Uncategorized

Thư gửi giáo đoàn Roma 14

Thực ra, đối với thánh Phaolô sự công chính hóa trên đây đồng nghĩa với ơn tha tội. Chúa Giêsu đã chết cho ơn tha tội của tất cả mọi người, chứ không phải đã chết vì các tội lỗi.

 

 

NHỜ ĐỨC TIN TỔ PHỤ ABRAHAM ĐƯỢC THIÊN CHÚA CHO TRỞ THÀNH NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Thực ra, đối với thánh Phaolô sự công chính hóa trên đây đồng nghĩa với ơn tha tội. Chúa Giêsu đã chết cho ơn tha tội của tất cả mọi người, chứ không phải đã chết vì các tội lỗi.

 

 

NHỜ ĐỨC TIN TỔ PHỤ ABRAHAM ĐƯỢC THIÊN CHÚA CHO TRỞ THÀNH NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Trong chương 4 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô muốn chứng minh cho thấy nền thần học về sự công chính nhờ đức tin chứ không nhờ việc tuân giữ luật lệ, mà ngài rao giảng, không trái nghịch với các lý chứng của Kinh Thánh. Luận thuyết của thánh nhân tiếp nối Lời Chúa trong Kinh Thánh và tư tưởng thần học của lịch sử cứu độ. Điển hình là Abraham, tổ phụ của dân Do thái đã được Thiên Chúa coi là người công chính nhờ đức tin chứ không do việc tuân giữ luật lệ. Cũng chính vì thế tổ phụ Abraham được coi là cha của tất cả những kẻ có đức tin, Do thái cũng như ngoại giáo.

Chương 4 chia làm bốn phần. Phần nhất (cc. 1-8) nêu bật phản đề đức tin – việc làm, song song với hai thứ luận lý: luận lý của ơn thánh nhưng không và luận lý của món nợ phải trả. Phần hai (cc. 9-12) trình bầy sự công chính hóa xảy ra ngoài lãnh vực cắt bì. Phần ba (cc. 13-17a) đề cập tới lời hứa của Thiên Chúa đối với Abraham và dòng dõi ông. Phần bốn (cc. 17b-25) nói tới phẩm chất đức tin của tổ phụ Abraham. Có thể tóm tắt nội dung thần học của chương 4 trong mấy điểm sau đây. Thứ nhất, tổ phụ Abraham đã được ”nên công chính” nhờ đức tin và do ơn thánh nhưng không của Thiên Chúa, chứ không phải do công nghiệp có được qua việc tuân giữ luật lệ. Do đó, ông không có lý do gì để khoe khoang tự mãn trước mặt Thiên Chúa. Thứ hai, khi được Thiên Chúa kể là ”công chính” vì có đức tin, tổ phụ Abraham chưa cắt bì. Vì thế nên chức làm cha dân Do thái của tổ phụ không tùy thuộc dấu chỉ cắt bì trên thân xác, mà phát xuất từ đức tin. Thứ ba, là người đã lãnh nhận được lời Thiên Chúa hứa nhờ sự công chính của đức tin tổ phụ trở thành cha của tất cả những kẻ có đức tin, bất luận người đó là ai đi nữa. Và thứ bốn, gương mặt của tổ phụ Abraham tin tưởng nơi Thiên Chúa trong tình cảnh hoàn toàn tuyệt vọng, diễn tả trước thái độ của các kitô hữu tín thác nơi Thiên Chúa, ”Đấng đã cho Đức Giêsu Chúa chúng ta sống lại từ trong kẻ chết”. Qua các yếu tố trên đây thánh Phaolo cho thấy các lý chứng kinh thánh biện minh cho nền thần học của ngài: con người chỉ trở nên ”công chính” không phải nhờ các công việc của luật lệ và phép cắt bì, mà chỉ nhờ đức tin một cách hoàn toàn nhưng không. Và Thiên Chúa ban sự công chính đó cho tất cả mọi người không phân biệt cắt bì hay không cắt bì.

