Như thế, việc tham dự vào cuộc sống của những người đã được phục sinh là điểm tới của tiến trình cứu rỗi trong cuộc sống của kitô hữu, được sự tín trung của Thiên Chúa bảo đảm dẫn đưa tới chỗ thành toàn viên mãn.
KINH NGHIỆM GIẢI PHÓNG KITÔ
Nếu đức tin là đề tài nổi bật trong bốn chương đầu thư gửi giáo đoàn Roma, thì trong các chương 5-8 nó không chiếm chỗ nổi bật nữa, mặc dầu vẫn được thánh Phaolô tiếp tục nhắc tới. Thật ra, đề tài trong phần hai này của các chương trình bầy giáo thuyết thần học là sự sống. Từ chương 5 tới chương 8 thánh Phaolô đã đề cập tới sự sống dưới hình thái danh từ và động từ tất cả 19 lần: 12 lần danh từ (5,10.17.18.21; 6,22.23; 7,10; 8,2.6.10.38) và 7 lần động từ (6,2.10.11.13; 7,9; 8,12-13). Do đó chúng ta có thể nối liền các chương nói về sự sống này với lời trích sách ngôn sứ Khabacúc chương 1,17: ”Ai ”công chính” nhờ đức tin sẽ được sự sống”.
Trên bình diện cụ thể sự sống mà thánh Phaolô nói tới ở đây có ý nghĩa gì, hay đâu là các nội dung của nó? Sự sống ở đây vừa ám chỉ tình trạng mới của cuộc sống ơn thánh, mà tín hữu có được và đang sống nhờ đức tin, vừa diễn tả ơn cứu độ cuối cùng, vĩnh viễn mà tín hữu hằng trông đợi và hy vọng. Nói cách khác, nó là thực tại đối nghịch với tình trạng sống trong qúa khứ và là kết qủa của một tiến trình giải phóng triệt để, tận gốc rễ trong cuộc sống đức tin. Thật vậy, dưới cái nhìn và quan niệm của thánh Phaolô, cuộc sống con người ngoài Chúa Kitô là cuộc sống bị thống trị bởi các lực lượng tha hóa tiêu cực của Tội Lỗi, luật lệ, ”xác thịt” và Cái Chết. Nhưng tín hữu nào tin vào Chúa Kitô và tín thác nơi sáng kiến của Chúa, sẽ được giải thoát khỏi cuộc sống nô lệ tha hóa đó. Trong nghĩa chính xác sau đây: cái năng động nền tảng cuộc sống của họ không còn phải tuân phục quyền bất khả kháng của guồng máy tồi bại tôn thờ cái tôi toàn năng là Tội Lỗi nữa. Cái tôi toàn năng đó tồi bại tới độ xử dụng cả các đòi buộc, tức lề luật của Thiên Chúa như dụng cụ phục vụ nó, và giam cầm con người trong cái vòng luẩn quẩn, trong con ngõ cụt của các lựa chọn ích kỷ và tội lỗi, nghĩa là sống theo xác thịt, và như thế kết án nó phải hư mất đời đời, tức dẫn đưa nó tới Cái Chết. Nhưng kỳ công giải phóng được hiện thực với và nhờ Chúa Kitô. Ngài là mẫu gương của nhân loại mới được hòa giải với Thiên Chúa và là gương mặt đối nghịch với gương mặt của Adam, mẫu gương của nhân loại cũ nô lệ Tội Lỗi và phải chết. Thánh Phaolô đã miêu tả thực tại liên đới của gia đình nhân loại, trong sự dữ và sự thiện, cũng như biến cố Chúa Kitô giải phóng con người khỏi Tội Lỗi, Sự Chết và Lề Luật trong chương 5,12-21 như sau: ”Vì một người duy nhất, mà Tội Lỗi đã xâm nhập trần gian, và Tội Lỗi đã gây nên Sự Chết, như thế, Sự Chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có Tội Lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời Adam đến thời Môshê, Sự Chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Adam đã phạm. Adam là hình ảnh Đấng sẽ tới. Nhưng sự sa ngã của Adam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu qủa do một người phạm tội đã gây ra. Qủa thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xử án để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy! Qủa vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho tr
CUỘC SỐNG CÔNG CHÍNH HÓA
LÀ CUỘC SỐNG TRONG AN BÌNH VÀ HY VỌNG
