Trong khi người thu thuế chỉ còn biết trông chờ nơi lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa, vì ông không có gì để khoe khoang với Ngài ngoài cuộc sống tội lỗi bất chính của ông. Nhưng chính thái độ tín thác đó khiến cho ông được trở nên công chính.
THIÊN CHÚA THỰC HIỆN SỰ CÔNG CHÍNH CỨU ĐỘ QUA ĐỨC TIN
Để chứng minh cho thấy con người chỉ được ơn cứu độ nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, trong ba chương đầu thư gửi giáo đoàn Roma (1,18-3,20), thánh Phaolô đã trưng dẫn mọi lý cớ lên án dân ngoại cũng như người Do thái. Và thánh nhân đã đưa ra khẳng định thê thảm sau đây: ”Tất cả, Do thái cũng như dân ngoại đều sống dưới ách thống trị của Tội Lỗi” (3,9). Như thế nhân loại bị hư mất này có còn được cơ may cứu thoát nữa hay không? Không còn cơ may nào, nếu chúng ta chỉ nhìn tới các tài lực riêng tư của nó. Tuy nhiên, thánh Phaolô tin vào sự can thiệp nhiệm mầu của Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô, là Đấng có thể lật ngược tình trạng sống tuyệt vọng của con người. Đây là điều thánh nhân khẳng định trong chương 3,21-31: ”Nhưng giờ đây sự công chính của Thiên Chúa đã được tỏ hiện”. Quyền năng cứu độ của Thiên Chúa chống lại quyền năng nô lệ hóa của Tội Lỗi. Thánh Phaolô đặc biệt nhấn mạnh rằng đây không phải là một biến cố sẽ xảy ra trong tương lai mà con người cần phải kiên nhẫn chờ đợi, mà là điều đã xảy ra ngay từ bây giờ. Thật thế, quyền năng cứu độ của Thiên Chúa Cha đã thể hiện tỏ tường trong lịch sử, nơi chính Con Người của Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh (3,24-25; x. 4,25). Chỉ cần tin vào Chúa Kitô là con người được ơn cứu rỗi (x. cc.22.26-28.30) và cuộc đời của kẻ tin đích thực sẽ được biến đổi tận gốc rễ. Con người sẽ được giải thoát khỏi ách thống trị của Tội Lỗi, Sự Dữ và Cái Chết, nghĩa là được hưởng ơn cứu độ (c.24) và sẽ sống như bạn hữu trung thành của Thiên Chúa và của tha nhân theo cái luận lý của tình liên đới đặc thù của giao ước, nghĩa là sống như ”người công chính” (c.26).
Đoạn cuối cùng này của chương 3 chia làm hai phần. Phần một trình bầy luận án của thánh Phaolô liên quan tới sự công chính hóa nhờ đức tin vào Chúa Kitô (cc.21-26). Phần hai rút tỉa ra các kết luận của luận án. Thứ nhất, thánh Phaolô loại trừ mọi thái độ tự mãn của con người và mọi chủ trương hạn chế hoạt động cứu độ của Thiên Chúa vào một nhóm người hay một dân tộc riêng biệt (cc.27-30). Thứ hai, thánh nhân khẳng định vai trò cá nhân của luật lệ trong đời sống của các tín hữu (c.31). Mỗi người phải nỗ lực sống đức tin của mình bằng cách thực thi luật Chúa một cách trung thực mà không được ỷ lại vào bất cứ sự kiện nào khác. Thật ra, thánh nhân lấy lại đề tài ”sự công chính” đã được báo trước trong chương 1,17. Đây chỉ là một trong các văn bản khai triển và xác định chi tiết hơn đề tài ”công chính hóa nhờ đức tin”. Chúng ta có thể nhận ra điều này một cách rõ ràng khi so sánh với giáo lý của Do thái giáo.