Thánh Phaolô mở đầu chương 4 với hai câu hỏi: ”Vậy phải nói sao về ông Abraham tổ phụ của chúng tôi? Ông đã được gì?”. Từ ”vậy” nối liền chương 4 với những gì nói trước đó, tức thần học về sự công chính nhờ đức tin. Nội dung câu hỏi thứ nhất là: Vậy phải nói gì về sự phù hợp của nền thần học này đối với lời Chúa trong Kinh Thánh Cựu Ước? Vì người Do thái coi đó là một mâu thuẫn không thể sửa chữa được, chống lại sự kiện Abraham con người gương mẫu được thừa nhận là tổ phụ của những người được cắt bì. Câu hỏi thứ hai là: ”Tổ phụ Abraham đã tìm thấy gì?” Chắc chắn ở đây thánh Phaolô nghĩ tới lời tổ phụ Abraham hỏi Thiên Chúa: ”Lậy Chúa, nếu con đã tìm thấy ơn nghĩa trước mặt Chúa….”. Điều tổ phụ tìm thấy là ơn nghĩa nhưng không Thiên Chúa ban, chứ không phải là công nghiệp riêng và sự tưởng thưởng như giáo lý của Do thái giáo dậy. ”Katà khárin” chứ không phải ”kata ôphéilêma”. ”Nếu Abraham đã được coi là công chính nhờ các công việc làm, thì tổ phụ đã có cớ để khoe khoang”. Câu thứ nhất trình bầy lập trường cổ điển của của Do thái giáo rabbi thời thánh Phaolô. Câu thứ hai rút tỉa ra cái luận lý của nó. Nhưng thánh Phaolô khẳng định ngay là không thể nói tới thái độ tự mãn của tổ phụ Abraham trước mặt Thiên Chúa. Bằng chứng là sách Sáng thế chương 15,6 ghi nhận: ”Abraham tin vào Thiên Chúa và vì sự kiện đó ông được kể như là ”công chính”. Văn bản này là một suy tư của soạn giả thuộc trường phái Êlôhít liên quan tới thái độ của tổ phụ Abraham đối với lời Thiên Chúa hứa cho ông có dòng dõi đông như sao trên trời (St 15,5). Tổ phụ đã tin vào lời Thiên Chúa và lượng định đức tin của mình như là một thực tại trong tương quan với chính mình. Thật ra thánh Phaolô nhắc lại sự kiện này để chứng minh cho thấy tính cách nhưng không của ơn công chính Thiên Chúa ban cho kẻ có đức tin. Lòng tin đích thực là việc từ bỏ tin cậy vào các công việc làm đạo đức của mình, để hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa và sáng kiến cứu độ của Ngài. Trái lại, ở đâu tiêu chuẩn công việc làm thắng thế, ở đó người ta theo cái luận lý của sự thưởng công (misthós). Khi đó sự công chính sẽ là một món nợ mà Thiên Chúa phải trả sòng phẳng cho tín hữu, và người được công chính hóa có quyền khoe khoang thái độ tự mãn tôn giáo của mình. Một bên là đức tin, ơn thánh và thái độ tuyệt đối không hãnh diện, bên kia là các công việc của luật lệ, công đức và thái độ hãnh diện trước mặt Thiên Chúa.

Khẳng định ”được kể là người công chính” ám chỉ ơn nhưng nhưng không Thiên Chúa ban cũng được thánh Phaolô minh chứng bằng cách phối hợp hai văn bản kinh thánh Sáng Thế 15,6 với Thánh Vịnh 31,1-2. ”Đó là điều vua Đavít nói đến khi ca tụng hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm. Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!”. Cả hai điều hạnh phúc đều phát xuất từ ơn được tha thứ tội lỗi. Cả hai câu đều dùng động từ ”logízesthai” của văn bản sách Sáng Thế. Như vậy đối với thánh Phaolô ”được kể là công chính” và ”không kể là có tội” đồng nghĩa với nhau. Nói một cách vắn tắt, hai văn bản để sát nhau trên đây khẳng định rằng sự công chính hóa là nơi ơn được tha thứ tội lỗi, và đồng nghĩa với việc hòa giải người có tội với Thiên Chúa như kết qủa của một động tác trao ban ơn thánh nhưng không.

