Hôm 2.12.2010, Tòa án Tối cao Thụy Điển đã bác đơn kháng cáo lệnh bắt giữ Julian Assange, người sáng lập website Wikileaks.org.
Tưởng cần nhắc lại, hôm 18.11.2010, văn phòng Biện Lý tại Stockholm ở Thụy Điển đã ra lệnh cho Julian Assange, phải lưu lại ở xứ này vì bị nghi ngờ về tội hiếp dâm và xâm phạm tình dục hai phụ nữ. Sau đó, một lệnh truy nã quốc tế (international arrest warrant) đã được ban hành. Luật sư của Assange đã kháng cáo lệnh này và bị Tòa án Tối cao bác đơn như đã nêu trên. Việc bác đơn đó có nghĩa là lệnh bắt giữ Assange tiếp tục có hiệu lực tại Thụy Điển cũng như ở các nước khác.
Báo chí Anh đưa tin Assange có thể đang trú ngụ ở khu vực đông bắc nước này và cảnh sát biết rõ nơi ẩn náu của ông ta. Bổng nhiên, ngày 7.12.2010, Assange ra trình diện cảnh sát Anh và đã bị bắt.
Mao Trạch Đông đã từng nói: “Hết mùa săn, chúng tôi giết chó”. Câu này lấy trong thành ngữ của Tàu là “Giảo thố tử, cẩu tảo thanh”. Câu đó đang được áp dụng cho Julian Assange.
NHẬN DIỆN THỦ PHẠM
Không ai tin rằng ba cơ quan đầu nảo của Hoa Kỳ là Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại Giao và CIA lại để cho trên nữa triệu tài liệu mật hay không mật bị lọt ra ngoài một cách dễ dàng như vậy.
Trong thực tế, chúng ta thấy các thông tin do Wikileaks tung ra đều được lựa chọn rất kỹ để đánh vào những mục tiêu rõ rệt và gần như không phương hại gì đến an ninh của Mỹ. Thỉnh thoảng có một vài tài liệu liên hệ đến một số tổ chức hay nhân vật trên thế giới, nhưng nó không mang tính cách xúc phạm nặng.
Chỉ có khoảng 6% tài liệu (tức hơn 15.000) do Wikilealks công bố đợt này được đóng dấu "mật", 40% đóng dấu "lưu hành nội bộ" và còn lại không được coi là mật.
Trừ những hệ thống truyền thông lớn và “chính thống” của Mỹ vốn thường tiếp tay với CIA khi cần phát động các chiến dịch chính trị, đa số các nhà phân tích và các nhà lãnh đạo trên thế giới đều tin rằng đây chỉ là một trò chiến tranh tâm lý của Mỹ.
Một bài dưới đầu đề “CIA, Mossad and Soros Behind Wikileaks” (CIA, Mossad và Soros đứng đàng sau Wikileaks) đã được nhiều báo và website trên thế giới đăng lại, nghi ngờ rằng Wikileaks là một phần của các hoạt động về chiến tranh điện toán (cyber-warfare) của Hoa Kỳ. Mossad là cơ quan tình báo của Israel và Soros là cơ quan tài trợ của Bulgaria và Hoa Kỳ.
Bài báo viết rằng cơ quan WMR đã nghiên cứu các nguồn tin tình báo của Á Châu và nói rằng một vài nước Á Châu, nhất là Trung Quốc và Thái Lan, đã tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng Wikileaks đã liên kết với chiến tranh điện toán và các hoạt động gián điệp bằng máy điện toán của Hoa Kỳ.
Trên website roguegovernment.com, dưới đầu đề “Wikileaks "Cablegate" Psychological Operation Justifies Zionist War Propaganda” bình luận gia Lee Rogers đã viết rằng Wikileaks chỉ là một công cụ được xử dụng như là một hoạt động chiến tranh tâm lý chống lại các dân tộc trên thế giới. Điều đáng buồn cười là hầu hết các câu chuyện được gọi là tài liệu mật đã dùng để yểm trợ cho chiến dịch tuyên truyền của Do Thái mà chúng ta đã thấy trong thập niên qua.
