Không dính dáng gì món “bún mọc”, – vốn phải gọi đúng tên là “bún mộc”, – một món ăn có nguồn gốc Bắc Việt Nam, “đá mọc” là một cách luyện tâm thiền của người Nhật, được mô tả tỉ mỉ nhiều lần trong bộ tiểu thuyết sử thi hai tập ”Shogun -Tướng Quân”.
“Đá mọc” nói lên sự kiên trì,trầm tĩnh,nhân cách và địa vị của những tướng quân, những nhà qúy tộc người Nhật thời trước. Ở một khía cạnh nào đó, nó giống như Yoga, nghĩa là dùng ý chí của mình để điều khiển giác quan và thân thể mình, để đạt được những kết quả phi thường, gần như trong ảo thuật. Cầu nguyện – mà bài Tin Mừng hôm nay muốn chỉ cho chúng ta – cũng đòi hỏi sự kiên trì đến lì lợm, dù kết quả không phải do ý chí chủ quan của người cầu nguyện.
Người ta vẫn hay thuật lại câu chuyện một người giữ một con chim nhỏ trong lòng hai bàn tay và hỏi người kia: con chim nầy còn sống hay đã chết? Nếu người kia trả lời “còn sống”, thì chỉ cần một động tác nhỏ thu hẹp lòng hai bàn tay,con chim sẽ chết; nhưng nếu người kia trả lời là “đã chết”, thì chỉ cần mở bàn tay ra,con chim sẽ cất cánh bay. Chuyện “nói xuôi cũng được,nói ngược cũng xong” lại là chiến thuật Satan đã và đang sử dụng đối với các Kitô hữu về việc cầu nguyện : “đừng cầu nguyện nữa”, là những gì trước kia ma qủy vẫn xúi giục con người; “hãy cầu nguyện nhiều vào,nhiều nữa”, lại cũng là ma qủy nói với chúng ta. “Đừng cầu nguyện” nữa, vì cầu xin liên lĩ cũng có được gì đâu. “Hãy cầu nguyện nhiều vào,nhiều nữa”, rồi tha hồ mà thất vọng.Trèo cao thì té nặng,hy vọng càng lớn,thì thất vọng càng ê chề: Chúa chẳng nhận lời như Người đã hứa. Hay là không có Chúa? Có thể nói không sợ sai lầm, rằng : có bao nhiêu người được củng cố đức tin nhờ cầu nguyện, thì cũng có bấy nhiêu người ngã lòng và thậm chí mất đức tin vì cầu nguyện! Nghịch lý nầy không hiếm khi xảy ra,khi người ta từ thất vọng,chán nãn và hồ nghi. Chẳng phải Chúa Giêsu đã đoan chắc như đinh đóng cột :”anh em cứ xin,thì sẽ được;cứ tìm,thì sẽ thấy;cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9) hay sao? Vì thế, nếu không phải Chúa không phỉnh gạt chúng ta, thì phải xem lại lời cầu nguyện của chúng ta trục trặc ở chỗ nào : khi xin,chúng ta xin gì và xin ai? Chúng ta tìm gì và tìm ở đâu? Chúng ta gõ cửa lúc nào và muốn gặp ai?
Quả thật, động cơ (nguyên nhân) của cầu nguyện luôn phát xuất từ nhu cầu và mục đích (cứu cánh) của cầu nguyện là muốn thoả mãn, muốn được đáp lại nhu cầu ấy. Nhu cầu đó có thể rất thiêng liêng, vô tư,như là lời giải bày tâm sự giữa tạo vật và Đấng Tạo Hoá,giữa tội nhân được yêu thương tha thứ và Đấng ban ơn Cứu Độ,giữa con cái và Cha mình. Đó có thể là lời cầu xin “cho nước cha trị đến”, cho “ý Cha được thực thi dưới đất không khác gì trên trời, nơi ý Cha luôn được thi hành trọn vẹn,tuyệt đối”. Lời cầu nguyện có thể là lời xin ơn tha thứ và bảo đảm sự bao dung tha thứ của bản thân đối với tha nhân,hoặc còn là lời cầu xin cho người khác, cho sự bình an, cho đời sống đạo của họ, cho sự cứu rỗi của họ,hoàn toàn vô vụ lợi. Những lời cầu nguyện như thế , với tất cả chân tình, vì lòng yêu mến Chúa và anh em, không khi nào không được nhận lời. Và nếu đi xa hơn chút nữa, người ta chỉ xin được khấng ban ”lương thực hằng ngày” , – chỉ xin dùng đủ “cả về tinh thần, thiêng liêng, lẫn vật chất” -, điều mà cha ông thường nói : ăn để sống,không phải sống để ăn, mà lòng không dậy lên ham muốn ích kỷ và lạm dụng, thì không khi nào không được nhận lời.
Nhưng,người ta lại thường cầu nguyện một cách hú hoạ, theo kiểu “có thờ có thiêng”,chẳng khác gì mua vé số hoặc ghi số đề: được thì nhờ,không được cũng chẳng mất mát gì hoặc chẳng mất gì nhiều. Dần dà, cầu nguyện bị hiểu sai lệch như một trò chơi may rủi, ‘trời cho ai, kẻ ấy nhờ;trời gọi ai,người ấy chịu”. Cầu nguyện với họ đồng nghĩa với cầu xin. Và khi xin mãi, mà không được thoả mãn, thì niềm tin cũng nhạt mờ và tan biến.