Tuy nhiên, người Do thái có thể nói rằng lời chúc lành trên đây của soạn gỉa thánh vịnh chỉ liên quan tới người Do thái thôi, nghĩa là những người được cắt bì thuộc dân riêng của Chúa. Đây lại là một vấn đề khác nữa mà thánh Phaolô phải tìm ra các lý chứng giải quyết. Câu hỏi đươc nêu lên là phép cắt bì có phải là điều kiện không thể thiếu để được ơn công chính hay không. Thực ra vấn đề thảo luận trong các câu từ 9 tới 12 chương 4 thư gửi giáo đoàn Roma loại bỏ ”dấu chỉ của sự cắt bì” khỏi tiến trình công chính hóa, và khẳng định tính chất đại đồng của ơn cứu độ. Thánh Phaolô giải quyết vấn nạn bằng cách trích văn bản sách Sáng thế 15,6 và đưa ra câu hỏi tổ phụ Abraham đã được công chính hóa khi nào: trước hay là sau khi được cắt bì? Câu trả lời qúa dễ: ”Không phải sau, mà là trước khi ông được cắt bì” Thật thế chương 17,24 sách Sáng Thế ghi rằng: ”Abraham được 99 tuổi, khi ông cắt bì”. Nhưng trước đó lâu ”Thiên Chúa đã kể đức tin của ông là công chính”, như viết trong chương 15,6. Việc cắt bì được thêm vào sau đó như dấu chỉ sự công chính mà ông đã có nhờ đức tin khi chưa cắt bì. Thánh Phaolô không phủ nhận gía trị của sự cắt bì, nhưng chỉ khước từ nó như là nguồn mạch của sự công chính hóa, tức ơn cứu độ, bởi vì ơn cứu độ chỉ tùy thuộc đức tin mà thôi.

Ở đây cần ghi nhận rằng lý chứng do thánh Phaolô đưa ra không chỉ có giá trị thuần túy lịch sử mà thôi. Nếu thánh nhân nhìn về gương mặt của tổ phụ Abraham chính bởi vì giữa qúa khứ và hiện tại có sự tiếp nối. Nói một cách chính xác hơn, tính cách tiếp nối trong lịch sử cứu độ đặt nền trên chương trình cứu độ mà Thiên Chúa cho hiện rõ trong lịch sử cuộc đời tổ phụ Abraham, là người được chọn để trở thành ”cha của mọi kẻ tin mà không được cắt bì, và vì tin nên được kể là công chính. Ông cũng là cha của những người được cắt bì, nhưng không phải chỉ được cắt bì, mà còn dõi bước tổ phụ chúng ta là ông Abraham, trên đường đức tin, đức tin ông đã có trước khi được cắt bì”. Qua đó thánh Phaolô tái khẳng định rằng chức làm cha của tổ phụ Abraham không phát xuất từ phép cắt bì, nhưng từ đức tin. Do đó, có cắt tbì hay không cắt bì không phải là điều định đoạt trong chức làm con tổ phụ Abraham. Cũng vì vậy nên người ngoại giáo không phải vì không cắt bì mà bị loại trừ khỏi chức làm con, và người gốc Do thái không phải vì cắt bì mà được nhận là con tổ phụ. Thật ra thánh Phaolô phân biệt hai loại con cái thiêng liêng của tổ phụ Abraham trong cộng đoàn kitô: các kitô hữu gốc ngoại giáo, và các kitô hữu gốc Do thái. Các kitô hữu gốc ngoại giáo lập lại trường hợp của chính tổ phụ Abraham là người ngoại giáo được công chính hóa. Loại thứ hai, trái lại, đã được trở nên ”công chính” bởi vì họ hài lòng tự coi mình thuộc thế giới những người được cắt bì, nhưng cũng bước đi trên con đường đức tin của tổ phụ Abraham. Tóm lại, thánh Phaolô không giảm thiểu hay hủy bỏ phép cắt bì, nhưng lượng định trở lại giá trị đích thực của nó. Phép cắt bì không phải là nguồn gốc của sự công chính, mà chỉ là dấu chứng của nó. Do đó chính đức tin trao ban ơn cứu độ cho con người chứ không phải phép cắt bì.