Do thái giáo thời sau này đã giản lược và biến Lề Luật của Thiên Chúa trở thành tiêu chuẩn tuyệt đối có giá trị tự tại, nghĩa là tách rời liên hệ cơ cấu nguyên thủy của nó với lịch sử và với khế ước của Thiên Chúa. Nói cách khác Do thái giáo sau này đã trừu tượng hóa Luật Lệ của Thiên Chúa. Vì vậy nó thay thế thái độ sống theo thánh ý của Thiên Chúa bằng việc tuân giữ các điều luật cấm kị một cách chi li, tỉ mỉ, đến máy móc, nô lệ, theo sát từng chữ, mà không hiểu tinh thần luật nữa. Liên hệ sống động thân tình với Thiên Chúa là đồng minh của con người nhường chỗ cho sự đối chọi trực tiếp của con người với điều luật. Nói cách khác, Do thái giáo sau này đã biến phương tiện trở thánh cứu cánh. Đây là hình thức tha hóa rất thường xảy ra trong mọi tôn giáo. Từ đó Do thái giáo sau này cũng đề cao ý niệm tha hóa về công phúc và phần thưởng (misthós). Trong ngày sau hết, Thiên Chúa phải thưởng công cho các tín hữu đạo đức theo các việc lành phúc đức họ đã làm được nhờ tuân giữ Luật Lệ. Như thế Luật Lệ được coi như suối nguồn trao ban ơn cứu độ. Điển hình là văn bản sau đây trích từ tác phẩm mạo thư Baruc tiếng Siriac: ”Nhưng những kẻ đã được cứu rỗi do các công việc làm, những kẻ mà luật lệ dưới thế này là lòng hy vọng, sự thông biết, đợi chờ, khôn ngoan, tin tưởng sẽ như các kỳ công trong những ngày ấy. Thật thế, họ sẽ được trông thấy thế giới bị ẩn dấu với họ trên trần gian này” (J. Bonsirven, La Bibbia apocrifa, Milano 1962,263).
Tuy nhiên, khi đưa ra quan niệm thoái hóa ấy về luật lệ và tương quan của tín hữu với Thiên Chúa, Do thái giáo thời sau này đã dọn đường cho thái độ sống tự mãn kiêu căng của con người đối với số phận tương lai của mình. Qua đó tín hữu tin rằng chỉ cần chăm chú tuân giữ lề luật là sẽ tự động được ơn cứu rỗi trong ngày sau hết. Sự công chính hóa, hay được ơn cứu rỗi dựa trên ”các việc làm của Lề Luật”, như luận án đặc thù của Do thái giáo rabbi, trên thực tế là một quan niệm nhân chủng học chính xác nhằm đặt con người trên bệ cao của kẻ chuyên chế tôn giáo, tự mình định đoạt cho ơn cứu rỗi của mình, mà không cần biết đến ơn thánh của Thiên Chúa. Quan niệm này đặt trọng tâm vào sự công chính của Thiên Chúa là Đấng tưởng thưởng người ngay lành thánh thiện, nghĩa là những người tuân giữ lề luật tỉ mỉ, và đánh phạt kẻ gian ác nghĩa là những người không tuân giữ luật lệ. Đồng thời nó làm phát sinh ra khuynh hướng phân biệt kỳ thị giữa người Do thái hiểu biết lề luật, và dân ngoại không biết tới luật lệ của Thiên Chúa, do đó phải hư mất mà không được cứu rỗi.
Quan niệm đó được thánh Phaolô diễn tả trong chương 2,15 thư gửi giáo đoàn Galát khi lập lại lời người Do thái nói: ”Chúng tôi sinh ra là người Do thái, chứ đâu có phải là những kẻ tội lỗi như dân ngoại”. Ở đây thánh Phaolô trình bầy nền thần học về sự công chính hóa như là một giải pháp khác với giáo thuyết Do thái. Một cách cụ thể, thánh nhân nại vào sự công chính cứu độ của Thiên Chúa và coi đức tin như phương thế duy nhất giúp con người đạt ơn cứu độ, nghĩa là thoát khỏi ách thống trị của Tội Lỗi và số phận phải chết đời đời. Trên thực tế thánh nhân loại bỏ hình ảnh Thiên Chúa đánh thuế cuộc sống con người như trình bầy trong Do thái giáo rabbi, và vén mở cho thấy gương mặt hiền phụ đích thật của Thiên Chúa, là Đấng hoạt động và can thiệp vào lịch sử vì yêu thương nhân loại tội lỗi. Đàng khác, khi đặt tín hữu lên hàng đầu, thánh Phaolô định nghĩa họ như là bản vị hiện thực chính mình bằng cách từ chối quyền năng ảo tưởng có thể tự cứu rỗi mình, và tín thác mở rộng tâm trí đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban. Nghĩa là thánh nhân khẳng định rằng ơn cứu rỗi không phát xuất từ luật vay trả, kiểu ”tiền trao cháo múc”, mà phát xuất từ cái luận lý của ơn thánh Thiên Chúa ban nhưng không cho con người. Như thế thánh Phaolô cũng đạp đổ mọi hàng rào phân rẽ kỳ thị giữa lớp người có đặc quyền đặc lợi là tín hữu Do thái và những người tàn tật tinh thần là dân ngoại. Trước sáng kiến cứu độ phi thường, nhưng không của Thiên Chúa người Do thái và dân ngoại đều như nhau: cả hai đều cần ơn cứu rỗi do Thiên Chúa cống hiến như món quà tuyệt diệu và đều được kêu mời tin vào Chúa Giêsu Kitô để nhận được món qùa đó.