Nhiều khi cầu nguyện lại biến thành trò đánh đố, như một thứ trao đổi,như trong các cuộc thương lượng giữa những đối tác làm ăn. Khác xa về nội dung và ý hướng cuộc “mặc cả” của Abraham với Chúa, lời cầu nguyện – cầu xin “ú đi dì lại” nầy hạ thấp Chúa và biến tâm hồn con người,” Đền Thờ Chúa Thánh Thần”, “nhà Ta cầu nguyện”, thành ‘hang trộm cướp” (Lc 19,46; x. Is 56,7; Ga 2,16; Gr 7, 9 -11). Vì thế, trước khi cầu nguyện, con người phải thanh tẩy tâm hồn mình, tư tưởng và ý hướng của mình, để không còn là “sào huyệt” tích chứa những thứ cưỡng đoạt được một cách bất công và không dùng cầu nguyện để “đàm phán” với Chúa, vì lợi ích và dục vọng riêng mình. Chúng ta có thể soi cách thức cầu nguyện của đa số Kitô hữu trong đó. Có thể nói cái khác biệt giữa Đạo Công Giáo và các tôn giáo khác,là cách thức và nội dung của cầu nguyện. Nếu những thứ nầy chẳng khác và chẳng hơn người ngoại đạo, thì vô tình chúng ta coi Chúa chẳng khác nào bụt thần. Xét về hình thức, rõ ràng phần lớn Kitô hữu khó lòng so sánh được với tín đồ đạo Hồi. Không kể việc phấn đấu đi hành hương La Mecque ít nhất một lần trong đời,hằng năm trọn một tháng ăn chay (Ramadan), thì việc mỗi ngày năm lần qùy mọp cầu nguyện của họ, đã khiến các Kitô hữu phải suy nghĩ!
Nhưng điều mà Chúa Giêsu lo lắng,”liệu [khi Con Người đến] còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?’, mới đáng sợ. Đây không phải là một dự cảm nơi Chúa Giêsu,mà chỉ muốn đánh thức những người có trách nhiệm giáo dục đức tin : Giáo Hội,các phẩm trật Hội Thánh, gia đình. Lòng tin giống như một bếp lò: cháy rực và giữ được nóng rực hay không,là do sự chăm sóc, không ngừng tiếp thêm than củi, là lời cầu nguyện,là gương sống chứng nhân cho Chúa Kitô và Tin Mừng. Bao lâu Kitô hữu còn thấy việc tiếp thêm nhiên liệu cho “bếp lò” đức tin,là công việc,là trách nhiệm của người khác, của hàng Giáo phẩm và giáo sĩ, thì bấy lâu người ta đang làm tắt lò lửa đức tin của chính mình, và làm cho bếp lửa đức tin nơi đồng đạo,người lân cận,người thân,con cháu chúng ta nguội lạnh. Cầu nguyện vì vậy còn có thể ví được với luyện võ công, để có khả năng bảo vệ bản thân và bảo vệ,giúp đỡ người khác. Bỏ tập luyện, cơ thể sẽ suy yếu, và cám dỗ sẽ ập đến, vô phương chống đỡ. Lòng tin sẽ cùn lụt và dù Chúa muốn đổ ơn xuống, vực ta dậy,củng cố tâm hồn ta, “liệu Chúa còn thấy” chúng ta trong tư thề sẵn sàng đón nhận ơn Người – lòng tin – nữa chăng?
Cuộc chiến giữa Satan và Giáo Hội – với mỗi Kitô hữu – suy cho cùng, chính là cuộc chiến “cầu nguyện”. Satan muốn làm tắt bếp lửa được Chúa Thánh Linh đổ xuống và thắp cháy cho Giáo Hội ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,3) nên suy yếu và dần dà tắt ngấm,nguội lạnh, để đẩy con người vào hoả hào muôn kiếp,nơi y bị luật phạt muôn đời. Cầu nguyện không ngừng, để giữ cho bếp lửa đức tin luôn cháy rực, không còn là một yêu cầu,một nhu cầu chủ quan,mà là một mệnh lệnh,một điều kiện sống còn của Giáo Hội,của mỗi Kitô hữu.
ĐƯỜNG TÌNH CHÚA DẪN CON ĐI 71
HÃY HÁT LỜI TÌNH YÊU – THÁNH VỊNH 71:
TẤT CẢ MỌI QUỐC GIA SẼ ĐƯỢC CHÚC PHÚC TRONG NGƯỜI
Đây là thánh vịnh lễ Hiển Linh, thánh vịnh của việc Vua chúng ta hiển thị trong hân hoan và vinh quang.Những nét của lời cầu nguyện tiên tri nầy thích ứng tuyệt vời với việc Vua An Bình ngự đến, Đấng mang Tin Vui cho người nghèo khó (x. Lc 4,19). Người mang đến hạnh phúc và sự công chính chung nhau. Lời cầu nguyện gọi Vua Đấng Messia, Vua công lý và hoà bình, Vua những kẻ khiêm nhường. Từ vĩnh cửu, đây Đức Vua ngự đến. Người đến theo cách thức của Đức Chúa,như Lời Thiên Chúa trong Isaia 55,10. Người đến vừa kín đáo vừa đem đến ơn lành. Không một phần nào của thế giới,không một sinh linh nào,thù nghịch hay không, thoát khỏi sự thống trị của Người.Người không phân biệt giữa lớn và bé. Nhưng những người nhà của Người – tức là những người bé mọn cho tới đó không có tự vệ – là những người đầu tiên được hưởng vương quyền của Người . Người để tâm tới số phận của họ.Họ sẽ tôn vinh và phụng sự Người.Một bài thơ đẹp biết bao của Giáo Hội dâng lên Thủ Lãnh và Vua của mình!
Views: 0