Uncategorized

Khái niệm về hoàn thiện

* Như ý Chúa muốn
* Cố gắng của con người
* Tin tưởng nơi Thiên Chúa

 

* Như ý Chúa muốn
* Cố gắng của con người
* Tin tưởng nơi Thiên Chúa

 

“Ông kia, bà nọ nên thánh được, tại sao tôi lại không?”. Câu nói đầy tự tin và nghị lực của Thánh Âugutinô, Giáo Phụ và Tiến Sĩ Giáo Hội thường dùng để khích lệ mình vươn cao trên đường hoàn thiện, cũng là câu nói mà người Kitô hữu phải lập lại hằng ngày để giúp họ sống đạo một cách trưởng thành giữa đời.

Nhiều Kitô hữu, khi nghe đề cập đến đời sống đạo hạnh, sống hoàn thiện, thường có cảm nghĩ rằng nếp sống đó không thích hợp với mình vì nó quá cao cả và khó lòng thực hiện. Nhưng sống đời Kitô hữu một cách trọn vẹn là phải vươn tới sự hoàn thiện hoá đời sống. Nói một cách khác, người Kitô hữu phải biết sống đạo giữa lòng đời bằng cách chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa, tận tâm và thánh hoá đời mình mỗi ngày trong cuộc sống.

Ðiều làm cho nhiều Kitô hữu có cái nhìn sai lạc về hoàn thiện, là so sánh mình với các thánh nhân đức độ, siêu vượt. Cả khi nhìn ngắm gương những vị này, họ cũng có cái nhìn lệch lạc về đời sống và sự nghiệp của những vị này.

Cuộc đời các thánh nhân có vị sống tới hàng trăm tuổi, chịu bao nhiêu hy sinh, thử thách, bao thành công và thất bại, bao giọt nước mắt, bao nụ cười, nhưng nó chỉ được thu gọn lại trong vài chục trang tiểu sử, với những nét anh hùng trổi vượt, khác người. Thế nên, khi đọc tiểu sử các ngài, nhiều Kitô hữu thường bị hào quang vinh hiển các ngài làm lóa mắt. Họ không còn đủ quân bình để nhìn thêm là các thánh nhân, trên đường tìm kiếm chân thiện mỹ, cũng vẫn gặp đủ mọi cám dỗ, thử thách, có khi sa ngã nặng nề. Do đó, điều làm cho các ngài trở thành những thánh nhân là ý chí tiến thân, lòng khiêm nhường, cậy trông nơi tình yêu của Thiên Chúa, và sự trợ giúp của ơn thánh.

Tiểu sử các Tông Ðồ – những người đầu tiên theo Ðức Kitô và được Ngài tuyển chọn – là một thí dụ về nỗ lực của tiến trình sống đạo và hành đạo, về yếu đuối cá nhân, và về sức mạnh của thánh sủng. Thánh Kinh kể sau biến cố bà mẹ Gioan và Giacôbê chạy chọt, xin xỏ ân huệ đã tạo ra sự tranh giành nhau giữa nhóm các Tông Ðồ. Các ông ghen tị nhau, tranh nhau địa vị cao thấp đến nỗi Ðức Kitô phải dậy cho các ông một bài học khiêm nhường:

“Bấy giờ mẹ của hai con ông Giêbêđê đem con đến với Chúa, lậy Ngài và xin Ngài một ân huệ. Chúa hỏi: “Bà muốn gì? ” Bà thưa: “Trong nước Ngài, xin cho hai con tôi, một đứa ngồi bên phải, và một đứa ngồi bên trái của Ngài. Mười môn đệ khác khó chịu với hai anh em này, Chúa Giêsu phải gọi các ông lại và nói: “Các con nên biết rằng, vua chúa thế gian bắt dân chúng suy phục mình, và những kẻ quyền hành thường áp chế những người yếu thế. Nhưng các con không giống như vậy. Ai muốn làm lớn, phải phục vụ kẻ khác. Ai muốn làm đầu phải làm đầy tớ mọi người. Cũng như Con Người không đến để được người ta hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ người ta, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại” (Mt 20:20-21,24-28).

