DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN
Tác giả : Josef Holzer
Người dịch : Đinh Phan Cư
Phạm Hồng-Lam
TRÌNH THUẬT 40
PHAN-SINH Ở LẠI TRONG GIÁO-HỘI
Năm 1210 Phan-sinh tới trước giáo-chủ In-nô-xen-xô III để xin phép giảng, cũng như trước đó 30 năm Pierre Valdès đã làm. Giáo-chủ ngần-ngại khá lâu. Phan-sinh hiểu. Là vì gương Valdès hẳn còn đó.
Cái khó nghèo và nhiệt-vọng rao-giảng Lời Chúa của Phan-sinh và mười hai anh em theo anh có khác chăng nhiệt-vọng và khó nghèo của Valdès ? Phải chăng lại anh mù dắt dân mù ? Có sợ rằng ngày nào đó lại biến thành lạc-giáo chăng ?
Bổ-túc những thiếu sót"
Khi vị Giáo-chủ quyền-thế nhất trong lịch-sử Giáo-hội và anh ăn-xin ở Assisi giáp mặt nhau, không ai mang thành-kiến gì nhau cả. Có sự đả-thông trong cuộc đối-thoại. Không phải Giáo-chủ muốn chống lại một phong-trào khó nghèo hay cản-trở việc canh-tân Giáo-hội. Vì chính ngài đã triệu-tập công-đồng cải-cách ở Lateran. Phan-sinh không chống giáo-quyền hoặc giáo-chủ. Anh cũng không dị-ứng với giáo-sĩ như tín-đồ Valdès, cho dù ngay cả tầng giáo-sĩ cấp thấp thời đó cũng khoác vào người tấm áo trưởng-giả thật khó coi. Thái-độ tích-cực của anh đối với giáo-phẩm thể hiện qua lời nhắn-nhủ anh em: "Nếu anh em là con-cái của hoà-bình, anh em phải chiếm được lòng của cả giáo-dân lẫn giáo-sĩ. Điều đó Chúa muốn hơn là mình chỉ chiếm dân mà chọc giận giáo-sĩ. Hãy bỏ qua những lỗi lầm và bổ-túc những thiếu-sót của họ. Và khi làm, hãy làm trong khiêm-nhượng".
Giáo-quyền cũng không chống Phan-sinh. Cụ-thể là họ đã đáp-ứng yêu-cầu cử cho Phan-sinh một hồng-y bảo-trợ. Nhờ vậy, dòng của Phan-sinh đã luôn giữ được đường-hướng của giáo-quyền. Chính Phan-sinh cũng không bao giờ có ý-định xa rời Giáo-hội.
Giáo-chủ muốn chắc-ăn
Sau thời-gian suy-nghĩ lâu và nhờ những lời nói vào của giám-mục giáo-phận Assisi lúc đó đang có mặt tại Rô-ma, giáo-chủ In-nô-xen-xô đồng ý – trước hết bằng miệng – cho Phan-sinh và anh em của anh giảng, nhưng với điều-kiện luôn đặt dưới sự chỉ-dẫn và kiểm-soát của giáo-quyền. In-nô-xen-xô cũng làm y như giáo-chủ A-lê-xan-drô III trước đây đối với Valdès. Nhưng Valdès đã không tuân-phục. Việc vâng-lời của Phan-sinh đã có một ý-nghĩa quyết-định trong lịch-sử Giáo-hội!
Sau đó Phan-sinh và các bạn được cắt tóc, nghĩa là họ được nâng lên hàng tu-sĩ. Qua nghi-thức cắt tóc, họ buộc phải vâng-phục giáo-quyền địa-phương. Riêng Phan-sinh được phong chức phó-tế. Giáo-chủ muốn làm thế cho chắc-ăn…
Con gia-đình khá-giả
Phan-sinh sinh năm 1181 ở Assisi, Ý-đại-lợi. Cha anh, Pietro Bernardone, là nhà buôn khăn giàu-có và được trọng-vọng trong tỉnh. Bà Pica mẹ anh là con một gia-đình quí-tộc miền nam nước Pháp. Để vui lòng vợ, Bernardone đã gọi con trai mình là "Francesco" ("thằng Pháp nhỏ").