 

ĐỨC TIN NHƯ PHƯƠNG THẾ DUY NHẤT TRAO BAN ƠN CỨU ĐỘ

Trong hai phần đầu chương 4 thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô đã trưng dẫn các lý chứng Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy tổ phụ Abraham đã được Thiên Chúa coi là công chính vì đức tin chứ không phải vì tuân giữ luật lệ, và ông được coi là công chính trước khi cắt bì. Trong phần thứ ba tức các câu 13-17a, thánh nhân đưa ra lý chứng kinh thánh thứ ba liên quan tới lời Thiên Chúa hứa với tổ phu Abraham và dòng dõi ông. Cũng như đã làm trong chương 3 thư gửi giáo đoàn Galát, ở đây thánh nhân không chú ý tới nội dung của lời hứa, mà chỉ theo truyền thống Do thái nêu bật sự thừa tự của thế giới. Ngài đặc biệt nhấn mạnh trên năng động nội tại trong sự dấn thân một chiều, vô điều kiện, và hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa để chứng minh cho thấy ơn cứu độ không tùy thuộc việc tuân giữ lề luật, mà tùy thuộc đức tin. Ở đâu có luận lý của sự cậy dựa nơi các công đức tôn giáo luân lý, ở đó đức tin mất đi nhiệm vụ công chính hóa. Chỉ có người tin tưởng nơi lời Thiên Chúa hứa mới khiến cho lời hứa duy trì được tính chất vô điều kiện của nó. Nói cách khác đề tài sự công chính hóa và đức tin, khai triển trong các câu 1-8 được tiếp nối ở đây bằng đề tài lời hứa và đức tin.

Lý cớ có sức mạnh thuyết phục hùng hồn nhất cho thấy ơn cứu độ loại trừ lề luật, đó là chính lề luật chống lại ơn cứu độ. Bởi vì lề luật đại diện cho một cơ cấu máy móc dẫn đưa người tín thác nơi các công việc của lề luật tới cơn thịnh nộ và án phạt của Thiên Chúa. Thật vậy, vì con người bị Tội Lỗi thống trị nên lề luật là cớ cho con người sa phạm. Con người bị lề luật khiêu khích nên nổi loạn chống lại các giới răn xem ra nhàm chán và không thể chịu đựng nổi đối với cái tôi kiêu căng và ích kỷ. Để có thể hiểu được kiểu lý luận trên đây của thánh Phaolô, phải biết nội dung các lời trích từ các thư gửi giáo đoàn Galát, Roma và Côrintô. Trong chương 3,19 thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô viết: ”Vậy Lề Luật làm gì? Chính là để gây ra các vi phạm mà Lề Luật đã được đặt thêm, cho tới khi Đấng là dòng dõi Abraham đến, Đấng được hưởng lời hứa”. Ngoài ra trong chương 3,20 thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô cũng đã viết: ”Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức về tội”. Và thánh nhân còn thêm trong chương 5,20: ”Lề Luật đã xen vào để cho sự sa ngã lan tràn”. Xa hơn trong chương 7,7-13 thánh nhân thảo luận về vai trò của lề luật và khẳng định rằng lề luật tốt, nhưng tội lỗi đã thừa cơ, dùng điều răn để quyến rũ con người và dùng điều răn để giết chết con người. Trong chương 15,56 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô cũng trình bầy cùng một lập trường khi viết: ”Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật”. Như vậy không những Lề Luật không phải là suối nguồn trao ban ơn cứu độ, mà thật ra còn cho thấy nó là cớ gây ra sự hư mất đời đời nữa. Chẳng những không góp phần vào việc tha tội và làm cho con người trở nên công chính, lề luật lại còn giúp Tội Lỗi hiện thực qua các cử chỉ tội lỗi cụ thể. Học thuyết trên đây của thánh Phaolô qủa là tồi bại và gây vấp phạm đối với Do thái giáo vẫn coi lề luật là chất kháng tố Thiên Chúa ban cho để chế ngự bản năng sự dữ hiện diện và hoạt động trong con người. Dẫu thế nào đi nữa, ở đây cần ghi nhận rằng thánh Phaolô không có ý đả phá Lề Luật như là thực tại khách quan, bởi vì trong chương 3,31 thánh nhân khẳng định rằng ngài không dựa vào đức tin để hủy bỏ lề luật, nhưng để củng cố lề luật. Điều thánh nhân đả phá ở đây là nhiệm vụ mà lề luật có trong lịch sử loài người nô lệ các giấc mộng bá quyền của mình.

