc cấp của những người hạnh phúc hưởng kiến.
 
Đọc, Suy niệm, Cầu nguyện, Chiêm ngắm
hỗ trợ nhau
 
 
Đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngắm, được kết nối với nhau cách rất chặt chẽ và sẵn sàng hỗ trợ nhau mỗi khi cần, đến độ những bậc thang đầu tiên chẳng dùng gì được nếu không có những bậc thang sau và như vậy chẳng bao giờ người ta có thể đạt tới bậc này nếu không đi qua bậc kia, hoặc trừ trường hợp rất ngoại lệ. Nào có ích gì khi dùng thật nhiều thời gian để đọc sách, đọc những hạnh các thánh hoặc các bài viết của các ngài, nếu không phải để rút ra cái cốt tủy của nó và nhẩm đi nhắc lại và nghiền nát nó, hầu cho cái cốt tủy đó thẩm thấu vào tận đáy lòng mình. Đọc nhiều cũng chỉ vô ích, nếu chúng ta không so sánh cuộc sống của chúng ta với cuộc sống của các thánh và nếu chỉ chiều theo tính hiếu kỳ của chúng ta hơn là đọc với ước muốn noi gương bắt chước các ngài.
 
Đàng khác, làm sao có thể giữ được đường ngay nẻo chính và tránh được những lầm lạc và những ấu trĩ, làm sao có thể giữ được những giới hạn đúng đắn do các cha anh đặt ra nếu không có những việc đọc đúng đắn và những chỉ bảo khôn ngoan? Vì khi đọc xong, chúng ta hiểu được lời khuyên dạy; người ta đã chẳng hay nói: sách mà tôi đã đọc, đôi khi tôi đã phải lãnh nhận qua việc giảng huấn của thầy dạy?
 
Cũng vậy, việc suy niệm về một trong những bổn phận của mình cũng thật vô ích, nếu việc suy niệm này không được thực hiện và bồi bổ bởi cầu nguyện để xin ơn chu toàn bổn phận đó, vì “mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do Cha của ánh sáng từ trên ban xuống” (Gc 1, 17), không có Ngài chúng ta không thể làm gì được. Chính Ngài hoạt động trong chúng ta, không hoàn toàn không cần đến chúng ta, vì, thánh Tông Đồ nói: “Chúng ta là những người cộng tác với Thiên Chúa” (1 Cr 3, 9). Ngài khấng nhận chúng ta giúp đỡ trong các công việc của Ngài, và khi Ngài gõ cửa, Ngài xin chúng ta mở cho Ngài bí mật của điều chúng ta muốn và sự đồng ý của chúng ta.
 
Đấng Cứu Thế đã xin sự đồng ý này nơi người phụ nữ Samari khi Ngài nói: “ Gọi chồng chị đến đây” (Ga 4, 6) có nghĩa là: đây ơn ban của tôi, còn chị hãy sử dụng quyền quyết đoán của chị. Ngài đòi chị ta cầu xin: “ Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống” thì hẳn chị đã xin và người ấy ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10). Quả thật, người phụ nữ này như hiểu ra được và tự nhủ lòng mình: nước này thật hữu ích cho tôi; thế rồi, lòng bừng lên một ước muốn được thứ nước đó, chị ta liền van xin. “ Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát và khỏi phải đến giếng này” (Ga 4, 15). Lời Chúa đã được lắng nghe thúc đẩy chị ta suy niệm rồi cầu nguyện. Làm sao người phụ nữ này được dẫn tới cầu nguyện nếu việc suy niệm đã không khơi động lòng chị ta ước muốn? Và đàng khác, trong suy niệm việc thấy những ích lợi thiêng liêng có giúp gì cho chị ta nếu chị ta đã không nhận được nhờ cầu nguyện?
 
Vậy đâu là sự suy niệm có hiệu quả? Chính là suy niệm dẫn đến cầu nguyện sốt sắng và việc cầu nguyện này thường dẫn tới việc chiêm ngắm rất êm dịu ngọt ngào.
 
—-
 
Như thế, không có suy niệm, việc đọc chỉ là khô khan; không đọc, suy niệm sẽ đầy sai lầm; không có suy niệm, cầu nguyện sẽ nguội lạnh; không có cầu nguyện thì suy niệm cũng chỉ vô ích và chẳng mang tới kết quả gì. Cầu nguyện và lòng sùng kính kết hợp với nhau đạt được chiêm ngắm; trái lại, đạt được chiêm ngắm không cần cầu nguyện thì thật là một ngoại lệ hiếm có và có thể là một phép lạ.
 