Phan học trường tỉnh và chút ít la-tinh từ thầy giáo nhà. Bản-tính thông-minh. Nhưng anh suốt đời gặp khó-khăn về chữ viết nên thư-từ thường thích đọc cho người ta viết hộ và thay vì kí thì đánh một chữ "T" như một dấu thập-giá vào cuối thư. Về sau anh cũng chẳng bao giờ trở thành một nhà thông-thái lớn. Chỉ thỉnh-thoảng giúp cha trong việc buôn-bán. Trong cuộc chiến với thành Perugia anh theo phe "nổi loạn", bị trọng thương và bị bắt.
Bắt đầu một cuộc đổi đời
Trên giường bịnh, Phan-sinh có dịp nhìn lại mình và thế-giới dưới nguồn sáng mới. Khỏi bệnh, anh rút vào cuộc sống đơn-độc để suy-nghĩ về quá-khứ và tương-lai mình. Anh viết trong chúc-thư về thời-gian đó: " Không ai chỉ cho tôi phải làm gì". Nhưng một "tiếng lạ" đã chỉ đường cho anh và anh tiếp: "Đấng trên cao đã chỉ cho tôi chọn con đường sống theo Phúc-âm và giáo-chủ chúng ta đã chấp-thuận con đường đó". Tiếp theo là những "chỉ-dẫn" khác của Chúa. Trong thánh-lễ ngày 24.02.1209, khi nghe linh-mục đọc đoạn Phúc-âm nói về việc Chúa sai các môn-đệ ra đi rao-giảng: "Đừng mang theo gì trên đường, không gậy mà cũng không túi đựng thức ăn, không bánh, không tiền, không chiếc áo thứ hai" (Lc 9, 3), Phan bỗng reo lên: "Đấy, đấy là điều tôi hằng mong-ước, hằng mong-ước cả tâm can!"
Thời đo, ý-tưởng sống nghèo chẳng mới-mẻ gì. Phan-sinh có lẽ cũng không lạ, bởi anh hẳn đã được cha kể về những cộng-đoàn Valdès và Kathar mà ông đã biết trong những chuyến đi buôn xuống miền nam Pháp. Như trong cổ thời, các thương-gia thời đó là những kẻ môi-giới văn-hoá quan-trọng và là người giúp phổ-biến nhanh rộng các trào-lưu tôn-giáo cũng như các giáo-phái. Dù vậy, chắc-chắn cũng có một "mạc-khải" trực-tiếp của Chúa đến với Phan-sinh.
Bị cha từ bỏ
Khi đã rõ về đường mình đi, Phan-sinh tặng y-phục thương-gia của mình cho một hiệp-sĩ nghèo và đổi áo choàng cho một người ăn-xin. Thomas ở Celano (mất 1260) viết trong cuốn sách nói về đời Phan-sinh: "Chuyện đó làm cha anh không hài-lòng và ông kiện con ông với giám-mục giáo-phận. Ông qui Phan-sinh tội vứt tiền qua cửa sổ, tội lấy tiền của ông để xây nhà thờ. Trước mặt mọi người, Phan-sinh liền cởi áo quần đang mặc, quì xuống nói: ‘Này là lúc tôi có thể cầu-nguyện kinh Lạy Cha một cách đúng-đắn, bởi tôi chẳng còn cha nào ngoài người Cha trên trời".
Nhà thờ mà Thomas ở Celano đề-cập là nhà nguyện San Damiano cách Assisi một cây-số rưỡi. Phan-sinh đã bí-mật dùng tiền của cha để cho làm lại nhà nguyện, vì anh bảo rằng đã nghe được lệnh của Chúa "Phan-sinh, hãy đi và xây cho Ta một nguyện đường". San Damiano về sau là điểm đầu tiên của dòng nữ thánh Clara (Klarissen), còn gọi là dòng hai phan-sinh.