Từ đó kết luận qúa rõ ràng: các người thừa tự lời hứa của Thiên Chúa chỉ có thể là các tín hữu, tức các người có đức tin. Thật thế, đức tin giúp duy trì tính chất nhưng không và đại đồng của ơn cứu độ. Nếu nó gắn liền với lề luật thì chỉ có người Do thái mới được hưởng còn dân ngoại bị loại bỏ ra ngoài. Nhưng không phải như thế, bởi trong chương 17,5 sách Sáng thế Thiên Chúa nói với tổ phụ Abraham rằng: ”Ta sẽ đặt con làm cha của mọi dân tộc”. Dòng dõi lịch sử khiến cho người Do thái có thể khoe khoang Abraham là ”tổ phụ của họ theo xác thịt”, không khiến cho họ tự động được ơn cứu độ. Vì thật ra, tổ phu Abraham là cha của những kẻ có đức tin. Ở đây thánh Phaolô phân biệt giữa chức làm cha tổ quốc và chức làm cha tinh thần, cũng như giữa chức làm con theo dòng dõi lịch sử và chức làm con theo dòng dõi tinh thần. Thánh nhân kết thúc bằng cách đối chọi hai thực thể: một đàng là lề luật và phép cắt bì đàng khác là đức tin. Phân tích cho cùng, giữa thánh nhân và Do thái giáo sự khác biệt liên quan tới việc giải thích gương mặt mẫu mực của tổ phụ Abraham. Đối với thánh Phaolô tổ phụ là người có đức tin, trong khi đối với Do thái giáo tổ phụ là người tuân giữ lề luật.

Phần cuối cùng chương 4 thư gửi giáo đoàn Roma, tức các câu 17b-25, đề cập tới gương mặt của tổ phụ Abraham. Tổ phụ vừa là cha của những người được công chính hóa và thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa, vừa là cha của những kẻ có lòng tin. Thái độ tin của tổ phụ cho thấy bản chất sâu đậm của thái độ mà con người cần có để được ơn cứu rỗi. Từ đức tin của tổ phụ Abraham như là sự kiện, thánh Phaolô bước sang việc thảo luận về phẩm chất thần học và tính cách cá biệt của đức tin đó. Tắt một lời, ai có đức tin như đức tin lớn lao của tổ phụ, đều được công chính hóa. Dĩ nhiên không thiếu các khác biệt. Tổ phụ Abraham đã tin vào lời Thiên Chúa hứa sẽ can thiệp vào lịch sử, trong khi các kitô hữu tin vào một biến cố qúa khứ là sự sống lại của Chúa Giêsu. Trong nội dung không thể nói đức tin của tổ phụ Abraham là đức tin kitô, nhưng có thể coi nó có tính chất kitô trong năng động nội tại của thái độ tín thác vô biên của tổ phụ: không còn hy vọng gì trên bình diện nhân loại, nhưng vẫn hy vọng nơi Đấng đã khiến cho sự sống nảy sinh từ cõi chết.