Ở đây cũng phải ghi nhận sự kiện này: đó là Do thái giáo vào thời thánh Phaolô có rất nhiều lập trường giáo lý khác nhau. Giáo lý như trình bầy trên đây là giáo lý của nền thần học Do thái rabbi. Trái lại trong giáo phái Essenien Qumrân không thấy có ý niệm công nghiệp thưởng phạt, cũng không thấy có giáo lý về sự công chính hóa nhờ các ”công việc của lề luật”. Các tác phẩm của nền văn chương khải huyền cũng nhấn mạnh trên sự tin tưởng nơi ơn thánh và lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa. Như thế, thần học của thánh Phaolô trái ngược với thần học rabbi của Do thái giáo thời đó. Do đó phải nói ngay rằng thần học về sự công chính hóa của thánh Phaolô rất độc đáo. Thật ra chính lòng tin vào Chúa Kitô là Đấng cứu độ duy nhất và vĩnh viễn đã cho phép thánh Phaolô lột mặt nạ tính chất máy móc đồi trụy, theo đó tín hữu đạo đức biến lề luật của Thiên Chúa trở thành dụng cụ phục vụ thái độ sống kiêu căng tự mãn của mình. Trong nghĩa này thánh Phaolô lập lại giáo huấn của Chúa Giêsu.
Trong dụ ngôn người thu thuế và người biệt phái cầu nguyện trong đền thờ Chúa Giêsu tố cáo thái độ tự mãn của người biệt phái khoe khoang công nghiệp, khoe khoang các việc làm và việc tuân giữ lề luật tỉ mỉ của mình trước mặt Thiên Chúa và xét đoán khinh bỉ người khác. Dụ ngôn được thánh Luca ghi lại trong chương 18,10-14 kể lại rằng: ”Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm biệt phái, còn người kia làm nghề thu thuế. Người biệt phái đứng cầu nguyện rằng: ”Lậy Chúa, tôi tạ ơn Chúa vì tôi không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như thằng thu thuế kia. Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, tôi trả thuế thập phân mọi sự tôi có”. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, không dám ngước mắt lên trời, nhưng đấm ngực nói rằng: ”Lậy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi”. Tôi nói cho các ông biết: ”Người này khi xuống đền thờ mà trở về nhà, đã được trở nên công chính, còn người kia thì không. Bởi vì ai tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Qua dụ ngôn trên đây Chúa Giêsu cho thấy ơn cứu độ không tùy thuộc nơi việc tuân giữ luật lệ một cách tỉ mỉ, mà tùy thuộc thái độ tín thác nơi lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa. Người biệt phái tin chắc mình được cứu rỗi vì đã chu toàn mọi luật lệ. Do đó Thiên Chúa bắt buộc tự động phải tưởng thưởng ơn cứu rỗi cho ông. Ông không chờ đợi gì nơi Thiên Chúa và cũng không cần xin Ngài điều gì cả. Trong khi người thu thuế chỉ còn biết trông chờ nơi lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa, vì ông không có gì để khoe khoang với Ngài ngoài cuộc sống tội lỗi bất chính của ông. Nhưng chính thái độ tín thác đó khiến cho ông được trở nên công chính.
Linh-Tiến-Khải
Views: 0