Chuông đổ khi anh đến
Lúc này Phan-sinh 28 tuổi. Người ta không còn bỡn-cợt về anh nữa, nhưng mọi người hết sức ngỡ-ngàng và kính-trọng mỗi khi gặp anh. Chuyện thời đó kể lại: "Mỗi khi anh vào một thành nào thì giáo-sĩ ở đó vui mừng giật chuông inh-ỏi. Đàn ông, đàn bà vui mừng đến gặp anh. Đám thiếu-niên con trai bẻ cành cây cầm đến với anh… Ai cũng muốn thấy, nghe và vâng lời anh, dù anh không phải là người đẹp trai, thông-minh, có học hay quyền-quí gì cả."
Đồng bạn Thomas Celano nói về hình-dạng của thánh Phan-sinh: "Franz có tài nói rất hay, khuôn mặt vui với nét nhân-hậu. Người tầm-thước, hơi nhỏ và gầy. Đầu tròn, mặt dài với vừng trán thẳng, thấp. Mắt đen và trong, tóc nâu, râu đen quanh mép mỏng và chiếc mũi thẳng. Tay Franz ngắn, nhưng bàn tay sang với những ngón thon đẹp. Chân rất bé. Giọng nói hơi dẻo ngọt, rõ-ràng và âm-vang."
"Chương-trình" của anh
Khi có thêm hai anh Bernhard ở Quintavalle và Petrus Cathanii theo mình, Phan-sinh bắt đầu nghĩ đến luật sống. Anh vào nhà nguyện thánh Ni-kô-lô để tìm-hiểu ý Chúa. Anh mở Thánh-Kinh và gặp đoạn: "Nếu con muốn trọn-hảo, hãy bán hết những gì con có và tặng cho người nghèo" (Mt 19, 21). Dở sang trang khác, gặp đoạn: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình. Vác thập-giá mình và theo Ta." (Mt 16, 24). Dở thêm lần nữa, thì gặp đoạn Chúa sai môn-đồ mà anh đã nghe trong thánh-lễ ngày 24 tháng 2: "Đừng mang gì theo trên đường…" (Lc 9, 3). Sau đó anh nói với hai bạn: "Đấy là đường và luật sống của chúng ta và của tất cả những ai muốn gia-nhập cộng-đoàn chúng ta."
Phong-trào khó nghèo của Phan-sinh lan rất nhanh khắp nửa Âu châu. Chính Phan lặn-lội rao-giảng khắp nước Ý, nam Pháp và Tây-ban-nha. Cũng như tín hữu kathar trước đây, anh muốn đưa người Ả-rập ở bắc Phi (Mauren) trở về và dùng bất bạo-động để chống lại họ. Vì bệnh nên anh đã không tới được Maroc để giảng. Năm 1219 anh tới gặp thủ-lãnh hồi Alkamil ở Damiette. Luật dòng thứ nhất, nay đã thất-lạc, được giáo-chủ In-nô-xen-xô III chấp-thuận, có lẽ không khác gì nội-dung các đoạn Sách Thánh trên đây. Luật thứ hai cũng chỉ là những câu Sách Thánh chắp-nối nhau. Luật này được công-hội dòng, lúc này cộng-đoàn đã có tới 3000 người, chấp-nhận năm 1223. Nhưng luật thứ ba, một số điểm chính do hồng-y bảo-trợ Hugo ở Ostia soạn, mới là nền-tảng thật-sự cho dòng Phan-sinh. Khi giáo-chủ Hô-nô-ri-ô III phê-chuẩn luật thứ ba này ngày 29.11.1223 thì Phan-sinh đã không còn lãnh-đạo cộng-đoàn nữa; anh đã lui về cuộc sống cuộc đời ẩn-dật.
TRÌNH THUẬT 41
PHAN-SINH KHÔNG MUốN DÒNG "CÓ LUậT "
Năm 1210, khi Phan-sinh đứng trước In-nô-xen-xô trình-bày về lí-tưởng khó nghèo của dòng, Giáo-chủ tỏ ra ngờ-vực. Và ngài đã có lí. Mười năm sau, từ cuộc hành-hương Đất Thánh về, Phan-sinh ngỡ-ngàng đứng trước một học-viện lộng-lẫy do các bạn xây ở Bologna. Anh yêu-cầu dọn đi tức-khắc. Nhưng vì hồng-y bảo-trợ nhất-quyết đòi giữ, cuối cùng Phan đã phải thuận, và chính anh cử thánh An-tôn ở Padua làm giáo-sư cho Học-viện của dòng.