Ở đây thánh Phaolô đặc biệt trả lời hai vấn nạn. Thứ nhất, tổ phụ Abraham tin vào ai? (17b) và thứ hai, người đã sống đức tin đó trong các hoàn cảnh ra sao? (cc.18-21). Abraham tin vào ”Thiên Chúa là Đấng trao ban sự sống cho những người đã chết và gọi những gì không có vào trong sự hiện hữu”. Đây là các kiểu diễn tả truyền thống quen thuộc trong lãnh vực kinh thánh. Nhưng thánh Phaolô không chỉ lập lại những kiểu nói quy ước. Trước hết thánh nhân cho thấy đức tin của tổ phụ rộng mở cho kỳ công của Thiên Chúa, khiến cho sự sống chiến thắng cái chết và làm cho sự tạo dựng thắng vượt cái hư không. Đàng khác ít nhất là gián tiếp một cách dấu ẩn thánh nhân cũng ám chỉ sự sống lại của Chúa Kitô (x. c.24). Khung cảnh của lòng tin là tình trạng tuyệt vọng mà tổ phụ và vợ phải sống: đợi chờ đã mòn mỏi, tuổi đời qúa gìa rồi mà không có con. Trên bình diện tự nhiên, theo các luật lệ tâm sinh vật lý và nhân loại thì không còn hy vọng gì nữa. Tuy nhiên tổ phụ vẫn tin vào tương lai và vẫn có thái độ rộng mở cho các khả thể cuối cùng vượt quá biên giới của lề luật tự nhiên. Nghĩa là tổ phụ tin rằng Thiên Chúa có thể mở cửa các huyệt mộ và cho các xác chết hồi sinh, như ngôn sứ Edekiel đã diễn tả trong chương 37. Lòng tin của tổ phụ nảy sinh từ mặt đất hư vô nơi các sức lực của tổ phụ đã tiêu tán hết. Bởi vì tổ phụ đã qúa già nua và cung lòng của vợ là bà Sarah cũng không còn sinh lực nữa. Trong ánh mắt của tổ phụ và chung quanh lều nơi hai ông bà già sinh sống, chỉ hiển hiện sa mạc khô cằn, không sự sống. Nhưng tổ phụ vẫn tin, mà không cho mình là đang ảo tưởng. Abraham đẩy lui cái bất lực nhân loại của mình và tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ông một con trai. Chẳng những đã không chán nản ngã lòng thất vọng, Abraham lại còn tin vững mạnh hơn nữa và lòng tín thác của ông tôn vinh Chúa. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng này, lòng tin của tổ phu là thứ đức tin vô bờ và vô điều kiện. Ông tín thác nơi lời Thiên Chúa đã hứa, nghĩa là ông tín thác nơi quyền năng tạo dựng và phục sinh của Thiên Chúa. Như thế tổ phụ Abraham tôn vinh Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cho người chết sống lại.

Như vậy đức tin của tổ phụ Abraham chiến thắng các sức mạnh tàn phá nảy sinh từ ý thức bất lực sáng suốt hợp lý của mình, bởi vì nó là thứ đức tin vô điều kiện và không biên giới. Chính vì thế nên tổ phụ được coi như là cha của các dân tộc, và được Thiên Chúa kể là công chính. Quay về hiện tại thánh Phaolô khẳng định đức tin công chính hóa của các kitô hữu cũng giống như thế. Thánh nhân viết trong hai câu 23-24: ”Nhưng khi viết ông được kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông, mà còn nói về cả chúng ta nữa”. Bởi các kitô hữu ”tin vào Đấng đã cho Đức Giêsu Chúa chúng ta sống lại từ cõi chết”. Rồi thánh Phaolô kết luận: ”Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính”. Tương xứng giữa sự hòa giải hữu hiệu trong cái chết của Chúa Giêsu và tầm mức của sự công chính hóa là biến cố duy nhất trong lịch sử cứu độ nhân loại. Thực ra, đối với thánh Phaolô sự công chính hóa trên đây đồng nghĩa với ơn tha tội. Chúa Giêsu đã chết cho ơn tha tội của tất cả mọi người, chứ không phải đã chết vì các tội lỗi.

Linh-Tiến-Khải
 

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.