Trong phần đầu chương 5 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô trình bầy kinh nghiệm sống của các kitô hữu đã được công chính hóa nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Cuộc sống trong ơn thánh cứu độ nhưng không, mà Thiên Chúa đã ban cho họ qua cái chết cứu chuộc của Chúa Kitô, khiến cho họ được sống trong an bình với Thiên Chúa và hy vọng vào ơn cứu độ vĩnh viễn mai sau. Những gì thánh Phaolô trình bầy giờ đây có tính cách thực tế hơn. Đại danh từ ”chúng ta” ngôi thứ nhất số nhiều là một dấu chứng không chỉ có tính cách văn chương, mà diễn tả thực tại sống mới đó của mọi tín hữu, kể cả thánh Phaolô: ”Chúng ta được bình an với Thiên Chúa… qua đức tin, chúng ta được vào hưởng ơn ấy, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa (cc.1-2)… Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta (c.5) vv… ” Thay vì sống dưới ách thống trị của Tội Lỗi như trước đây (c.8), tín hữu kitô được công chính hóa và hòa giải với Thiên Chúa (cc. 1.9.10.11). Họ đã ra khỏi tình trạng thù nghịch với Chúa (cc.6.10) để sống trong an bình với Ngài (c.1). Ơn thánh là bầu khí cuộc sống mới của họ (c.2). Họ lại còn có thể được vinh danh trong Thiên Chúa (c.11) và xây dựng cuộc sống trên niềm hy vọng (c.2 tt.). Niềm tin vào tình yêu thương của Chúa Kitô và ơn Chúa Thánh Thần là hai bảo chứng của tình yêu thương vô biên mà Thiên Chúa có đối với họ (cc.5-8). Do đó, các tín hữu có thể nhìn tương lai với tất cả sự tin tưởng vào ơn cứu rỗi vĩnh cửu mai sau (cc.9-10). Chỉ trong 11 câu thánh Phaolô đã đưa ra rất nhiều tư tưởng thần học trong đó có ơn Chúa Thánh Thần, ơn cứu rỗi và sự vinh quang. Cả ba mấu điểm thần học này sẽ được khai triển rộng rãi trong chương 8.
Vì thế chúng ta cũng có thể coi những gì trình bầy ở đây là một sườn bài. Nếu muốn có một cái nhìn đầy đủ hơn về kinh nghiệm cuộc sống mới của kitô hữu, cần phải đợi tới chương 8.
”Vậy một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa”. Câu mở đâu này đã giải thích ý nghĩa rõ ràng kết qủa đầu tiên của sự công chính hóa nhờ đức tin, đó là tương quan an bình với Thiên Chúa. Nếu sự công chính hóa được hiện thực qua đức tin (cch.1-4), thì những người có đức tin đang sống trong tương quan giao ước với Thiên Chúa. Nhưng sự kiện này có các âm hưởng cụ thể nào trên cuộc sống của họ không? Thánh Phaolô muốn trả lời cho câu hỏi này. Trước hết kitô hữu được sống an bình với Thiên Chúa. Sự bình an mà thánh Phaolô nói tới ở đây không chỉ có tính cách tâm lý, trong nghĩa tâm hồn được thanh thản, yên hàn. Nó ám chỉ một tình trạng khách quan trong tương quan tích cực với Thiên Chúa, như suối nguồn trao ban ơn cứu độ. Xa hơn nữa, trong cùng một thứ từ ngữ, thánh Phaolô sẽ nói tới hòa giải như là sự kiện thắng vượt tình trạng thù nghịch thưc sự với Thiên Chúa (vc.10). Sự công chính hóa ghi dấu một khúc rẽ đổi đời tuyệt đối trong cuộc sống của người tín hữu: từ chỗ khước từ Thiên Chúa Tạo Hóa và tình trạng là thụ tạo của mình bước sang thái độ chấp nhận Thiên Chúa như là đồng minh của con người và sống liên đới với tha nhân theo cái luận lý của giao ước. Đây là tình trạng ơn thánh trong đó người tín hữu được công chính hóa bơi lội và tắm gội. Chỉ có thể hiểu được thực tại sống mới này như là một món qùa tuyệt diệu, nhưng không, mà Thiên Chúa cống hiến cho những ai chấp nhận tin vào Ngài. Để diễn tả điều này thánh Phaolô lập đi lập lại kiểu nói ”nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta”, ”do hoạt động trung gian của Ngài”. Qua các kiểu nói này thánh nhân cũng hiểu ngầm là do sáng kiến siêu vượt của Thiên Chúa. Kitô hữu đã chỉ có thể đạt được tình trạng này bởi vì chính Thiên Chúa đã quyết định chấp nhận họ và cho họ hiệp thông vào khung cảnh sống của an bình và của ơn thánh.