Phan-sinh từ nhiệm lãnh-đạo
Lúc Phan-sinh còn sinh-thời, một số đông tu-sĩ đã yêu-cầu giảm bớt luật khó nghèo. Trong một buổi công-hội, hai phe giữ và giảm tranh-luận nhau không phân thắng bại, khiến Phan quyết-định xin từ chức và lui về ẩn thân nơi núi La Verna ở Firenze. Anh nói với anh em: "Từ nay anh em cứ coi tôi như đã chết."
Sau khi Phan lui, anh em cố-gắng "cải-tổ" lại dòng cho tốt hơn. Bản-thân Phan dứt khoát không muốn có một cộng-đoàn được tổ-chức chặt-chẽ. Anh đã khẳng-định với bạn dòng: "Tôi không muốn anh em chỉ cho tôi bất cứ thứ luật nào, chẳng của thánh Biển-đức hay thánh An-tịnh, ngoài cái lối sống mà Thầy Chí Ái đã chỉ cho tôi."
Ngày nay nhìn lại, rõ-ràng nếu không có sự đồng nỗ-lực của hồng-y Hugo trong việc tạo nền-tảng luật-lệ thì hẳn dòng đã không thể tồn-tại.
Cuộc "tranh-luận khó nghèo" của dòng thỉnh-thoảng bùng lên như sóng, đôi khi đi tới quá-khích. Một thí-dụ điển-hình là hồng-y Hugo, lúc này đã trở thành giáo-chủ Grê-gô-ri-ô IX, đã phải đuổi khỏi dòng và tuyệt-thông vị lãnh-đạo dòng là "tổng-bộ-trưởng" Elias ở Cortona, khi vị này không muốn nghe Toà-Thánh giải-thích về "sự khó nghèo phan-sinh". Sau khi không thể giải-quyết được những bất hoà, người ta chia "Dòng nhất" ra thành ba nhánh độc-lập, nhánh Phan-sinh, nhánh Anh-em hèn-mọn (Minoriten) và nhánh Kapuzin (1528).
Mất vì bệnh
Sống đơn-độc trên núi La Verna, ngày 14.09.1224 Phan được Chúa trao ấn năm dấu đanh ở tay, chân và cạnh sườn. Thêm vào đó, anh bị đau mắt, chứng bệnh mang từ Đất Thánh về khiến anh gần như mù. Gan, lá-lách và bao-tử cũng đau. Một bạn dòng thấy anh đau-đớn, muốn xin Chúa cất bớt cho anh thì bị mắng: "Anh ơi, nếu như tôi không biết lòng khiêm-cung của anh, thì tôi đã cắt đứt mọi liên-hệ cộng-đoàn với anh rồi, vì anh đã dám chê trách những điều Chúa gởi đến cho tôi."
Hai năm sau, khi biết mình không còn sống được bao lâu, Phan xin chuyển về Portiunkula gần Assisi. Ở đó, bên cạnh dăm ba tu-sĩ, anh nhận các bí-tích và mất ngày 03.10.1226, trong khi miệng đang ngâm-nga thánh-vịnh.
Một loại dòng mới
Dòng Phan-sinh, cũng như lạc-phái Albi và Valdès, đã biến thành một phong-trào quần chúng rất nhanh. Năm 1300, dòng này có khoảng 40.000 thành-viên. Vào thế-kỉ 14 dòng đã có mặt ở Ái-nhĩ-lan, Tô-cách-lan, các nước bắc Âu, cả bên Sy-ri và Đất Thánh. Dòng cũng đã là kẻ tiên-phong đi giảng đạo cho dân ngoại ở bắc Phi châu và Trung-hoa.