Chúa là Đấng quyền năng vô hạn và lòng thương xót của Ngài trải dài trên mọi công trình Ngài làm, có thể biến đá sỏi thành các con cái của Abraham (x. Mt 3,9), bằng cách bắt các tâm hồn chai đá và phản loạn phải khuất phục; ơn thánh Ngài kỳ diệu, như người ta thường nói rất bình dân, Ngài cầm sừng kéo bò mộng, khi đột nhiên Ngài đến với tâm hồn cách mau lẹ; Ngài là chủ tể; và cũng như Ngài đã làm đối với Phaolô và một số ít người khác được tuyển chọn. Tuy nhiên đừng chờ đợi những việc diệu kỳ như thế và cũng đừng thử thách Thiên Chúa. Chúng ta hãy làm điều chúng ta được yêu cầu: chúng ta hãy đọc, hãy suy niệm luật Chúa, cầu xin Chúa giúp đỡ sự yếu hèn của chúng ta, và nhìn đến sự cùng khốn của chúng ta. “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì mở cho” (Mt 7, 7). Quả thật, ở trần thế này, “ Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12).
 
—–
 
Phúc thay cho người rời thoát khỏi những tạo vật để không ngừng trèo lên bốn bậc thang này. Phúc thay kẻ nào, sau khi đã bán hết những gì mình có để mua được cánh đồng nơi đang ẩn giấu kho tàng của chiêm ngắm mình đang quá thèm khát kia và nếm hưởng Chúa êm dịu dường nào! Ân cần chăm chỉ ở cấp thứ nhất, cẩn trọng ở cấp thứ hai, sốt sắng nhiệt tình ở cấp thứ ba, hoan vui ở cấp cuối cùng, và từng bước thành công người đó trèo lên trong lòng mình những bậc thang dẫn đến thị kiến Chúa trong thành thánh Sion. Phúc thay ai được dừng chân trên đỉnh cao, dù chỉ một khoảnh khắc, và nói: Này tôi đang nếm hưởng ơn Chúa, này tôi đang chiêm ngưỡng vinh hiển của Ngài cùng với Phêrô và Gioan trên núi Tabor, này tôi đang tận hưởng với Giacóp những âu yếm của Rachel.
 
Nhưng con người hạnh phúc đó, hãy coi chừng, đừng dại dột chọn chiêm ngắm trời cao trong vực thẳm tối tăm, chọn thị kiến Chúa trong những phù vân thế tục và những ngông cuồng dơ bẩn của xác thịt.
 
Tâm hồn con người rất yếu đuối, không thể chịu đựng được lâu cái tia sáng chói ngời rực rỡ của Chân Lý; cần phải cẩn thận đi xuống một hay hai nấc thang và dừng lại nghỉ ở một trong những nấc thang đó cách yên hàn, tùy theo tâm hồn ước muốn hoặc tùy theo ơn Chúa, luôn gần kề Thiên Chúa chừng nào có thể.
 
Nhưng, than hỡi! Thân phận con người thì quá mỏng giòn và đáng thương lắm! Đây là điều lý trí và Kinh Thánh cùng hợp ý nói với chúng ta rằng sự hoàn thiện được tụ hội ở bốn cấp bậc này và con người sống đời thiêng liêng phải trèo lên. Nhưng ai là người theo con đường này? Ai là người thực hiện như thế để chúng ta ca tụng? Nhiều người có ý định thực hiện, nhưng thật ít người đạt tới đích. Xin Chúa thương cho chúng ta thuộc nhóm ít người này!
 
  
 