 

Ðời sống chung đã không mấy bác ái, cao thượng, cá tính mỗi người nhiều khi tương phản với những gì mà sau này ta đọc thấy trong tiểu sử mỗi vị. Phêrô con người được Phúc Âm nhắc tới nhiều trong nhóm các Tông Ðồ với tính tình và cá tính nổi bật. Ông là người sốt sắng, bộc trực, nóng nẩy và thường hay phản ứng theo tình cảm. Ông được Ðức Kitô chúc phúc vì đã tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, và được đặt làm nền tảng Giáo Hội của Ngài. Nhưng cũng chính ông đã can ngăn Ngài thi hành sứ mạng cứu độ nhân loại. Ðức Kitô đã coi lời can ngăn này như một cám dỗ do ma quỷ: “Hỡi Satan, hãy xéo đi, sao con lại ngăn cản Thầy, quan điểm của con không phải của Thiên Chúa mà là của loài người” (Mt 16:23). Ông yêu Thầy tha thiết, nhưng khi bị thử thách, ông đã không ngần ngại chối bỏ Thầy mình: “Tôi không hề quen biết người ấy” (Mt 26:72).

Nhưng những con người đó, sau ngày Thánh Linh ngự xuống thanh tẩy và tăng cường nghị lực, lại trở nên can trường và nhiệt thành làm chứng nhân cho Tin Mừng giữa thế giới. Các ông đã sống và chết cho Tin Mừng mà các ông nhận lãnh từ Ðức Kitô. Và sẵn sàng dâng hiến mạng sống mình để rao giảng tin này cho toàn thể nhân loại.

Phaolô – Tông Ðồ Dân Ngoại – trong quá khứ cũng đã là kẻ lùng bắt Ðức Kitô. Con người ấy, sau khi được Ðức Kitô chinh phục trên đường tới Ðamátcô, lại trở thành một chứng nhân nhiệt thành và hăng say của Ngài:

“Thưa anh em, tôi tỏ cho anh biết rằng Phúc Âm tôi đã rao giảng cho anh em không theo lối loài người. Vì tôi không lãnh nhận cũng như không tìm học Phúc Âm đó với người ta, nhưng do Chúa Giêsu Kitô mạc khải cho. Anh em đã từng nghe hành động của tôi trước kia trong phái Do Thái: thực, tôi đã khủng bố giáo hội Thiên Chúa quá đáng, đã tàn nhẫn với giáo hội. Tôi đã tiến trong phái Do Thái hơn nhiều bạn đồng tuổi thuộc dòng tộc tôi, vì tôi nhiệt thành nhiều lắm để bảo thủ các cổ truyền của cha ông tôi.

Nhưng khi Ðấng đã vui lòng biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ và dùng ơn phước mình mà kêu gọi tôi, Ngài liền mạc khải cho tôi biết Con của Ngài để rao giảng nơi dân ngoại, lập tức tôi không nghe theo xác thịt” (Gal 1:11-16).

Trước khi được Ðức Kitô chinh phục và tha tội, Maria Mađalêna là một thiếu nữ sống bằng nghề mãi dâm. Danh tính và đời sống của bà những người trong thành Giêrusalem đều biết. Khi bà tới khóc lóc, lau chân Ðức Kitô để quyết tâm làm lại cuộc đời, một số người lúc bấy giờ đã thấy chướng mắt, và ái ngại cho thanh danh của Ðức Kitô. Nhưng Maria Mađalêna trước đó và Maria Mađalêna sau đó hoàn toàn khác nhau. Chính Ðức Kitô đã công khai tuyên dương và bênh vực cho bà:

“Hãy để mặc bà, sao phiền hà bà làm gì. Ta bảo thật, trên thế gian hễ Phúc Âm này rao giảng đến đâu, cũng sẽ thuật lại việc bà ấy làm để tưởng nhớ bà” (Mk 14:6,9).

Maria Mađalêna đã yêu mến Ðức Kitô nhiều, vì bà có nhiều tội nhưng đã được Ngài tha thứ tất cả. Ta cũng có thể nói Maria Mađalêna đã được Ðức Kitô tha cho mọi tội vì bà đã yêu mến Ngài nhiều: Yêu nhiều được tha nhiều, hoặc được tha nhiều vì yêu nhiều.

Âugutinô, trước khi trở về với ánh sáng Phúc Âm, trước khi tìm gặp Thiên Chúa cũng là một chàng trai chơi bời, phóng đãng. Nhưng Âugutinô của một thời ăn chơi trụy lạc, khác với Âugutinô sau khi đã tìm gặp chân lý. Có lẽ vì cảm thấy mình vẫn là con người với đầy đủ yếu đuối và khuyết điểm, nên Âugutinô mới tự nhắn nhủ mình bằng câu nói thời danh trên.