Cái mới của các "Dòng ăn-xin" (Phan-sinh, Đa-minh, Ẩn-tu An-tịnh) là không những các đệ-tử sống nghèo, mà cả dòng cũng chẳng có tư-hữu nào cả: không có rừng, ao cá, ruộng vườn, nông-dân làm thuê, mà chỉ cần một chỗ ở bên cạnh nhà thờ mà thôi. Họ không giống như các dòng khác mà tu-sĩ sống như những ông hoàng phong-kiến. Người ta không phải đến với họ. Nhưng trái lại họ đến với các nông-dân, trẻ-em, binh-sĩ. Họ vào các nhà tù, đến với kẻ lạc-giáo, ngoại đạo. "Như thế, một loại dòng mới xuất-hiện, đáp-ứng với những đổi thay xã-hội. Cùng với loại dòng đó, một chương mới trong lịch-sử mục-vụ mở đầu. Cho tới lúc này, người ta khinh-thường – có khi khiếp-sợ – những người làm mục-vụ; nhưng từ nay họ được thương mến." (Hertling).
Trích từ luật Dòng phan-sinh
"Đệ-tử Phan-sinh chúc-tụng giáo-chủ Hô-nô-ri-ô và những người kế vị chính-thức cũng như Giáo-hội Rô-ma bằng vâng-lời và kính-trọng…
Ai đã thề vâng-lời, nhận được một áo choàng và mũ lúp (Kapuze); nếu muốn, người đó có thể nhận thêm một áo nữa không có mũ. Chỉ đi giày khi thật cần-thiết. Tất cả anh em ăn-bận thật đơn-sơ. Những áo quần này, nhờ ơn Chúa, có thể được may ráp lại từ các miếng vải, bao bố hay các thứ khác. Tôi muốn nhắc thêm là không ai được khinh chê những người ăn-bận quần áo vải mỏng và có thêu màu và không được kết án họ, và cũng không được kết án những người ăn ngon và uống no say. Mỗi người tự xét-đoán và khinh chê chính mình…
Tôi khuyên, nhắc-nhở và cảnh-cáo anh em là khi tới với quần chúng không được cãi-vã, tranh-luận và kết án kẻ khác. Hãy nhỏ-nhẹ, hoà-hoãn, từ-tốn, khiêm-nhượng, chịu thiệt và ăn-nói lễ-độ phù-hợp với mọi người…
Anh em không được đi ngựa, trừ khi quá cấp-thiết và đau yếu, tôi dứt khoát ra lệnh cho anh em là không ai hoặc chính mình hay qua người trung-gian được nhận tiền bất cứ bằng cách nào…
Những anh em nào được Chúa trao cho ân-huệ làm việc, thì hãy làm trong trung-thành và cầu-nguyện. Về lương-bổng, chỉ nhận những gì cần-thiết cho nhu-cầu cuộc sống mình mà thôi, tuyệt-đối không nhận tiền…
Anh em không được tư-hữu gì cả. Không nhà, không đất, không gì hết. Ra đi khắp thế-giới như những kẻ hành-hương lạ, như những người tôi-tớ Chúa nghèo-hèn và an-tâm xin bố-thí độ nhật…
Anh em không được giảng trong giáo-phận nào giám-mục không cho phép. Ai chưa được thử và được công-nhận có khả-năng thì không giảng cho dân. Tôi nhắc những anh em này là hãy dùng ngôn-từ từ-tốn và đứng-đắn mà giảng. Hãy loan-báo cho dân về những sa-đoạ, những tính tốt, về sự đau-khổ (đời-đời) và về sự quang-vinh. Hãy giảng ngắn, vì thực ra lời Chúa trên thế-gian này cũng ngắn…
Ai không có kiến-thức khoa-học thì đừng cố mà biết. Vì làm như thế thì đâm lòng đua-đòi muốn thấu hiểu tinh-thần của Chúa và ơn thánh của Ngài…
Tôi ra lệnh nhặt cho anh em là không ai được có những trao-đổi và giao-thiệp thiếu rõ-ràng với phụ-nữ và không được bước vào các nhà dòng nữ…
một hồng-y của giáo-triều. Vị này sẽ là người hướng-dẫn, bảo-vệ và giúp cải-tiến cộng-đoàn. Như vậy anh em luôn hạ mình tuân-phục Giáo-hội thánh của mình…
Ra tại Lateran ngày 29.11
năm thứ tám triều-đại Giáo-chủ của chúng ta" (1223)
Clara trốn về Portioncula
Dòng nữ do Clara lập được gọi là Dòng hai của thánh Phan-sinh. Clara đất Assisi là con gái của hiệp-sĩ Favorone. Khi còn nhỏ, cô đã phải chứng-kiến cảnh những người dân nổi loạn làm khổ gia-đình quí-tộc cô. Không còn sống nổi ở Assisi, bố mẹ đem gia-đình tới Perugia tị-nạn. Như trên đã nói, Phan-sinh đứng về phe nổi loạn chống lại giới quí-tộc.