 
Về tâm hồn mất ơn chiêm ngắm
 
 
Thường thì có bốn trở ngại có thể cản trở chúng ta trèo lên những cấp bậc này: nhu cầu không thể tránh, lợi ích của một việc lành, sự yếu đuối của con người, phù vân thế tục.
Trở ngại thứ nhất có thể dung thứ, trở ngại thứ hai có thể chấp nhận, trở ngại thứ ba thật tồi tệ, trở ngại thứ tư thì thật đáng trách. Vâng, đối với ai xa lìa quyết tâm thánh thiện của mình vì phù vân thế tục, thà đừng bao giờ biết sự vinh quang của Chúa hơn là từ chối vinh quang của Ngài sau khi đã nhận biết. Lỗi này thì làm sao tha thứ được? Thiên Chúa đã có những lời quở mắng đích đáng với sự bất trung này: "Có điều gì Ta phải làm hơn nữa cho ngươi mà Ta đã không làm?" (x. Is 5,4). Từ không, Ta đã tạo dựng ngươi, ngươi đã phạm tội và làm tôi ma quỷ, Ta đã cứu chuộc ngươi; ngươi đã đi theo những kẻ bất lương trên mọi nẻo đường, Ta đã chọn lại ngươi do tình thương, Ta đã ban ơn sủng dồi dào cho ngươi và đã cho ngươi ở trước nhan thánh Ta; Ta đã chọn chỗ ở trong lòng ngươi; còn ngươi, ngươi đã khinh dể Ta; ngươi đã quẳng ra xa những lời ta mời gọi, tình yêu của Ta và cuối cùng chính Ta để chạy theo những thèm muốn đê hèn của ngươi.
 
Nhưng, lạy Thiên Chúa tốt lành, dịu dàng và nhân ái, bạn hiền, cố vấn đầy khôn ngoan, phù hộ mạnh sức: thật quá điên khùng và ngạo mạn, kẻ đã xua đuổi Chúa, kẻ đã đẩy ra khỏi lòng nó, một vị Khách đầy khiêm nhu và nhân ái! Một sự trao đổi quá vô phước và đáng kết án: xua đuổi Đấng Tạo Thành để nhận lấy những tư tưởng xấu xa và độc hại, trao chỗ ở thân thiết của Chúa Thánh Thần còn đượm hương vị niềm vui thiên đàng, cho những tư tưởng thấp hèn và tội lỗi; chà đạp những dấu tích còn nóng hổi của Hôn Phu bằng những ước muốn ngoại tình. Thật là một điều xúc phạm quá chướng! Đôi tai vừa nghe cuộc đàm đạo con người không thể lặp lại được, bây giờ chứa đầy lời dối trá và nguyền rủa; cặp mắt vừa được những dòng nước mắt thanh tẩy, lại tìm vui thú nơi những điều phù du; đôi môi vừa mới cất tiếng hát bài ca mừng hôn lễ, vừa mới hát những bài thánh ca nóng bỏng tình ái kết hợp hai người hôn phu và hôn thê và dẫn vào căn phòng huyền bí, và rồi lại nói những lời phù phiếm, thô bỉ, diễu cợt, gian dối. Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con thoát khỏi những sa ngã như thế.
 
Nhưng nếu sự yếu đuối của con người có làm sa ngã để đi đến chọn lựa như thế, thì, hỡi tâm hồn yếu đuối, cũng không được thất vọng; không, đừng bao giờ thất vọng, mà phải chạy ngay về với thầy thuốc bao dung vốn luôn đưa kẻ mọn hèn ra khỏi cát bụi và nâng kẻ bần cùng ra khỏi đống phân tro (Tv 112, 7); và Ngài là Đấng không muốn kẻ tội lỗi phải chết (x. Éz 33, 11), nhưng một lần nữa Ngài lại chăm sóc và chữa lành ngươi.
 
 
 
 
KẾT LUẬN
 
  
Và đây đã đến lúc tôi phải chấm dứt lá thư. Tôi cầu xin Chúa hôm nay làm giảm bớt và ngày mai cất khỏi tâm hồn chúng ta tất cả những cản trở thực hành chiêm ngắm. Xin Ngài dẫn dắt chúng ta từng bước lên đỉnh của chiếc thang bí nhiệm đạt tới thị kiến Thiên Chúa trong thành thánh Sion. Ở đó không còn phải là từng giọt một mà các kẻ được chọn sẽ đón nhận sự êm ái dịu dàng của việc chiêm ngưỡng thần linh, sẽ không ngừng hưởng suối niềm vui trào tràn bất tận mà không ai có thể cướp đi của họ, sự bình an vững bền, sự bình an trong Ngài.
 
Thầy Gervais, người anh em của tôi ơi, nếu một ngày nào đó từ trời có ban cho thầy được lên tới đỉnh của các bậc thang này, thì hãy nhớ đến tôi và trong niềm hạnh phúc của thầy, hãy cầu nguyện cho tôi. Và như thế tấm màn được mở ra (x. Xh 26). Và có tiếng kêu mời: Hãy đến! (x. Kh 22, 17).
 
Vincent Bernadot o.p
Éditions de la Vie Spirituelle
Saint-Maximin – 2 mars 1922 (Var)
Fr. Bảo Tịnh Ocist chuyển dịch

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.