Chân Phước Andrê Phú Yên ố thầy giảng ố vị tử đạo tiên khởi và 117 Thánh Tử Ðạo Việt Nam cũng là những con người như chúng ta. Các vị cũng biết đau khổ, cũng khóc than, và cũng cảm thấy rung động trước những cám dỗ, mời gọi của thế gian. Nhưng khi được Thánh Linh phấn khích, sức mạnh Chúa nâng đỡ, các vị đã vui lòng chấp nhận từ bỏ, và hy sinh mạng sống mình cho tình yêu Thiên Chúa vì tin vào lời Ðức Kitô đã dậy: “Không ai yêu hơn kẻ dám liều mạng sống mình vì người yêu” (Jn 15:13).

Trong khi thực hành những giá trị đạo đức, người Kitô hữu có thể cảm thấy chán nản, mệt mỏi, và đôi khi chùn chân vấp ngã. Cũng như Phêrô đã từng chối Thầy, Phaolô đã từng bắt đạo, Âugutinô đã từng trác táng bê tha, ta đôi lúc cũng vẫn thấy mình còn nhiều tính xấu, khuyết điểm, và tội lỗi. Nhưng ta không thể dừng lại đó. Không thể nói rằng vì yếu đuối, vì khuyết điểm nên tôi bỏ cuộc hoặc đầu hàng. Ngược lại, khi nhận thức mình cần phải vươn lên trước những đòi hỏi của nếp sống đạo hạnh, ta càng phải cương quyết và can đảm hơn để đi tới.

Khi biết mình còn nhiều khuyết điểm, tội lỗi mà vẫn thấy Thiên Chúa thương xót, thứ tha cho mình, thì cũng như Phêrô, Phaolô, Mađalêna, Âugutinô, hoặc các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, ta phải quyết tâm thay đổi và thánh hóa đời sống. Yêu mến Thiên Chúa với tấm lòng đầy đặn hơn. Ðó là sống đạo giữa đời.

 

NHƯ Ý CHÚA MUỐN

 

Sống liêm khiết, sống thanh cao, và sống đức độ trong và nhờ thánh sủng của Thiên Chúa là sống thánh thiện, sống hoàn hảo theo cái nhìn của Kitô Giáo.

Cuộc sống này không phải là những lối sống trừu tượng, hay phi thường chỉ thích hợp cho những thánh nhân, hoặc những tu sĩ nam nữ mang hoài bão làm “thánh nhân” giữa lòng đời. Nhưng đó cũng không phải là một lối sống của những Kitô hữu chỉ cần giữ đạo “đủ điểm” để lên Thiên Ðàng. Vì thế, hoàn hảo hóa cuộc sống không chỉ là lối sống của những tâm hồn tận hiến, mà còn là một ơn gọi của tất cả mọi Kitô hữu: “Hãy nên trọn lành” (Mt 5:48).

Khi đưa ra mẫu mực hoàn thiện, Chúa Cứu Thế còn đòi hỏi mọi người phải trọn lành như Thiên Chúa – Ðấng tuyệt đối trọn lành. Với mẫu mực hoàn thiện này, Thiên Chúa không muốn dừng lại ở bất cứ một tạo vật nào. Thí dụ, nên hoàn thiện như các thiên thần, các thánh Tông Ðồ, các thánh hiển tu, các thánh đồng trinh, các thánh tử đạo.

Thiên Chúa cũng không muốn ta dừng lại trước sự thánh thiện hay hoàn hảo của vị giáo hoàng này, hồng y nọ; hoặc của giám mục này, linh mục khác. Thiên Chúa muốn chính Ngài là mẫu mực trọn hảo cho mọi người. Ngài muốn họ phải nên giống Ngài: “Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành” (Mt 5:48).

Như vậy, mặc dù bị giới hạn bởi những đam mê, những ràng buộc của thân xác, hoặc bị chôn bám vào thế gian với những quyến rũ vật chất, một đời sống hoàn thiện không chỉ là lời khuyên có tính cách tự nguyện, ai muốn theo hay không tùy ý. Ðây chính là một mệnh lệnh, một điều kiện cho mọi Kitô hữu không phân biệt hoàn cảnh hay ơn gọi. Ai cũng cần thánh hóa cuộc sống mình. Ai cũng phải cố gắng để nên hoàn thiện. Ai cũng phải sống thánh thiện tùy theo mức độ trọn lành Thiên Chúa muốn. Cuộc sống của người nào, phải phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa qua người đó.

