Nhiều người bước vào đời sống hôn nhân với hy vọng tìm kiếm niềm hạnh phúc của đời mình. Tuy nhiên, sự khác nhau trong tính cách, nền tảng văn hoá của hai người, cùng với những tác động của môi trường bên ngoài đã tiềm ẩn những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng.
Tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Saigon chiều ngày 09/10/2010, Chương Trình Chuyên Đề đã tổ chức buổi nói chuyện với đề tài: “Xung khắc trong quan hệ vợ chồng – Nguyên nhân & giải pháp” do Ths xã hội học Phạm Thị Thuý đảm trách, trước cử toạ khoảng 100 tham dự viên.
Nội dung đề tài phong phú, thực tế và thuyết phục. Dù là người không cùng tôn giáo, nhưng diễn giả đã tìm hiểu và trích dẫn những câu Lời Chúa về vấn đề tha thứ, trong bài nói chuyện của mình. Chị Phạm Thị Thuý là một người bạn và là một diễn giả giỏi, nhiệt tình, đã từng đến với CTCD qua đề tài “Thai Giáo”. Bằng giọng nói ngọt ngào và phương pháp sư phạm lôi cuốn, diễn giả đã mời khán giả nhập cuộc trong việc đi tìm những nguyên nhân dẫn đến xung khắc trong đời sống vợ chồng, và kiếm tìm các biện pháp khắc phục mâu thuẫn. Khán giả đáp lại bằng sự nhiệt tình chia sẻ suy nghĩ và những trải nghiệm của mình. Sự tương tác qua lại đã diễn ra trong bầu không khí tươi vui, thoải mái và thân thiện. Trong số khán giả có một đôi vợ chồng độ tuổi 40, có những mâu thuẫn xuất phát từ sự dị biệt tôn giáo, đã cùng nhau đến tham dự lớp Kỹ Năng Sống giành cho người lớn và CTCD, như một nơi để học hỏi nhằm thăng tiến đời sống hôn nhân của mình. Những sự hiện diện đồng vợ đồng chồng như thế thật quý giá, và cho thấy thiện chí của đôi bên trong việc tôn trọng, duy trì và dưỡng nuôi hạnh phúc gia đình. Cuối buổi thuyết trình, diễn giả thân ái tặng quà cho một khán giả đã trả lời đúng câu hỏi: “Điều quan trọng nhất để giải quyết xung khắc là gì?”
********
Xu hướng mang tính bản năng: đổ lỗi và công kích người khác là một trong những rào cản thường thấy trong giao tiếp giữa vợ và chồng. Việc truyền thông không hiệu quả dẫn đến hiểu lầm và rạn nứt tương quan đôi bên. Tuy nhiên, đa số các cặp vợ chồng không nói thẳng những suy nghĩ và cảm giác của mình, mà từ trong vô thức họ gửi cho nhau những “thông điệp mật mã” với hy vọng chúng sẽ được người bạn đời giải mã và có hành động nhằm đáp ứng những nhu cầu ẩn chứa trong các thông điệp. Điều đáng tiếc là không phải ai cũng có thể giãi mã được, và vì thế không tránh khỏi cảm giác bị tổn thương và thất vọng.
Theo một khía cạnh nào đó, người ta không thể nào hiểu một người trừ khi biết được họ nghĩ gì, muốn gì. Bước đầu tiên để có thể tránh khỏi tình trạng tan vỡ của các cuộc hôn nhân là cả vợ và chồng phải có đủ bình tĩnh để ngồi lại và đối thoại thẳng thắn với nhau, dựa trên điều quan trọng nhất là lòng tôn trọng và thiện chí xây dựng.
Người ta phải học cách chấp nhận và sống với những khác biệt của người bạn đời. Càng tìm cách sửa đổi người khác để mình cảm thấy dễ chịu hơn, thì sớm hay muộn họ cũng phải thất vọng. Sẽ không có một giải pháp đơn giản nào cho một người luôn muốn người phối ngẫu phải chiều theo ý mình.
Có một điều chưa được khám phá đầy đủ và áp dụng tích cực trong quan hệ hôn nhân là sức mạnh của lời khen ngợi. Chân thành ngợi khen người bạn đời cũng là một hình thức công nhận giá trị, thể hiện lòng biết ơn và khuyến khích họ duy trì cũng như nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Tha thứ là chiếc chìa khoá để giải quyết các xung đột. Nó không có nghĩa là chối bỏ, giảm thiểu hay biện minh cho những gì người khác đã làm tổn thương mình. Nó là một dấu hiệu tích cực và là một tiến trình nội tâm, không thể bị thúc ép hay có được một cách dễ dàng. Tha thứ sẽ giúp cứu vãng sự đổ vỡ của mối tương quan và đem lại sự bình an trong tâm hồn. Đồng thời nó cũng cho phép người ta đóng lại trang sách của ngày hôm qua và bắt đầu lại mối tương giao, trong sự tôn trọng và yêu thương nhau. Trong đời sống gia đình, tha thứ là điều cần thiết mà mỗi bên phải tập để luôn làm mới lại mối tương quan của mình. Điều kiện để được thứ tha là phải thành thật nhận lỗi và có khả năng sửa đổi.
Trong đời sống hôn nhân, luôn tồn tại vô số những nguyên nhân gây xung khắc. Để giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn này, cả vợ và chồng cần thiết phải hướng đến sự chín chắn, trưởng thành về tinh thần và tình cảm. Sự trưởng thành này giúp người ta hiểu giới hạn của cá nhân và ít đòi hỏi người khác phải thỏa mãn những nhu cầu của mình; đồng thời biết mở lòng để quan tâm đến người khác cũng như nhu cầu của họ. Với niềm tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng không một gia đình nào có thể có hạnh phúc nếu họ không mời Thiên Chúa hiện diện trong tình yêu và trong chính ngôi nhà của mình!
Views: 0