Năm 1210 Clara lần đầu tiên được nghe vị Thánh giảng về sự khó nghèo tuyệt-đối tại nhà thờ chính-toà Assisi. Quá xúc-động nên hai năm sau, cô gái 18 tuổi âm-thầm bỏ nhà đi theo Phan-sinh. Cô gặp Thánh-nhân ở Portiunkula, nhưng không thể lưu lại đó. Phan-sinh phải bỏ cô trước cơn giận của bố mẹ Clara và phải lẩn trốn nay đây mai đó. Sau nhiều năm săn-bắt đứa con gái "cứng đầu" không thành, bà mẹ xin vào dòng. Trước đó, hai con gái khác của bà là Agnes và Beatrice cũng đã nhập dòng nữ phan-sinh.
Dòng của nữ thánh Clara cũng cần giáo-quyền chuẩn-nhận. Lúc đầu, giáo-chủ In-nô-xen-xô III chỉ ban cho dòng "đặc-ân" là không ai có quyền bắt dòng phải nhận đất-đai. Chỉ hai ngày trước khi Clara mất, In-nô-xen-xô IV chuẩn-nhận luật dòng, ngày 09.08. 1253. Clara nhận tài-liệu quí đó hôm trước thì sang hôm sau từ-giã cuộc đời. Giáo-chủ In-nô-xen-xô IV tới thăm nữ Thánh hai lần bên giường bệnh và ngày hạ huyệt ngài cũng có mặt. Một cử-chỉ hoạ-hiếm trong lịch-sử giáo-triều.
Dòng ba
Dòng ba phan-sinh là một biến-cố chính-trị xã-hội có ý-nghĩa lớn, bởi thời đó chưa có luật xã-hội cũng như chưa có một cơ-chế thiện-nguyện nào ở tầm quốc-gia. Dòng gồm những giáo-dân hoạt-động ngoài các bức tường tu-viện, tự khép mình vào cuộc sống nhiệm-nhặt, cầu-nguyện và công-tác bác-ái cho người nghèo và tật-bệnh. Trong quá-trình lịch-sử, dòng đón-nhận sự gia-nhập của nhiều khuôn mặt lớn như Elisabeth đất Thueringen, thi-sĩ nổi danh người Ý Dante Alighieri, hoạ-sĩ Giotto và vua Pháp thánh Louis.
TRÌNH THUẬT 44
TRUNG-CỔ VÀ NHỮNG NHÀ TƯ-TƯỞNG TỰ-DO
Thời trung-cổ mới bắt đầu có đại-học và chương-trình nghiên-cứu có hệ-thống. Đó là thêm một bằng-chứng chống lại quan-điểm coi trung-cổ chỉ toàn màu đen. Tư-duy trung-cổ hầu như chỉ khởi-phát từ Giáo-hội, nên không lạ gì khoa-học thời đó đa phần xoay quanh vấn-đề đức tin, chẳng hạn như về câu hỏi: Đức tin và lí-trí có đi đôi với nhau không, đức tin có thể giải-thích bằng lí-trí được không ?