Trong dụ ngôn nén bạc, Thiên Chúa qua hình ảnh ông chủ trao cho mỗi người một số vốn khác nhau tùy khả năng:

“Như người chủ trước khi đi xa, gọi những kẻ làm công lại trao vốn cho họ. Người này năm nén, kẻ kia hai, người khác một tùy theo khả năng mỗi người” (Mt 25:14-15).

Ðiều Ngài muốn là mỗi người phải sinh lời tùy theo số vốn đã được trao. Và cũng một cách thức như ông chủ trong Phúc Âm đã khen các người dưới quyền, Thiên Chúa khi ban thưởng cho ai bất luận người nhiều hay ít cũng sẽ nói: “Tốt lắm, người đầy tớ ngay lành và trung tín” (Mt 25:21,23). Mức độ trọn hảo của mỗi Kitô hữu cũng vậy.

Như vậy, lời mời gọi phải hoàn-hảo-hóa cuộc sống, chính là một đòi hỏi, một mệnh lệnh thiết thực cho mọi Kitô hữu. Tùy theo mức độ thiện hảo Thiên Chúa muốn nơi mỗi người, ta không thể nào tiến tới gần Ngài hay chiếm đoạt được phần thưởng vĩnh cửu với lối sống đạo đủ điểm hay cầm chừng. Những Kitô hữu theo Chúa với thái độ lừng khừng, nửa sốt sắng đạo đức, nửa lạnh nhạt bê tha sẽ bị Ngài mửa ra khỏi miệng như người ta nhổ đi một ngụm nước nóng không ra nóng, lạnh không ra lạnh. Thiên Chúa đã truyền cho Gioan cảnh cáo Giáo Hội Laodicea về thái độ nửa chừng này như sau:

“Ta biết công việc của ngươi, vì ngươi không lạnh cũng không nóng: phải chi ngươi lạnh hoặc nóng đi! Trái lại ngươi hâm hâm không lạnh không nóng, Ta muốn mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Rv 3:15-16).

Thiên Ðàng – nơi Thiên Chúa ban thưởng những tâm hồn đạo đức, thánh thiện – không có chỗ cho các kẻ lừng khừng hoặc sống đạo nửa vời.

Thiên Ðàng là một phần thưởng. Ngày chung thẩm Thiên Chúa sẽ công bố cho mọi người biết phần thưởng này, và mời tất cả những ai đã sống một đời sống tốt lành lúc còn ở dương thế cùng vào tham dự. Do đó, để được phần thưởng Thiên Ðàng, mỗi người phải có sự đóng góp tích cực. Theo Thánh Âugutinô, khi dựng nên ta, Thiên Chúa không cần phải hỏi ý kiến ta. Nhưng để cứu rỗi ta, Ngài cần có sự hợp tác của ta.

Từ nguyên thủy lúc tạo thành vũ trụ cho đến ngày nay, chưa có ai được Thiên Chúa hỏi ý kiến về việc Ngài cho họ xuất hiện trên cõi trần. Ngài không cần làm như vậy, bởi vì nguyên việc Ngài ban tặng cho con người sự sống cũng đã quá đủ để con người nhận ra hồng ân cao quí của Ngài: “Ta đã cho con sinh ra cốt để tỏ uy quyền của Ta nơi con và để danh Ta được tôn vinh khắp thiên hạ” (Rom 9:17).

Như Thánh Âugutinô đã nhận định, ta có thể hiểu điều này là chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có ai được vào Thiên Ðàng nếu người đó không thích, hoặc không muốn vào, vì Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Ðiều này có nghĩa là tầm vóc thánh thiện người nào phải phản ảnh đúng kích thước Chúa Kitô nơi tâm hồn của người đó. Trong tư cách trưởng thành và mạnh mẽ ấy, ta nhờ ơn Thiên Chúa mới xứng đáng với Nước Trời.

 

CỐ GẮNG CỦA CON NGƯỜI

 

Muốn trở thành người Kitô hữu hoàn thiện phải cố gắng liên lỷ, từng giây và từng phút. Phải nỗ lực không ngừng mới chứng tỏ được tình yêu chân thành đối với Thiên Chúa. Ngài đòi hỏi những ai muốn theo Ngài: “Ngươi phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi” (Mt 12:30). Nói một cách khác, mọi người phải kính mến Thiên Chúa liên lỷ và trên hết mọi sự, hơn cả mạng sống mình.