Hôm 2.12.2010, cuộc phỏng vấn Thủ Tướng Nga Putin của Larry King được phổ biến trên đài truyền hình CNN. Trong cuộc phỏng vấn này Larry King đã hỏi ông Putin: “Ngài nghĩ sao về vụ Tập đoàn WikiLeaks công bố các tài liệu quân sự và chính trị vừa qua và về sự rò rỉ này?” Ông Putin trả lời:
“Một số chuyên gia cho rằng chuyện WikiLeaks đã được ai đó cố tình “bơm” lên. “Bơm” uy tín của trang điện tử này, để sử dụng nó nhằm đạt những mục tiêu chính trị nào đó của họ. Đó là một trong những khả năng, và một nhận định như thế cũng phổ biến ở Nga…”
Còn Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad của Iran nói thẳng rằng vụ phát tán tài liệu mật này là «do Hoa Kỳ chủ xướng». Ông nói với các phóng viên:
“Trước tiên hãy để tôi hiệu đính các anh. Tài liệu không bị tiết lộ, nhưng đúng hơn đã được phát tán bằng một phương cách có tổ chức. Chúng tôi không coi những tài liệu đó có giá trị nào…”
Hôm 8.12.2010, trả lời phỏng vấn Reuters, Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd đã nói:
"Bản thân ông Assange không chịu trách nhiệm cho việc công bố không chính thức 250.000 bức điện của mạng lưới thông tin ngoại giao Hoa Kỳ. Người Mỹ chịu trách nhiệm cho chuyện đó."
Trong khi các nhà phân tích và lãnh đạo thế giới nhận định như vậy, trong cuộc phỏng vấn ngày 1.12.2010 của đài BBC, ông Bùi Diễm, cựu Đại Sứ VNCH tại Washington DC trước 30.4.1975, nhận định rằng công việc sắp tới của nhà ngoại giao Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn do vụ “xì tin” mới nhất trên Wikileaks. Một “nhà ngoại giao lớn” của VNCH mà nhận định chính trị như thế, miền Nam mất là chuyện không có gì lạ.
Chúng ta nhớ lại vào tháng 5 vừa qua Ngũ Giác Đài đã cho thành lập cơ quan Cyber Command (Cybercom) do Tướng Keith B. Alexander, Giám Đốc NSA cầm đầu. Cơ quan này quy tụ những chuyên viên điện toán giỏi nhất để bảo vệ mạng lưới điện toán quân sự của Mỹ và tấn công các hệ thống của các quốc gia khác.
“SỨ MẠNG” CỦA WIKILEAKS
Trong bài “Trò chơi phản gián?”, chúng tôi đã viết rằng nhiều người tin những tài liệu do Wikileaks tiết lộ là những tài liệu do chính CIA tung ra qua nhiểu hình thức khác nhau để mượn bàn tay của Wikileaks gây áp lực vào ba chính phủ Afghanistan, Iraq và Pakistan, đòi hỏi các chính phủ này phải đi theo đường lối của Hoa Kỳ từng giai đoạn… Tài liệu được tiết lộ cũng để cho dân chúng Mỹ thấy rằng không thể thắng hai cuộc chiến quá tốn kém ở Afghanistan và Iraq, và đã đến lúc Mỹ phải ra đi như trong chiến tranh Việt Nam.
Lần này tài liệu của Wikileaks mới công bố nhắm vào Bắc Hàn, Trung Quốc, Iran và Nga.
Về Bắc Hàn, Wikileaks đã tung ra những tài liệu nhằm cho các nhà lãnh đạo thấy rằng Trung Quốc không còn đứng sau lưng họ, nên đừng có những hành động liều lĩnh.
Tài liệu cho biết trong một buổi dạ tiệc hồi năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc ở Kazakhstan đã tiết lộ rằng Bắc Kinh xem chương trình hạt nhân của Bắc Hàn là «rất phiền phức» và Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận cho bán đảo Triều Tiên thống nhất trong tay chế độ Hàn Quốc.