Đặc thái thứ hai của cuộc sống mới mà Thiên Chúa trao ban cho những ai tin vào Ngài, đó là niềm hy vọng rộng mở cho một tương lai rạng ngời của những người được Thiên Chúa biến đổi. Ở đây văn bản chỉ nhắc sơ qua thực tại tuyệt vời này khi viết: ”trong niềm hy vọng của vinh quang Thiên Chúa”. Trong chương 8,18-25 thánh Phaolô sẽ khai triển đề tài cuộc sống vinh quang của những người được sống lại. Ở đây thánh nhân không muốn xác định nội dung niềm hy vọng kitô, mà chỉ muốn nêu lên vài nét chấm phá diễn tả nó. Niềm hy vọng này là nền tảng cậy dựa cho phép tín hữu đã được công chính hóa có thể hãnh diện và tin tưởng. Đây không phải là sự tin tưởng phát sinh từ một cuộc sống dễ dãi, đầy may mắn và không hề gặp chướng ngại khó khăn. Trái lại, nó được tín hữu sống trong các hoàn cảnh đối nghịch. Không phải vì được công chính hóa, mà họ được che chở khỏi các mâu thuẫn xâu xé lịch sử và cuộc sống con người. Họ không phải là một người may mắn được sống yên hàn trên một hòn đảo hạnh phúc xa cách đất liền. Nhưng họ vẫn phải sống tại trận địa nơi các sức mạnh của sự dữ và tàn phá đổ ập trên nhân loại. Tuy nhiên họ vẫn vững vàng hy vọng, vì ý thức lòng tin cho họ biết rằng cuộc chiến mở ra các lối thoát tích cực. Chính ý thức đó khiến cho họ không đầu hàng, tháo lui, nhưng sát cánh với các lực lượng sự sống, kiên trì chiến đấu và đương đầu với những thử thách không thể tránh được. Nói cách khác, niềm hy vọng kitô không phải là chủ trương lạc quan dễ dãi, lại càng không phải là thái độ sống ươn lười và hèn nhát trốn chạy hiện tại, nhưng là sự hiện diện tin tưởng, sinh động giữa lòng thế giới, cho dù có xảy ra bất cứ chuyện gì đi nữa. Cùng với thái độ rộng mở cho tương lai là tinh thần trách nhiệm hoạt động trong ngày hôm nay, trong lúc này và ở đây. Thái độ sống xem ra mâu thuẫn đó của kitô hữu được thánh Phaolô diễn tả bằng kiểu nói: ”chúng ta sẽ vui mừng trong gian truân” (c.3). Đây không phải là thái độ bệnh hoạn của những người cảm thấy sung sướng khi bị hành hạ ngược đãi, nhưng là ý thức sáng suốt biết rằng đức tin cho phép kitô hữu có sức chống trả lại mọi nghịch cảnh, và đầu hàng vô điều kiện là điều không cần thiết.