Tình mến đối với Thiên Chúa của ta phải chân thành, bền bỉ và trọn vẹn. Ngài không muốn một ai đến với Ngài bằng thái độ giả hình, che dấu hay cắt xén. Ngài đã lột tẩy thái độ giả hình đó của dân Ngài: “Dân này chỉ thờ kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa ta” (Is 29:13).

Ðiều an ủi cho mỗi Kitô hữu trong khi sống đạo là Thiên Chúa không nhìn việc làm, không đánh giá sự thánh thiện của ta qua những thành quả đạt được. Ngài chỉ muốn nhìn xem ta có thành tâm và nỗ lực cố gắng nhiều hay ít. Ngài đã mạc khải cho nữ tu Bêninha về điều này. Theo đó, trong cuộc sống hoàn thiện của mỗi người, Thiên Chúa đã làm 99,99%, phần còn lại chỉ là 1 trong con số rất nhỏ, là sự cộng tác của con người. Nhưng trong nỗ lực nhỏ bé này, Thiên Chúa cũng chỉ cần có sự cố gắng của ta mà không đòi hỏi thành công hay thất bại. Ta có thể tìm thấy giá trị của những cố gắng nhỏ bé này qua cuộc đời ngắn ngủi, và xem như tầm thường của Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu.

Vào dòng kín Camêlô năm 15 tuổi. Sống trong dòng 9 năm. Qua đời năm 24 tuổi. Cuộc đời và con đường tu đạo của Têrêxa xem như quá ngắn ngủi, ít vẻ vang và không được nhiều người biết tới. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, Têrêxa đã tiến nhanh và tiến cao trên đường hoàn thiện đến nỗi Ngài đã làm vẻ vang người thiếu nữ và nữ tu tầm thường đó, qua việc Giáo Hội tôn phong Têrêxa lên hàng hiển thánh. Hơn nữa còn đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo và Tiến Sĩ Hội Thánh.

Tiểu sử của Têrêxa ghi, sau khi Têrêxa qua đời chưa được bao lâu, Ðức Giáo Hoàng Bênêđitô XV, ngày 14 tháng 8 năm 1921 đã ra sắc chỉ chuẩn chước khoản luật phải chờ 50 năm sau ngày qua đời, để nhìn nhận nhân đức anh hùng của Têrêxa.

Hai năm sau đó, ngày 29 tháng 4 năm 1923, Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã phong chân phước cho Têrêxa, và gọi người nữ tu nhỏ bé này là “Ngôi sao sáng triều đại Giáo Hoàng” của Ngài. Với lòng mộ mến đặc biệt Têrêxa, Ðức Giáo Hoàng Piô XI luôn luôn để hình và bảo vật của Têrêxa trên bàn làm việc.

Ngày 17 tháng 5 năm 1925, cũng chính Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã phong hiển thánh cho Têrêxa, và gọi Têrêxa là “Lời của Thiên Chúa ban bố cho thời đại chúng ta”; đồng thời đặt Têrêxa làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Và ngày 19 tháng 10 năm 1997, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lại phong Têrêxa làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

Cuộc đời các thánh nhân, nhất là Thánh Têrêxa Hài Ðồng Giêsu đã minh chứng điều này, thành công hay thất bại trong khi hành đạo không tùy thuộc ở thái độ chấp nhận hay lượng định của con người. Ðiều Thiên Chúa muốn nhìn thấy là sự cố gắng và lòng mến của ta trong khi sống đạo.

Tóm lại, khi quyết tâm sống đời Kitô hữu giữa thế trần, không có nghĩa là ta đã đạo đức, đã thánh thiện, và đã hoàn hảo. Nó cũng không có nghĩa là cảm thấy mình tốt, vì đã thực hiện được những công tác bác ái này, việc lành đạo đức phi thường kia; đã làm được những phép lạ, đã thu hút được nhiều người khác về với Thiên Chúa. Ðể sống đời Kitô hữu không cần phải có những dấu hiệu thành quả bên ngoài, nhưng cần ý chí tiến thủ, luôn cố gắng hoàn thiện hóa cuộc sống của mình trong niềm tin cậy vào ơn Thiên Chúa trợ giúp.

 
TIN TƯỞNG NƠI THIÊN CHÚA

 

Những đòi hỏi của đời sống người Kitô hữu và những yếu đuối của con người đã cho ta một ý niệm rõ ràng rằng, ta không thể tự mình thực hiện được giấc mơ hoàn thiện. Do đó, cách tốt nhất cho một Kitô hữu là sống đạo với tâm tình phó thác và tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa.

