Cuộc sống của một đời người luôn phải đối diện nhiều lựa chọn. Có những lựa chọn dẫn ta đến niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Có những lựa chọn đẩy ta rơi xuống vực thẳm hố sâu của cuộc đời. Chính vì thế mỗi khi phải đứng trước một lựa chọn; ai trong chúng ta lại không khỏi băn khoăn và trăn trở…
…………….
Ba năm rao giảng Tin Mừng – Đức Giêsu cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp băn khoăn và trăn trở như được nêu ở trên. Đã có rất nhiều người; ngưỡng mộ trước những lời giảng dạy và kinh ngạc về những phép lạ Đức Giêsu đã làm; họ “xin đi theo Ngài”.
Thế nhưng, sự lựa chọn của họ luôn bị cản trở bởi nhiều băn khoăn và trăn trở rất đời thường. Khi thì từ phía gia đình. Như trường hợp một người lựa chọn đi theo Đức Giêsu nhưng lại băn khoăn về việc làm sao “chôn cất cha tôi” (Lc 9,60). Khi thì sợ phải từ bỏ tiền bạc của cải. Đó là trường hợp người thanh niên có nhiều của cải. Anh ta dù rất “muốn nên hoàn thiện” nhưng lại ngần ngại trước lời đề nghị của Đức Giêsu rằng : “Hãy bán đi tài sản của anh và đem cho người nghèo… Rồi hãy đến theo Ta” (Mt 19, 21-22).
Với các môn đệ; Đức Giêsu cũng đã “biết điều các ông tự hỏi trong lòng” về những băn khoăn và trăn trở khi đã lựa chọn đi theo Ngài. Khi thì các ông đã băn khoăn về ngôi thứ “Ai sẽ là người lớn nhất”. Khi thì các ông trăn trở về vị trí “được ngồi bên tả, bên hữu Thầy”.
Có vẻ như các ông đã quên những lời dạy dỗ của Đức Giêsu : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình” (Lc 9,23). Và rằng : “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).
Để cho các ông biết rõ người môn đệ khi đã lựa chọn đi theo Ngài thì phải làm gì ? Đức Giêsu tuyên bố : “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết… (rằng) Anh Em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền bạc được” (Lc 16,…13).
Phải lựa chọn ! Vâng, phải-lựa-chọn… “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia” (Lc 16,13).
Một chút tâm tình…
Đưa ra lời dạy dỗ trên; Đức Giêsu đồng thời đã dùng dụ ngôn “người quản gia bất chính” như để làm sáng tỏ cho những điều Ngài dạy dỗ.
Thật vậy, một người đã “làm tôi hai chủ” làm sao họ có thể “trung tín” trong công việc chủ đã giao phó. Dù là trung tín “trong-việc-rất-nhỏ”.
Khi đã làm-tôi-hai-chủ; cũng không chắc lắm họ sẽ “ghét chủ này và yêu chủ kia”. Chín mươi chin phần trăm họ sẽ “phung phí của cải” của cả hai ông chủ của mình.
Khi Đức Giêsu nói : “Nếu anh em không trung tín trong việc sự dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ?”. Và rằng : “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em” (Lc 16,11-12).
Vâng, hai câu nói trên không chỉ “cảnh tỉnh” cho mọi người chớ- có-dại-làm-tôi-hai-chủ mà còn cho mọi người thấy rằng “nằm mơ” cũng không thấy Đức Giêsu tán đồng cho phép dùng dụ ngôn “người quản gia bất lương” này như một mẫu gương; hay Ngài cho phép người môn đệ làm điều bất chính, gian lận.
Điều Đức Giêsu muốn dạy dỗ chính là “lòng trung tín” của người môn đệ. Và một khi đã lựa chọn theo Chúa thì đừng vấn vương những gì thuộc trần thế.
Vâng, hãy nhớ lời Đức Giêsu đã nói : “ Của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó."(Mt 6,21).
Một phút suy tư…
Là một Kitô hữu; chúng ta hiểu thế nào là “làm-tôi-hai-chủ ???”.
Mới hôm nao : “Quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”… Rồi hôm nay, kẻ chán “cơm”… người thèm “phở”… Để rồi “tay đan tay nhịp bước (ra-tòa) đời”… Vâng ! Phải chăng đó chính là hành động làm tôi hai chủ !!!
“Tâm” tôi đã lựa chọn sống đời sống tu trì; độc thân phục vụ; thế mà “hồn” tôi lại muốn đóng trọn vai “Ralph”… phải chăng đó cũng là một hình thức làm-tôi-hai-chủ !!!
Tuyên thệ giữ Mười điều răn Đức Chúa Trời, nhưng vẫn ủng hộ phá thai cách này cách khác; phải chăng đó cũng là một hình thức làm-tôi-hai-chủ !!!
Là một Kitô hữu; chắc chắn Đức Giêsu cũng khuyến cáo chúng ta rằng : “(Đừng) làm tôi hai chủ”… Bởi khi rơi vào trường hợp này ai mà không “gắn bó với chủ này mà khinh dể với chủ nọ” !!!
Một điều chắc chắn rằng – lúc đó – người chủ bị khinh dể chính là “Thiên Chúa”… Và phải chăng “khinh dể Thiên Chúa” chính là chối bỏ Ngài !!!
Hãy nhớ rằng; Tông đồ Phao lô đã nói : “Nếu ta chối bỏ Ngài. Ngài cũng sẽ chối bỏ ta” (2Tm 2,…12).
Petrus.tran
Views: 0