Cho tới lúc đó tín hữu ki-tô mặc nhiên chấp-nhận tín-điều của Giáo-hội, không nghĩ suy. Qua các cuộc thánh chiến, dân phương tây tiếp-xúc và so-sánh với nhiều dân-tộc, văn-hoá, tôn-giáo khác, nên bắt đầu mới đặt vấn-đề. Học-giả Ả-rập Averoes (Ibn Ruschd) đóng vai rất quan-trọng trong việc giới-thiệu các sách vở của A-ri-stôt cho phương tây. A-ri-stôt (mất 322 trước công-nguyên) là một triết-gia ngoại-giáo và là đại-diện cho phái lí-trí, vì ông không bị ràng-buộc bởi các tín-điều ki-tô giáo. Averoes bác-bỏ quan-điểm Chúa tạo dựng vũ-trụ và linh-hồn bất tử. Tư-tưởng của A-ri-stôt đã làm sinh hoa kết quả nền triết và thần-học trung-cổ. Nhưng chủ-trương của Averoes thì trái lại bị Giáo-hội cực lực phủ-nhận dưới mọi hình-thức. Dù vậy chủ-trương của ông vẫn tồn-tại mãi cho tới thời-mới.
"CÁC NHÀ THẦN-HỌC TẢ" CHUẨN-BỊ CHO "KHAI-SÁNG"
"Khai-sáng" là một phong-trào chống Giáo-hội và kẻ thù của mạc-khải, xuất-hiện trong thế-kỉ 18, với chủ-trương xem lí-trí là nguồn-cội của mọi nhận-thức. Phong-trào này đã được chuẩn-bị từ trước bởi các nhà thần-học trung-cổ theo Averoes. Một trong những nhà thần-học đó là Bretone Peter Abaelard (mất 1142). Ông đã có nhận-định chí-lí về hoàn-cảnh thần-học thời đó khi viết về sinh-viên mình: "Họ muốn có được luận-chứng triết-học dễ hiểu và những gì có thể nắm bắt được, chứ không cần lời nói suông. Nhiều lời mà chẳng đưa suy-tư đến đâu thì chỉ là vô ích, người ta chỉ tin điều gì sau khi đã nắm bắt được nó."
Thánh Bernhard ở Clairveaux, trong một bài giảng, đã coi Abaelard là người "cố tháo gỡ đi nội-dung của đức tin ", người "cho rằng đức tin có thể hiểu hoàn-toàn bằng lí-trí". Giáo-hội kết án chủ-trương của Abaelard là lạc thuyết.
Người "tả" nặng kí nhất là giáo-sư Siger ở Brabant, dạy đại-học Paris. Ông muốn giải-thoát khoa-học ra khỏi sự "giám-hộ" của thần-học. Cũng như Averoes, ông không tin linh-hồn bất tử, không tin tự-do ý-chí, không tin việc Chúa quan-phòng và tạo dựng vũ-trụ.
Một người "tả" khác viết "Vũ-trụ và con người trên đó đã có từ bao giờ. Vũ-trụ cũng không bao giờ chấm dứt. Đức Ki-tô hoàn-thành phép lạ không phải bằng sức mạnh thần-thiêng, nhưng là nhờ nghệ-thuật ma-quái và bằng con đường tự-nhiên. Con người chết, linh-hồn cũng bị huỷ diệt."
DÒNG ĐA-MINH GỞI NGƯỜI GIỎI NHẤT
Để chận đứng "làn sóng tả" ở Paris, đặc-biệt để khoá miệng Siger, dòng Đa-minh gởi tới đại-học Paris người giỏi nhất của mình: Tô-ma nhà Aquino. Tô-ma sém bị trôi theo dòng nước, vì ông cũng muốn không những "phải tin" mà còn "có thể hiểu" nữa. Phe "đạo-đức" trong dòng qui-kết Tô-ma rối đạo, trong khi một số anh em khác lại cho ông dở-hơi vì không dám đi tới cùng. Dù tuổi cao, Albertus Magnus (Albertus đại-nhân) vì thế đã phải sang Paris để biện-hộ cho học-trò của mình là Tô-ma trước các chỉ-trích đó.
CON BÁ-TƯỚC THÀNH THẦY TU ĂN-XIN
Hình như Tô-ma nhà Aquino sinh cùng năm tử của Phan-sinh (1226). Phan-sinh trước đó chối-từ một đức tin "trên cơ-sở khoa-học" cho mình và cho dòng mình. Nhưng Giáo-hội đã tôn cả học-giả Tô-ma lẫn đệ-tử ăn-xin Phan-sinh lên bàn thánh như nhau, mà không gặp khó-khăn gì cả.
Views: 0