Sống đạo giữa đời tự nó đã là một thách đố lớn lao, vì người Kitô hữu luôn luôn phải đi trên con đường hẹp và khó đi. Ðức Kitô đã khuyến cáo trước những ai theo Ngài:

“Hãy vào cửa hẹp: vì cửa rộng rãi, đường thênh thang chỉ dẫn đến hư hỏng, và số kẻ vào nẻo ấy cũng nhiều. Cửa và đường đem đến sự sống hẹp hòi và chật chội, ít người gặp được cửa ấy” (Mt 7:13-14).

Với sức tự nhiên của con người, không ai có thể bền chí và đi tới đích con đường đó. Do đó, đi trên con đường hoàn thiện, ta phải đồng hành với Ngài và đi bên Ngài.

Trong cuốn Ðời Tận Hiến, khi diễn tả thái độ đồng hành của linh hồn với Thiên Chúa trên bước đường hoàn thiện, linh mục Joseph Schryvers đã dùng hình ảnh cụ thể của một lữ khách trên đường về quê. Nếu người đó bình thản vượt qua những sỏi đá trên đường đi, sẽ an toàn về đến nhà. Nhưng nếu người đó gom góp tất cả sỏi đá rải rác trên đường lại, có thể chúng sẽ thành một đống cao ngất khó lòng vượt qua. Hơn nữa, nếu đống sỏi đá này đổ xuống chúng sẽ đè bẹp anh ta.

Những khó khăn của đời người là những sỏi đá rải rác đó đây trong cuộc sống, kể cả đời sống tâm linh. Nếu đồng hành với Thiên Chúa và để Ngài hướng dẫn, ta sẽ vượt qua cách dễ dàng. Nhưng nếu ta gom góp chúng lại bằng thái độ tự tin vào khả năng của mình, chúng sẽ trở thành một ngọn núi cao ngất khiến ta không thể nào vượt qua được. Và nếu chúng đổ xuống, chắc chắn ta sẽ bị chúng đè bẹp.

Theo Thánh Âugutinô, khi Thiên Chúa ban thưởng cho ai, thì chính là Ngài ban thưởng cho những nỗ lực và sự cố gắng của người đó trong việc xử dụng, và kiên tâm bền chí với ơn của Ngài. Nói khác đi là Ngài thưởng công sự cố gắng của họ, cũng như tư tưởng mà Thiên Chúa soi dẫn cho Bêninha như đã được đề cập tới ở trên.

Tóm lại, không một ai dù siêu việt đến đâu, lại có thể tự mình thực hành và vững bước trong cuộc sống thánh đức hàng ngày với sức cố gắng và nỗ lực riêng của chính mình. Mọi thánh nhân, kể cả Ðức Maria đều phải tin tưởng và cậy nhờ vào ơn Chúa. Ðức Maria khi được Thánh Isave khen là người có phúc, Mẹ đã không từ chối điều này, nhưng đã qui về Thiên Chúa là Ðấng toàn thiện. Ngài đã thực hiện những điều đó nơi Mẹ: “Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh Người là Thánh” (Lk 1:49).

Như một em bé chập chững bước đi, em không thể nào tự mình bước được những bước vững chãi mà không cần đến bàn tay đỡ nâng của cha mẹ. Bàn tay Thiên Chúa cũng luôn luôn đỡ nâng và dẫn dắt mọi bước đi bé nhỏ của ta trên đường hoàn thiện. Ngài sẽ giúp ta khi phải chiến đấu với ma quỷ, thế gian và xác thịt để ta vững bước trong cuộc sống đạo cách hoàn hảo mặc dù ta yếu đuối, và hay vấp ngã.

Như vậy, trong khi sống đạo và hành đạo, người Kitô hữu không thể với nỗ lực riêng mình hoàn-hảo-hóa được cuộc sống, và cũng không một mình độc hành. Ta phải sánh bước với sự nâng đỡ của Thiên Chúa. Cùng bước đi bên Ngài, và cùng với Ngài, sóng bước bên Ðức Maria và các Kitô hữu khác.

Thiên Chúa kêu gọi mọi người thực hành và sống đạo một cách tích cực và trưởng thành. Nhưng để đạt được sự thiện hảo, Ngài luôn ở bên ta để hướng dẫn và ban ơn nâng đỡ.

 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.