Trong một bản báo cáo mật khác, một viên chức Trung Quốc khác được giữ kín danh tánh nói rằng Bình Nhưỡng đã đi «quá xa» khi thử tên lửa và vụ nổ hạt nhân lần hai. Nhưng phản ứng gây áp lực của Bắc Kinh buộc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán không mang lại kết quả. Viên chức này cho rằng chỉ có Hoa Kỳ mới thúc đẩy được hồ sơ hạt nhân của Bắc Hàn.
Tài liệu thứ ba là bà Kathleen Stephens từ Đại sứ quán Mỹ ở Seoul báo cáo về Washington rằng hồi tháng 2 năm nay, Thứ trưởng ngoại giao Nam Hàn vào thời điểm đó là ông Chun Yung-Woo thuật lại rằng trong một cuộc nói chuyện không chính thức với hai viên chức cao cấp Trung Quốc, hai người này thẩm định rằng bán đảo Triều Tiên «phải được thống nhất dưới sự kiểm soát của Đại Hàn Dân Quốc».
Trong khi người Việt chống cộng luôn đòi “giải phóng quê hương”, cả Nam Hàn lẫn Hoa Kỳ đều rất sợ thống nhất hai miền Nam Bắc Triều Tiên trong lúc này. Nam Hàn chưa đủ khả năng nuôi Bắc Hàn như Tây Đức nuôi Đông Đức, còn Hoa Kỳ chưa muốn thống nhất vì lúc đó sẽ không còn lý do để duy trì một “tiền đồn” của họ ở đó. Cả hai chỉ dụ Bắc Hàn đi vào chiến thuật diễn biến hòa bình của họ để làm biến đổi dần đất nước này.
Về Trung Quốc, một tài liệu nói rằng vào tháng 11/2007, Mỹ đã hối thúc Bắc Kinh ngăn chặn một lô hàng gồm các bộ phận của tên lửa đạn đạo từ Bắc Hàn gởi tới Iran. Washington đề nghị ngăn chặn.
Trung Quốc còn bị cáo buộc đang sử dụng chiến dịch tấn công các hệ thống máy tính trên quy mô lớn. Một mạng lưới các hacker và chuyên gia an ninh mạng của tư nhân đã được Trung Quốc trưng dụng từ năm 2002 để tấn công vào mạng máy tính của chính phủ và các công ty Mỹ. Sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh tố cáo chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau vụ tấn công hệ thống máy tính của trang Google tại Trung Quốc vào tháng 1 năm nay.
Về nước Nga, tài liệu từ tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Madrid được báo Guardian ở Anh đăng tải nói rằng thực tế Nga chính là một “nhà nước mafia” và do đó người ta không thể tách biệt được các hoạt động giữa chính phủ và hoạt động của các nhóm tội phạm có tổ chức. Quyền hành được tập trung quanh Thủ tướng Vladimir Putin. Hối lộ trong hệ thống chính trị được ước tính lên đến 300 tỷ USD hàng năm. Sau lời phê phán này, ông Putin đã lên tiếng: "Nói thật với quí vị, chúng tôi không ngờ đến thái độ cao ngạo như vậy, và với lối hành xử thiếu lịch sự đến thế."
Về Iran, một số nhà lãnh đạo A-rập và đại diện ngoại giao của họ được trích dẫn rằng đã hối thúc Mỹ phát động cuộc tấn công Iran nhằm chấm dứt chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân đáng ngờ của nước này. Trong một điện tín đánh đi vào tháng 4/2008, Đại sứ Saudi Arabia tại Washington là Adel al-Jubeir đã nhắc lại lời Quốc vương Abdullah rằng ông "thường xuyên kêu gọi" Mỹ tấn công Iran. Ông cho biết quốc vương muốn Mỹ phải "chặt đầu rắn" bởi "không thể tin được bọn người Iran". Điện tín do Đại sứ Mỹ Adam Ereli gửi đi đề tháng 11/2009 trong đó có đoạn dẫn lời quốc vương Bahrain: "Mối nguy hiểm của việc để chương trình hạt nhân diễn ra đã nghiêm trọng hơn là việc chặn đứng nó".