Tuy nhiên, để tránh các hiểu lầm phải nói ngay rằng thánh Phaolô không muốn giới thiệu với chúng ta các thái độ sống anh hùng, cũng không đề cao hay bênh vực mẫu người siêu quần bạt chúng không bao giờ thất bại. Nếu niềm hy vọng kitô không đồng nghĩa với sự khờ dại và thái độ thúc thủ chịu trận, thì cũng không được coi nó như là sự anh hùng (andréia) mà thế giới hy lạp ca tụng. Bởi vì nó là sự tín thác của người yếu đuối, không phương thế tự vệ, đôi khi bị vùi dập, nhưng vẫn tìm ra năng lực mới trong lòng tin vào Thiên Chúa. Nó cũng không phải là một ảo tưởng, bởi vì tín hữu xác tín được tình yêu thương của Thiên Chúa trong tận cùng thẳm tâm lòng mình. Nhưng cảm nghiệm về tình yêu thương đó của Thiên Chúa, niềm hy vọng của tín hữu không phải là một tâm tình hay yếu tố tâm lý, mà là một bằng chứng cụ thể: Thiên Chúa đã trao ban Chúa Thánh Thần cho tín hữu. Như thế niềm hy vọng kitô là một kinh nghiệm sống động: tín hữu được nếm hưởng trước cuộc sống tràn đầy sung mãn trong tương lai mà họ hằng mong đợi. Thế giới của những kẻ sống lại đã hiện diện trong Chúa Thánh Thần.
Và dấu chứng của tình yêu thương trao ban đó của Thiên Chúa Cha tỏ hiện trong biến cố tử nạn của Đức Giêsu Kitô (cc.6-8). Qua lối hành văn khúc mắc của hai câu 6-7 thánh Phaolô cố ý minh chứng cho thấy cái chết không thể tưởng tượng được của Đức Giêsu, Đấng đã tự hiến mình chết thay cho chúng ta là những kẻ tội lỗi, không có sức làm được việc gì và là phường gian ác. Một bên là thái độ tận hiến tột độ, bên kia là sự bất xứng hoàn toàn. Thực tại này làm nổ tung cái luận lý thường tình của thế giới loài người tội lỗi gian ác và ích kỷ, trong đó khó lòng mà tìm được một người dám chết vì một người công chính. Do đó làm sao chúng ta có thể hiểu được sự kiện Đức Kitô là Đấng thánh thiện hoàn toàn vô tội lại đã hy sinh chết thay cho chúng ta là những kẻ thù nghịch với Thiên Chúa? Làm sao chúng ta có thể hiểu được cái chết của Đức Kitô trên thập giá, như dấu chứng tột độ tình yêu thương điên dại mà Thiên Chúa dành để cho loài người tội lỗi? Trong biến cố thê thảm này sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa Cha giao thoa với thái độ hiến tế của Đức Kitô.
Tóm lại, chúng ta đang đụng chạm tới tuyệt đỉnh mầu nhiệm tình yêu thương của Thiên Chúa nhập thể, nhập thế và chịu sát tế cứu chuộc nhân loại tội lỗi, nghĩa là nòng cốt Tin Mừng của Kitô giáo. Nếu lý trí con người kinh ngạc không thể hiểu được, thì đức tin giúp kitô hữu hoàn toàn tin và chấp nhận thực tại nhiệm mầu tuyệt diệu này. Trong viễn tượng đó, tín hữu có thể hy vọng mà không sợ hãi phải gặp ảo tưởng và có thể yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương. Trong chương 8 thánh Phaolô sẽ giải thích thực tại này một cách vô cùng cảm động khi viết: ”Vậy phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, còn ai chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thẩy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban mọi sự cho chúng ta?”. Thánh Phaolô đã dùng kiểu lý luận từ nhỏ tới lớn, thông dụng trong truyền thống rabbi, để đưa ra lý chứng cuối cùng. Đó là có sự tiếp nối giữa tình trạng được công chính hóa, được ơn cứu rỗi nhờ đức tin và ơn thánh mà tín hữu đang sống, và cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Sỡ dĩ có được sứ tiếp nối đó là do hoạt động ơn thánh của chính Thiên Chúa chứ không do sức riêng của tín hữu. Chính hoạt động ấy cho phép tín hữu được hòa giải với Thiên Chúa và được ơn cứu độ (cc.9-10). Như thế, việc tham dự vào cuộc sống của những người đã được phục sinh là điểm tới của tiến trình cứu rỗi trong cuộc sống của kitô hữu, được sự tín trung của Thiên Chúa bảo đảm dẫn đưa tới chỗ thành toàn viên mãn.
Linh-Tiến-Khải
Views: 0