Tổng Thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã trả lời những tin này như sau: “Iran và các quốc gia trong vùng là bằng hữu. Những hành động của trò gian ác như thế không ảnh hưởng gì đến quan hệ giữa các quốc gia trong vùng.”
Riêng Việt Nam, trong khi Wikileaks chưa tiết lộ tài liệu nào, Kami’s Blog đã sáng chế ra biên bản cuộc họp kín giữa Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười với Giang Trạch Dân và Lý Bằng trong hai ngày 3 và 4/9/1990 tại Thành đô, và nói đó là tin từ Wikileaks. Biên bản ghi nhận rằng Việt Nam đề nghị phía Trung quốc để Việt Nam được hưởng quy chế Khu Tự Trị trực thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc kinh như Trung quốc đã từng dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây. Phía Trung quốc đã đồng ý và chấp nhận đề nghị nói trên, cho Việt nam trong thời hạn 30 năm (1990-2020) để Đảng CSVN giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.
Vì bản tin được viết vụng về nên chỉ có “chính khứa chạy rong” vốn thường rất ngây thơ về chính trị chụp lấy mà thôi.
WIKILEAKS TƯỞNG CỨ BỞ
Ngày 28.11.2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên án việc tiết lộ tin của Wikileads là "đòn tấn công vào thế giới". Phát ngôn viên ngoại giao Mỹ Philip Crowley gọi đây là tội ác. Còn Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder tuyên bố những người liên quan sẽ bị truy tố hình sự.
Bản tin của RFI ngày 6.12.2010 cho biết Washington chuẩn bị một kế hoạch thuyên chuyển nhân viên ngoại giao với quy mô lớn. Bản tin nói rằng vì bị nêu đích danh trong các bức mật điện mà Wikileaks tiết lộ, một số đông nhà ngoại giao Mỹ bị “nướng cháy”. Đặc biệt nhất là các viên chức mà trong báo cáo đã thêm phần bình luận về lãnh đạo của nước chủ nhà.
Trên đây chỉ là trò đánh lạc hướng dư luận và một số nhà ngoại giao Mỹ đang bị biến thành con bài thí. Người Việt chống cộng đã từng chiến đấu với Mỹ 20 năm và ở trên đất Mỹ 35 năm nên có nhiều kinh nghiệm về chiến tranh tâm lý của Mỹ. Một thí dụ cụ thế: Trong biến cố Phật Giáo 1963, Hoa Kỳ đã biến phong trào đấu tranh của Phật Giáo thành một công cụ để lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm và đổ quân vào. Họ đã tạo ra nhiều biến cố để đánh lừa dư luật thế giới, trong khi đó các nhà tranh đấu Phật Giáo vẫn tưởng rằng Mỹ đang yểm trợ họ tranh đấu chống Pháp nạn và đòi tự do tôn giáo! Khi Mỹ đạt mục tiêu rồi, Phật Giáo bị loại ra, các nhà đấu tranh Phật Giáo mới té ngữa bò càng, quay qua theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam!
Trong vụ Wikileaks cũng vậy. Thấy Wikileaks có khả năng đánh cắp và phố biến một số tài liệu, cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã tương kế tựu kế, dùng Wikileaks để mở chiến tranh tâm lý đánh vào những mục tiêu mà Hoa Kỳ thấy cần đánh. Những tài liệu để cho Wikileaks lấy có thể hoặc đúng nguyên văn nhưng không gây tác hại cho an ninh Hoa Kỳ, hoặc đã được chế biến lại. Wikileaks tưởng bở, đã vớ lấy và làm công cụ chiến tranh tâm lý cho Hoa Kỳ. Bây giờ “sứ mạng” của Wikileaks gần như đã hoàn tất. Câu nói của Mao Trạch Đông đang được áp dụng.
Ngày 7.12.2010
Lữ Giang
Views: 0